Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
2.1. Ca dao, dân ca phản ánh các mối quan hệ xã hội của cư dân vùng mỏ
2.1.1. Quan hệ giữa tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mở rộng khai thác thuộc địa, nhất là khai thác than ở vùng Quảng Ninh. Việc khai thác mỏ thời bấy giờ hoàn toàn thủ công, thợ mỏ phải làm việc trong môi trường vô cùng khổ cực. Quá trình đẩy mạnh khai thác của tư bản Pháp tại Quảng Ninh đã dẫn tới sự phân hóa sâu sắc xã hội, làm cho khu mỏ trở thành nơi phân chia rõ ràng giữa hai tầng lớp thống trị - bọn chủ mỏ thực dân và bè lũ tay sai của chúng với tầng lớp bị trị - đó là đội ngũ công nhân mỏ và đồng bào các dân tộc trên đất Quảng Ninh. Cũng chính sự xâm lăng, ách thống trị và bóc lột tàn bạo của bọn chúng đã làm bùng lên ngọn lửa căm thù, đã thức tỉnh truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất đấu tranh chống xâm lược của toàn thể dân tộc ta nói chung và của người dân Quảng Ninh nói riêng. Chính chúng “cùng góp phần"
biến Quảng Ninh trở thành cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành môi trường rèn luyện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giác ngộ ý thức giai cấp cho giai cấp công nhân Việt Nam - một giai cấp duy nhất trong thời đại mới có thể tập hợp được lực lượng của toàn thể dân tộc, có thể phát huy được truyền thống bất khuất hàng ngàn năm của cha ông, đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phát xít xâm lược và đủ loại tay chân của chúng cho đến thắng lợi cuối cùng.
Những điều đó đã được phản ánh hết sức trung thực và sinh động trong ca dao, dân ca vùng mỏ. Mối quan hệ giữa tầng lớp thống trị và bị trị tại khu mỏ hiện hình rõ ràng hơn bao giờ hết.
Phu mỏ thời kì này là hàng vạn nông dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh - Nghệ bị bần cùng hóa được mộ ra đây. Là những người nông dân sống ở làng quê, họ cũng nằm trong mối quan hệ thống trị - bị trị với tầng lớp địa chủ, quan lại cấp thấp nơi làng xã. Họ cũng bị tầng lớp địa chủ bóc lột như những thời kì trước. Đời sống của họ quanh năm đói khổ, nợ nần:
Quanh năm phải đi ở mùa
Hai sương một nắng sớm trưa dãi dầu Có tên lí trưởng nhà giàu
Nó cho thuê ruộng, thuê trâu mà cày Một sào hai thúng tô đầy Thiếu ăn nên phải đi vay bậm vào
Một ngày nợ lãi càng cao Nợ nần biết đến kiếp nào trả xong
Vợ chồng con cái long đong Bán nhà, bán đất bế bồng nhau đi…
Họ đã rời bỏ quê hương, tìm đến vùng mỏ với ước mong được đổi đời mà không hay biết chính mình đang trên đường đến với địa ngục trần gian, tránh vũng nước này để rồi ngập chìm trong biển sâu khác.
Trong quan hệ giai cấp thống trị - bị trị ở khu mỏ, tất yếu có áp bức có đấu tranh. Lúc đầu là tự phát, lúc sau là tự giác, có tổ chức. Gần một thế kỉ bị áp bức, bóc lột tàn bạo cũng là gần một thế kỉ những người thợ mỏ đấu tranh từ thấp đến cao. Những người phu mỏ đến từ nhiều địa phương, nghe bọn trùm mộ phu lừa bịp là ra đây đi xe, về xe, ngủ nhà lầu, cuộc sống sung sướng hơn làm nông dân ở làng quê:
Thái Bình tôi đã rời chân
Tìm nơi nhà mộ lâu dần hỏi han Ai ai cũng bảo rằng nhàn
Tiền rường bạc biển chan chan thiếu gì Thế là cất bước ra đi…
Nhưng thực tế, họ đang sa vào cuộc sống lầm than, tù đầy. Họ phải đi đun xe, về đun xe, ngủ giường tầng kiểu cũi chó… Họ bị sa vào nơi tù đầy lao khổ, làm việc quần quật dưới chế độ mắng chửi, đòn roi hà khắc.
Nếu mà mệt nhọc nghỉ tay
Cú mèo, quạ ác nó rầy chửi luôn Xà lù bệt, ắt tăng xương
Tạt tai, đá đít chẳng thương đâu mà…
Thực dân Pháp đã thiết lập ở vùng mỏ một chế độ cai trị như thời trung cổ với luật pháp, nhà tù, cảnh sát, mật thám và cả tiền tệ riêng của chủ mỏ, chưa kể những hình thức nô dịch bằng tôn giáo, dị đoan và các tệ nạn xã hội để trói buộc người phu mỏ vào một vùng địa ngục trần gian.
Để kiếm được nhiều lời, bọn thực dân chủ mỏ còn hạn chế đến mức tối thiểu các trang bị kĩ thuật phải đầu tư vốn, vặt kiệt tối đa sức lao động cơ bắp của những người phu mỏ, khiến cho vùng mỏ không đáng gọi là vùng công nghiệp khai khoáng mà chỉ là những địa ngục trần gian, công trường thủ công thời trung cổ. Người công nhân phải làm việc nặng nhọc 11, 12 giờ mỗi ngày với đồng lương rẻ mạt và điều kiện sống khổ cực. Ốm đau, tai nạn, bệnh tật, luôn bị đánh đập, bị cúp phạt, sống làm phu mỏ, chết bỏ gốc sim. Ngoài việc phải chịu những nỗi khổ nhọc do lao động, người phu mỏ còn chịu nhiều ấm ức đắng cay do bị ăn quỵt, ăn gian, phụ nữ bị chòng ghẹo…
- Đồn rằng Cẩm Phả vui thay Bước ra đến mỏ trông ngay lên tầng
Xin được gánh nước đã mừng Tôi xin ông sếp ông đừng ghẹo tôi
Ông sếp mới nói một lời:
Nếu không cho ghẹo thì thôi, trở về!
- Cái cân có quỷ có ma
Gạo vào một lối, gạo ra một đường Thẻ tôi ba mươi sáu kí rõ ràng Về nhà khảo lại chỉ còn mười lô.
Để giữ chân phu mỏ, bọn thực dân chủ mỏ còn nghĩ ra rất nhiều cách:
Phát lương bằng tiền “mìn” – loại tiền cắt ra từ đai hòm mìn bằng sắt tây – chỉ mua được gạo, được hàng do vợ con cai ký tay sai của chủ mỏ bán. Chủ mỏ có cả cảnh sát, mật thám và nhà tù riêng. Chúng còn lợi dụng tôn giáo, nhà thờ và các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện để mê hoặc và trói chân người thợ:
- Anh thì bạn với ma men Anh thì bạn với ả phiền làng chơi.
- Ai ơi chớ đến chốn này Bao nhiêu tệ nạn giăng đầy bốn bên
Kì tiền bạc sẵn trong lưng Anh em chè chén tưng bừng ăn chơi
Kẻ thì xóc đĩa, đố mười Tổ tôm, chắn cạ, phá ui, ích xì
Bạc thua mặt xám như chì Gạo tiền đã hết lấy gì mà ăn…
Trong ca dao, dân ca vùng mỏ, nhân vật thằng Tây - đại diện hình ảnh cho bọn thực dân chủ mỏ được nhắc đến một cách rõ nét với ngoại hình kì dị, tính cách ác độc:
- Thằng Tây mũ đỏ kia kìa
Cắm đầu mà cuốc không thì ba toong - Thằng Tây mũi lõ bụng phình
Nó đánh dân mình như thể đánh trâu.
- Cái thằng Tây nó ác quá Nó đánh, nó đá
Nó chửi mắng lôi thôi…
- Thằng Tây mặt đỏ bụng to
Luôn mồm chửi “mẹc”, “sà lù”, “cu soong”.
- Thằng Tây mặt trắng như vôi Mắt xanh mũi lõ đuổi tôi thế này.
Bọn tư bản Pháp được nhắc đến là kẻ thù số một của người phu mỏ.
Chúng sống phè phỡn trong các dinh thự, lâu đài xa hoa, đối lập với tình cảnh khốn khổ của người dân bên ngoài:
- Nhà xéc đèn điện sáng ngời Tây đầm phè phỡn vui chơi nô đùa Bên ngoài củ rủ cù rù
Mấy bà hành khất bù lu bên đường.
- Cao lương, lịch sử đủ mùi
Tiệc tùng hát xướng, bạc bài xa hoa Chiều con buổi sáng ăn quà
Tối đến cả nhà lấy vé xi nê Hát chèo, trò xiếc kịch gì
Cải lương vọng cổ, lại khi xem tuồng
… Sống trong gác tía lầu son
Bóc lột công sức phu phen hằng ngày.
Những người phu mỏ phải Còng lưng bốc cặm cho Tây nuôi đầm nên họ chửi thẳng vào mặt chúng:
Đù cha đù mẹ thằng Tây
Chúng mày sung sướng, tao rầy gian lao.
Họ hiểu rất rõ tài sản đất nước bị vơ vét và cảnh nước mất nhà tan là vì bọn tư bản cá mập Pháp. Họ ý thức rõ bản chất của tư bản Pháp là bóc lột, khai thác thuộc địa:
- Đời ông cho chí đời cha Đời nào cực khổ cho qua đời này
Từ ngày mất nước cho Tây Tiêu hao thì có, sum vầy thì không.
- Đào than cho nó làm giàu Xúc vàng đem đổ xuống tàu cho Tây.
Hàng loạt bài ca dao đã vạch trần sự tàn ác, tệ đánh đập và cả những thủ đoạn tàn ác, thói dâm đãng của bọn chủ mỏ. Tên tuổi, hình dáng và cả hành vi của chúng đã được ca dao ghi lại một cách cụ thể như Béc na, Xanh le Đơ vin… Nhìn chung, bọn chúng đều chung một giuộc, cùng một bản chất xấu xa như nhau: Tham lam vơ vét, dâm đãng…
- Sang làm chủ nhất thay quyền Béc na Ai ai cũng chắc rằng là
Chủ này khác hẳn Béc na trước ngày Đến kì phát bạc mới hay
Lĩnh tiền tính buổi lại cay như riềng.
- Nâng cánh liếp Tây chui vào cửa Chó nằm ngoài giữ chủ nhe rang Trong nhà chị Thuật giật mình
Tiếng kêu - bịt miệng bất bình cay chua…
Tàn ác là thế, đè đầu cưỡi cổ những người phu mỏ là thế nhưng chúng cũng rất hèn hạ khi phải quỳ gối trước phát xít Nhật đến cướp nước ta:
Mang danh chủ mỏ người Tây Quỳ gối trước mặt quan hai người lùn.
Bên cạnh bọn Tây, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh còn nhắc đến mối quan hệ giữa bọn Việt gian và những người thợ mỏ. Đó là bọn vua chúa bán nước, trực tiếp là bán lại mỏ than cho thực dân Pháp, đẩy người dân vào cuộc sống cơ cực, khổ đau vì bị bóc lột, đối xử tàn tệ, bất công :
Chém cha thằng nhượng mỏ này Để cho tao sống những ngày sầu đau.
Ca dao, dân ca lên án mạnh mẽ bọn cõng rắn về chuồng phun lũ gà ri, vạch trần thủ đoạn của bọn theo đóm ăn tàn, ôm gót giày tây mong hưởng sái sung sướng mà quên đi nỗi nhục của đất nước, quên đi cái cơ cực của đồng bào:
- Nhìn con chó ông Tây béo nục Bọn chủ thầu ký lục ngênh ngang Thầy cai theo đóm ăn tàn
Chẳng qua cũng giống bỏ làng ra đây Cam tâm luồn cúi theo Tây
No cơm ấm cật trương thây dẻo mồm.
- Cha đời xu nịnh tâng công
Mong lấy tiền thưởng, lấy bằng được khen.
Bọn cai ký đã đánh đập, cúp phạt, bớt xén, hà hiếp, bóc lột những người thợ mỏ bằng mọi thủ đoạn lớn nhỏ. Cũng giống như bọn Tây, hành vi tội ác, hình dáng bọn Việt gian tay sai này đã đi vào ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh với sự đả kích sâu cay:
Còn riêng cụ nhờ ơn ba má Được bê a, bê á luôn luôn Hơn người cụ khéo cúi luồn Cặc bò cụ xách, ba toong cụ cầm Suốt ngày cụ uẩy, cụ nông
Cụ đi tìm gái, yêng hùng hơn ai.
Dần dần, người phu mỏ ý thức được rằng những kẻ áp bức, bóc lột mình là cả bọn chủ mỏ thực dân và bọn cai tay sai. Đó là một hệ thống ban bệ từ trên xuống dưới, bóc lột người dân một cách có tổ chức. Họ truyền nhau câu ca như một bài học:
- Thằng Tây rồi lại thằng cai Coi phu như thể một bầy ngựa trâu
Cơm cha, cơm mẹ đã từng Con đi làm mỏ coi chừng thằng Tây.
- Từ cai cho đến thằng Tây Thẳng tay bóc lột để đầy túi tham
Thằng Tây nó đứng nó thầu Xu Ba Giăng nó lại ăn đầu ăn đuôi.
- Con ơi nhớ lấy lời cha Bảo nhau chớ có mà ra chốn này.
Khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương yêu nước chống Pháp đã liên tiếp và rầm rộ nổi lên tại vùng Đông Bắc nước ta. Có khi trên một địa bàn như đảo Cái Bầu, đảo Cái Bàn, vùng rừng núi huyện Đông Triều có tới hai, ba cuộc nổi dậy một lúc, có cuộc kéo dài gần chục năm trời. Nhìn chung, phong trào chống Pháp tại vùng đất Quảng Ninh trong thời kỳ này là một phong trào dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi
tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc dưới ngọn cờ yêu nước. Hoàn toàn trái với các tính toán của thực dân Pháp, trong quá trình xâm lược và bước đầu khai thác của chúng, tầng lớp công nhân mỏ Quảng Ninh tiền bối đã nảy sinh và ngày càng lớn lên. Vốn xuất thân từ những người nông dân có truyền thống dân tộc lâu đời, mang trong lòng ngọn lửa căm thù sôi sục đối với quân xâm lược Pháp, cũng chính là bọn thực dân đang áp bức, đọa đày họ trong nhà máy, hầm mỏ, người thợ mỏ Quảng Ninh ngay trong giai đoạn đầu đã rất nhạy bén với vấn đề dân tộc, sẵn sàng và tự nguyện tham gia vào các cuộc khởi nghĩa chung của dân tộc. Dần dần cùng với sự phát triển về số lượng, thông qua cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, người thợ mỏ Quảng Ninh cũng ngày càng trưởng thành vể chất lượng, sớm đi đến chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó đường hướng đúng đắn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp.
Trước Cách mạng, những con người khốn khổ ấy đã muốn tìm cách thoát ra khỏi chốn lao khổ tù đầy. Nhưng rồi, khi chưa có các tổ chức Đảng dẫn đường, họ loay hoay trong cái vòng xoáy mê cung không tìm được lối ra. Khổ vẫn hoàn khổ. Họ muốn về quê, nhưng về quê thì đói. Lại đến đây. Lại khổ, lại không được đối xử như một con người, sống chết không biết lúc nào:
Dại rồi khôn nhẽ nói năng
Kíp chầy chờ đợi sang năm em về Trở về đói lại lìa quê
Thoát cọp ai dè sa vuốt hùm beo Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều Cuộc đời phu mỏ đói nghèo đắng cay Giam chân chốn sở than này
Thân con ắt bón gốc cây giữa rừng…
Đầu năm 1945, tình hình ở khu mỏ Cẩm Phả rất phức tạp. Pháp đầu hàng và dâng khu mỏ cho phát xít Nhật. Nhật đàn áp, bắt bớ, đánh đập công nhân rất dã man. Hàng vạn thợ mỏ phải sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, trên địa bàn khu mỏ Cẩm Phả có tới 5 lực lượng cùng quản lý (Pháp, Nhật, Tưởng, Quốc dân Đảng và Việt Minh). Thời điểm đó, công
nhân mỏ phải làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, chịu đựng khổ sai, cúp phạt, đòn roi. Bữa ăn của thợ mỏ là những miếng bánh đúc to bằng nửa viên gạch vôi. Đói khát, cực khổ nhưng anh em thợ mỏ vẫn bí mật hoạt động cách mạng, tham gia phá hoại máy móc, tài sản của chủ lò. Những người công nhân lúc đó đã đồng tâm đứng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.