Khái niệm dịch vụ ngân hàng điện tử

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 34 - 37)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ ĐẾN KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

2.1. Tổng quan về dịch vụ ngân hàng điện tử

2.1.1. Khái niệm dịch vụ ngân hàng điện tử

Có thể nói nguồn gốc của dịch vụ ngân hàng điện tử chính là thương mại điện tử. Dịch vụ NHĐT vừa là hạ tầng thanh toán trực tuyến cho TMĐT và cũng chính là một sản phẩm của TMĐT, một dịch vụ tài chính điện tử. Từ định nghĩa TMĐT là về việc trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm và dịch vụ thông qua các mạng máy tính như Internet và trao đổi dữ liệu điện tử EDI, thì dịch vụ NHĐT được hiểu là cung cấp thông tin, dịch vụ ngân hàng truyền thống và hiện đại thông qua các phương tiện điện tử và mạng Internet.

Theo Cẩm nang Comptroller, “Electronic banking - Dịch vụ ngân hàng điện tử” cho phép khách hàng của ngân hàng truy cập vào tài khoản và thông tin chung về các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua hệ thống Internet. Bên cạnh các kênh hiện có như ATM, PC bank, Home bank, việc áp dụng dịch vụ NHĐT còn bổ sung một kênh phân phối khác và hình thành mô hình đa kênh được thấy rộng rãi trong ngành ngân hàng hiện nay. Dịch vụ NHĐT có tiềm năng lớn như một phương thức giao hàng thuận tiện và hiệu quả chưa được cung cấp trước đây bởi các ngân hàng.

Thuật ngữ “Dịch vụ ngân hàng điện tử” hay “Ngân hàng điện tử” phức tạp về mặt kỹ thuật và khó khăn để định nghĩa vì có thể được hiểu khác nhau bởi các hướng tiếp cận khác nhau, với mục đích sử dụng khác nhau (Oyewole và cộng sự, 2013). IMF (2002) đã định nghĩa: “Dịch vụ ngân hàng điện tử (electronic banking) được hiểu là sử dụng các kênh phân phối điện tử đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng, và là một tập con của tài chính điện tử (electronic finance)”. Tương tự, Allen và cộng sự (2002) định nghĩa dịch vụ NHĐT là phương thức cung cấp dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng phương tiện điện tử; ngày nay các NH bán lẻ đang chuyển

sang phân phối dịch vụ tài chính đa kênh trong nền tảng kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ truyền thống của các ngân hàng thông qua Internet.

Khác với cách định nghĩa trên, Siddik và cộng sự (2016) coi “ngân hàng điện tử” là một hệ thống mà thông qua đó các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp, cá nhân có thể truy cập thông tin và sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số từ mạng tư nhân hoặc công cộng. Ví dụ: sử dụng các thiết bị thông minh như máy tính cá nhân, máy rút tiền tự động (ATM) và trợ lý kỹ thuật số cá nhân (PDA), KH truy cập NHĐT và thực hiện các giao dịch mà không gặp phải hạn chế về không gian và thời gian hơn so với NH dựa trên chi nhánh.

Nghiên cứu của Shah and Clarke (2009) định nghĩa dịch vụ NHĐT đơn giản là việc cung cấp dịch vụ tài chính qua kênh phân phối điện tử (e-channels) của một tổ chức cho KH của mình, có thể là một cá nhân hoặc một doanh nghiệp khác. Dịch vụ tài chính điện tử đầy đủ, tinh vi nhất của các NH hiện nay cung cấp cho KH đó là quyền truy cập tài khoản, khả năng chuyển tiền giữa các tài khoản khác nhau, mở tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, vay vốn, giao dịch ngoại hối, ủy thác, bảo hiểm và các sản phẩm tài chính khác.

Tổng quát lại có thể hiểu: “Dịch vụ ngân hàng điện tử là việc sử dụng các kênh phân phối điện tử để đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới khách hàng”.

Trong đó các kênh phân phối điện tử là hệ thống các phương tiện điện tử tương tác cùng với quy trình tự động hóa được các ngân hàng sử dụng để giao tiếp với KH và cung ứng SP - DV cho KH. Các kênh phân phối điện tử phổ biến có thể kể đến đó là giao dịch qua ATMs, POS, Internet banking, Mobile banking. Khái niệm này sẽ được tác giả sử dụng xuyên suốt trong luận án.

Mối quan hệ giữa ngân hàng điện tử và ngân hàng số

Phát triển hơn nữa của “ngân hàng điện tử” là một mô hình kinh doanh mới hoàn toàn khác với mô hình truyền thống, đó là mô hình ngân hàng không có chi nhánh, hay còn gọi là “ngân hàng số”. Chris (2014) đã mô tả ngân hàng số là một mô hình ngân hàng mà ở đó hoạt động và cơ cấu tổ chức ngân hàng hoàn toàn dựa vào “nguồn lực số”, và “mạng lưới số” là giá trị cốt lõi của ngân hàng.

Đứng ở góc độ các dịch vụ mà ngân hàng số cung cấp, khách hàng được giới thiệu và sử dụng các dịch vụ đều thông qua công nghệ số, không còn tương tác với chi nhánh hay nhân viên ngân hàng. Ngân hàng số (NHS) cho phép tất cả các hoạt động ngân hàng được thực hiện một cách tự động hóa, tiêu chuẩn hóa theo quy trình trên một hệ sinh thái nền tảng số (Gasser, 2017). Có thể thấy thuật ngữ “ngân hàng số” hay “dịch vụ ngân hàng số” có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng cơ bản NHS là việc cung cấp SP - DV ngân hàng trên nền tảng công nghệ số. Các dịch vụ NHS được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống mạng internet, ĐTĐB, máy tính bảng và qua các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử.

Có thể thấy, ngân hàng số có phạm vi rộng hơn và toàn diện hơn so với khái niệm dịch vụ NHĐT và các khái niệm khác như NH trực tuyến, NH Internet...

Các khái niệm này chỉ phản ánh một phần khía cạnh của việc áp dụng số hóa trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là việc ứng dụng công nghệ điện tử, công nghệ “không chạm” vào các dịch vụ sản phẩm ngân hàng như dịch vụ thanh toán, đầu tư, quản lý tài khoản, bảo hiểm, chứng khoán…không đòi hỏi phải tích hợp số hóa đối với toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Đối với mô hình NHS, mô hình quản trị, điều hành và tất cả hoạt động ngân hàng đều được dựa trên nền tảng số, đảm bảo thích ứng với hạ tầng kỷ nguyên số, giúp NH tăng hiệu quả hoạt động, gia tăng sự gắn kết với KH, đồng thời đem lại tiện ích linh hoạt với chi phí hợp lý cho KH cá nhân và doanh nghiệp.

Ngân hàng số có ý nghĩa bao quát hơn ngân hàng điện tử hay ngân hàng trực tuyến, thể hiện một mô hình kinh doanh được số hóa toàn phần, không chỉ ở dịch vụ cung cấp mà cả ở cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng điện tử là một cấu phần quan trọng, là nội dung cơ bản nhất của ngân hàng số, tạo nên bước chuyển để các ngân hàng thay đổi cách thức hoạt động từ ngân hàng chi nhánh sang ngân hàng không chi nhánh. Có thể khẳng định, phát triển dịch vụ NHĐT hướng tới mô hình ngân hàng số là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững

trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số và gắn với nhiệm vụ thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(236 trang)
w