4.2. Đặc điểm lâm sàng tự kỷ ở trẻ 24 tháng đến 60 tháng tuổi
4.2.5. Đặc điểm về hành vi và các rối loạn khác của trẻ tự kỷ
Kết quả đánh giá hành vi định hình, rập khuôn ở trẻ tự kỷ cho thấy: hành vi rập khuôn, động tác định hình (85%); Cử động cơ thể vô nghĩa 61,7%; Lắc vẫy tay (55%). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương Giang cũng cho thấy 58,2%
trẻ có cử động chân tay lặp lại hoặc rập khuôn ở mức độ nặng với dấu hiệu hay gặp nhất là: thích đu đưa chân tay quá mức (62,9%) [6]. Theo nghiên cứu của Lê Thị Kim Dung và cộng sự hành vi rập khuôn, động tác định hình (84,5%) [4]. Những hành vi này xuất hiện là những dấu hiệu đặc trưng của trẻ tự kỷ, nhưng cũng có thể liên quan đến việc trẻ tự kỷ bị rối loạn xử lý thông tin giác quan, khó khăn trong xử lý thông tin, hoặc bộc lộ cảm xúc, hoặc gây sự chú ý, quan tâm của người khác, theo một cách thể hiện sự riêng biệt của trẻ. Như vậy, hành vi rập khuôn, động tác định hình là dấu hiệu đặc trưng của lĩnh vực này.
4.2.5.2. Đặc điểm rối loạn hành vi khác ở trẻ tự kỷ
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trẻ tự kỷ có biểu hiện hoạt động quá mức mọi lúc, mọi nơi 36,7%; trẻ có biểu hiện bồn chồn, ngồi không yên 48,3%. Theo nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Hồi ghi nhận tăng động giảm chú ý là bệnh lý đứng thứ hai (sau chậm phát triển tinh thần vận động) đi kèm với tự kỷ [9]. Nghiên cứu của Alshaban F. và cs (2019) nhận thấy 30,2% các trường hợp có rối loạn hành vi tăng động [20]. Trẻ tự kỷ có kèm theo biểu hiện tăng động sẽ làm tăng thêm mức độ khó khăn, thách thức trong giao tiếp cũng như tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ bạn bè cũng như làm khó khăn trong quá trình can thiệp. Vì vậy, khi thăm khám trẻ tự kỷ bác sĩ cần chú ý phát hiện
hành vi này để kịp thời điều chỉnh, điều trị cho trẻ.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ trẻ tự kỷ dễ cáu kỉnh chiếm tỉ lệ khá cao (66,7%). Kết quả của chúng tôi gần giống nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Hồi (2014), nổi trội là biểu hiện dễ cáu kỉnh có tần suất gặp cao nhất (86,1%) [9]. Trẻ cáu kỉnh, tự làm đau, tự làm tổn thương, có cơn thịnh nộ thường gặp khi trẻ không vừa ý điều gì đó hoặc trẻ bị thay đổi thói quen hoặc do trẻ muốn thu hút sự chú ý của cha/mẹ và người xung quanh.
Vì vậy, trong quá trình đánh giá trẻ tự kỷ đặc biệt chú ý đến cảm xúc, hành vi của trẻ tự kỷ và cần có những hỗ trợ về tâm lý cho cha mẹ trẻ tự kỷ để họ sớm thăng bằng tâm lý, tham gia có hiệu quả vào chẩn đoán điều trị cho trẻ.
4.2.5.3. Đặc điểm rối loạn xử lý cảm giác
Kết quả đánh giá rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ tự kỷ, nhận thấy: giảm cảm giác đau (18,3%); thích ôm giữ chặt (21,7%). Theo nghiên cứu của Thành Ngọc Minh và cộng sự (2018) nghiên cứu về những rối loạn điều hòa cảm giác trên 73 trẻ tự kỷ, nhận thấy 77,7% trẻ có ít nhất một số rối loạn cảm giác [12].
Nghiên cứu của tác giả khác cũng cho thấy 29,2% giảm cảm giác đau; 39,8%
trẻ thích ôm, giữ chặt [4]. Do đó những trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc của mình cũng như khó khăn để hiểu được cảm xúc của người khác. Nhiều trẻ cảm giác ở ngưỡng cao, nên việc đụng chạm vật gì vào người cũng có thể gây đau đớn, khó chịu, do đó trẻ thường không thích được cắt tóc hay vuốt ve, ôm ấp. Nhưng cũng có những trẻ cảm giác ở ngưỡng thấp, vì vậy trẻ có khả năng chịu đau rất tốt, có thể còn tự làm đau bản thân. Bên cạnh đó trẻ thích ôm, giữ chặt người khác để có cảm giác tiếp xúc, đè nén lên vật gì đó.
Do vậy, nghiên cứu của chúng tôi về giảm cảm giác đau và thích ôm giữ chặt chiếm tỉ lệ khá cao. Vì vậy triệu chứng rối loạn xử lý giác quan là dấu hiệu cần chú ý khi đánh giá trẻ tự kỷ.
4.2.5.4. Đặc điểm rối loạn ăn uống
Tự kỷ và rối loạn ăn uống có thể xảy ra cùng nhau. Trong nghiên cứu của chúng tôi kết quả cho thấy các dấu hiệu bất thường về ăn uống thường gặp là:
ăn uống chọn lọc quá mức (26,7%); ăn không nhai, chỉ nuốt chửng (41,7%), trong đó trẻ 24-35 tháng có tỉ lệ ăn không nhai, chỉ nuốt chửng cao hơn trẻ 36- 60 tháng. Kết quả này có thể được giải thích bởi không chỉ riêng ở trẻ tự kỷ, mà ở những trẻ không mắc tự kỷ cũng có khá nhiều trẻ trong độ tuổi 2-3 tuổi không biết nhai, chỉ nuốt chửng do thói quen của cha mẹ hiện nay hay dùng máy xay để nghiền nhỏ thức ăn thành cháo/bột ăn để trẻ không bị hóc, dễ cho ăn và tiết kiệm thời gian ăn. Như vậy, với thức ăn đã xay, trẻ sẽ chỉ việc nuốt mà không nhai. Do việc tập cho trẻ ăn thức ăn thô muộn như thế nên trẻ trong độ tuổi 24-35 tháng có tỉ lệ ăn không nhai, chỉ nuốt chửng cao hơn trẻ 36-60 tháng. Trong nghiên cứu của chúng tôi khá tương đồng với một số nghiên cứu khác ở trong nước. Nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Hồi (2014) ăn không nhai, chỉ nuốt chửng (59,4%) [9]. Nghiên cứu của tác giả khác cho thấy ăn không nhai, chỉ nuốt chửng (47,8%) [4]. Peverrill S và cs (2019), nghiên cứu về vấn đề nuôi dưỡng ở trẻ em bị RLPTK, nhận thấy các vấn đề ăn uống có mối tương quan cao với các vấn đề hành vi chung hơn là mức độ nghiêm trọng của triệu chứng tự kỷ [50].
Tuy nhiên cho đến nay, các cơ chế này mới chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi cũng như của các tác giả khác trong nước đều nhận thấy, rối loạn ăn uống khá phổ biến ở trẻ tự kỷ, nhất là trẻ tự kỷ ở mức độ nặng. Rối loạn hành vi ăn uống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
4.2.5.5. Đặc điểm rối loạn giấc ngủ của trẻ tự kỷ
Rối loạn giấc ngủ khá phổ biến ở trẻ tự kỷ, điều này ảnh hưởng đến hành vi ban ngày, sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như gia
đình. Nghiên cứu của Đoàn Thị Ngọc Hoa (2017), khảo sát đặc điểm giấc ngủ ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ khó vào giấc ngủ (64,1%) [8]. Nghiên cứu của Carmassi, C và cs(2019) nhận thấy, rối loạn giấc ngủ là biểu hiện thường gặp của tự kỷ [26]. Nghiên cứu của chúng tôi, khó vào giấc ngủ đầu (65%); không ngủ trưa (33,3%), một số ít trẻ thức giữa giấc ngủ, trẻ đang ngủ dậy chơi, hoặc đang ngủ dậy gào thét, kích thích, một vài giờ sau mới ngủ lại (11,7%). Trong nghiên cứu của chúng tôi trẻ 36-60 tháng có tỉ lệ khó vào đầu giấc ngủ và không ngủ trưa nhiều hơn so với nhóm trẻ 24-35 tháng. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy trẻ mắc tự kỷ được báo cáo là có vấn đề về giấc ngủ khi được 30 tháng tuổi, trẻ càng lớn càng nhiều khả năng có thời gian ngủ ngắn hơn và khó vào đầu giấc ngủ, ngủ muộn hơn so với trẻ nhỏ bị tự kỷ. Theo Maria G. P. và cộng sự khảo sát cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỉ lệ bất thường về giấc ngủ cao hơn so với trẻ em phát triển bình thường [44].
Vì vậy, quan tâm, phát hiện và chẩn đoán sớm các vấn đề rối loạn giấc ngủ ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ là việc làm cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả can thiệp điều trị, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người chăm sóc trẻ và các thành viên trong gia đình.