Chương 1: TỔNG QUAN VỀ NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN ĐÌNH LẬP, LẠNG SƠN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ THEN TÀY
1.4. Vai trò của Then trong đời sống tinh thần của người Tày ở huyện Đình Lập, Lạng Sơn
Có thể nói rằng, trải qua biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Then đã thực sự là những vị thuốc tinh thần giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây bám đất bám rừng, sinh tụ hòa hợp cùng các dân tộc khác chung sức đồng lòng dựng xây nên những bản làng trù phú, quê hương tươi đẹp.
Then Tày nói chung, dòng Then Pháp nói riêng là tiếng nói của nỗi khổ đau, niềm vui sướng và cả sự hy vọng, đeo bám vòng đời của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến lúc trở về với cát bụi, Then như bà mẹ hiền che chở và cứu giúp cho phần khoăn (hồn, vía) của con người được bình an, mạnh khỏe. Bằng những nghi lễ Then có sự tham gia của cộng đồng người (gia đình, làng bản, họ hàng thân tộc và những cộng đồng người khác) như:
25
Đủ 1 tháng: Họ sẽ tổ chức lễ Sláo ví - Tẩy uế và An bàn va - An bàn bà mụ (Lễ đầy tháng); Đủ 1 tuổi: Lễ Luồm cốc bioóc -Vun hoa bà mụ và Piá ỏm piá đa - thôi nôi.
Từ 1 tuổi đến 15 tuổi: Làm lễ Vạn mụ - Vãn Mụ để đưa vía lên ngự Tu mè slinh - Cửa Bà Sinh. Trong giai đoạn này nếu đứa trẻ mất đi sẽ được Then tiễn về đầu thai kiếp khác gọi là lễ Quét bioóc héo hoặc Slống bioóc héo.
Từ 15 tuổi đến khi lấy vợ, gả chồng: Làm lễ Tạ ơn hoặc Cáp khoăn - Tạ ơn tổ tiên đã nuôi dưỡng để có thể dựng vợ gả chồng và nối duyên hai họ với nhau, kết thông gia.
Từ lúc lập gia đình đến 60 tuổi: Đầu năm mời Then về làm Trải hạn - Giải hạn vào đầu năm; Lễ Quét slườn - Quét nhà vào dịp cuối năm để ăn tết Nguyên đán. Chỉ khi gia chủ quá ốm yếu, hoặc phải giả lễ Mè slinh - Mẹ sinh hoặc Thiếp cầu tâu slổ - Tiếp cầu nối số để số mệnh. Then được mời về làm Lễ khao chỏ - Khao tổ tiên. Việc này do một hoặc nhiều gia đình trong dòng họ cùng chung sức;
Qua 60 tuổi: con cháu người Tày tổ chức mời Then về làm lễp Pủ sang pủ lường - Bù kho lương. Lễ này có khá tương đồng với lễ Hắt khoăn - (mừng sinh nhật, chúc vía người cao tuổi) của người Nùng và có ý nghĩa giống Lễ Mừng thọ của người Kinh.
Qua tuổi 70: Người xưa đã dạy, thất thập cổ lai hy, người đã đến tuổi này đã trải qua rất nhiều khổ nạn, sẽ chỉ làm lễ tiếp cầu nối số, bù kho lương, giải sao giải hạn là chủ yếu.
Khi chết đi: Lễ Mạn tang, thót háo - Thôi tang: Khi con người chết đi đủ một năm (trước đây là ba năm - slam khốp), gia chủ sẽ mời Then về làm lễ này, với mục đích nhờ Then hành binh xuống ngục tối Diêm Vương chuộc hết lỗi lầm của người đã mất, tiễn về cung tổ tiên.
Bằng sức truyền cảm của âm nhạc, thơ ca và hành trình diễn xướng của các thầy, Then đã dẫn đường cho gia chủ mang lễ vật từ cõi tục đến cõi thiêng, đề đạt ý nguyện, cầu mong sức khỏe, bình yên, hạnh phúc, phần nào làm chọn chức năng an ủi, khích lệ gia chủ cũng như bản thân người được làm lễ và cộng đồng ảnh hưởng.
Để rồi, sau khi nghi lễ kết thúc con người thấy lòng mình bình yên hơn, hăng hái và tự tin dấn mình vào cõi tục, ra sức cải tạo nó bằng bàn tay và khối óc của mình.
26
Có thể nói, cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, quanh năm bám đất, giữ nước để sinh tồn, chinh phục thiên nhiên vì vậy họ có một niềm tin mãnh liệt vào các đấng thiêng liêng. Then chính là cầu nối tâm linh giữa con người và các đấng thiêng liêng đó. Thông qua các thầy Then để biểu đạt ý nguyện trước thiên tai dịch bệnh của mùa màng (lễ cúng Đoan Ngọ là một trong những nghi lễ xua đuổi ôn dịch), trước những trở ngại của thiên nhiên như lũ lụt (trích đoạn khảm hải - vượt biển miêu tả rất rõ những cơn giận dữ của hồng thủy), hạn hán (khau khắc khau Cài- chốn nắng chói chang),... hành trình Then từ mường đất, nước đến mường trời đều xuất hiện rất nhiều cánh đồng - tồng nà, những bản làng tươi đẹp có những cánh đồng hàng trăm mẫu đất với cọn nước và mương máng dẫn nước về tưới tiêu, và những hình ảnh như: con trâu, cái cày, cái bừa, những người nông phu, nàng gánh mạ, chàng đắp bờ... tất cả hiện lên những bức tranh làng quê người Tày ở vùng Việt Bắc - Việt Nam một cách chân thực nhất. Điều đó phản ánh một cách sinh động đời sống văn hóa của cư dân vùng trồng lúa nước, sự đoàn kết đùm bọc yêu thương cộng đồng.
Ngoài đại lẩu Then, Then còn tổ chức nhiều nghi lễ khác trong ngày tết cổ truyền của người Tày như: Tết Nguyên đán là ngày mùng 1/1, tết Đoan ngọ là ngày mùng 5/5, tết So lộc là ngày 6/6, tết Trung thu là ngày 15/8, tết Cơm mới là ngày 10/10 âm lịch. Nhiều dòng Then tổ chức nghi lễ ngày tết Đoan Ngọ diễn ra khá linh đình, họ thỉnh cả tướng Then xuống phát bùa, vì ngày 5/5 được quan niệm là mặt trời ở gần mặt đất nên uy lựa bùa chú cần luyện và ban ngày này sẽ có hiệu lực cao nhất.
Một số dòng lại kết hợp tiểu án với ngày tết Trung Nguyên 14, 15/7 vì tết Trung Nguyên “nèn Slíp slí” là quan trọng nhất nhì trong năm với người Tày Nùng. Bươn chiêng nèn so ất, bươn chất nèn Slíp slí - tháng giêng tết mùng 1, tháng bảy tết 14.
Qua đó người dân cùng chung vui với lẩu Then vừa tham gia các giá trị ngày lễ tết trong năm tạo không khí vui tươi phấn khởi, từ đó bằng bàn tay khối óc lại tạo ra nhiều của cải vật chất và tiếp tục xây dựng bản làng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trải qua biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử, dòng Then Pháp ở huyện Đình Lập nói riêng và Then Tày Lạng Sơn nói chung đã tồn tại và thực sự là
27
những vị thuốc tinh thần giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây bám đất bám rừng, sinh tụ hòa hợp cùng các dân tộc khác chung sức đồng lòng dựng xây nên những bản làng trù phú, quê hương tươi đẹp để mỗi dịp tết đến xuân về, khi mà hoa mận, hoa đào đua nở trên khắp các bản làng rừng núi cũng là lúc các nhà Then tổ chức các lễ lẩu Then, khai bioóc, tiễn khách, lỉn ẻn… chúc phúc cầu mùa màng bội thu, dân làng no đủ, trẻ con rộn rịp đến trường, tiếng cười vui của các bà, các cụ, tiếng hát giao duyên của thanh niên trai gái xen lẫn tiếng nước suối chảy rì rào và điệu múa chầu thâu đêm suốt sáng như sợi dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết keo sơn giữa làng xóm, anh em họ hàng, các dân tộc khác càng thêm bền chặt.
28
Tiểu kết chương 1
Then đã hình thành và phát triển từ rất lâu đời trong đời sống văn hóa của người Tày ở Việt Bắc trong đó có tỉnh Lạng Sơn. “Then” là một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, có nhiều tên gọi theo phương ngữ như Slin, Sliên, Pựt, Pụt, Then, Chàng, Giàng, Một, Xên (gọi chung là Sliên - Pựt) có thờ tổ nghề, dùng cây đàn tính, chùm xóc nhạc, chiếc quạt, ấn, trang phục và các tín vật thiêng, bất ly thân trong quá trình thực hành. Qua quá trình tồn tại và phát triển Sliên- Pụt đã được các nho sĩ, trí thức triều đình nhà Mạc (cát cứ vùng Đông Bắc nước ta vào thế kỷ XVI) bổ sung trở thành “Then” để phục vụ cung đình, sau khi nhà Mạc tan rã Then trở về dân gian tồn tại cho đến ngày nay.
Then Lạng Sơn được chia làm nhiều dòng Then như Then Văn, Then Võ, Then Xệp và Then Pháp. Trong đó Then pháp tồn tại phát triển chủ yếu hai huyện Lộc Bình và Đình Lập, có những cách thức diễn xướng nghi lễ tiêu biểu đặc trưng cho người Tày ở nơi đây.
Bên cạnh Then tín ngưỡng, diễn xướng Then đã trở thành một phần của cuộc sống tinh thần trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn nói riêng, cũng như của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong cả nước nói chung. Hát Then - đàn tính là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc không thể thiếu, bởi nó vừa thỏa mãn yêu cầu tín ngưỡng tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân. Bất cứ nơi đâu có cộng đồng dân tộc Tày, Nùng cư trú lâu đời thì ở đó có Then. Cùng với sự phát triển của xã hội không gian diễn xướng Then cũng đã thay đổi rất nhiều từ lời hát đến nhịp điệu, tiết tấu để đến được gần hơn với nhu cầu thưởng thức của người dân. Với những giá trị đặc sắc mang tính nhân văn thực hành Then đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
29 Chương 2