Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.1. Cơ sở lý luận về xây dựng nông thôn mới
1.1.2. Xây dựng nông thôn mới
1.1.2.1. Khái niệm xây dựng nông thôn mới
Xây dựng Nông thôn mới là quá trình xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, phát triển hài hòa, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Quá trình xây dựng với vai trò chủ thể là người dân nông thôn và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các tổ chức khác (Hoàng Vũ Quang, 2014).
Xây dựng nông thôn mới là một chính sách về một mô hình phát triển cả về nông nghiệp và nông thôn, nên vừa mang tính tổng hợp, bao quát nhiều lĩnh vực, vừa đi sâu giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, đồng thời giải quyết các mối quan hệ với các chính sách khác, các lĩnh vực khác trong sự tính toán, cân đối mang tính tổng thể, khắc phục tình trạng rời rạc hoặc duy ý chí (Đặng Kim Sơn, 2008).
Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và là một cuộc vận động lớn hướng đến xây dựng thôn, xã, gia đình khang trang, sạch đẹp. Mang đến điều kiện phát triển, hiện đại và đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao. Đồng thời, phát triển sản xuất toàn diện về nông - công nghiệp và dịch vụ. Đây là các ngành còn chưa đủ điều kiện, cơ sở và tiềm năng phát triển tại khu vực này.
Xây dựng nông thôn mới giúp người dân được đảm bảo, thu nhập và đời sống vật chất – tinh thần.
- Sự cần thiết của xây dựng nông thôn mới:
Xây dựng nông thôn mới mang tính thời sự, thu hút được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn
hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Xây dựng NTM giúp nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Quá trình xây dựng nông thôn mới có những đặc trưng cơ bản như sau:
+ Nội dung XDNTM hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia được qui định tại văn bản pháp quy do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
+ Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, xã đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
+ Được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình MTQG, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn, có bổ sung dự án hỗ trợ đối với các lĩnh vực cần thiết; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư.
+ Được thực hiện gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương (xã, huyện, tỉnh); có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật do các Bộ chuyên ngành ban hành).
+ Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền địa phương ở cấp xã, được tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt của xã hội trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương đi trước một bước.
Những đặc trưng này quyết định đến việc tổ chức, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. Từ khâu lập kế hoạch cho đến quá trình thực hiện cần có sự tham gia của người dân. Trong quá trình tổ chức huy động cần huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội và quản lý của Nhà nước. Cần phải xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả để thực hiện các tiêu chí của chương trình.
1.1.2.2. Nguyên tắc xây dựng nông thôn mới
Nội dung xây dựng nông thôn mới hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia được quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2022 về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2022 về Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
- Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, xã đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
- Được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn, có bổ sung dự án hỗ trợ đối với các lĩnh vực cần
thiết; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư.
- Được thực hiện gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương (xã, huyện, tỉnh); có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật do các Bộ chuyên ngành ban hành).
- Công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện các công trình, dự án của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá.
- Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp uỷ Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện; Hình thành cuộc vận động “toàn dân xây dựng nông thôn mới” do Mặt trận Tổ quốc chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới.
1.1.2.3. Tiêu chí xây dựng nông thôn mới a) Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới
- Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ - TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021 - 2025).
- Trên cơ sở đó ngày 11/5/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-BNN-VPĐP Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn
mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong Bộ tiêu chí có đề xuất 5 nhóm tiêu chí sau:
- Nhóm I: Quy hoạch (có 01 tiêu chí - Quy hoạch)
- Nhóm II: Hạ tầng kinh tế - Xã hội (có 08 tiêu chí: Giao thông; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; Trường học; Cơ sở vật chất văn hoá; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và truyền thông; Nhà ở dân cư).
- Nhóm III: Kinh tế và tổ chức sản xuất (có 04 tiêu chí: Thu nhập; Nghèo đa chiều; Lao động; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn).
- Nhóm IV: Văn hóa - xã hội - môi trường (có 04 tiêu chí: Giáo dục và đào tạo; Y tế; Văn hoá; Môi trường và an toàn thực phẩm)
- Nhóm V: Hệ thống chính trị (có 02 tiêu chí: Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Quốc phòng và an ninh)
Cùng với đó, các bộ ngành cũng đã ban hành Hướng dẫn để triển khai thực hiện đối với từng tiêu chí theo chức năng nhiệm vụ của ngành.
b) Bộ tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới
Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 328/QĐ -TTg về Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025).
Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới bao gồm các yêu cầu sau đối với các huyện cần có để đạt nông thôn mới:
- Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
- Có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025).
- Có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh.
- Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên).
- Đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm:
Quy hoạch; giao thông; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công.
1.1.2.4. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Chương trình XDNTM là một chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện ở các vùng nông thôn nhằm xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/02/2022, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là: Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (Thủ tướng Chính phủ, 2022).
Chương trình XDNTM bao gồm các nội dung chính sau đây:
- Nội dung thành phần số 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.
- Nội dung thành phần số 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
- Nội dung thành phần số 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn;
nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
- Nội dung thành phần số 04: Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
- Nội dung thành phần số 05: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
- Nội dung thành phần số 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
- Nội dung thành phần số 07: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
- Nội dung thành phần số 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dần; tăng cường giải pháp nhằm đẫm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
- Nội dung thành phần số 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
- Nội dung thành phần số 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
- Nội dung thành phần số 11: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của người dân địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức Chính phủ Chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo trung ương thực hiện. Các đối tượng tham gia này có mối liên hệ mật thiết với nhau khi tham gia đóng góp vào quá trình thực hiện các nội dung của chương trình. Các đối tượng tham gia quản lý và đóng góp xây dựng nông thôn mới được thể hiện thông qua sơ đồ sau:
Hình 1.1: Mối quan hệ của các đối tượng quản lý và tham gia đóng góp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
(Nguồn: Tác giả xây dựng, 2023) Chú thích: Quan hệ tham gia đóng góp
Quan hệ hỗ trợ, phối hợp Quan hệ chỉ đạo, hỗ trợ Quan hệ chủ thể, đóng góp
Trong xây dựng nông thôn mới, người dân tham gia từ khâu quy hoạch, đồng thời góp tiền, góp sức, tự chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh gia đinh, giám sát quá trình thực hiện chương trình,... đồng thời, cũng là người hưởng lợi từ thành quả của Chương trình và người dân là chủ thể XDNTM.
1.1.2.5. Nội dung xây dựng nông thôn mới
(1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới Để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương và trực tiếp từ Ban chỉ đạo các chương trình MTQG là rất quan trọng.
Tại mỗi địa phương, muốn triển khai xây dựng nông thôn mới bước đầu tiên cần thành lập được Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo các CTMTQG được thành lập từ trung ương đến địa phương. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi mình quản lý. Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương CTMTQG các cấp giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 317/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 20/10/2016 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
- Ở Trung ương: Thành lập Ban chỉ đạo và Thường trực Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban; Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương đã thành lập Văn phòng Điều phối Trung ương đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành lập bộ phận thường trực để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình của Bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.