CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO
1.2. Giao kết hợp đồng mang thai hộ
1.2.4. Kết quả của việc giao kết hợp đồng mang thai hộ
Giao kết hợp đồng là việc các bên liên quan bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình qua đó để xác lập hợp đồng dân sự với nội dung, hình thức phù hợp với ý
chí của các bên.
Giao kết hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là khoảng thời gian để các bên trong quan hệ pháp luật mang thai hộ đưa ra những đề nghị, cùng nhau thỏa thuận và chấp nhận các điều khoản có trong hợp đồng mang thai hộ.
Thời gian giao kết hợp đồng là khoảng thời gian quan trọng để các bên tìm hiểu các quy định của pháp luật, để xem bản thân người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có phải là đối tượng được pháp luật cho phép mang thai hộ hay không? Đây cũng là thời gian để hai bên bàn thảo, cân nhắc và đi đến quyết định có nên đi đến thực hiện quan hệ mang thai hộ hay không. Bởi ai cũng biết, mang thai hộ là quá trình dễ phát sinh những rủi ro cho sức khỏe của thai phụ, cũng như đây là một quá trình tốn kém nhiều chi phí mà không phải lúc nào cũng đạt
kết quả như mong đợi. Chính vì thế, trước khi đi đến kết luận có nên thực hiện việc mang thai hộ hay không thì cần thiết phải có những thỏa thuận kỹ càng từ
cả hai phía.
Kết quả của việc giao kết hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thể xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, hợp đồng không được xác lập do một trong hai bên, hoặc cả hai bên không đáp ứng được những điều là chủ thể của quan hệ pháp luật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định. Hoặc hợp đồng không thể xác lập do một trong hai bên, hoặc cả hai bên không đồng ý với đề nghị giao kết hợp đồng. Đây là trường hợp tương đối dễ thấy bởi lẽ, theo quy định của pháp luật nước ta, điều kiện để trở thành chủ thể của quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là không hề dễ dàng. Chưa nói đến những điều kiện bản thân của người nhờ mang thai hộ, mà những điều kiện về chủ thể của người mang thai hộ
cũng là rất khó để đáp ứng khi mà giới hạn của điều kiện này là người thân thích, ruột thịt là khá hạn hữu. Hơn thế nữa, sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi con người mà mỗi lần sinh nở đối với phụ nữ là mỗi lần sức khỏe của họ suy sụp rất lớn. Không phải chị em ruột thịt nào cũng có thể bỏ sức khỏe, thời gian, tâm sức để mang thai hộ người khác. Hơn thế nữa, người phụ nữ đó lại còn phải đã có chồng và đã từng sinh con. Áp lực tâm lý từ phía chồng và gia đình chồng cũng là rào cản không nhỏ để họ quyết định không mang thai hộ được cho người khác. Chính vì thế, có rất nhiều lý do dẫn đến việc không dễ dàng xác lập một hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cho nên, việc không thể giao kết được hợp đồng mang thai hộ là một điều dễ thấy.
Tuy nhiên, còn một trường hợp nữa khi hai bên đã hiểu rất rõ về nhau, thấu hiểu được mong muốn có một đứa con ruột thịt của người nhờ mang thai hộ. Nên bên mang thai hộ đồng ý với lời đề nghị của bên nhờ mang thai hộ.
Thiết lập một hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có đầy đủ ý chí của các bên thông qua sự thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong
hợp đồng. Và kết quả là một hợp đồng mang thai hộ hoàn chỉnh ra đời dựa trên cơ sở quan trọng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên.
1.3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Do hợp bản chất của hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một hợp đồng dân sự nên điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 cũng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mang thai hộ, đó là: “Người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự. Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Người tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện. Hình thức của hợp đồng phải phù hợp với các quy định của pháp luật”. Dựa vào các quy định của pháp luật về hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thể hiểu điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mang thai hộ như sau.
Người tham gia hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là người có năng lực hành vi dân sự. Mà theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Phải là người thành niên từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật dân sự 2015. Đó là trừ các trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người hạn chế năng lực hành vi dân sự; Bên cạnh đó, người tham gia vào hợp đồng mang thai hộ còn phải đáp ứng được những điều kiện về chủ thể mà Luật HNGĐ quy định tại Điều 65, và các quy định về chủ thể được pháp luật quy định tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.
Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Điểm đặc biệt trong điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mang thai hộ là việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo. Pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Thậm chí những
vi phạm về hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại còn có thể bị xử lý về hình sự. Quy định cụ thể tại Bộ luật hình sự 2015 đã quy định việc xử lý hình sự đối với hành vi này. Theo quy định tại khoản 1 điều 187 Bộ luật hình sự: người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ
3 tháng đến 2 năm. Bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm khi thuộc một trong các trường hợp: đối với 2 người trở lên, phạm tội 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ
1 năm đến 5 năm”. Nếu vi phạm điều kiện này, thì hợp đồng mang thai hộ cũng không có hiệu lực.
Người tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện. Với bản chất là một hợp đồng dân sự, nên yếu tố tự nguyện là yếu tố quan trọng trong việc giao kết hợp đồng. Tự nguyện cũng như là yếu tố đảm bảo cho điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong thỏa thuận mang thai hộ vì mực đích nhân đạo, các bên tham gia hợp đồng ngoài việc tự nguyện còn phải thực sự thiện chí tham gia, bởi mang thai hộ là một quá trình vất vả về thể chất, áp lực về tâm lý cũng như tốn kém không ít các chi phí, cho nên, một khi đã tham gia, các bên cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng, chắc chắn và hoàn toàn tự nguyện.
Hình thức của hợp đồng phải phù hợp với các quy định của pháp luật.
Như đã lý giải ở phần trên, hợp đồng mang thai hộ là một hợp đồng trọng hình thức. Hợp đồng mang thai hộ phải công chứng, chứng thực theo quy định tại Khoản 2, Điều 96 Luật HNGĐ 2014. Trong hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau nhưng việc ủy quyền với bên thứ ba không có giá trị pháp lý. Quy định chặt chẽ về hình thức của hợp đồng mang thai hộ cũng là một quy định hợp lý để bảo vệ các bên trong quan hệ pháp luật nhạy cảm này.
1.4. Vô hiệu hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Hợp đồng mang thai hộ về bản chất là hợp đồng dân sự. Vì vậy, những nguyên nhân khiến cho hợp đồng dân sự vô hiệu cũng là nguyên nhân vô hiệu của hợp đồng mang thai hộ.
Hợp đồng vô hiệu chia thành 2 loại: vô hiệu toàn phần và vô hiệu một phần.
Trường hợp vô hiệu toàn phần khi:
Giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục thương mại bởi lẽ điều đó ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội khi biến người phụ nữ trở thành cái máy phục vụ cho việc “đẻ thuê” và biến đứa trẻ trở thành món hàng trong mua bán. Cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi tiếp tay cho hoạt động “buôn người” trá hình. Chính vì thế, nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại là một điều đúng đắn và đồng nghĩa với việc tất cả những hợp đồng mang thai hộ vì mục đích thương mại đều bị tuyên vô hiệu.
Giao dịch vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
Trong mang thai hộ, người chưa thành niên cũng không được phép là chủ thể trong quan hệ mang thai hộ bởi yêu cầu người mang thai hộ phải đáp ứng được điều kiện là người phụ nữ đang nằm trong độ tuổi sinh sản theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa. Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ trong quá trình mang thai đồng thời đảm bảo an toàn cho đứa trẻ được sinh ra nhờ người mẹ mang thai hộ. Các trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng thì hợp đồng mang thai hộ họ ký kết cũng bị tuyên vô hiệu khi có yêu cầu.
Giao dịch vô hiệu do giả tạo; do bị lừa dối, đe dọa.
Lừa dối trong giao dịch mang thai hộ là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch mang thai hộ là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Khi một bên tham gia quan hệ pháp luật mang thai hộ do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Giao dịch vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập quan hệ mang thai hộ
vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có
quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu.
Nếu hợp đồng mang thai hộ được xác lập mà thuộc vào các trường hợp trên thì hợp đồng đó đương nhiên vô hiệu và nếu có yêu cầu của bất cứ người nào thì hợp đồng sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Khi một hợp đồng vô hiệu, người ta xem nó như chưa bao giờ tồn tại, có nghĩa là hiệu lực của nó bị coi như không có cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai [4, tr353]. Đối với những hợp đồng vô hiệu toàn bộ dẫn tới hiệu quả là hủy bỏ toàn bộ hợp đồng, hai bên trao trả cho nhau những gì đã nhận, phục hồi lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp phát sinh thiệt hại, bên có lỗi phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Trường hợp hợp đồng mang thai hộ vô hiệu một phần khi:
Hợp đồng mang thai hộ vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
Trường hợp hợp đồng mang thai hộ sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng mang thai hộ được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập hợp đồng vẫn đạt được.
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
Hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Có thể thấy rằng, đối với các hợp đồng kinh tế bình thường, việc giải quyết hậu quả khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu đã là một vấn đề khó thì đối với hợp đồng mang thai hộ, điều đó còn khó khăn gấp nhiều lần. Bởi lẽ, trong quan hệ mang thai hộ, tiền hay vật chất không phải là yếu tố quyết định đến mục đích của đôi bên, chính vì thế khi có yếu tố khiến cho hợp đồng vô hiệu thì các bên cũng rất khó trong việc khôi phụ hiện trạng ban đầu bởi ngoài những thiệt hại về vật chất thì những mất mát về tinh thần cũng là điều không dễ gì bù đắp. Giả sử trong trường hợp, một người bị ép ký kết và thực hiện một hợp đồng mang thai hộ. Khi đã thực hiện xong hợp đồng, sinh ra đứa trẻ thì việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu giữa hai bên sẽ giải quyết như thế nào? Hai bên thực hiện việc trao trả
cho nhau những gì đã nhận ra sao? Đứa trẻ sẽ giao cho bên nào nuôi dưỡng khi nó đã được sinh ra trên cuộc đời. Và còn rất nhiều những khó khăn khác khi xử lý hợp đồng mang thai hộ vô hiệu, dù là vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần.
1.5. Thực hiện hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Thực hiện hợp đồng mang thai hộ là những hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ mang thai hộ nhằm làm cho các điều khoản, nội dung đã cam kết trong hợp đồng trở thành hiện thực.
1.5.1. Nguyên tắc cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng
Việc thực hiện hợp đồng phải diễn ra với tinh thần trung thực, hợp tác và cùng có lợi, bảo đảm sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.
Đối với quan hệ pháp luật mang thai hộ thì tinh thần nhân đạo luôn là mục đích xuyên suốt cả quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Thực hiện đúng các điều khoản, nội dung của hợp đồng mà các bên cam kết về đối tượng, thời hạn thực hiện hợp đồng; thời hạn và phương thức hỗ trợ quá trình mang thai và sinh con cùng các thỏa thuận khác;
Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng, mà pháp luật quy định việc thực hiện hợp đồng.
1.5.2. Nội dung của việc thực hiện hợp đồng mang thai hộ
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ được pháp luật quy định rõ trong Điều 97, Điều 98 của luật Hôn nhân và Gia đình 2014
Khi thực hiện hợp đồng mang thai hộ, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác mà nội dung của hợp đồng đã xác định. Ngoài ra,