Một trong những chức năng cơ bản của gia đình, đó chính là chức năng tái sản xuất ra con người. F. Engel, nhà duy vật lịch sử vĩ đại của nhân loại cũng thừa nhận: “Nhân tố quyết định trong lịch sử suy cho cùng là... sự tái sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống” [18]. Chức năng sinh sản của gia đình là một giá trị trường tồn. Do đó việc nhà nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính là tạo cơ hộ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hộ có được đứa con cùng huyết thống của mình, đáp ứng mong mỏi duy trì nòi giống, vừa đảm bảo hạnh phúc gia đình, vừa duy trì sự phát triển bền vững của xã hội.
Có thể nói, bên cạnh những quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc công bố biểu mẫu về thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ban hành kèm theo nghị định 10/2015/NĐ-CP là một điều vô cùng thiết thực. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ các bên trong quan hệ mang thai hộ, cũng như là căn cứ để tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có trong thỏa thuận. Sau 03 năm ban hành, thỏa thuận mang thai hộ đã góp phần không nhỏ trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như đảm bảo tính pháp lý cũng như giúp các bên hợp pháp hóa được các thỏa thuận của mình tránh những đáng tiếc giữa đôi bên. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng cũng không tránh khỏi những bất cập, thiếu sót mà tác giả có nêu lên ở phần trên. Chính vì thế, để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, cá nhân tác giả xin đề xuất những kiến nghị sau:
3.1. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về mặt hình thức của hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Thứ nhất, đổi tên “thoả thuận mang thai hộ” thành “hợp đồng mang thai hộ”.
Việc đổi tên “thoả thuận mang thai hộ” thành “hợp đồng mang thai hộ”
nhằm pháp lý hóa tối đa quan hệ pháp luật về mang thai hộ. Như đã phân tích ở
phần bất cập, việc để tên là “thỏa thuận” tuy không ảnh hưởng đến phần nội dung của quan hệ mang thai hộ nhưng lại gây nên tính bất thống nhất khi giải quyết thỏa thuận mang thai hộ theo hướng một hợp đồng dân sự. Khi hầu hết những văn bản mang tính pháp lý để giải quyết tranh chấp đều sử dụng thuật ngữ hợp đồng như: “giải quyết tranh chấp ngoài hợp đồng, bồi thường hợp đồng.... v.v, Luật dân sự còn có hẳn một chế định về hợp đồng nhằm định nghĩa, giải thích và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự. Chính vì vậy, ngoài việc là một trong những vấn đề thuộc phạm trù giải quyết của luật hôn nhân gia đình, thì thỏa thuận mang thai hộ cũng mang đầy đủ các yếu tố của một hợp đồng dân sự bao gồm các quyền và nghĩa vụ, các thỏa thuận về giải quyết hậu quả sau sinh, các thỏa thuận về trách nhiệm dân sự khi đôi bên vi phạm cam kết... Vậy nên, theo ý kiến tác giả cần thiết thay đổi tên gọi thành hợp đồng để tạo nên tính thống nhất trong các văn bản pháp luật.
Thứ hai, có quy định mở về những hợp đồng mang thai hộ khác nếu hợp pháp vẫn được điều chỉnh bởi pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Hiện tại, như chúng ta đã thấy, nghị định số 10/2015/NĐ-CP ban hành, ngoài việc quy định về các điều khoản hướng dẫn việc áp dụng thi hành các điều khoản về quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thì còn ban hành các biểu mẫu đi kèm liên quan đến vấn đề mang thai hộ trong đó có biểu mẫu số 06 về thỏa thuận mang thai hộ. Về ưu điểm, biểu mẫu thỏa thuận chính là khuôn mẫu pháp lý để các bên áp dụng, đưa những thỏa thuận của mình vào biểu mẫu nhằm pháp lý hóa những thỏa thuận của mình. Tuy nhiên, biểu mẫu cũng mang tính cứng nhắc, rập khuôn. Cần thiết phải mở rộng thêm các hình thức hợp đồng mang thai hộ khác bởi bản chất của các hợp đồng dân sự chính là sự thỏa thuận của đôi bên. Chính vì thế, theo ý kiến tác giả, pháp luật cũng nên có những quy định mở, nhằm tạo điều kiện cho những hợp đồng mang thai hộ ở dạng khác với biểu mẫu, nhưng vẫn giữ được những nội dung chính, bám sát quyền và nghĩa vụ
theo quy định của pháp luật về mang thai hộ, và không trái pháp luật được phép công nhận là hợp pháp. Để những dạng hợp đồng này có giá trị như là biểu mẫu do pháp luật ban hành và đồng thời cũng đóng vai trò là căn cứ giải quyết của tòa án khi có tranh chấp pháp sinh.
3.2. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về mặt nội dung của hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Thứ nhất, có hướng dẫn rõ ràng hơn trong các văn bản hướng dẫn về việc thực hiện các điều khoản tại mục IV và mục V của thỏa thuận mang thai hộ.
Bởi mang thai hộ vốn dĩ là một vấn đề nhạy cảm, nên cần có sự can thiệp sâu hơn của pháp luật chứ không đơn giản là các quyền và nghĩa vụ của các bên để tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có, cũng như việc để các bên tự thỏa thuận dễ dẫn đến sự biến tướng thương mại trong quan hệ mang thai hộ.
Theo ý kiến tác giả, cần thiết phải bổ sung các quy định về cấp dưỡng cho người mang thai hộ, chi phí thăm khám sức khỏe định kỳ, thời giạn giao nhận con... để có một khung pháp lý cụ thể, thuận tiện cho các bên soạn thảo hợp đồng.
Thứ hai, mở rộng đối tượng được tham gia hợp đồng mang thai hộ bằng cách mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo một cách hợp pháp.
Như đã phân tích ở trên, việc pháp luật chỉ cho phép những chị em là người “thân thích cùng hàng” được phép mang thai hộ cho cặp vợ chồng vô sinh, dẫn đến hạn chế quyền được có con của cặp vợ chồng mang thai hộ bởi đối tượng “thân thích cùng hàng” thật sự không nhiều. Nhất là trong thời điểm các chính sách kế hoạch hóa gia đình được đảm bảo, gia đình nào cũng chỉ có từ một đến hai con, mà cán cân giới tính lại có tỉ lệ nam nhiều hơn trong mỗi gia đình thì việc nhờ mang thai hộ là khá khó khăn dẫn đến nhiều cặp vợ chồng đành tìm người mang thai hộ “chui” dẫu biết là bất hợp pháp. Vậy nên, mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ cũng là mở ra nhiều cơ hội hơn cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Đồng thời đảm bảo tinh pháp lý cho những hợp
đồng mang thai hộ mà đối tượng không phải chỉ là những chị em “thân thích cùng hàng”.
Thứ ba, thay đổi quy định về việc “người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng”.
Có nhiều trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng nhưng chồng của họ lại mắc các chứng bệnh về tâm thần, hạn chế trong khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, các chứng bệnh khác như bại liệt... Đối với những trường hợp này nên có quy định mở rộng về việc nếu thuộc các trường hợp nêu trêu, người phụ nữ có thể tự mình quyết định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hộ người khác. Đồng thời, được phép bỏ trống mục chữ ký của người chồng trong hợp đồng mang thai hộ trong trường hợp người chồng không có khả năng ký vào văn bản do hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hoặc các trường hợp khác tương tự. Đây là việc nhà làm luật nên dự liệu trước để tránh tình trạng lúng túng trong quá trình thực hiện gặp phải những trường hợp tương tự trên thực tế.
Thứ tư, có quy định đưa ra phương hướng giải quyết đối với hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bị tuyên vô hiệu.
Như chúng ta đã biết, tuy là một dạng hợp đồng dân sự đặc biệt nhưng hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vẫn có thể bị tuyên vô hiệu như những hợp đồng dân sự bình thường khác khi không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự. Trong trường hợp hợp đồng mang thai hộ bị tuyên vô hiệu thì hậu quả pháp lý của hợp đồng mang thai hộ
cũng như các hợp đồng khác, xảy ra các trường hợp sau: Hợp đồng có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ bị vô hiệu một phần. Hợp đồng vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng. Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.
Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không
phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng mang thai hộ thì không thể xử lý dễ dàng như vậy bởi đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi một hợp đồng mang thai hộ bị tuyên vô hiệu ngoài hai bên chủ thể còn có đứa trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ. Lúc này, việc trao trả cho nhau những gì đã nhận là điều bất hợp lý. Vậy, trong trường hợp này cần phải xử lý như thế nào? Pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này để có phương hướng giải quyết cụ thể trong trường hợp hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bị tuyên vô hiệu.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền pháp luật về mang thai hộ nói chung và sự cần thiết phải thiết lập một hợp đồng mang thai hộ hợp pháp nói riêng.
Hầu hết các quan hệ mang thai hộ ngoài thực tế đều không coi trọng việc xác lập hợp đồng bởi những lý do chủ quan khác nhau. Có thể là do sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên chủ thể trong quan hệ hợp pháp, cũng có thể là lòng tin của họ với bên môi giới trong quan hệ mang thai hộ bất hợp pháp, chính vì thế, mới xảy ra trường hợp họ ký hợp đồng với bên môi giới chứ không phải bên trực tiếp mang thai hộ cho mình. Điều này vô hình chung làm cho bản hợp đồng đó trở nên vô giá trị khi vi phạm điều cấm của pháp luật vì xác lập và thực hiện hợp đồng mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vì sao có sự bất cẩn này? một phần là do họ ngại thực hiện các thủ tục hành chính phần khác là do sự thiếu hiểu biết của họ dẫn đến việc xác lập những hợp đồng mang thai hộ trái pháp luật. Chính vì thế, nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật sẽ giúp người dân hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng theo những quy định trên, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
KẾT LUẬN
Có thể nói rằng, pháp luật về mang thai hộ ở Việt Nam nói chung hay các vấn đề liên quan đến nó trong đó có “hợp đồng mang thai hộ” ở Việt Nam nói riêng từ khi ra đời đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận cũng như giới y học. Việc ban hành pháp luật về một vấn đề mới cũng như là một vấn đề đang mang nhiều tranh cãi từ các quốc gia trên thế giới dẫn đến việc không thể tránh khỏi những sai sót và hạn chế. Từ những hạn chế bất cập đó cũng dẫn đến quá trình thực thi pháp luật về vấn đề này gặp không ít khó khăn. Vậy nên, để giải quyết được đòi hỏi cần có những quy định đầy đủ, chặt chẽ từ các cơ quan lập pháp và nhất là các quy định liên quan đến hợp đồng mang thai hộ. Bởi lẽ, quan hệ pháp luật về mang thai hộ là một quan hệ nhạy cảm và phức tạp, đó không chỉ là một quan hệ pháp luật dân sự trao đổi đơn thuần, đó là một quan hệ dân sự đặc biệt khi mà lần đầu tiên con người được xem là đối tượng của một hợp đồng dân sự. Vậy nên, quy định thế nào để tạo nên một hợp đồng chặt chẽ, vừa đảm bảo cho các bên đạt được những lợi ích mang tính nhân văn to lớn của mình, vừa đảm bảo cho đối tượng là đứa trẻ của hợp đồng này được ra đời trong sự bảo vệ tối đa của pháp luật còn là một câu hỏi khó cần đáp án thỏa đáng từ cơ quan lập pháp.
Trong luận văn thạc sĩ của mình, tại chương 1 của luận văn, tác giả đã khái quát chung về mang thai hộ và hợp đồng mang thai hộ. Tác giả nêu ra những định nghĩa mang tính chất pháp lý về mang thai hộ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả tập trung vào việc giới thiệu về hợp đồng mang thai hộ và các nguyên tắc, đặc điểm, ý nghĩa ... và các yếu tố tạo nên một hợp đồng mang thai hộ nhằm mục đích giúp người đọc có cái nhìn khái quát về hợp đồng mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay hiện nay.
Ở chương 2, tác giả đưa ra thực trạng về tình hình vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam, thành tựu và hạn chế kể từ khi thể chế hóa mang thai hộ vào pháp luật. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu những ưu điểm, nhược điểm của hợp đồng mang thai hộ hiện nay và đánh giá tầm quan trọng của hợp đồng mang thai hộ
trong việc xác lập các quan hệ mang thai hộ. Đưa ra một số tình huống về tình hình xác lập hợp đồng mang thai hộ ngoài thực tế đời sống.
Cuối cùng, ở chương 3, dựa vào những hạn chế trong lý luận và thực tiễn về các quy định của pháp luật về hợp đồng mang thai hộ tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Trong quá trình viết luận văn, tác giả đã sử dụng một số công trình nghiên cứu là luận văn thạc sĩ của các tác giả khác, cũng như các bài viết đăng trên báo và tạp chí liên quan đến pháp luật làm tài liệu tham khảo của mình.
Do còn nhiều hạn chế về kiến thức cũng như kỹ năng viết nên công trình nghiên cứu khoa học “Hợp đồng mang thai hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam” sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Tác giả rất mong nhận được sự đánh giá khách quan từ các chuyên gia cũng như sự góp ý chân thành từ
độc giả để hoàn thiện hơn vấn đề này./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO I. TIẾNG VIỆT
1. Chính phủ (2015), Biểu mẫu 06, Thỏa thuận mang thai hộ ban hành kèm theo Nghị định số 10/2015/NĐ – CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 10/2015/NĐ – CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
3. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội.
4. Đại Học Luật Hà Nội (2012) Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập I, NXB Công an nhân dân, Tr.64.
5. Đại học Luật Hà Nội (2014), “Mang thai hộ, sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật ở Việt Nam”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.
6. Đại học Kiểm sát Hà Nội(2014), “vấn đề mang thai hộ theo quy định của pháp luật hiện hành”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, trang 15-20;
37-39.
7. Văn Đức (2018), “Giật mình trước con số biến chứng khi sinh mà sản phụ đối mặt”; http://dantri.com.vn/suc-khoe/ti-le-vo-sinh-o-viet-nam-dang- vao-muc-canh-bao-20180405120937326.htm
8. GS.TS. Christa Randzio – Plath, (2016) “Vấn đề mang thai hộ ở Đức – các quy định và luận cứ”, Tài liệu tọa đàm “ Pháp luật Việt Nam và Liên Minh Châu Âu về hiến, lấy, ghép mô, xác, các bộ phận cơ thể người và mang thai hộ”,Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.1.
9. Bùi Quỳnh Hoa (2014), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mang thai hộ”, trang 37; 51; 55 – 60, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
10. Quốc Hội (2015), Bộ luật Dân sự, NXB Chính trị Quốc Gia – Sự thật, Hà Nội 2016.