Về cách thức diễn xướng

Một phần của tài liệu Lẩu then trong dòng then pháp của người tày ở huyện đình lập tỉnh lạng sơn (Trang 85 - 90)

Chương 3: NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG LẨU THEN PHÁP CỦA NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN ĐÌNH LẬP, TỈNH LẠNG SƠN

3.4. Các yếu tố nghệ thuật dân gian

3.5.2. Về cách thức diễn xướng

Trong hành trình nghi lễ lẩu Then, các nghi thức diễn xướng chủ yếu diễn ra trong nhà. Khói hương thơm ngát lan tỏa khắp không gian linh thiêng, hòa vào âm thanh của tiếng đàn tính, của chùm xóc nhạc và lời hát của thầy Then tạo nên một không gian lắng đọng và đậm chất tâm linh. Khói hương, tiếng Tày gọi là slả là những lá sớ, lời cúng Then như tạo nên sợi dây vô hình huyền ảo, kết nối cõi trời, cõi đất, cõi nước và cõi nhân gian.

Tư thế ngồi

Thầy Then ngồi khoanh chân chữ ngũ, tay cầm đàn tính thường là bên phải, các ngòn đàn rung, láy, móc làm cho âm điệu rộn ràng thúc giục, đôi lúc khoan thai nhẹ nhàng, du dương. Miệng hát những khúc chương như đưa người nghe vào cõi thần tiên và không thực. Ở đó người ta mường tượng ra những bản làng tươi đẹp với những cọn nước, mương máng đầu nguồn; đó là những cánh đồng thẳng cánh cò bay với những chú muồm muỗm môi đỏ; đó là những cánh rừng già xanh ngắt với nhiều chim muông; đó là những tầng mây như chạm đến sự bồng bềnh...

83

Trong khi ngồi có nghệ nhân còn dùng ngòn chân cái để xỏ vào chùm xóc nhạc, miệng hát tay đàn, chân rung bộ nhạc trông thật điệu nghệ và thu hút nhiều người tán dươn chiêm ngưỡng.

Cảnh nhập thần: Cũng có khi ngồi hát, tay kia gảy đàn hợp âm không luyến láy, còn một tay cầm quạt để lắc lư, phe phẩy hoạc che mặt tạo thế nhập đồng vào cửa. Khi quạt úp mặt, người ta đang tưởng tượng có một vị thần linh nào đó đang bước xuống người làm Then, khi đó những lòi vàng ngọc nhả ra là lời nói của thánh thần. Động tác này còn có nghĩa là “ốp đồng- phi khảu”. Lúc này quạt có vai trò là bệ đỡ, là bình phong để ngăn cách giữa thế giới trần tục và thế giới siêu thực. Thông qua lời hát người nghe chỉ mường tượng ra những điều răn dạy của thần linh. Quạt khi không úp mặt, chỉ dật, rung và lắc có ý nghĩa là chiếc roi để quất ngựa, thúc giục binh mã lên đường.

Cảnh múa chầu ngồi: Một chân trước, một chân sau nhún dần dần ngồi xuống, khi ngồi ổn định vẫn nhún đều lên xuống, hai tay múa theo điệu tính với động tác quạt và khăn đào xoay quanh chùm xóc. Với cách múa đó, người múa đơn hoặc đôi tạo đội hình múa các điệu lồng đang- xuống tấn: Khi hạ thân xuống dưới ngồi, đến chân gần chạm đất, một chân ngồi nhẹ chân kia vắt chéo lấy bên chân ngồi làm trọng tâm, tay vẫn múa dáng như trên. Khi múa đủ nhịp chân vắt sẽ duỗi ra đứng trụ quay người và chân kia vắt chéo lại để tạo thế đối lập.

Cảnh đón tướng ngồi: Then thỉnh một vị tướng trong Then xuống ngự người con Then. Ngài sẽ ngồi ghế hoặc đệm, bó gai hoặc bàn chông tuỳ oai của từng vị.

Sau đó là uống rượu, ăn trầu ngài kêu con cháu xông hương, ngài nhai rồi nhổ ra.

Ngài sẽ phán truyền răn dạy con Then và con cháu trong nhà phải giữ lề lối của nhà ngài, ngài giải hạn và ban cho những điều tốt đẹp, con cháu kêu dạ. Sau đó ngài kêu con cháu nhắc lễ (nhấc chân con lợn kêu to) rồi đi khám các mâm lễ bày trong nhà... sau khi khám xong ngài thăng.

Cảnh diễn trò cá tiều: Then ngồi hoặc lăn lóc, trêu ghẹo người dự và có lúc vắt chân chữ ngũ, quỳ lạy để xin gạo ông tướng, miêu tả nhiều điệu bộ của chú bé đáng yêu - gọi chú tiều.

Cảnh ngồi phát lộc: Then lúc này với vai trò các vị thần linh, họ cầm rổ bánh, bẹ hoa chuối hoặc túi gạo để phát lộc cho người dự với ý muốn tán đàn lễ.

84 Tư thế đứng

Cảnh đón rước tướng đứng: Trong những nghi lễ đón tướng và múa chầu lẩu Then, thầy cả sẽ đứng lên đón tướng, các đệ tử hầu cận, phân công người đứng đàn chầu. Người cầm đàn một tay múa một tay gẩy, có lúc trở lại vị trí tay cầm gẩy tay kia rung, láy, móc via nốt nhạc trông rất điệu nghệ và thanh thoát.

Cảnh chầu đàn đứng: Tay cầm đàn vừa hát chân vừa bước nhỏ, tay kia vuốt nhẹ theo bầu đàn để tạo thế múa xong hành với đối phương đang cầm chùm xóc.

Thế cầm đàn đứng còn có lúc chỉ gẩy rất đơn giản, mộc mạc để thỉnh thánh tướng hay tay kia cầm đàn thế để ngang - gọi là khoang tính để lạy và đầu cúi rạp xuống với ý nghĩa là cung thỉnh thánh tướng giáng đàn chứng lễ.

Khi đứng, không cầm đàn chỉ cầm quạt. Lúc này người diễn xướng - thầy Then với vai trò một vị tướng. Tay cầm thanh kiến để chỉ đạo quân sỹ đánh trận.

Cũng có lúc cầm quạt đứng là một vị quan, tay cầm quạt phe phẩy để răn dạy các con cháu trong nhà, đối với những bậc thầy cao niên là răn dạy đệ tử. Có khi cầm quạt để quạt én với ý nghĩa giục đàn én bay cao, bay xa để báo thông tin đến Ngọc Hoàng thượng đế về kỳ đại lẩu Then tăng chức.

Khi đứng để cầm bộ xóc nhạc múa chầu: Tay phải cầm xóc nhạc, tay trái cầm quạt hoặc khăn đào. Cách múa lần lượt theo nhịp đàn tính: bước 1 hất tay cầm quạt lên, bước hai vòng tròn xuay quạt hoặc khăn đào, bước 3 hất tay về phía vai và đổi vị trí từ trái sang phải và lần lượt như vậy.

Chân múa bước chân phải trước, đẩy gót về trước, chân hơi khụy, chân sau bước theo nhịp và lần lượt tiến theo các tuyến đi khác nhau

Không gian ngoài nhà

Nghi lễ thực hiện ngoài nhà trong lẩu Then tăng sắc là việc thầy Tào tuyên sắc và cấp binh mã, Thủ tục này thường diễn ra trước cửa nhà, thường là không gian ngoài nhà. Thầy cúng lễ xin sắc lệnh Ngọc hoàng xuống cấp dấu ấn và trao tờ bằng cho Then. Thầy Tào về tăng sắc sau này gọi là thầy cha và tạo mối quan hệ như một người thầy dạy của mình với nhiều nghi lễ linh đình.

Sau khi thầy Tào cúng lễ thỉnh Ngọc Hoàng xong, người ta sẽ bày biện một cây chuối non tượng trưng cho sự trường sinh, bắc cầu vài từ trong nhà đến điện

85

thờ Then. Trước mặt bách gia trăm họ, ngoài trung thiên. Then được tăng sắc ngồi vị trí quan trọng nhất. Lúc đó thầy Tào sẽ tuyên sắc, ý nghĩa của việc này vẫn là thỉnh vua cha Ngọc Hoàng hoặc tổ sư gốc pháp, thánh, pụt, Sliên tổ… về chứng minh việc hôm này ngày giờ đẹp con đệ tử được ban thêm binh mã và các tín vật như đàn tính, nhạc mạ, mũ, áo, cờ quạt… đi cứu nhân độ thế. Tiếp đó thầy ban mũ thêm dây - quan niệm thêm binh mã cho Then. Ban ngựa - bộ xóc nhạc và bộ xin âm dương, kiếm, quạt và các phụ kiện khác cho con Then.

Sau khi thầy tuyên sắc xong các đệ tử, con hương, con cầu con kí và người nhà Then sẽ làm thủ tục quá hồng. Họ buộc lên vai hoặc đầu Then miếng vải đỏ, mừng lì xì - tiền và chúc cho Then những điều tốt đẹp nhất.

Sau khi tăng sắc, Then bước vào miếng vải đỏ được trải sẵn và bước chậm vào nhà, dưới sự hướng dẫn của thầy Tào, các đệ tử và đồng môn sẽ múa chầu hai bên, con cháu và họ hàng, người dự sẽ đi theo vào nhà.

Cảnh các thầy Then đứng trước cây hoa - nghi lễ bán hoa trong lẩu Then khai bioóc. Cảnh này thường diễn ra không gian là những cánh đồng, hoặc hiên nhà chủ lễ. Thầy Then lúc này là những vị thần linh - thuồng luồng, đầu đội mũ, thân mặc áo gấm xanh, đỏ, vàng, đen để trêu ghẹo đối đáp với những người tham dự.

Nội dung chủ yếu là thử tài ca hát, tài mua bán hoa của các nghĩa ngãi, nàng hầu và các Then, tạo không gian sinh động hấp dẫn người tham dự.

86

Tiểu kết Chương 3

Lẩu Then, hay lễ “lên lầu” (lên trời) là một nghi lễ văn hóa truyền thống mang tính chất tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Tày ở Lạng Sơn, vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng giá trị cổ truyền, duy trì một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa và gắn kết tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc nơi đây. Là hoạt động mang tính tín ngưỡng, nhưng Lẩu Then luôn hấp dẫn, gần gũi bởi nghi lễ là buổi diễn xướng nghệ thuật tổng hợp, bao gồm hát, múa, trò diễn. Giai điệu Then luyến láy, lúc trầm lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, cuốn hút người hát, người xem. Nhạc cụ đệm cho nghi lễ gồm đàn tính tẩu, quả nhạc, thanh la, trống, chiêng... Nghệ thuật là sáng tạo, nghi lễ Then chỉ đạt được đến độ nghệ thuật trình diễn khi có sự sáng tạo của thầy Then và người tham dự. Đó chính là điểm nổi bật, điểm mấu chốt kết hợp giữa sáng tạo với cảm xúc thăng hoa trong không gian nghi lễ Then đã khẳng định rằng các yếu tố sẽ tạo thành một sân khấu tâm linh vô cùng huyền ảo trong đó có sự phong phú, tổng hòa của các thành tố nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Lẩu then trong dòng then pháp của người tày ở huyện đình lập tỉnh lạng sơn (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)