Chương 2: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT LỜI CA
2.1. Đặc điểm nội dung trong lẩu Then Pháp
2.1.1. Phản ánh về thế giới thần linh
Lẩu Then có nội dung phong phú đa dạng phản ánh rõ nét phong tục tập quán, đời sống tinh thần của cư dân. Hành trình ấy miêu tả sinh động cảnh binh đoàn quân Then áp tải lễ vật của nhân gian đi qua các cung cửa, thần linh để truyền tải những ước mơ khát vọng, niềm tin mãnh liệt vào thế giới siêu nhiên về cuộc sống tươi đẹp.
Thổ Công quan bản
Thổ Công của người Tày, Nùng là vị thần đất có nhiệm vụ cai quản mảnh đất bản làng, canh giữ sự bình yên và mọi hoạt động diễn ra trên mảnh đất mà dân bản đang sinh sống, ngoài ra Thổ công còn có nhiệm vụ phù hộ, vun đắp, ban điều mọi may mắn cho dân bản, ban cho dân bản sức khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu và có cuộc sống bình an.
Vị thần này đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hành binh của những người hành nghề tín ngưỡng trong khi thực hiện hành lễ. Thần Thổ Công xuất hiện trong hành trình của Tào, Mo, Pụt, Then đi từ nhà gia đình tổ chức lễ đến cửa thần mà người tiến hành nghi lễ muốn đến. Trong nghi lễ vòng đời thần Thổ Công cũng đóng vai trò rất quan trọng: khi cưới xin gia chủ phải mang theo chai rượu và nén nhang đến miếu để báo với thần Thổ Công, nếu không thì cuộc hôn nhân sẽ gặp nhiều trắc trở, có nhiều ngã rẽ, vợ chồng con cái với bố mẹ không thuận hòa; khi gia đình có người sinh gia chủ cũng phải mang theo chai rượu và nén hương đến miếu để báo cáo với thần Thổ Công cầu mong cho em bé khi sinh ra được mạnh khỏe và bình an, mau ăn chóng lớn và trở thành người tốt, người có ích góp sức xây dựng và bảo vệ bản làng; khi gia đình có người mất gia đình phải mang gà, rượu và vàng hương lên báo cho thần Thổ Công, để khi thầy Tào hành lễ còn nhờ thần Thổ Công giúp đỡ. Ngoài ra khi xây nhà, trong gia đình có người ốm, bản
30
còn có việc mâu thuẫn người ta cũng ra miếu thông báo cho thần Thổ công, trường hợp này thần là nơi để người dân gửi gắm những hy vọng và miếu là nơi để giải tỏa những tâm tư tình cảm của người dân trong cuộc sống.
Táo quân vua bếp
Vị thần này cai quản mọi việc trong nhà, được thờ ở trong bếp. Mỗi dịp lễ Tết hay gia đình có nghi lễ vòng đời, gia đình đều đặt lễ vật lên cúng Táo quân.
Người ta quan niệm từ ngày 23 tháng Chạp hàng năm Táo quân sẽ lên báo cáo tình hình gia đình một năm qua với Ngọc Hoàng, tùy vào công tội của gia đình mà ban phước. Táo quân được thờ ở góc riêng gần bếp lửa, nay cải tiến một số vùng đưa lên gần ban thờ gia tiên. Việc này khác hẳn với người Kinh họ chỉ thờ ngày 23 tháng chạp chứ không đặt bát hương.
Người Tày ở một số vùng như huyện Văn Lãng, Đình Lập, Bắc Sơn, Bình Gia gọi Táo Quân vua bếp với tên gọi là “một bà hai ông” có ý nghĩa gắn với câu chuyện truyền thuyết nàng táo lấy hai chồng và bị thiêu trong đám rơm, sau Ngọc Hoàng thương tình cho biến thành táo để trông coi việc nhà bếp của nhân gian.
Người Tày, Nùng đón ông công ông táo (thần Thổ công và thần Táo) vào ngày mùng 2 tết. Khi đó người ta rót rượu dâng bánh trưng và đồ chay đốt vàng mã cho thần linh cầu một năm suôn sẻ, gia đình mọi sự bình an, may mắn.
Tổ tiên - Người Tày gọi là Đẳm/Đắm
Đẳm tổ, đẳm tông nghĩa là ông bà đạo tổ, đạo tông. Đẳm ông đẳm bà, đẳm pú già gia tiên, nghĩa là ông bà đạo gia tiên. Đẳm đóng vai trò quan trọng, là một cung cửa hầu hết việc lớn nhỏ Then phải đi qua và trình báo sự việc, qua đó Đẳm sẽ giúp Then giải hạn, tháo gỡ mọi khúc mắc trong gia đình, báo cáo sự việc của gia đình lên các cung cửa cao hơn, gia hộ độ trì cho gia đình được bình an, mạnh khoẻ.
Người Tày quan niệm tính từ ba đời sẽ ngự trên ban thờ gọi gia tiên, từ ba đời trở về trước sẽ thành tổ tiên và ngự trước cửa trông coi gà vịt trâu bò dưới sàn (bản địa người Tày Nùng ở nhà sàn) gọi là tổ tông. “Slam tời nhằng dú cai, cẩu tời óc lài - Ba đời ở trên bàn thờ, chín đời ra trước cửa”.
31 Các vị tướng (Tiếng Tày gọi Tưởng)
Tướng Là nhân vật trong Then có quyền năng tối cao. Đó là những vị tướng cầm quân ra trận. Tuỳ dòng mà có các vị tướng tên là: Tướng Quan Kép; tướng Võ Thượng Cửu Thiên; tưởng Bùa Thuỷ (tướng phù thuỷ); tướng Cả; tưởng Cao Công; tưởng Chòn Lù (tướng chui hang); tướng Đại đô đốc Kim Luân; tưởng Đăm Nặm (tướng lặn nước); tướng Đô Thiên; tưởng Hác (tướng Hán); tướng Hiển; tướng Hổ Lang; tướng Hoàng Thiên; tướng Huyền Đàn; tướng Huyền Thiên Thượng đế; tưởng Keo (tướng Kinh), tưởng Kin Khang (tướng ăn gang);
tưởng kin lếch (tướng ăn sắt); tưởng Lộc Nhâm; tướng Long Hiền; tưởng Long Xà; tưởng Mãng Ác; tướng ông; tướng Quan Âm; tướng quân Lã Bố; tưởng sa vía (tướng tìm vía); tướng Tề Thiên Đại Thánh; tướng Thập nhân ngũ Phương;
tướng Tổ; tướng Vua Ba...
Then giải thích, tướng Hác là Tướng Hán hoặc tướng Kinh, thực tế ngoài đời trong lịch sử đánh trậm mạc và hệ thống quan lại người Tày, Nùng cũng có Tướng, quan nhưng ít. Người làm đến chức tước đó chủ yếu tù trưởng, tộc trưởng nên xảy ra nhiều trường hợp chữ nôm mượn tiếng Kinh và cả chữ Hán.
Pháp
Pháp được tả là một vị cao công đắc đạo, tu nghiệp nhiều đời, nói tiếng Nùng hoặc Hán gọi Pú Pháp, ông hoặc dà Pháp. Hiện nay một số dòng Then đã cải biên, biến tướng lấy nghi lễ đón Pháp này đan xem trong lễ cầu an, giải hạn. Từ pháp ở đây còn được hiểu là phép. Những người làm Mo, Tào cũng gọi là hắt pháp (làm pháp), vì quan niệm họ biết chữ, biết nhiều bùa phép trừ tà.
Ông Pháp được tả là có mấy vị: Pháp nuốc (ông điếc), pháp què (ông què), pháp bót (ông mù), lúc ông Pháp nhập về khám lẩu Then người ta hay nói to vì ông bị điếc, ông đi khập khiễng vì què và ông không nhìn được gì là bị mù… hai ông mù và què ít được Then đón.
Bà Pháp thì thích trang điểm, bôi phấn và cạo mặt, họ miêu tả giống như cảnh phụ nữ Tày, Nùng hoặc người Choang (Trung quốc) hay dùng hai sợi chỉ để cạo mặt. Trong lẩu Then khi đón bà Pháp, người ta chuẩn bị sẵn khăn đội đầu,
32
gương soi, kẹp tỉa lông mày, cạo lông mặt; cũng có dòng lại coi đó là hành động của ông Pháp chứ không phải bà Pháp gọi là chướng báo (làm đẹp).
Pháp xuống thường sẽ khám chum rượu xem năm nay nhà Then làm có tốt không và hỏi mọi người có tốt không bằng tiếng Hán: hảo pú hảo, cả nhà dự lễ đồng thành nói: hảo. Sau đó ngài ban phát lộc cho bách gia trăm họ ở đó có hoa chuối rừng (tượng trưng cho gà), quả bí xanh tượng trưng cho con lợn và bánh gạo nhỏ, nhằm Mong cho con cháu… ông bà Pháp vừa ban lộc vừa trêu ghẹo, nhiều khi là trào phúng.
Phật - Mè nàng
Phật là từ cổ được ghép bởi chữ nhân 亻và thiên 天 cũng là Bụt ( ), Pựt trong tiếng Tày Nùng, từ mới là 佛. Phật là tôn giáo của thế giới, do Thái tử Tất Đạt Đa người nước A Tì Kha sáng lập. Với tư tưởng từ bi hỉ xả, yêu thương muôn vật và con người lấy chùa làm giáo đường, có giáo luật và đạo pháp bảo vệ truyền bá. Phật được Then rất kinh trọng coi là đệ tử của ngài, mỗi lần làm lẩu Then, các thầy cả phải tấu sớ, thỉnh phật chứng kiến bằng đàn chay rồi mới lên vua cha Ngọc Hoàng xin ấn quyết binh mã.
Mè Nàng chính là Phật Bà trong văn hóa phật giáo đã được người Tày, Nùng bản địa hóa bằng phương ngữ của dân tộc mình; tùy theo từng gia đình, dòng họ mà được tôn thờ, bày trí khác nhau nhưng luôn ở trên vị trí trang trọng nhất. Phật Bà hay Quan Thế Âm Bồ Tát được nhắc đến nhiều trong kinh chú, ngài là hiện thân của sự từ bi vô hạn, cứu rỗi chúng sinh khỏi những đau khổ, bất hạnh của cuộc sống, ngài có nhiều tên gọi khác nhau. Mè Nàng cũng vậy, tên gọi chính là Mè Nàng - Phật Bà, liền kề sau đó còn các tên gọi phổ biến như: Mè Nàng Con Dim - Phật Bà Quan Âm; Mè Nàng Hái Ngàn - Phật Bà Hải Ngạn, Mè Nàng Thó Sình - Phật Bà Thanh Tịnh; Mè Nàng Chất Vìn, Ngọ Vìn - Phật Bà Thất Vị, Ngũ Vị; Mè Nàng Sỉu Táy - Phật Bà Siêu Đế; Mè Nàng Vền Tàn - Phật Bà Huyền Đàn;
Mè Nàng Tài Táy- Phật Bà Đại Đế… Thống kê có đến 30 danh hiệu. Mè Nàng chính là đấng tối linh bao bọc che trở cho sự an yên của mỗi gia đình, được tờ phụng hương hoa và vật cúng dường quanh năm trong các kỳ lễ tết và những dịp trọng đại trong không gian thờ cúng của người Tày, Nùng.
33 Khách
Khách trong Then ngoài đời thường là quan khách đi lại, đến xem bói hoặc khách mời đi làm lễ. Trong nghi lễ đó là một vị thần linh tối cao, tuỳ dòng có các tên khách khác nhau như khách Vàng, khách Nam Môn, khách Nam Rinh…
Khách là nhân vật ở vùng đất khác trên mường trời gần cửa vua, có quyền hành cao chức trọng. Vì vậy lẩu Then người ta phải đặt 1 bát gạo trắng, 1 khay trà có rượu, thuốc lá, trầu cau và trà để khu vực riêng khi đón khách xuống. Trong lẩu Then, tướng là người khám lễ thì khách là người tán lễ và giải hạn cho bách gia trăm họ.
Bà yêu tinh, bà ma vương - Già Dìn, già Vài: Đây là một nhân vật tiêu biểu trong Then. Bà yêu tinh được hát trong hành trình lẩu Then, khi các lên thiên đình sẽ vượt qua một cánh rừng già, nơi ấy có lão bà yêu tinh (ma vương) trú ngụ, Then phải mượn được gậu của lão bà để quản rượu, lễ vật lên thiên đình, vì thế mỗi lần làm lẩu cần vào rừng mượn gậy, có Then tả là thử nhau (tò tức), thử nhau để đoạt gậy thần thông của bà. Có một số dòng thì bất kể việc gì cũng lên mượn gậy Gìa Dìn. Bà yêu tinh được miêu tả kỳ dị như sau:
Phiên âm Dịch nghĩa
Già nòn slam bươn kéng tín Sốc bươn bố rụ
Nả già héo như nả cáy đông Năng già héo pần năng ngù hấu Khẻo già pần pằn phưa
Ná mì nầu ưa, nầu ái
Bà ngủ ba năm chưa dậy Sáu tháng không trở mình
Mặt nhăn như mặt gà trong rừng Da bà như rắn hổ mang
Răng bà như cái lưỡi bừa Chẳng ai ưa bà được
Bà Gìa Dìn sở hữu một chiếc gậy thần thông, giống như gậy như ý của Tôn Ngộ Không, ngọn chỉ là sống gốc chỉ là chết. Vì thế, mỗi lần có đại lẩu, Then vào đó xin mượn gậy, dùng mọi phương cách để dụ dỗ lão bà yêu tinh cho mượn gậy thần thông để quản án, quản lễ, đoạn này còn gọi là dum tậu Gìa Dìn (mượn gậy yêu tinh). Có một số dòng sẽ thử sức vật nhau với bà hoặc thử bùa thần thông như khi bà biến thành đám cháy, Then biến thành cơn mưa dập tắt… gọi “tức tậu Gìa Dìn (thử tài lấy gậy yêu tinh), hoặc vào đánh nhau và giành được gậy gọi “đoạt
34
gậy ma vương”. Bà yêu tinh là biểu tượng của những thế lực ma quỷ nhưng có sức mạnh thần thông quảng đại, việc đi mượn, đánh nhau vật nhau hay đi thử tài với bà lão ma vương thể hiện tài trí của Then và khoả quan trong hành trình gian khổ tiến lễ lên thiên giới.
Ông Khuông Ông Khắc
Ông Khuông ông Khắc là vị thần sống ở núi khau khắc, được miêu tả là có hình dạng to lớn, râu hùm hàm én, mày ngài… Ông nằm chắn ngang đường đi.
Then muốn đi qua rừng này phải lên tế ông Khuông, ông Khắc. Then phải nhờ khoả quan đi mua trâu trắng, vào rừng săn hươu nai, xuống sông đánh cá mang về thành lễ tam sinh cầm thú nai hươu, có trâu trắng đặt giữa tế lễ. Ông Khuông ông Khắc hưởng xong lễ vật thì hồi cung, Then nhanh chóng đi qua vùng này.
Nhân vật Sluông - người phu đò
Sluông nghĩa thứ nhất được hiểu là những người lái đò ở bên sông, bờ biển.
Trong Then kể lại rằng: Tại bến đò ấy, nơi gặp nhau của 12 dòng nước lớn đổ ra biển lớn đã có câu chuyện tình cảm chan chứa thủy chung, son sắt thấm đầy nước mắt bi ai của người vợ tiễn người chồng lái đò mỗi khi chàng vượt biển lớn để chở lễ vật cho quan Then. Vì những lẽ đó, mỗi độ xuân về, khi đã chuẩn bị đủ đầy các lễ vật, nhà Then sẽ tổ chức nghi lễ lẩu khao Sluông khai bioóc để khao thưởng công trạng vợ chồng Sluông, họ đã không quản ngại khó khăn gian khổ chèo thuyền vượt biển đưa lễ vật Then lên thiên giới.
Nghĩa thứ hai, trong tín ngưỡng tâm linh của người Tày cổ, Sluông ở đây còn được hiểu là báo ngược long vương (con vua Long Vương Thuỷ Tề), chính là thuồng luồng, giao long (linh vật ẩn cư ở dưới nước), có phép màu biến hóa thần thông xuất hiện nhiều lần trong các cung quãng đường đi của Then. Báo ngược vì thế có thể biến hóa thành thành một chàng trai (Sluông báo), được miêu tả là anh lái đò rất mê hoa, thích hát chơi ghẹo với các Khỏa Quan, nghĩa nàng. Tuy nhiên riêng cái cổ của Sluông báo không thể biến hết thành người trần, chân đi vẫn có dáng của thuồng luồng. Vì thế khi nhập các Sluông báo về nhập vào Then người ta phải buộc vải nhiễu đỏ để che cái cổ, và đi với dánh điệu đạp nước, thể hiện hình dáng của thuồng luồng.
35
Trong các nghi lễ Then, lẩu Then khao Sluông khai bioóc (khao Sluông bán hoa) là phong phú, đọc đáo và mất nhiều thời gian nhất.
Ngọc Hoàng
Đây là tên gọi vị thần tối cao, cai quản muôn loài ở trần gian và trên Thiên giới, quyền năng của ngài là tối linh tối thượng. Vì vậy Then được hiểu là con của Ngọc Hoàng (vua đế sinh ra, vua cha sinh thành), đại diện cho tiếng nói của nhà ngài và được ngài chở che nâng đỡ. Vì vậy cuộc lẩu Then nào dù to nhỏ, người ta cũng phải tiến hương hoa trà thực lên cửa nhà ngài, lĩnh phép và binh mã nhà ngài về cứu nhân độ thế.