CHƯƠNG I. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.3. Tổng quan kết quả nghiên cứu trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có nhiều bộ giống dưa lê khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện canh tác và điều kiện tự nhiên mà lựa chọn giống sản xuất cho phù hợp.
Tại Nhật Bản, tỉnh Ibaraki là nơi sản xuất dưa với diện tích lớn nhất, ở đó 2 giống
‘Andes’ do công ty giống Sakata sản xuất và giống ‘Otome’ do công ty Takii sản xuất được trồng phổ biến.
Những giống này có thịt quả màu xanh, được sản xuất trong môi trường bán công nghiệp (semi-forcing culture), để thân bò đất. Tuy nhiên, chúng có khả năng sinh trưởng kém và chất lượng không cao trong điều kiện nhiệt độ thấp ở môi trường bán công nghiệp. Do đó, sự phát triển giống này ngày càng giảm sút, cần nghiên cứu giống khác thay thế phù hợp hơn cho vùng, đặc biệt trong điều kiện canh tác có nhiệt độ môi trường thấp.
Trước thực tế như trên, Viện Công nghệ sinh học thực vật – Trung tâm nông nghiệp Ibaraki- Nhật Bản đã nghiên cứu lai tạo ra giống dưa lê F1 “Ibaraking” là dưa lê vân lưới, quả tròn, khi chín có thịt quả màu xanh, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp, có khả năng kháng lại bệnh héo rũ chủng 0 và chủng 2, hàm lượng chất rắn hòa tan trong quả cao, thời gian bảo quản dài. Đây là giống
trồng phù hợp trong điều kiện canh tác bán công nghiệp, trồng dạng bò đất (Matsumoto và cs., 2014).
Giống có năng suất và chất lượng cao không chỉ phụ thuộc vào đặc điểm di truyền, mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật canh tác, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu.
Nghiên cứu chọn giống chất lượng cao phục vụ sản xuất được đánh giá ở 6 tỉnh của Hàn Quốc với các giống như ‘Summer Star’, ‘Red Queen’, ‘'Earth Sonata’ và ‘Solar Hagyeo’. Kết quả đánh giá cho thấy các giống dưa thể hiện đặc điểm có sự khác biệt trên mỗi khu vực. Giống ‘Summer Star’ trồng tại tỉnh Gochang cho chất lượng quả cao hơn tại các tỉnh khác thể hiện ở chất rắn hòa tan, kích thước quả, trọng lượng quả và độ dày thịt quả. Tỉnh Damyang và Naju có năng suất quả thấp hơn các tỉnh khác (Na và cs., 2012).
Malaysia trồng phổ biến 3 loại dưa chính: dưa hấu và 2 nhóm dưa lê (rockmelon và honeydew). Mặc dù có trên 500 giống dưa lê và 150 giống dưa hấu, chỉ có giống Super Dragon, Jade Dew và Glamour được trồng phổ biến nhất tại nước này. Dưa mật (Honeydew) với đặc điểm vỏ nhẵn màu trắng, thịt quả màu xanh hoặc trắng, dưa lưới (rockmelon) vỏ sần sùi, có vân lưới, thịt quả màu vàng cam.
Nhìn chung, hai loại dưa này ngọt hơn các loại khác, có thịt quả chắc hơn dưa hấu (Rasmuna Mazwan và cs., 2016).
Tại bang Florida, Mỹ, một số năm gần đây sản xuất dưa chất lượng cao được người sản xuất quan tâm nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu tập trung chọn tạo giống chất lượng cao và kháng sâu bệnh phục vụ sản xuất nhỏ và sản xuất hữu cơ. Nghiên cứu của Wenjing Guan và cs. (2012) đánh giá 10 giống dưa lê chất lượng tại Florida năm 2011 gồm:
+ Dưa lê Ananas: Giống ‘Creme de la Creme’ và ‘San Juan’;
+ Dưa lê Canary: Giống ‘Brilliant’ và ‘Camposol’;
+ Dưa lê châu Á: Giống ‘Ginkaku’ và ‘Sun Jewel’;
+ Dưa lê Galia : Giống ‘Arava’ và ‘Diplomat’;
+ Dưa mật: Giống ‘Honey Pearl’ và ‘Honey Yellow’.
Nhật Bản các nhà chọn tạo giống đã tạo ra được tổ hợp đáp ứng yêu cầu này trong chương trình chọn tạo giống dưa lê. Các nghiên cứu đã cải tiến 2 tính trạng
quan trọng là thời gian bảo quản và kích thước quả bằng công nghệ gen. Sau khi phân lập và đặc điểm hóa các gen liên quan đến các tính trạng này, các gen được sử dụng trong công tác giống làm thay đổi tính trạng thời gian bảo quản và kích thước quả. Hai gen có liên quan đến thời gian bảo quản quả dưa lê sau thu hoạch được xác định là Cm – ERSI và Cm – ETR1.
Chọn giống dưa lê chống chịu điều kiện ngoại cảnh
Để chọn tạo được các giống dưa lê chịu hạn trong điều kiện canh tác thiếu nước. Naroui Rad và cs (2017) đã đánh giá 36 dòng dưa lê là vật liệu phục vụ lai tạo có nguồn gốc ở vùng khô hạn của Viện Nghiên cứu Kajai – Iran. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự biến động lớn về chỉ tiêu năng suất, khối lượng quả, kích thước quả trong các dòng nghiên cứu. Các mối tương quan thuận và nghịch được tìm thấy ở các dòng dưa lê nghiên cứu. Tương quan thuận giữa năng suất và trọng lượng quả (0,88), tương quan nghịch quan sát ở hàm lượng nước và nhiệt độ tán (-0,58). Các dòng dưa được phân thành 3 nhóm chính có các đặc điểm, tiềm năng tốt phục vụ cho công tác lai tạo giống mới.
Nghiên cứu chọn tạo giống kháng sâu bệnh hại cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Đánh giá, sàng lọc 65 dòng dưa lê mang gen kháng nấm Fusarium oxysporum f. sp. và Monosporascus cannonballus được nghiên cứu. Có 4 trong tổng số 65 dòng thể hiện tính kháng tới cả 2 tác nhân trên là ‘K134068’, ‘K133069’,
‘Wondae’ và ‘PI 414723’ được lựa chọn làm gốc ghép cho dưa lê giống “Earl's elite”, thuộc nhóm Reticulatus và giống dưa ‘Homerunstar’ thuộc nhóm Inodorus.
Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất và chất lượng quả ở cây dưa ghép tốt hơn trên cây không ghép (Park và cs., 2013). Các nguồn gen kháng trên đóng vai trò quan trọng trong công tác lai tạo giống phục vụ cho sản xuất.
Bệnh nứt thân chảy nhựa do nấm Mycosphaerella melonis hoặc Didymella bryoniae gây hại cho các vùng sản xuất dưa khắp thế giới. Hiện tại chưa có giống mang gen kháng với bệnh này được tìm ra. Tại Hàn Quốc, trước kia chưa có báo cáo nào cho thấy có gen kháng bệnh này. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Hassan và cs., (2018) đã xác định được gen kháng bệnh này trên dưa lê. Trong 60 dòng, giống nghiên cứu có 4 dòng ‘PI482399’, ‘PI140471’, ‘PI136170’, ‘PI420145’
và 2 giống Hàn Quốc là ‘Asia Papaya’ và ‘Supra’ thể hiện tính kháng hoàn toàn tới bệnh trên.