Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
2.2. Ca dao, dân ca phản ánh đặc điểm nghề nghiệp của người công nhân mỏ trước giải phóng
Ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh là sản phẩm tinh thần của những người công nhân mỏ qua nhiều thế hệ, nảy sinh và phát triển trên chính vùng than trong khoảng một thế kỉ. Là tinh hoa của một giai cấp, ở vào một giai đoạn lịch sử đặc biệt, kho tàng này tất yếu chịu ảnh hưởng và phản ánh các đặc điểm
văn hóa nghề nghiệp của người công nhân mỏ, đặc biệt là bộ phận ca dao, dân ca ở thời kì trước giải phóng.
Đặc điểm văn hóa nghề nghiệp của người công nhân mỏ được thể hiện trước hết trong ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh ở sự phản ánh các quy định về thời gian làm việc, về tiền lương và những quy định đối với nữ công nhân.
Về thời gian làm việc ở các khu mỏ trước giải phóng, họ phải đi làm từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt. Mới đặt lưng xuống còn chưa ấm chỗ nằm, họ đã nghe tiếng còi tầm gọi dậy đi làm, khi sương sa còn mịt mù, đến nỗi con đẻ ra còn chẳng biết mặt cha, chó cũng không biết chủ nhà là ai:
- Bốn giờ đêm phải ra đi
Bụng đói cật rét, miệng thì xuýt xoa…
- Lên tầng cuốc đất đun xe Bốn giờ thức dậy mà nghe còi tầm…
- Hà Lầm có đất có trời Ăn cơm ba rưỡi, “đi chơi” bốn giờ.
Bọn thực dân chủ mỏ đã bóc lột tàn tệ sức lao động của họ. Đến tối muộn họ mới được nghỉ. Nhưng, ngay cả khi được nghỉ rồi, họ vẫn bị yêu cầu làm những công việc không công đầy tủi nhục:
- Bây giờ đã chín mười giờ Đã tầm nhà máy mà chưa thấy chàng Trông ra nhà máy rõ ràng
Thấy chàng đun bếp, dọn bàn, rửa xoong Ngày công chết đói đã xong
Lại thêm một buổi không công hầu người.
Giờ lao động nhiều như vậy nhưng đồng lương người phu mỏ nhận được lại vô cùng ít ỏi:
Một ngày hai bốn đồng xu Đi sương về mù khổ lắm ai ơi!
Những sáng chậm trễ, không kịp giờ làm chút thôi, họ sẽ bị đuổi ra. Nếu không muốn bị treo niêu, chết đói, thì họ phải nhờ thầy cai, thầy kí xin việc lại cho, phải lo lót tiền mới có thể xin việc lại được:
- Mau mau vác cuốc lên tầng Chậm chân thì cứ là đành treo niêu.
- Đi chậm thì nó đuổi ra
Thầy cai giúp việc phải ba bốn đồng.
Ở mỏ nhiều công việc: Phu mỏ dưới hầm sâu, trên tầng cao, quét đường, rửa bát… Dù làm trên tầng cao hay dưới lò sâu, công việc nào cũng khổ cực và nguy hiểm như nhau. Đặc biệt, các nữ công nhân ở khu mỏ không được đối xử bình đẳng. Là những người chân yếu tay mềm, họ vẫn phải lao động như đàn ông. Dù là đau đẻ, dù có con nhỏ đang bú kêu khóc, hay ốm đau… họ vẫn phải làm việc. Vất vả là thế nhưng tiền công những người phụ nữ được nhận lại kém đàn ông:
- Đau đẻ cũng phải xúc than Đẻ rơi cũng mặc, kêu van cũng lờ.
- Đem con mà để bụi le Mẹ căng vú sữa vắt re đầu tầng.
- Làm thì chẳng kém đàn ông Thế mà kém gạo, kém công, kém tiền.
Bên cạnh đó, văn hóa nghề nghiệp công nhân mỏ còn được phản ánh thông qua tôn ti trật tự nơi mỏ than. Ở đó, tầng lớp thống trị là bọn thực dân chủ mỏ và tay sai, tầng lớp bị trị chính là những người phu mỏ. Quan hệ giữa hai tầng lớp này là mối quan hệ thống trị - bị trị, tồn tại đầy rẫy những sự áp bức, bất công đến tàn tệ. Tầng lớp thống trị đã đặt ra yêu cầu những người phu mỏ phải có mặt đúng bốn giờ sáng, tại địa điểm làm việc theo quy định, chậm trễ sẽ bị phạt, tan làm một ngày vào lúc tám giờ tối. Tuy quy định là thế nhưng bọn thực dân chủ mỏ, bọn cai kí luôn tìm cách tăng giờ làm, bóc lột sức lao động của người phu mỏ đến tàn tệ:
- Sáng đi ba rưỡi cũng vừa Tối về tám rưỡi cũng chưa bằng lòng.
- Trách lòng thầy kí thầy cai Đồng hồ nhà nước tính sai giờ làm Mười hai giờ rưỡi mới tầm…
Lương tháng người thợ mỏ nhận được vốn đã ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, rồi lâm vào cảnh nợ nần “Cơm cháo vòng quanh, công nợ giả dần”.
Thế mà, các thế lực thống trị: Thầy cai, thầy kí, ông đội… tìm mọi cách ăn bớt, ăn quỵt, ăn gian đồng lương tháng ít ỏi của phu mỏ:
Lương ngày chủ phát năm hào Kí xén hào rưỡi, cai xào hào năm.
Luật bất thành văn ở khu mỏ, những người công nhân phải lễ nộp cho bọn cai kí mới mong tháng sau được yên ổn mà làm:
Mười tám em đi làm than Hết tháng lĩnh tiền được bốn hào hai
Một hào thì lễ cho cai
Ba hào trả nợ, còn hai xu sao sống được cả nhà?
Mọi công việc của phu mỏ đều phải đặt dưới sự giám sát, trông chừng của bọn thực dân chủ mỏ và tay sai. Bên cạnh những quy định về cúp phạt các lỗi đi muộn, lỗi nghỉ mưa gió… bằng cách trừ lương, là việc bọn thực dân chủ mỏ và tay sai la mắng, đánh đập người phu mỏ một cách tùy ý mỗi khi họ làm chậm hoặc lơ đãng trong công việc. Bọn chúng chính là quy định, là luật lệ ở vùng than này:
- Ba toong đi lại nghêng ngang Chậm chân thì gậy nó phang vỡ đầu.
- Thằng Tây mũi đỏ kia kìa
Cắm đầu mà cuốc, không thì ba toong.
- Cái thằng Tây nó ác quá Nó đấm, nó đá
Nó chửi mắng lôi thôi…
Mối quan hệ giữa bọn chủ mỏ và những người thợ làm công không phải là mối quan hệ đồng nghiệp, mà là quan hệ chủ - tớ, thống trị - bị trị đầy rẫy những bất công. Người phu mỏ lúc nào cũng mang tâm lí sợ bọn chủ mỏ. Họ ấm ức đấy nhưng vẫn sợ sệt, bởi họ lo đến miếng cơm manh áo, hơn thế, là lo đến sự an toàn của bản thân và gia đình.
Những đặc điểm của nghề nghiệp thợ mỏ tại vùng mỏ Quảng Ninh trước giải phóng đã được ca dao, dân ca phản ánh khá chân thực và sinh động. Nhờ đó, các thế hệ sau hiểu rõ hơn về văn hóa nghề nghiệp của công nhân một thời - sự hiểu thấu khiến người ta phải đau lòng, uất ức về một thời kì đen tối.