Quan hệ gia đình công nhân mỏ

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 58 - 61)

Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

2.1. Ca dao, dân ca phản ánh các mối quan hệ xã hội của cư dân vùng mỏ

2.1.2. Quan hệ gia đình công nhân mỏ

Những dòng người di cư từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng Thanh Hoá - Nghệ An ra vùng mỏ làm phu, sinh cơ lập nghiệp từ thời Pháp thuộc. Họ là những người nông dân đói khổ, theo các đợt mộ phu về vùng mỏ lập nghiệp - những chuyến đi với ảo tưởng đẹp đẽ do bọn mộ phu vẽ ra nhưng đến đây họ mới biết là đường không lối về:

Nam Định là chốn quê nhà Có ai về mộ cu li ra làm Anh em cơm nắm ra Nam

Theo ông cai mộ đi làm mỏ than Cu li kể có hàng đàn

Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ … Chưa đi chưa biết Cửa Ông Đi rồi mới biết là không lối về.

Tình yêu đã nảy nở trên những khu mỏ ấy. Họ lập gia đình, sinh con đẻ cái ở đấy, tạo ra sự hội tụ văn hoá ở vùng mỏ. Tại Quảng Ninh, kéo dài từ Đông Triều qua Uông Bí, Hạ Long đến Cẩm Phả có các mỏ liên tiếp nhau, tạo ra sự quần tụ của các làng, khu phố công nhân mỏ. Nhờ đó, Quảng Ninh hình thành những xóm thợ hay làng mỏ như: Làng mỏ Cao Sơn, Mông Dương, xóm thợ Mạo Khê, Hà Lầm… Có những làng mỏ, phố mỏ hình thành tự phát, nhưng cũng có chỗ được quy hoạch. Ca dao, dân ca đã phản ánh các mối quan hệ gia đình của người công nhân mỏ: Cha mẹ - con cái, vợ - chồng… Thế nhưng, các mối quan hệ ấy không còn được đặt trên cái nền của cây đa, bến nước, sân đình, cánh cò, đồng lúa, dòng sông… - những hình ảnh thân thiết, quen thuộc của làng

quê, làm nền cho những tình cảm yêu thương sâu nặng trong gia đình nữa. Các mối quan hệ gia đình giờ đây được đặt trên cái nền là những công xưởng, hầm lò, với than, với khói bụi; vẫn là yêu thương đấy nhưng lại mang sắc thái đau đớn, xót xa.

Lứa đôi lấy nhau, họ không có mâm cao cỗ đầy, không có lợn quay, rượu tăm, không có trầu cau, không có xôi vò… Chẳng có một lễ cưới linh đình nào được diễn ra, chỉ có công việc với than, với khói bụi. Tình cảm vợ chồng được đắp xây nên từ sự yêu thương và thấu hiểu lẫn nhau trong hoàn cảnh sống khổ cực ở vùng mỏ:

Trai làm than lấy gái làm than Cưới nhau có một xà lan than đầy Than cám thì giả bánh giày

Than ghét bánh cốm đóng đai mấy thùng Than don giả làm mứt gừng

Kíp lê sánh với bánh chưng, hỡi nàng Nước dè giả làm rượu vang

Than luyện làm lợn cưới nàng, nàng ơi!

Nếu như ca dao, dân ca truyền thống miêu tả tình cảm vợ chồng muối mặn gừng cay, cùng nhau lên thác xuống ghềnh, thương nhau từ chiếc áo rách, từ bát râu tôm nấu cùng ruột bầu thì ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh lại gắn tình cảm ấy với lò, với than, với lắc lít, bù loong. Họ thương nhau lắm nhưng trong hoàn cảnh khổ cực này, họ chỉ có thể cất lên tiếng cười ra nước mắt:

Thương chồng nấu cháo đường xe Nấu canh lắc lít, nấu chè bù loong.

Hoàn cảnh sống và lao động khổ cực và mang đặc trưng nghề nghiệp riêng nên tình cảm vợ chồng của những người phu mỏ đòi hỏi sự thấu hiểu, sẻ chia rất nhiều:

Lấy chồng phu kíp thảnh thơi Ăn rồi lại trải áo tơi ra nằm Một tháng là sáu đồng năm

Đủ ăn, đủ mặc, đủ nằm áo tơi Giời sinh ra kiếp chúng tôi

Lấy chồng phu kíp ngậm ngùi đắng cay.

Những câu ca dao, dân ca về tình cảm vợ chồng nơi đất mỏ đọc lên thật chua xót - cái chua xót được giấu sau tiếng cười tự trào của những người công nhân mỏ.

Mối quan hệ cha mẹ - con cái trong gia đình những người công nhân mỏ được hiện lên rõ nét nhất trong những bài hát ru con, những bài hát dặn con trẻ:

Con ơi, nhớ lấy lời cha! Ở đó, hiện lên hình ảnh những người mẹ nghèo ẵm hài nhi, vội vàng dứt vú khi nghe tiếng còi tầm giục đi làm, hình ảnh những đứa trẻ khát sữa đầu hè… Cha mẹ thương con nhưng cũng đành nén xuống vì những quy định khắc nghiệt, những trận đòn roi của bọn chủ mỏ và tay sai không biết thương xót trẻ em, không nương nhẹ với những người mẹ. Tình cảm của người mẹ dành cho con bị đè nặng bởi thúng than, bởi sự xót xa về đồng lương tháng ít ỏi và sự vất vả:

Tháng lương được có ba hào Thúng than trên đầu nặng lắm con ơi!

Đồng tiền đã trở thành nỗi ám ảnh của những người phu mỏ: Lương thấp, hay bị quỵt, nhận lương phải lễ cai kí, phải trả nợ… Nỗi ám ảnh này đeo bám cả vào những mối quan hệ gia đình. Đến nỗi, người con thương mẹ chỉ có một mơ ước hết sức đơn giản là có một hào mua cháo cho mẹ ăn cũng không thực hiện được.

Trong khi phản ánh các mối quan hệ trong gia đình người phu mỏ, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh cũng cho thấy sợi dây cố kết họ lại với nhau ngoài quan hệ huyết thống còn có mối quan hệ đồng nghiệp. Ở vùng đất mỏ, vợ chồng, con cái nối đời làm phu mỏ nên họ đã chia sẻ, cảm thông với nhau hơn.

Ăn với chồng một bữa Ngủ với chồng nửa đêm Một ngày hai bữa cơm đèn…

Mối quan hệ đồng nghiệp không chỉ giúp mọi người trong gia đình yêu thương, đồng cảm với nhau hơn mà còn gắn kết các gia đình sinh sống trên vùng

đất mỏ. Mỗi gia đình thợ mỏ dù không cùng làm việc trong một mỏ nhưng họ hiểu công việc, hoàn cảnh của nhau, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Những người công nhân mỏ đã yêu thương, đùm bọc nhau bởi họ hiểu hoàn cảnh khổ cực của mỗi người, mỗi gia đình trong cái địa ngục trần gian này:

Bà ơi cho cháu vài xu

Cháu mua bánh gù cháu gửi về nam.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, trong cuộc Tổng đình công năm 1936, hàng vạn thợ mỏ đã đứng lên đình công vì yêu thương nhau, vì khối đại đoàn kết của những gia đình thợ mỏ.

Gia đình thợ mỏ Quảng Ninh là kiểu gia đình chịu ảnh hưởng nhiều bởi nếp sống ca kíp mệt nhọc:

- Sáng ngày mới sớm tinh sương

Cơm trôi khỏi miệng vác choòng ra đi.

- Tiếng the thé còi tầm đã hú Dậy đi làm, đừng ngủ nữa anh!

Tuy nhiên, cũng chính nếp sống ca kíp bận rộn đã có tác động tốt đến cuộc sống công nhân, làm thay đổi tư duy người công nhân theo hướng tích cực.

Và đây cũng là nền tảng để các gia đình giáo dục thế hệ sau tình yêu lao động, ý thức tổ chức kỷ luật - là những đặc tính sẽ làm nên đặc trưng văn hóa của người công nhân mỏ Quảng Ninh xuyên suốt từ quá khứ cho tới hiện tại.

Như thế ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh đã phản ánh các mối quan hệ gia đình của người công nhân mỏ trên nền cảnh của các khu mỏ với đời sống khổ cực xoay quanh việc làm phu mỏ, dưới sự chi phối của cả quan hệ huyết thống và quan hệ đồng nghiệp.

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)