Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ VÙNG MỎ QUẢNG NINH
1.2. Khái quát về vùng mỏ Quảng Ninh
1.2.2. Đặc điểm lịch sử - xã hội
Truyền thống, bề dày lịch sử lâu đời của ngành Than đến nay đã trên 180 năm. Về cơ bản, lịch sử - xã hội vùng mỏ Quảng Ninh có thể chia làm hai thời kì lớn: Thời kì thuộc Pháp và thời kì từ sau ngày vùng mỏ được giải phóng. Trong đó, thời kì thuộc pháp có thể chia thành ba giai đoạn là: Giai đoạn 1888 - 1918, giai đoạn 1919 - 1929, giai đoạn 1930 - 1955.
Điểm mốc bắt đầu là ngày 10/01/1840, Vua Minh Mạng ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu của Tổng đốc Hải An (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) cho phép khai thác than ở Quảng Ninh. Trước đó, người dân trong khi săn bắt, hái lượm, lấy củi, nhặt được ba hòn đá đen để đun cơm thì thấy ba hòn đá đó bốc cháy (sự kiện “hòn đá cháy”).
Từ sau đó, người dân mang các hòn đá cháy về nấu nướng, nung vôi… Tổng đốc Hải An là Tôn Thất Bật nhận thấy đây có thể thành một nghề có thể cứu đói cho dân, bèn dâng sớ xin thuê dân phu khai thác than đá tại núi An Lãng (xã Yên Thọ, huyện Đông Triều) và được vua Minh Mạng đồng ý. Sớ này đánh dấu bước ngoặt lớn nhất phát tích ra nghề khai thác than ở Việt Nam.
Sau đó, bước vào thời kỳ Pháp đô hộ, đất nước ta trở thành một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, chịu sự cai trị, áp bức của Pháp, đặc biệt bị áp đặt các chính sách khai thác tài nguyên, nhất là khai thác than. Theo sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010, khi thực dân Pháp bình định được xứ Bắc Kỳ, buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Quý Mùi vào tháng 8/1883, hoạt động khai khoáng thực sự bắt đầu với quy mô lớn. Công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là hoạt động khai thác than, là nguồn thu ngân sách quan trọng đối với chính quyền thuộc địa tại Việt Nam. Cụ thể, ngày 24/01/1884, thực dân Pháp ép triều
đình nhà Nguyễn bán khu vực Hòn Gấc (Hòn Gai - Cẩm Phả) cho tư bản Pháp, thời hạn 100 năm. Ngày 24/4/1888 một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (FSCT), được quyền quản lý từ Hòn Gai đến Mông Dương. Cùng năm 1888 triều đình nhà Nguyễn bán khu vực Mạo Khê - Đông Triều cho tập đoàn tư bản Pháp (SFDT).
Về sự phát triển của ngành than nơi đây: Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các công ty than lần lượt ra đời, trong đó lớn mạnh nhất là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (viết tắt là SFCT). Năm 1888, Công ty Than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnages du Tonkin) được thành lập, với quyền khai thác một khu vực rộng lớn trải dài từ Mông Dương, Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh và Mạo Khê (Quảng Ninh). Đây là công ty khai mỏ đầu tiên tại Đông Dương và được xem là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động khai thác mỏ chủ yếu dựa vào sức người, phương tiện thủ công.
Dưới sự khuyến khích của chính quyền thuộc địa, hàng loạt công ty khai thác than mới được thành lập trong những năm sau đó, chủ yếu tập trung tại xứ Bắc Kỳ như Công ty Than Đông Triều (1916), Công ty Than Kế Bào (1912), Công ty Pannier & CIE (1917), Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng (1924), Công ty Than Ninh Bình (1926)…
Như vậy, trong khoảng thời gian tương đối ngắn, chưa đầy bốn chục năm, từ 1888 với dấu mốc ra đời của công ty khai mỏ đầu tiên tại Đông Dương (Công ty Than Bắc Kỳ), đến sự khai sinh của Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng (1924), Vùng mỏ Quảng Ninh đã hình thành trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương.
Chính quyền thuộc địa cũng đưa ra các quy định chặt chẽ về thể lệ thăm dò, xin khai thác, xin nhượng mỏ… nhằm tạo thế độc quyền cho các nhà khai thác người Pháp. Tuy nhiên, một số người Việt như thương nhân Nguyễn Văn Nhân hoặc nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi cũng đã thâm nhập được hoạt động khai thác than thông qua việc mua lại mỏ từ người Pháp.
Sản lượng khai thác than hàng năm gia tăng nhanh chóng từ khoảng 3.000 tấn trong năm 1890 lên hơn 500.000 tấn trong năm 1913 và đạt mức cao nhất 2.615.000 tấn vào năm 1939. Trong đó, Công ty Than Bắc Kỳ và Công ty Than Đông Triều đóng góp đến 90% tổng sản lượng than khai thác trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) bùng nổ. Số lượng công nhân khai thác than cũng tăng mạnh lên đến hơn 55.000 người vào năm 1939. Vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương. Phần lớn lượng than khai thác được dùng để xuất khẩu.
Lượng than xuất khẩu của Việt Nam trong năm 1900 chỉ ở mức 194.288 tấn đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.782.007 tấn vào năm 19395, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới thời kỳ này. Doanh thu xuất khẩu than chiếm trên dưới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khai khoáng của Việt Nam trong giai đoạn 1908 - 1940.
Các thị trường xuất khẩu than chính gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Lượng than được chở về Pháp chiếm tỷ trọng nhỏ, từ 1% - 17% trong tổng sản lượng than khai thác được, tùy theo từng năm. Đến năm 1940, tỷ lệ than xuất khẩu vẫn chiếm tới trên 60% tổng sản lượng than khai thác được tại Việt Nam. Các hoạt động trong nước như sản xuất điện, vận tải đường sắt, đường thủy… chỉ tiêu thụ khoảng 30% tổng sản lượng than khai thác hàng năm.
Về các cuộc đấu tranh cách mạng tại vùng mỏ: Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Trung ương bắt đầu gửi một số đồng chí đảng viên, chiến sĩ hoạt động cách mạng đi vô sản hoá vùng mỏ, như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Huy Tăng, Lê Thanh Nghị, Đặng Châu Tuệ… Cuối tháng 2/1930, Cchi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh được thành lập ở Mạo Khê (Đông Triều) do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Chi bộ, mở ra bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại khu mỏ. Cho đến năm 1936, ở vùng mỏ đã có rất nhiều chi bộ hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thấy cần có những cuộc bãi công để chấm dứt đàn áp của Pháp và bè lũ tay sai, Chi bộ đã thống nhất thực hiện cuộc tổng bãi công với khẩu hiệu trọng tâm là “kỷ luật và đồng tâm, chúng
ta nhất định thắng”. Kỷ luật tức là bãi công phải dứt khoát, đồng loạt; đồng tâm là tất cả các mỏ đều không đi làm.
Ngày 12-11-1936, giai cấp công nhân khu mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của chủ mỏ, đòi chủ mỏ phải tăng lương, giảm giờ làm, không dùng bạo lực điều hành sản xuất... Đây là cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân khu mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng và trở thành ngày truyền thống của thợ mỏ vùng than. Cuộc tổng bãi công khởi đầu vào ngày 12/11/1936 với hơn 3 vạn phu mỏ. Đảng lãnh đạo tính toán những yếu tố như công nhân bãi công kéo dài không có tiền lương, nên đã lo ăn, trang thiết bị để công nhân có thời gian đấu tranh. Thực dân Pháp vào đàn áp, nhưng đến đâu công nhân cũng đấu tranh, trở thành một khối đoàn kết thống nhất, thì Pháp không biết đàn áp ai. Kéo dài đến ngày thứ 7 không có than đưa về chính quốc, bọn chủ mỏ phải nhượng bộ những yêu sách của chúng ta, đó là giảm giờ làm, tăng lương và dứt khoát không được đánh đập phu mỏ. Ngày 12/11 trở thành
“ngày Vùng mỏ bất khuất”, nay đổi tên thành ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, ngày truyền thống ngành Than.
Thắng lợi của cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã cổ vũ công nhân toàn khu mỏ Quảng Ninh đồng loạt nổi dậy bãi công. Ngày 23/11/1936, công nhân nhà máy cơ khí Hồng Gai, nhà máy sàng - luyện than Hồng Gai, nhà máy điện Cột 5, các mỏ than Hà Tu, Hà Lầm đồng loạt bãi công. Ngày 24/11/1936, công nhân mỏ than Mông Dương kéo đến gặp chủ mỏ đòi tăng lương. Ngày 25/11/1936, công nhân nhà sàng Cửa Ông và cảng Cửa Ông, các mỏ than Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng cũng cấp tập bãi công đòi quyền lợi chính đáng của người lao động. Ngày 27/11/1936, công nhân khu vực Hà Tu, Hà Lầm, Cai Đá… hàng nghìn người tập trung tại sân bóng đá Hồng Gai biến thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng.
Chiều 28/11/1936, giới chủ mỏ toàn vùng than từ mỏ than Mông Dương, Kế Bào, Cẩm Phả, Hà Tu, Hà Lầm, Cai Đá, Đồng Đăng, Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê, Đông Triều… đã phải nhượng bộ tăng 10% lương cho tất cả công nhân mỏ.
Đầu năm 1945, tình hình ở khu mỏ Cẩm Phả rất phức tạp, Pháp đầu hàng và dâng khu mỏ cho phát xít Nhật. Nhật đàn áp, bắt bớ, đánh đập công nhân rất dã man. Sau khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở nhiều nơi, không khí cách mạng ở vùng mỏ càng thêm sôi sục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân vùng mỏ Cẩm Phả đã vùng lên tham gia giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân... Đến năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hàng vạn người con Cẩm Phả lên đường theo tiếng gọi của non sông. Những người ở lại thì vừa tập trung lao động sản xuất, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ vùng mỏ. Ngày 24.4.1955, khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, công nhân bắt tay vào công cuộc khôi phục mỏ; tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao sản lượng khai thác. Cả vùng mỏ khi ấy hừng hực khí thế lao động hăng say.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa, vùng mỏ lại cùng cả nước lao động và chiến đấu quên mình. Nơi đây những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ là trọng điểm sản xuất của cả nước, để chi viện cho miền Nam cả sức người, sức của, cũng là trọng điểm những cuộc bắn phá điên cuồng của giặc. Tháng 7.1967, hơn 2.000 thanh niên ưu tú đang làm việc trong các mỏ than đã huy động để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cái tên Binh đoàn Than không phải là phiên hiệu trong quân đội nhưng đã đi vào lịch sử như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Những chặng đường lịch sử nêu trên đã khẳng định mỗi trang sử vẻ vang của nhân dân vùng mỏ, những hy sinh thấm bao mồ hôi và cả máu của thợ mỏ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.