Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT VÀ DIỄN XƯỚNG CỦA CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ
3.1. Đặc điểm nghệ thuật của ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh dưới góc nhìn văn hóa
3.1.3. Giọng điệu trào lộng
Về giọng điệu, ca dao, dân ca vùng mỏ phần nhiều mang giọng trào lộng.
Điều này được lí giải từ tính cách lạc quan, kiên cường của những người thợ mỏ.
Với giai cấp mình, sống trong cái khổ cực, họ tự trào để đả kích cuộc sống lầm than, cơ cực, cũng là để lạc quan hướng tới cái tươi sáng hơn, tích cực hơn cho cuộc đời đầy tăm tối của họ, dù rằng có lúc là không tưởng. Với kẻ thù, giọng điệu trào lộng của ca dao, dân ca lại giúp những người thợ mỏ vạch trần bản chất xấu xa của bè lũ tay sai và chủ mỏ Tây thống trị.
Tả giai cấp mình, người phu mỏ sử dụng giọng điệu hài hước, nhưng là cái cười tự trào ra nước mắt, cái cười giải buồn. Đây là hình dạng người phu mỏ
được miêu tả cận cảnh trong dạng tự trào. Nổi khổ cực xót xa được khoác lên mình chiếc áo khôi hài:
Mình choàng chiếc bao gai Hỏi ai đã ai oai bằng tớ Mặt gầy mình võ
Lòi rõ xương sống xương sườn Tay cầm cuốc cầm choòng
Trông giống hệt Diêm Vương sứ giả.
Đây là đoàn phu mỏ ra đi trong tiếng hú còi tầm buổi sớm, nhìn từ xa:
Đoàn người hay quỷ hay ma Tay mai tay cuốc sương sa mịt mù
Hai bên gió núi ù ù
Tưởng oan hồn của dân phu hiện về…
Ngày ngày, đời sống của phu mỏ lặp đi lặp lại những cảnh quen thuộc:
Lên tầng tranh cuốc tranh xe Tối về tranh bếp nó ghè mất niêu.
Đây là mấy nét nổi bật của người phu mỏ được nhấn mạnh trong bài ca dao có kết cấu đối thoại rất tự nhiên nhưng lại có hiệu quả tố cáo cao:
- Mặt vàng, bụng ỏng, mắt sâu Thằng này lạ mặt ở đâu mới về?
- Bẩm ông, bố nó ở quê
Đi làm phu mỏ mới về đến đây.
Phải làm việc trong hoàn cảnh hết sức vất vả, lại bị bọn chủ mỏ đánh đập tàn nhẫn, họ đau đớn lắm vì những tai nạn lao động. Nhưng ngay cả khi đau đớn như thế, những người phu mỏ vẫn giữ tiếng cười - tiếng cười mỉa mai, chua chát trước cái giá mà bọn chủ mỏ trả cho các tai nạn lao động - họ cười vì nước mắt đã lặn sâu vào trong tâm can :
Năm đồng một ngón chân tay
Cụt cánh, cụt cẳng được ngay mười đồng Hai mươi đồng nạn tử vong
Không què, không chết đừng hòng một xu.
Đun xe trả nợ bách niên cũng đành.
Trong cách nói đùa tếu táo của người thợ, có sự xót xa của phận nghèo:
Nàng về anh gửi cái này
Cái cuốc phần mẹ, chuồng cầy phần cha Cuốc chim thì để phần bà
Còn mai với thuổng làm quà cho ông Bao giờ nên vợ nên chồng
Mua bánh xe hoả cho ông ăn dần...
Ngay ở những bài ca về tình yêu đôi lứa, vốn dĩ phải là tình yêu trong sáng được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn và lí tưởng hóa, thì lứa đôi vùng mỏ yêu nhau, lấy nhau trong gian khó, cơ cực nhưng vẫn ví von:
Trai làm than lấy gái làm than Cưới nhau có một xà lan than đầy.
Họ đã vượt qua được bằng tình yêu thương:
Thuyền than mà đậu bến than
Thương anh vất vả cơ hàn nắng mưa.
và sự đồng cảm không chút màu mè:
- Muốn ăn cơm nắm bằng mo Trốn cha trốn mẹ vào lò với anh.
- Nhà anh lương ít nhà nghèo Một lời đã hứa, cũng liều vì em Không bạc anh vay Tây đen.
Hoặc ở những bài ca về tình cảm gia đình, vốn dĩ tính chất là trữ tình, với những cách nói được chắp thêm đôi cánh của nghĩa tình sâu nặng, thì ở ca dao, dân ca vùng mỏ, nghĩa tình đấy mà đọc lên lại thấy tiếng cười - tiếng cười ra nước mắt. Người phụ nữ khi chồng ốm, chẳng còn hạt gạo nấu cháo cho chồng, vậy mà người phụ nữ vẫn tự trào:
Thương chồng nấu cháo đường xe Nấu canh lắc lít, nấu chè bù long.
Hàng loạt bài tự trào hoặc đùa giỡn vẽ ra cảnh sung sướng tuyệt vời với lễ cưới, với quà tặng… đã trở thành kiểu bài trào phúng độc đáo.
Hình ảnh bọn thực dân Pháp - chủ mỏ cũng được khắc họa rõ nét với tiếng cười châm biếm, đả kích sâu cay. Đó là những thằng Tây mặt trắng như vôi, mũi lõ, bụng phình và mắt xanh như mắt mèo giỏi nhìn quanh bốn bề. Để đả kích một thằng Tây đồn đi cưỡng bức phụ nữ, tác giả dân gian đã ghép hình ảnh xấu xa của thằng Tây với con chó như hai kẻ ăn vụng và bỉ ổi đáng khinh thường:
Nâng cánh liếp, Tây chui vào cửa Chó nằm ngoài giữ chủ nhe răng
… Ông Tây, con chó làm thinh Ai chê chẳng sợ, ai khinh chẳng sờn Một giờ sau chó chồm chạy trước Tây ngượng ngùng lách liếp ra sau Ông Tây, con chó theo nhau
Cong đuôi, xanh mắt, phờ râu về đồn.
Bọn tay sai chủ mỏ, những sếp, những cai, những ký, những me Tây đều bị ca dao, dân ca vạch mặt, chỉ tên đích đáng. Sự bóc lột tàn nhẫn của cai than, chủ mỏ khiến chúng hiện lên trong mắt phu mỏ như những kẻ dị hợm, với ngoại hình đầy tính trào phúng. Tả những cai ký tay sai chủ mỏ thì:
Ai sinh ra Hà Sú này
Có anh cai Bút ngày ngày vênh vang Quần lơ lại vận áo vàng
Chân thì tập tễnh nhưng quàng giày tây Tức thay cái lão cai Hai
Mặt thì kéo kẹo, mũi dài thước tây.
Những thằng Tây hiện lên hết sức khôi hài, trào lộng:
- Vào tầng cũng lắm thằng Tây
Thằng thì mũ trắng, thằng nay mũ vàng.
- Thằng Tây mặt đỏ bụng to
Luôn mồm chửi mẹc - sà - lù, ca - soong - Thằng Tây mặt trắng như vôi
Trắng răng mũi lõ đuổi tôi thế này.
Như thế, nỗi cực khổ của người phu mỏ được khắc họa bằng tiếng cười tự trào. Bản chất xấu xa của bọn thống trị ở khu mỏ cũng được khắc họa bằng tiếng cười đả kích. Vốn dĩ, tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh. Đó là tiếng cười đánh địch, tiếng cười đả phá cái xấu, giúp tống tiễn cái xấu, cái lạc hậu vào quá khứ và làm thanh lọc tâm hồn con người. Ở đây, tiếng cười trong ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh biểu hiện sức mạnh của người công nhân, sức mạnh đương đầu với kẻ địch, sức mạnh lạc quan của một giai cấp rất có ý thức về mình. Trong vị thế của người bị áp bức, người thợ mỏ trong ca dao, dân ca đã dùng tiếng cười khi thì giải buồn, khi thì đả kích kẻ thù. Rõ ràng, với ca dao, dân ca, người thợ mỏ đã ở tư thế xử sự một cách chủ động, có đau buồn nhưng không bi lụy, không tuyệt vọng. Chính ở đây, ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh đã thể hiện một đặc điểm, một phẩm chất của giai cấp công nhân.