Ca dao, dân ca phản ánh truyền thống đấu tranh và ý chí cách mạng của người thợ mỏ

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 67 - 72)

Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

2.4. Ca dao, dân ca phản ánh truyền thống đấu tranh và ý chí cách mạng của người thợ mỏ

Khi quốc gia phong kiến độc lập không trụ nổi trước sức mạnh xâm lược của tư bản phương Tây, Việt Nam trở thành một thuộc địa dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, thì vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành một vùng điển hình của tội ác khai thác thuộc địa. Nhưng từ nỗi thống khổ bị áp bức và bóc lột, vùng đất này đã kế tục mạnh mẽ truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất kiên cường của mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã viết nên những chương sử mới. Đó là thời kỳ vùng mỏ trở thành cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân và những trang đấu tranh oanh liệt lại bắt đầu. Ca dao, dân ca vùng mỏ đã phản ánh sinh động truyền thống đấu tranh và ý chí cách mạng đó.

Vào đầu thế kỷ XIX, do ít nhiều tiếp xúc với tư bản phương Tây và nền kinh tế của họ nên nghề khai mỏ ở Quảng Ninh đã được nhà nước chú ý hơn.

Thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, người ta đã bắt đầu khai thác than đá tại Đông Triều. Tháng 12 năm 1839, năm Minh Mạng thứ 20, Tổng đốc Hải An là Tôn Thất Bật đã dâng sớ xin thuê dân phu khai thác than đá tại núi An Lãng (xã Yên Thọ, huyện Đông Triều) và được vua Minh Mạng đồng ý. Sau, thực dân Pháp sáng xâm lược nước ta, ngành công nghiệp khai thác than được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Cùng với công nghiệp than, Quảng Ninh là một trong những nơi giai cấp công nhân Việt Nam hình thành sớm nhất, đồng thời đây cũng là nơi trở thành trường rèn luyện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giác ngộ ý thức giai cấp cho giai cấp công nhân Việt Nam. Với Quảng Ninh, nơi vùng mỏ lầm than “địa ngục trần gian” thì sức hưởng ứng mạnh mẽ là một tất yếu lịch sử.

Vốn xuất thân từ những người nông dân có truyền thống dân tộc lâu đời, mang trong lòng ngọn lửa căm thù sôi sục đối với quân xâm lược Pháp, cũng chính là bọn thực dân đang áp bức, đọa đày họ trong nhà máy, hầm mỏ, thợ mỏ Quảng Ninh ngay trong giai đoạn đầu đã rất nhạy bén với vấn đề dân tộc, sẵn sàng và tự nguyện tham gia vào các cuộc khởi nghĩa chung của dân tộc. Dần dần cùng với sự phát triển về số lượng, thông qua cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, người thợ mỏ Quảng Ninh cũng ngày càng trưởng thành về chất lượng, sớm đi đến chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó "cẩm nang thần kỳ" trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp. Song song với quá trình phân hóa giai cấp là sự phát triển không ngừng của giai cấp công nhân mỏ Quảng Ninh. Đó chính là một quá trình chuyển hóa của giai cấp công nhân mỏ từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác, từ chủ nghĩa yêu nước thuần túy đến sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Lúc đầu, cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột còn mang tính tự phát lẻ tẻ và nhằm vào những quyền lợi kinh tế trước mắt, những cũng không kém phần kiên quyết:

Bao nhiêu gạo tẻ thì sao?

Phu không được lĩnh, chui vào túi ai?

Gạo gam thừa phải trả ngay Để cho con trẻ được ngày cháo no.

Dần dần, đội ngũ công nhân được tập hợp lại trong các tổ chức do Đảng lãnh đạo, ca dao, dân ca không những đã phản ánh bước trưởng thành đặc biệt đó mà còn là công cụ tổ chức và vận động đấu tranh. Nhiều cán bộ, Đảng viên và quần chúng tích cực của Đảng đã sáng tác những bài hát dựa theo các làn điệu dân ca. Hàng loạt bài vận động đình công đã ra đời trong thời gian này:

Nắng mưa cam phận cúi đầu Ăn no vác nặng làm trâu kéo cày Tỉnh dậy ngay! Tỉnh dậy ngay!

Hợp đoàn làm một, chung tay, một lòng Cùng nhau ủng hộ đình công.

Có bài điệu xa mạc, có bài điệu hành vân:

Gắng gượng làm công ngày không đủ Thuế nựng với sưu nhiều, tiền gì cho đủ Vậy thì làm sao? Làm sao?

Rày là rày ta tính Hiệp sức nhau vào Quẳng búa bỏ choòng Ta quyết làm reo, làm reo Yêu cầu là cầu cho thắng

Không ưng ta quyết không theo!

Càng về sau, các bài ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh càng tiến tới nội dung vận động tiền khởi nghĩa, sục sôi khí thế tranh đấu chính trị:

- Tầng lò mìn mỏ của ta

Non sông đất nước ta là chủ nhân Thế mà chúng đến cướp không Lại còn áp bức đặt gông, đặt xiềng Anh em hãy một lòng một dạ

Cùng tiến lên đuổi cổ nó đi.

Đó còn là tiếng kèn xung trận:

Công nhân ta quyết một lòng

Phá tan xiềng xích cùm gông ngai vàng.

- Công nhân ta quyết một lòng

Phá tan xiềng xích, cùm gông ngai vàng!

- Mau phất ngọn cờ đào cách mạng Nào thợ thuyền, binh lính, dân cày Đánh thằng Nhật, đuổi thằng Tây

Rồi ta xây dựng cái xã hội này hơn xưa.

Những bài ca vừa truyền miệng, vừa in trong truyền đơn vừa in cả trong những tờ báo bí mật. Nó cổ vũ, thôi thúc và chỉ ra những phương hướng hành động cách mạng. Nó khẳng định niềm tin tưởng thắng lợi của giai cấp công nhân, của dân tộc và cả phong trào cách mạng thế giới. Có bài vang lên từ ngục tù, có bài là những lời ly biệt đau đớn tiễn bạn đi Côn Đảo nhưng tất cả đều son sắt một niềm tin tất thắng, đều phơi phới tinh thần lạc quan cách mạng.

Không khí sục sôi của thời kì tiền khởi nghĩa với những khẩu hiệu hành động cụ thể do Đảng vạch ra như “đoàn kết công nông”, “vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật”, đã làm cho các bài ca vượt lên khỏi mức độ tố cáo. Trong số các bài ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh trước Cách mạng, có đến 28 bài ca mà toàn bộ nội dung là sự thể hiện tinh thần, ý chí tranh đấu cao độ của những người thợ mỏ nhằm chống lại bọn thực dân chủ mỏ và tay sai. Các bài ca đọc lên hừng hực khí thế:

- Đình công, nhất quyết đình công Chủ chưa chấp thuận ta không đi làm.

- Dù cho thiếu thốn, gian nan Cũng phải bắt chủ chịu bàn mới thôi.

Ca dao, dân ca vùng mỏ thời kì này xét từ góc độ văn hóa là những bài nói lên truyền thống đấu tranh, ý chí cách mạng của người công nhân mỏ, nhưng xét từ góc độ lịch sử văn học, chúng còn là những tác phẩm có tính chất mở đầu của dòng văn học cách mạng ở vùng mỏ - một dòng văn học có ý nghĩa đặc biệt (bao gồm thơ văn của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc, ở hải ngoại hoặc ở chiến khu cách mạng) trong nền văn học Việt Nam thời kì cận đại và hiện đại.

Cuộc tổng bãi công của hơn ba mươi nghìn thợ mỏ năm 1936 với mục đích đòi tăng lương, giảm giờ làm giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một

trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ và độc lập dân tộc. Sau này, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ, được gọi là Ngày vùng mỏ bất khuất. Cuộc Tổng đình công đã đi vào ca dao, dân ca vùng mr Quảng Ninh với nhiều bài ca tràn đầy âm hưởng hào hùng, ngợi ca: Đình công năm 1936 (bài 1 và bài 2), Quên sao cuộc Tổng đình công.

Tiểu kết chương 2

Ở chương viết này, chúng tôi đã xem xét các khía cạnh nội dung của ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh dưới góc nhìn văn hóa. Từ đó, chúng tôi nhận thấy rằng:

Ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh phản ánh đặc điểm quan hệ xã hội của người thợ mỏ. Là công nhân của những mỏ than, giờ làm việc họ phải sống trong khói bụi, trong hầm lò đen tối, theo những tầng khác nhau; giờ nghỉ họ được trở về nghỉ ngơi nhưng theo đúng nếp sống công nghiệp là ở trong những khu nhà tạm tồi tàn, hoặc sa vào ăn chơi trong những chốn ca lâu, bài bạc.

Là sản phẩm của giai cấp công nhân mỏ, ca dao, dân ca tất yếu phản ánh truyền thống văn hóa tiêu biểu nhất của người thợ mỏ Quảng Ninh là tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Chính tinh thần ấy đã giúp họ làm nghề và đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc trong trường kì kháng chiến gian khổ.

Bên cạnh đó, trong ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh, quan hệ giai cấp thống trị - bị trị, quan hệ gia đình, những đặc điểm văn hóa nghề nghiệp cũng được nhắc đến khá rõ nét, khiến cho bộ phận ca dao, dân ca này mang màu sắc riêng biệt, khó trộn lẫn với bất kì bộ phận ca dao, dân ca nào khác.

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)