Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.2. Cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới
1.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của một số địa phương
1.2.1.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên Phú Bình là huyện đầu tiên và là đơn vị cấp huyện thứ 4 của tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới (sau các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên).
Qua 12 năm (từ năm 2011) thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2023, huyện Phú Bình đã huy động được gần 5.400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Từ nguồn lực này, huyện đã đầu tư nâng cấp gần 900km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, cải tạo trên 210 công trình thủy lợi; lắp đặt, nâng cấp hơn 50 trạm biến áp và 500km đường dây điện; xây dựng gần 1.000 phòng học; hệ thống nhà văn hóa xã, xóm cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Về phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 715 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2021. Toàn huyện có 3 sản phẩm được công nhận “Nhãn hiệu tập thể” (gồm gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ và gạo nếp Thầu Dầu); 15 sản phẩm được công nhận OCOP. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm 1,1%/năm (đạt 162% kế hoạch tỉnh giao); thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm…
Kết thúc năm 2022, huyện Phú Bình có 5 đơn vị đạt xã nông thôn mới nâng cao là Tân Đức, Dương Thành, Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Khánh (vượt 3 xã so với kế hoạch); thị trấn Hương Sơn đạt đô thị văn minh; 14 xã còn lại đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Để đạt được những thành tựu to lớn này, huyện Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp chiến lược sau:
- Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện cần sự tập trung, vào cuộc quyết liệt, thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
- Thường xuyên tổng kết thực tiễn, quan tâm bố trí nguồn lực kịp thời và chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực trong Nhân dân; có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung trọng tâm, nhiệm vụ ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện.
- Chú trọng, nâng cao sự đồng thuận của người dân, coi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của Chương trình với phương châm “Người dân là chủ thể - Công tác tuyên truyền là giải pháp hàng đầu - Sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân là yếu tố quyết định”, từng nội dung phải được Nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch.
- Vai trò của cán bộ chủ chốt ở cơ sở cũng hết sức quan trọng. Huyện tập trung chỉ đạo, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây là mục tiêu cốt lõi, tạo được niềm tin của người dân, là cơ sở huy động nguồn lực, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
1.2.1.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 100% số xã trên địa bàn huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 1.600 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 55,6 tỷ đồng, hiến hàng nghìn ha đất và ngày công lao động; các tổ chức, cá nhân, con em xa quê ủng hộ, tài trợ hơn 22 tỷ đồng, còn lại là ngân sách và vốn lồng ghép từ các chương trình dự án.
100% đường huyện, đường trục xã, liên xã; 98,5% đường thôn, đường xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, đảm bảo ô tô đi lại quanh năm. Hệ thống đê kè, thủy lợi, cầu cống và các công trình phòng chống thiên tai được cải tạo, nâng cấp khá đồng bộ. 100% các tuyến kênh được khoán quản giải tỏa dòng chảy, nạo vét và làm vệ sinh thường xuyên. Toàn huyện có 55/73 trường
học ở cả 3 cấp (Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non) và 3/4 Trường THPT đạt chuẩn quốc gia. 100% xã có nhà văn hóa, diện tích xây dựng từ 500m2 trở lên, sức chứa 200-300 chỗ ngồi; có khu thể thao, diện tích mỗi khu 2.000m2; có sân vận dộng để phục vụ các sự kiện sinh hoạt văn hóa thể thao, vui chơi giải trí.
100% thôn, khu dân cư có Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng và sân thể thao, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ.
Đến năm 2020, toàn Huyện có 101/101 làng được công nhận làng văn hóa, có 23 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Trung tâm y tế Huyện được nâng cấp thành bệnh viện hạng II. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 85%. 100% xã, thị trấn có bãi chôn lấp rác thải tập trung; thành lập các tổ, đội thu gom rác hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, sử dụng nước máy đạt hơn 96%. Toàn Huyện quy hoạch được 160 vùng sản xuất tập trung; 20 vùng sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm;
65 vùng sản xuất rau màu. Hệ số sử dụng đất trong vùng đạt từ 4-5 vụ/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt từ 450-700 triệu đồng/năm.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt 95%.
Huyện có 3 cụm công nghiệp rộng trên 160 ha; 568 doanh nghiệp và 11 làng nghề hoạt động, tạo việc làm cho trên 60 nghìn lao động. Thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đ/tháng. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm, tăng 37,6 triệu đồng/người so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,89 %, giảm 15,8% so với năm 2011. Huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Sự thành công đạt chuẩn nông thôn mới này có được là nhờ huyện Tứ Kỳ
đã thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp hữu hiệu, như:
- Công bố, quản lý, thực hiện nghiêm quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch thị trấn Tứ Kỳ, quy hoạch vùng huyện.
- Tập trung khai thác tốt các nguồn thu để phục vụ đầu tư phát triển.
- Từng bước giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, tiến tới xử lý cơ bản nợ công vào cuối năm 2025.
- Tiếp tục đầu tư để hoàn thiện vùng thuỷ sản liên xã Tân Kỳ - Tái Sơn - Quang Phục. Thực hiện chủ trương thu hút phát triển công nghiệp có chọn lọc, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao.
- Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
- Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định...
- Thực hiện quan điểm chỉ đạo của huyện là “làm đến đâu chắc đến đó’’
chứ không chạy theo thành tích nên công tác XDNTM thời gian qua luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân, góp phần tô điểm thêm những gam màu sáng cho bộ mặt nông thôn.
- Quá trình XDNTM đã làm thay đổi nhận thức, tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng làng xã và với chính bản thân người dân. Từ nhận thức ban đầu còn bảo thủ, ỷ lại cho rằng XDNTM là việc của cấp ủy Đảng, chính quyền, nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, nay người dân đã xác định rõ vai trò chủ thể và kết quả XDNTM là phục vụ chính mình. Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng và nâng cấp.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế là bài học kinh nghiệm được rút ra sau 7 năm Tứ Kỳ triển khai XDNTM.
1.2.1.3. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Năm 2022, Hải Hậu có 34/34 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã cơ bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 331 đơn vị cấp xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
“Chìa khóa” để Hải Hậu về đích nông thôn mới nâng cao là huyện thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, huyện xác định các sản phẩm chủ lực, thế mạnh gồm: Lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, tôm, cây dược liệu và các sản phẩm thủy sản chế biến. Năm 2021, toàn huyện có 87 mô hình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng cộng đồng liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đạt 192 triệu đồng/ha canh tác. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 23.819 tấn (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020); giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 1.081 tỷ đồng. Giá trị sản lượng thủy sản đạt 1.123 tỷ đồng (tăng 6,7% so với năm 2020). Thu ngân sách trên địa bàn hơn 503 tỷ đồng, đạt 112% dự toán tỉnh giao. Đến nay, toàn huyện có 103/103 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 98 trường đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính đã tạo nhiều thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Toàn huyện có trên 1.000 mô hình kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự và có 2,27km tuyến đê kiểu mẫu tại các xã Hải An, Hải Giang. Chương trình OCOP dẫn đầu tỉnh. Hiện nay toàn huyện có 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp đầu tư tại 3 cụm công nghiệp là 35 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, thu hút trên 8.000 lao động. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức phong trào tổng vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan, xây dựng, phát triển nhanh các mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư, nâng cấp khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Đến nay cả 34/34 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lắp đặt lò đốt rác thải sinh
hoạt, trong đó có 22 xã đã nâng cấp hệ thống xử lý khói bụi thải theo quy chuẩn;
có 34 xã, thị trấn triển khai mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình với tổng số trên 48 nghìn hộ dân tham gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021- 2025 giảm còn 3,36%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,46%.
Huyện Hải Hậu đã đề ra 7 nhóm giải pháp quan trọng, đồng bộ từ giải pháp về tư tưởng, công tác cán bộ, giải pháp kinh tế - xã hội... Trong đó:
- Tiếp tục chuyển đổi nhanh, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu. Tổ chức lại các vùng nuôi ven biển theo quy hoạch, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá song, cá vược; vùng nước ngọt chủ yếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc bông và các loại cá truyền thống.
Phát triển 1.000ha diện tích nuôi công nghiệp theo VietGAP.
- Lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I. Đề xuất quy hoạch và triển khai xây dựng Khu công nghiệp ven biển Hải Lộc - Hải Đông - Hải Lý.
- Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân, cụm công nghiệp Hải Xuân và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư cải tạo môi trường làng nghề Hải Minh.
- Định hướng, đề xuất kêu gọi đầu tư FDI xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp.
- Chủ động, sáng tạo lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp, lựa chọn khâu đột phá vào các tiêu chí khó; tiêu chí chủ đạo quyết định trong xây dựng nông thôn mới và trong phát triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng yêu cầu chung vừa phải phù hợp với phong tục tập quán để người dân đúng là chủ thể thực hiện.
Làm tốt công tác xã hội hóa, khơi dậy, động viên sức mạnh của cả huyện, các chức sắc tôn giáo, con em xa quê quan tâm ủng hộ vật chất và tinh thần trong xây dựng nông thôn mới.