CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM TƯƠNG TÁC TRONG DẠY HỌC MÔN TOÁN LỚP 5
1.1. Phương pháp sư phạm tương tác trong dạy học
1.1.7. Quy trình xây dựng kế hoạch bài dạy sử dụng phương pháp tương tác
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Hồng Minh, quy trình xây dựng kế hoạch bài dạy gồm 4 bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu về người học
Trước khi lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch bài học, giáo viên cần phải tìm hiểu về khả năng, học lực và điều kiện sống,... của đối tượng học sinh mà mình giảng dạy để xác định mục tiêu của từng bài học sao cho phù hợp với chương trình đã đề ra và phù hợp với trình độ của học sinh trong lớp. Trên cơ sở những hiểu biết
22
về người học, người dạy xây dựng kế hoạch bài học, xây dựng môi trường có tính kích thích, thu hút người học. Trong những trường hợp và điều kiện cho phép, giáo viên nên tổ chức kiểm tra để đánh giá học sinh trước khi lập kế hoạch bài học mới.
Bước 2: Xác định mục tiêu, nội dung bài học, lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng đơn vị kiến thức, xác định thời điểm kiểm tra, đánh giá học sinh
- Trước khi xây dựng kế hoạch bài học, giáo viên cần xác định mục tiêu mà các em cần đạt được sau khi học: về kiến thức, kĩ năng, thái độ. Từ đó có những hình thức, biện pháp tổ chức lớp học sinh động, phù hợp với từng đối tượng để tạo ra hứng thú học tập cho các em. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần phải dựa vào: chuẩn kiến thức kĩ năng, nội dung chương trình và sách giáo khoa, trình độ của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
- Vận dụng linh hoạt những hình thức tổ chức cũng như những phương pháp dạy học tạo ra sự tương tác hiệu quả nhất.
- Xác định những kiến thức liên quan đến nội dung bài học để thông qua đó người học có thể liên hệ giải quyết nhiệm vụ bài học.
- Dự kiến tiến trình dạy học, dự kiến việc tiếp cận các nội dung kiến thức, thời gian và cách thức tiếp cận nội dung kiến thức đó.
- Trong từng đơn vị kiến thức, giáo viên phải xác định được những kiến thức cần thiết mà học sinh cần nắm được và lên kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thông qua kết quả kiểm tra, giáo viên rút kinh nghệm để điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả, học sinh biết được khả năng của mình để điều chỉnh phương pháp học.
Bước 3: Xác định dạng tương tác và lập nội dung tương tác
Để vận dụng các biện pháp tương tác vào dạy học, có thể tiến hành như sau:
- Xác định cách thức tổ chức nội dung dạy học (khám phá, kiến tạo tri thức mới hay luyện tập, củng cố kiến thức cũ,...) để thiết lập quy trình dạy học phù hợp.
- Xây dựng tình huống học tập đa dạng gây sự chú ý của người học.
- Lựa chọn phương tiện dạy học phù hợp thể hiện nội dung kiến thức để mang lại hiệu quả và tăng cường sự tương tác.
23 - Kích thích hứng thú người học.
Trong quá trình dạy học, nếu học sinh có hứng thú thì các em sẽ tự giác tham gia hoạt động sôi nổi và tiếp thu kiến thức hiệu quả. Vì vậy, tạo hứng thú cho học sinh là một biện pháp dạy học quyết định sự thành công hay thất bại của một tiết học.
- Xây dựng tình huống học tập (hệ thống câu hỏi, những gời ý, hướng dẫn,...) để huy động vốn kinh nghiệm học tập của học sinh.
Bước 4: Tiến hành xây dựng kế hoạch dạy học cho nội dung học tập
Người dạy tiến hành xây dựng những nội dung học tập theo quy trình đã đề ra để đạt hiệu quả cao, phát huy tính tích cực của học sinh. [16/tr.60-66]
* Quy trình tổ chức thực hiện kế hoạch bài học nhằm vận dụng phương pháp sư phạm tương tác trong môn Toán ở trường Tiểu học
Bước 1: Kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài học mới
Tùy thuộc vào nội dung của từng bài học mà người dạy tổ chức cho người học tái tạo lại kiến thức, kĩ năng đã được học (bằng nhiều hình thức: trả lời câu hỏi, thực hiện bài tập nhỏ,...) rồi chuyển tiếp kiến thức sang bài học mới. Tuy nhiên, tùy vào nội dung của từng bài học và tình hình lớp học mà có thể tiến hành kiểm tra bài cũ hoặc không, còn việc giới thiệu bài mới thì bắt buộc phải có. Việc giới thiệu bài mới giúp học sinh có cái nhìn sơ bộ ban đầu về bài học hôm nay, tạo động cơ học tập cho các em.
Bước 2: Tạo tình huống tương tác phù hợp, kích thích, gây hứng thú cho người học
- Nêu mục tiêu bài học, giúp học sinh xác định được những việc các em phải làm, phải đạt được khi tham gia vào các hoạt động.
- Xây dựng tình huống tương tác phù hợp với đối tượng học sinh, tổ chức cho người học huy động vốn kiến thức, kĩ năng vốn có để tương tác, chiếm lĩnh tri thức mới hoặc ôn tập, củng cố kiến thức cũ.
- Sử dụng nhiều hình thức học tập khác nhau, các kĩ thuật dạy học khác nhau để kích thích hứng thú, khuyến khích học sinh động não, huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm vốn có.
24
- Có thể trình bày trực quan và giao nhiệm vụ học tập cho người học.
Bước 3: Người học thực hiện nhiệm vụ tương tác, xây dựng tri thức cho bản thân thông qua các tình huống tương tác ở bước 2
- Điều khiển hoạt động học của người học thông qua các hoạt động tương tác giữa người học- người dạy- môi trường, giúp họ vượt qua thử thách trong quá trình học tập để kiến tạo tri thức mới.
- Huy động kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm vốn có của người học để tìm hiểu, phân tích, tìm mối liên hệ giữa kiến thức mới và kiến thức cũ. Từ đó khái quát được những đặc điểm, tính chất của các kiến thức lĩnh hội được.
- Tạo cơ hội vận dụng kiến thức đã biết vào một số tình huống cụ thể, sử dụng kiến thức đó để khám phá kiến thức mới.
Bước 4: Người học báo cáo kết quả
- Tổ chức cho người học báo cáo kết quả làm việc của mình. Nếu học theo nhóm thì đại diện nhóm trình bày, các thành viên khác bổ sung, góp ý.
- Lắng nghe, tổng hợp những ý kiến bổ sung, góp ý của người học khi tham gia thảo luận, giúp người học chính xác hóa kiến thức.
- Tạo cơ hội cho người học phát hiện, mở rộng tri thức, đặt ra những câu hỏi để học sinh liên hệ với thực tế, hướng dẫn học sinh ghi nhớ, vận dụng. Chú ý những sai lầm mà học sinh hay mắc phải.
Bước 5: Người dạy tổng kết, củng cố kiến thức
- Đối với bài học khám phá tri thức mới, cần tổng hợp lại những kiến thức mà học sinh vừa khám phá được, bổ sung thêm một số nội dung kiến thức mà học sinh chưa tìm ra được để hoàn thành nội dung bài học.
- Củng cố kiến thức vừa học bằng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Giúp học sinh ghi nhớ và vận dụng khiến thức vào giải bài tập, ứng dụng thực tế.
- Nhận xét kết quả học tập của học sinh, động viên, khen thưởng kịp thời những học sinh có tiến bộ, tích cực trong học tập.
- Có thể tổ chức trò chơi có liên quan đến bài học để tăng hứng thú, sự yêu thích môn học, đồng thời khắc sâu kiến thức, kĩ năng vừa học,
25
1.1.7.2. Yêu cầu khi thực hiện kế hoạch bài dạy sử dụng phương pháp sư phạm tương tác
- Có kế hoạch bài học chặt chẽ, ngắn gọn, nêu rõ những hoạt động giáo viên và học sinh phải thực hiện. Xác định rõ mục tiêu hoạt động, tránh cầu toàn về phương diện kĩ thuật tổ chức, cung cấp những phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ học tập. Yêu cầu người học tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập, giải quyết tình huống và quan trọng là đạt hiệu quả giáo dục đề ra.
- Các giai đoạn phải được tiến hành theo đúng trật tự. Khi tổ chức cho học sinh có thể làm gộp các hoạt động, nhưng không được đảo lộn trật tự đã xây dựng.
- Tạo được bầu không khí sôi nổi, thân thiện trong lớp học, đảm bảo sự hứng thú tham gia của người học. Có nhiều cách khác nhau để tạo sự hứng thú, kích thích tư duy người học bằng tình huống gợi vấn đề, khích lệ động viên, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức trò chơi, câu đố,..
- Tổ chức hoạt động phải gây nên mối quan hệ qua lại giữa người dạy và người học. Người dạy có nhiệm vụ tạo nên bầu không khí sôi nổi ở trong lớp học.
Vì thế, người dạy cần vận dụng linh hoạt các hình thức học tập, các phương pháp và biện pháp dạy học sao cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia ở người học, thúc đẩy người học hoạt động. Mặt khác, để tạo sự hứng thú ở người học thì người dạy cần có khả năng tổ chức, hướng dẫn hoạt động và giao tiếp với người học. Người dạy cần phải có sự giao tiếp với người học và sự giao tiếp đó phải là hai chiều thì mới hiệu quả trong quá trình dạy học.
- Khi thiết kế các hoạt động phải tương thích với nội dung học tập, tránh làm hình thức hoặc nửa vời, bám sát mục tiêu giáo dục của môn học, đồng thời, các hoạt động phải phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Các hình thức hoạt động phải linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất thực tế.
- Lựa chọn các phương pháp cho vừa sức, phù hợp với đặc diểm, sở thích, khả năng, sở trường của học sinh, tránh lối áp đặt, nhồi nhét.