Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền có liên quan đến RLPTK tuy nhiên người ta chưa tìm thấy một tổ hợp gen nào có thể giải thích hay chẩn đoán khẳng định phần lớn các trường hợp tự kỷ [41]. Việc xác định nguyên nhân di truyền giúp cho các bác sĩ lâm sàng có nhiều thông tin hơn để tư vấn di truyền cho các gia đình về tiên lượng cũng như nguy cơ mắc tự kỷ ở những trẻ sinh sau, đồng thời giúp ngăn ngừa về các vấn đề sức khỏe Nhi khoa cho trẻ tự kỷ.
Nguyên nhân tự kỷ ở trẻ liên quan đến các cơ chế sinh học bao gồm sự không đồng nhất, sự xâm nhập thay đổi về kiểu hình liên quan đến các gen bị rối loạn điều hòa về mặt di truyền và phiên mã trong bệnh tự kỷ [32], cấu trúc di truyền phức tạp: các đột biến mới ở các vùng không mã hóa, ảnh hưởng đến quy định phiên mã và sau phiên mã [30]. Một số cấu trúc di truyền phức tạp ở một số biến thể, đột biến điểm đến biến thể số lượng bản sao lớn và được di truyền hoặc tự phát là một trong những nguyên nhân của bệnh tự kỷ [32]. Nghiên cứu của Bai D. và cs (2019) về các yếu tố di truyền, môi trường với tự kỷ nhận thấy tỉ lệ di truyền liên quan đến tự kỷ trung bình (95% CI: 80,8% (73,2%- 85,5%) [23].
Gen gây tự kỷ: có nhiều gen đóng góp vào nguyên nhân của tự kỷ [5].
Sinh đôi cùng trứng: bằng chứng ấn tượng nhất chứng tỏ di truyền đóng một vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp mắc tự kỷ xuất phát từ những cặp sinh đôi cùng trứng. Lauren C. và cs (2020) tiến hành nghiên cứu 266 cặp song sinh đôi tự kỷ và không tự kỷ, nhận thấy 96% trường hợp đồng mắc tự kỷ cặp sinh đôi
cùng trứng, trong khi ở trẻ sinh đôi khác trứng. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho giả thuyết nguyên nhân di truyền gây ra tự kỷ [40]. Anh/chị/em ruột: theo nghiên cứu của Nicole E. R. (2023) anh chị em ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển của những trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ [47].
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) của Mỹ năm 2014 nếu cha mẹ có con tự kỷ thì nguy cơ từ 2% đến 18% con thứ hai cũng bị ảnh hưởng, những trẻ này có thể bị tự kỷ hoặc có vấn đề liên quan đến tự kỷ [22].
Việc xác định được nguyên nhân di truyền ở trẻ tự kỷ là rất quan trọng. Bác sĩ cần tư vấn di truyền cho gia đình trẻ tự kỷ theo nguyên nhân cụ thể đã được xác định. Với những trường hợp không được xét nghiệm hoặc đã xét nghiệm nhưng không xác định được nguyên nhân, thì việc tư vấn cho gia đình có trẻ tự kỷ về tỉ lệ mắc tự kỷ ở những đứa trẻ sinh tiếp sau theo các nghiên cứu ước tính như sau: đối với cặp vợ chồng có 1 con mắc tự kỷ không rõ nguyên nhân, có thể ước tính tỉ lệ mắc tự kỷ ở trẻ tiếp theo là khoảng 10% (khoảng 4-14%), nếu một cặp vợ chồng đã có từ 2 trẻ mắc tự kỷ không rõ nguyên nhân (vô căn), khả năng trẻ tiếp theo mắc tự kỷ có thể lên tới 32% đến 36% [39].
1.5.2. Tuổi của bố/mẹ
Tuổi cao của bố mẹ là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ [41]. Theo nghiên cứu Bolte S. và cộng sự (2019) xem xét những yếu tố môi trường liên quan đến bệnh nguyên của tự kỷ, đã đưa ra cảnh báo:
tuổi mẹ tăng lên 10 tuổi khi sinh con có liên quan đến nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn 18% và giảm 10 tuổi ở tuổi cha khi sinh con thì có liên quan đến việc giảm 26% nguy cơ mắc tự kỷ ở con [25]. Trong một nghiên cứu đoàn hệ dựa trên dân số từ 5 quốc gia (Đan Mạch, Israel, Na Uy, Thụy Điển và Tây Úc) với trên 30.902 trẻ tự kỷ, các nhà khoa học nhận thấy tuổi của mẹ cao và sự gia tăng tuổi của mẹ có liên quan đến tăng nguy cơ của tự kỷ sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu: bà mẹ 40-49 tuổi có nguy có sinh con mắc tự kỷ cao gấp 1,15 lần
so với bà mẹ 20-29 tuổi; nguy cơ này đối với người bố từ 50 tuổi trở lên là 1,66 lần cao hơn so với người cha 20-29 tuổi [5]. Nghiên cứu tổng quan có hệ thống của tác giả JongYeob Kim cùng cs (2019) tổng hợp từ 46 nghiên cứu khác cho thấy có bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa tuổi của mẹ lớn hơn 35 tuổi và tình trạng tự kỷ của trẻ với chỉ số RR=1,31 (95%CI: 1,18-1,45) [36].
1.5.3. Do tổn thương não
Tổn thương não xảy ra vào các giai đoạn trước, trong và sau sinh có thể gây tự kỷ đã được chứng minh: Các tế bào của hệ thống mô thần kinh ở trẻ tự kỷ không có sự kết nối với các phần riêng biệt của não, do đó các vùng này sẽ hoạt động độc lập. Theo nghiên cứu Krishnan A. và cs (2016) cho rằng hình dạng não bộ của những người bị tự kỷ khác với những người không bị tình trạng này. Đây là một phát hiện có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra một số khó khăn về nhận thức có liên quan với rối loạn. Mặt khác, những người bị tự kỷ có ít sự bất đối xứng trong não bộ hơn so với những người không mắc tự kỷ. Phát hiện này gợi ý rằng hai bên não của trẻ tự kỷ không phân chia nhiệm vụ theo cùng một cách [37].
1.5.4. Các yếu tố nguy cơ trước sinh, trong sinh, sau sinh
Khi mẹ mang thai bị các bệnh hoặc trong các tình trạng sau có thể là yếu tố nguy cơ mắc tự kỷ ở con.
Nhiễm virus trong giai đoạn quan trọng của sự phát triển thần kinh sớm trong tử cung có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở con cái. Nghiên cứu của Ahmad N. S. (2021) cho thấy rõ về mối liên quan giữa nhiễm vi-rút (trong đó có cả virus COVID-19) và các tình trạng thoái hóa thần kinh, hành vi thần kinh là căn nguyên của bệnh tự kỷ. Nhiễm virus có thể dẫn đến bệnh tự kỷ bao gồm các tác động trực tiếp gây quái thai và tác động gián tiếp của viêm nhiễm hoặc kích hoạt miễn dịch của mẹ đối với não đang phát triển. Do đó, các dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở trẻ sơ sinh có mẹ báo cáo bị viêm nhiễm do nhiễm virus cần được
theo dõi chặt chẽ vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ [51].
+ Mẹ nhiễm virus (cúm, sởi, rubella, cytomegalovirus), sốt kéo dài và nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai, con sẽ có nguy cơ bị tự kỷ [7]. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể con người, bạch cầu và các loại tế bào khác được kích hoạt và giải phóng ra các cytokin gây viêm, đáng chú ý nhất là các Interleukin (IL-1, Il-6). Các cytokin được đưa đến hệ thống thần kinh trung ương, kích thích tổng hợp prostaglandin dẫn đến sốt. Một số nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy IL-2, Il-6, Il-8 có thể di chuyển qua hàng rào rau thai để vào thai nhi. Cytokin kích thích sự tăng sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như trong não và ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ.
+ Mẹ có các tình trạng sau: mắc đái tháo đường, tiền sản giật, suy giáp trạng, béo phì, bị stress, nghiện thuốc phiện, nghiện rượu, nghiện thuốc lá nặng, tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, các loại hóa chất gây độc thần kinh khác, dùng thuốc chống động kinh, thalidomide được cho là có liên quan đến tự kỷ ở con, tuy nhiên cơ chế về vấn đề đó vẫn chưa thực sự sáng tỏ [25].
+ Mẹ bị rối loạn tâm thần: một số nghiên cứu rối loạn tâm thần của cha mẹ và tự kỷ nhận thấy rối loạn tâm thần của người mẹ và cha đều liên quan đến tất cả các mức độ tự kỷ. Mối liên quan rõ nhất được tìm thấy giữa cha mẹ rối loạn tâm thần phân liệt của và tự kỷ ở con [4].
Đa số các nghiên cứu nhận thấy các yếu tố nguy cơ sau sinh với tự kỷ là:
vàng da sơ sinh bệnh lý (do bất đồng nhóm máu ABO hoặc Rh), thiếu oxy não, thiếu máu sơ sinh, chấn thương, mắc các bệnh nặng (bỏng, viêm não, xuất huyết não, co giật ở trẻ [6]. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ đáng kể có thể có giữa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh (tăng bilirubin máu) và nguy cơ tự kỷ sau này.
Một loạt các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng tự kỷ sau bệnh vàng da sơ sinh: nhiễm độc thần kinh bilirubin, việc uống không đủ sữa, sự chênh lệch về chủng tộc và địa lý [55].
1.5.5. Yếu tố môi trường
Theo các nhà nghiên cứu, người mẹ tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm trước khi sinh có thể là yếu tố nguy cơ đối với tự kỷ ở con. Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường được cho là có liên quan đến tự kỷ bao gồm: thủy ngân, chì, asen, NO2, methylene clorua [4]. Các cuộc điều tra dịch tễ học trong nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc trước khi sinh với các yếu tố hóa học và độc hại như ô nhiễm không khí, thuốc trừ sâu, vật liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp nhựa và kim loại nặng có thể làm tăng nguy cơ mắc tự kỉ [31]. Như vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố môi trường là một trong các nguyên nhân của tự kỷ. Sự liên quan giữa yếu tố môi trường đã được phát hiện và tự kỷ có thể đóng góp trong vấn đề can thiệp bằng cách giảm các phơi nhiễm với các yếu tố môi trường [35].
1.5.6. Vi chất dinh dưỡng
Chế độ ăn uống trước khi sinh của người mẹ được biết có ảnh hưởng đến phát triển thần kinh của thai nhi. Vitamin và khoáng chất là những chất đã được chứng minh là cần thiết cho sự sống của con người và phải được tiêu thụ trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa sự thiếu hụt dinh dưỡng và các bệnh liên quan. Trẻ em và người lớn mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi thiếu hụt thực phẩm có thể gặp vấn đề về chuyển hóa: thiếu hụt con đường methyl hóa, rối loạn ty lạp thể, chất vận chuyển folate trong não, kháng thể, thiếu sulfat và thiếu lithium [33].
Khá nhiều nghiên cứu cho rằng tình trạng thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng có thể là căn nguyên dẫn tới tự kỷ. Thiếu vitamin D, thiếu vitamin A, sự thiếu hụt canxi cũng được một số nghiên cứu đề cập tới. Tác giả Nguyễn Thị Hương Giang nghiên cứu trên 251 trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng thấy tỉ lệ trẻ có canxi máu thấp có 71/125 trẻ (chiếm 56,8%) [6].
1.5.7. Cách chăm sóc và giáo dục trẻ
Trước đây, yếu tố môi trường gia đình được đề cập đến khá nhiều trong giả thuyết về nguyên nhân tự kỷ, đó là tình trạng thiếu giao tiếp giữa cha/mẹ với con cái và thiếu giao tiếp xã hội. Thậm chí, ở những thập kỷ 60, “bà mẹ tủ lạnh” còn được cho là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Tuy nhiên, trẻ có thể đã mắc tự kỷ nhưng chưa được chẩn đoán sớm, gia đình lại ít quan tâm dẫn đến sự phát triển của trẻ nên trẻ sẽ chậm hơn nhiều hơn so với một trẻ tự kỷ được quan tâm và can thiệp sớm. Tuy nhiên, với các bằng chứng khoa học về yếu tố di truyền, tổn thương não đã được chứng minh, thì yếu tố môi trường gia đình không phải là nguyên nhân gây tự kỷ [6].
Chăm sóc giáo dục trẻ bị tự kỷ khó hơn rất nhiều so với trẻ phát triển bình thường. Đặc điểm của trẻ tự kỷ là chỉ tập trung vào cái bé thích nên bé không bao giờ để ý đến những gì ba mẹ đang muốn nói với mình. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong ngôn ngữ và cảm xúc, biểu đạt, khó hiểu ý người khác muốn nói gì và có xu hướng dễ bị kích động, la hét, giận dữ. Điều này khiến phụ huynh vô cùng lo lắng, buồn phiền vì không biết phải nuôi dạy bé thế nào.
Phụ huynh cần phải thực sự kiên trì và quyết tâm trên con đường nuôi dạy bé mỗi ngày vì thực sự rất khó khăn, nhất là trong những giai đoạn đầu. Gia đình có trẻ bị tự kỷ cần luôn chuẩn bị tâm lý sẽ phải hỗ trợ chăm sóc bé đến suốt cuộc đời, vì thế con đường chăm sóc nuôi dạy trẻ cũng không phải ngày một ngày hai là có thể thành thục. Tốt hơn để bắt đầu việc này, phụ huynh nên tham gia các lớp học cho cha mẹ có con bị tự kỷ để có hướng hỗ trợ bé tốt nhất ngay từ những giai đoạn đầu đời.
1.6. Can thiệp và điều trị trẻ tự kỷ
Can thiệp là một quá trình tác động vào cuộc sống tự kỷ và gia đình nhằm thay đổi xu hướng và hệ quả của khuyết tật, can thiệp sớm trước 5 tuổi sẽ cải thiện hiệu quả điều trị và làm tăng chất lượng sống của trẻ và gia đình sau này [15]. Năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 2254/QĐ-BYT ngày