Đặc điểm diễn xướng của dân ca vùng mỏ dưới góc nhìn văn hóa

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 87 - 92)

Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT VÀ DIỄN XƯỚNG CỦA CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ

3.2. Đặc điểm diễn xướng của dân ca vùng mỏ dưới góc nhìn văn hóa

Là sản phẩm tinh thần của một giai cấp, trong một hoàn cảnh đặc biệt là sinh sống và làm việc tại các khu mỏ của Quảng Ninh ở thời kì trước và sau giải phóng, việc diễn xướng da cao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh tất yếu cũng mang những đặc điểm riêng biệt.

Về làn điệu:

Sự hợp cư của nhiều luồng cư dân đem đến sự đa dạng về văn hóa và điều đó được phản ánh ở việc dân ca vùng mỏ được sáng tác theo nhiều làn điệu khác nhau. Từ bài ru con đến bài hát xẩm, từ điệu Xa Mạc đến điệu hành vân, điệu lý… các làn điệu khác nhau đã góp phần thể hiện sinh động và thật sự trở thành phương thức tuyên truyền rất có hiệu quả ở vùng mỏ.

Nhiều cán bộ, Đảng viên và quần chúng tích cực của Đảng đã sáng tác những bài hát dựa theo các làn điệu dân ca. Hàng loạt bài có nội dung vận động đình công, đấu tranh cách mạng đã ra đời trong thời gian này:

Nắng mưa cam phận cúi đầu Ăn no vác nặng làm trâu kéo cày Tỉnh dậy ngay! Tỉnh dậy ngay!

Hợp đoàn làm một, chung tay, một lòng Cùng nhau ủng hộ đình công.

Dân ca vùng mỏ phong phú, đa dạng về làn điệu: có bài được sáng tác theo điệu trống quân, có bài được sáng tác theo làn điệu cò lả, có bài được sáng tác theo làn điệu Xa Mạc, có bài được sáng tác theo điệu hành vân, có bài được

sáng tác theo điệu xẩm chợ, có bài được sáng tác theo điệu bình bán… Điệu cò lả là một trong những làn điệu hát ru dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Điệu cò lả là một giai điệu có nhiều vần, nhưng sự du dương của giai điệu giống như một điệp khúc. Điệu Xa Mạc có xuất xứ từ thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội). Làn điệu Ngâm Xa Mạc được ra đời trong quá trình lao động, sản xuất được các nam thanh, nữ tú đã hát từ thửa ruộng này sang thửa ruộng kia, đối đáp để quên đi sự mệt mỏi chân tay, tạo nên hứng thú trong quá trình lao động sản xuất. Trong đó, từ Xa Mạc có nghĩa là:

''Xa'' là khoảng cách, ''Mạc'' là làng, đây là một làn điệu hát từ xa vọng lại của một làng nên gọi là làn điệu Xa Mạc, trùng với tên của thôn Xa Mạc. Làn điệu Ngâm Xa Mạc được các nam, nữ thanh niên đối đáp, hát giao duyên, hoặc tỏ tình với nhau; được sử dụng rất nhiều trong hát chèo; trong ngâm thơ, hát Ru, hát xẩm, ca trù… Trong khi đó, điệu hành vân, hay còn gọi là lưu thuỷ hành vân (nước chảy mây trôi) - là một điệu vô cùng phổ biến trong cải lương. Tên của làn điệu này được đặt theo giai điệu: Dạt dào như nước chảy nhưng êm đềm như mây trôi, khiến cho bài hát không hẳn vui, mà cũng chẳng hẳn buồn, có gì đó trầm tư mà nao nức.

Chẳng hạn, sau đây là một bài dân ca kêu gọi đình công phổ biến ở Hà Tu, Hà Lầm những năm 30 của thế kỉ XX, được sáng tác theo điệu hành vân:

Gắng gượng làm công ngày không đủ Thuế nựng với sưu nhiều, tiền gì cho đủ Vậy thì làm sao? Làm sao?

Rày là rày ta tính Hiệp sức nhau vào Quẳng búa bỏ choòng Ta quyết làm reo, làm reo Yêu cầu là cầu cho thắng

Không ưng ta quyết không theo!

Hay đây là bài ca kêu gọi giai cấp công nhân - nông dân phất cờ lên khởi nghĩa, từng được phổ biến tại vùng mỏ Mạo Khê (Uông Bí, Vàng Danh) những năm trước Cách mạng, được sáng tác theo điệu bình bán:

Anh em chúng ta

Bị giam cầm trong chốn nhà pha Nào ai có tội chi mà

Cái cuộc tuần hoàn nhiều nỗi xót xa Ấy ai gây cuộc can qua

Biết bao phen nhân quyền tranh cạnh Điều ấy mất cũng vì thằng tư bản…

Điệu ngâm Xa Mạc cũng được sử dụng khá nhiều trong các bài hát vận động Cách mạng:

Nào thời lò, anh em ơi!

Cái thân chúng ta đây nhem nhuốc ở cái nơi thời lò Đào than và than chống cột

Lần mò ở chốn đám hang sâu Này anh em ơi!

Cái thân chúng ta cực khổ quá ngựa trâu

Quanh năm là năm chí tối dãi dầu nó lại nắng mưa…

Sự phong phú về làn điệu dân ca có thể được giải thích bằng việc người công nhân mỏ vốn quen với kho tàng ca dao, tục ngữ và những điệu dân ca của vùng đồng bằng. Nay trong hoàn cảnh đắng cay, tủi nhục, họ vừa đau đớn vừa phẫn nộ. Họ đã gửi gắm tâm tư, tình cảm vào ca dao, dân ca. Đây là lời tố cáo nhưng cũng là nơi giãi bày, chia sẻ, giao lưu với bè bạn. Họ đặt lời bài hát theo những làn điệu xẩm, trống quân, cò lả và theo những làn điệu chèo để ngâm nga, để giải tỏa. Những làn điệu mượt mà của dân ca khiến cho ca dao, dân ca vùng mỏ trở thành món ăn tinh thần hiệu quả để khuây khỏa tinh thần, vỗ về tâm hồn và gửi gắm ít nhiều những hi vọng của những người phu mỏ.

Về hình thức tồn tại:

Ngoài hình thức tồn tại truyền thống là sáng tác và lưu truyền bằng con đường truyền khẩu, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh còn được viết dán đầy trên báo tường hoặc viết lên tường, lên vách của những khu nhà ở của phu mỏ, được in công khai hoặc trong những tờ báo bí mật. Trong điều kiện sống và làm việc hết sức khổ cực, bị cấm đoán, kiểm soát gắt gao và tù túng, các bài ca dao, dân ca vùng mỏ với nội dung than thân, tố cáo và kêu gọi đấu tranh thường được sáng tác mang tính phản ứng tức thời. Mặc dù lúc này chữ viết và công nghệ in ấn, xuất bản đã khá phát triển nhưng do những điều kiện kể trên, các bài ca này chưa được xuất bản, in ngay ở thời điểm đó. Nếu có được in thì cũng là sau thời điểm đó nhưng chỉ một số bài được in - là những bài mang tính chất kêu gọi tinh thần đấu tranh đình công tại các khu mỏ. Công việc in ấn phải đến mãi sau này, khi đất nước đã hòa bình và công cuộc sưu tầm, bảo lưu vốn văn học dân gian được chú trọng. Ở tại thời điểm đó, các hình thức tồn tại như viết dán trên báo tường, viết lên tường, lên vách của những khu nhà ở của phu mỏ, một số bài in công khai hoặc trong những tờ báo bí mật là phù hợp và đáp ứng mục đích tuyên truyền, cổ động cách mạng một cách kịp thời của ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh. Với tính chất là những bài tuyên truyền nên các bài ca này bị cấm lưu truyền trong khu mỏ. Nhưng người công nhân mỏ vẫn tìm được cách phổ biến nó rộng đến những người cùng cảnh ngộ bằng cách viết lên tường hoặc viết giấy dán lên tường. Nhờ đó, ca dao, dân ca được lưu giữ khá nguyên vẹn và được phổ biến rộng đến cộng đồng thợ mỏ lúc bấy giờ.

Tiểu kết chương 3

Ở chương viết này, chúng tôi đã xem xét các đặc điểm nghệ thuật và diễn xướng của ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh dưới góc nhìn văn hóa.

Về phương diện nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy kho tàng ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh có dấu vết của ca dao, dân ca nhiều vùng miền và của văn học viết, đem đến cho kho tàng này sự đa dạng, phong phú trên một nền tảng thống nhất. Điều này được lí giải từ sự hợp cư của nhiều luồng dân cư hội tụ về đây làm phu mỏ trong những mỏ than, đem theo bản sắc văn hóa của nhiều vùng

quê. Kho tàng ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh chính là kết quả của sự hợp dung của văn hóa các vùng miền đó.

Bên cạnh đó, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh còn mang các đặc điểm khác về ngôn ngữ, giọng điệu, thể loại. Ngôn ngữ ca dao, dân ca vùng mỏ có tính đời thường, chân thực và cụ thể. Đặc điểm này chịu sự quy định của tính cách, tính chất công việc và cuộc sống của người thợ mỏ. Giọng điệu trong ca dao, dân ca trước giải phóng là giọng trào lộng. Họ tự trào bản thân, đả kích kẻ thù. Tiếng cười của họ biểu hiện sức mạnh lạc quan của một giai cấp rất có ý thức về mình. Về hệ thống hình ảnh, chúng tôi nhận thấy các hình ảnh con người hay sự vật đều có sự gắn bó với tính chất công việc, nghề nghiệp của những người công nhân vùng mỏ. Về thể loại, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh được sáng tác khá gần với thể loại vè, nhiều bài gần giống với bức thư. Điều này sẽ giúp các bài ca dao, dân ca có sức lưu truyền rộng rãi, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, hiệu quả tuyên truyền được nâng cao.

Về diễn xướng, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh được diễn xướng bằng nhiều làn điệu khác nhau như trống quân, cò lả, Xa Mạc, hành vân, hát ru, hát xẩm… Điều này liên quan đến việc thợ mỏ đến từ nhiều địa phương khác nhau đã mang theo làn điệu dân ca của mình đến đây và sáng tác. Về hình thức tồn tại, bên cạnh việc tồn tại qua con đường truyền khẩu, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh còn được viết lên báo tường hoặc viết trực tiếp lên tường trong những khu nhà ở của công nhân. Sự đa dạng về làn điệu và hình thức tồn tại như vậy là phù hợp với yêu cầu tuyên truyền, cổ động mang tính chất kịp thời, tức thì và sâu rộng ở vùng mỏ.

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)