4.3. Một số yếu tố nguy cơ đến rối loạn phổ tự kỷ
4.3.1. Nhóm yếu tố nguy cơ thuộc về cha/mẹ
* Tuổi của mẹ
Theo nghiên cứu của chúng tôi, những bà mẹ mang thai từ 35 tuổi trở lên khi sinh con có nguy cơ mắc tự kỷ cao gấp 3,62 lần so với các bà mẹ khác (95%CI: 1,33-9,9; p<0,05). Khi phân tích hồi quy logistic đa biến, OR hiệu chỉnh=3,19 (95%CI: 1,01-10,4). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nhiều kết quả nghiên cứu của các tác giả khác trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Theo Kristen Lyall và cộng sự (2020), tuổi cao của cha mẹ là một yếu tố nguy cơ đối với chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em [41]. Theo Lê Thị Kim Dung và cs (2021), nguy cơ có con mắc tự kỷ của những bà mẹ khi mang thai trên tuổi 35 cao gấp 2,18 lần so với các bà mẹ khác (p<0,05). Khi phân tích hồi quy logistic đa biến, OR hiệu chỉnh = 2,24, (95%CI: 1,08-4,67). Manzouri L. và cs (2019) nhận thấy tuổi của mẹ ≥35 là yếu tố dự đoán tự kỷ ở con OR = 11,65; (95%CI:
2,49-54,35), (p= 0,002) [43]. Nguy cơ trẻ mắc tự kỷ khi mẹ mang thai ở tuổi cao không chỉ liên quan đến biến đổi nhiễm sắc thể trong trứng (tăng lên theo độ tuổi hoặc di truyền) mà còn liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh mạn tính cao hơn, đồng thời môi trường tử cung ở những bà mẹ lớn tuổi ít thuận lợi nên dễ dẫn đến những biến chứng sản khoa hơn như sinh non, sinh ngạt và bệnh lý khác.
Chúng tôi cũng cho rằng tuổi bà mẹ cao liên quan đến tự kỷ ở con có thể do mẹ tiếp xúc với những yếu tố độc hại từ môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất, khói thuốc lá, từ đó tích lũy nhiều đột biến tự phát tăng theo tuổi, sau đó di truyền lại cho con cái họ, cũng có thể do môi trường tử cung ít thuận lợi dẫn tới những biến chứng sản khoa khi sinh, nhưng cũng có thể còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Vì vậy, giáo dục sức khỏe sinh sản cho các phụ nữ về tuổi sinh con là cần thiết và đóng vai trò quan trọng.
* Sốt trong quý đầu mang thai
Chúng tôi nhận thấy có sự liên quan giữa sốt trong quý đầu mang thai của mẹ đến tự kỷ ở con. Nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ bị sốt trong quý đầu mang thai cao gấp 2,85 lần so với các bà mẹ không có tiền sử này (p<0,05),
khi phân tích hồi quy logistic đa biến, OR hiệu chỉnh=1,3 (95%CI: 0,36-4,71).
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nhiều nghiên cứu của các tác giả khác trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Montigny J. G.
và cộng sự (2017) cho rằng nhiễm trùng mẹ khác nhau giữa các nghiên cứu, nó có thể là bất cứ nhiễm trùng nào, như cúm được cho là liên quan đến tự kỷ bởi tình trạng nhiễm trùng có thể kích hoạt viêm mãn tính ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của vỏ não, được cho là có liên quan đến [45]. Nghiên cứu của các tác giả khác cho thấy, nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ bị sốt trong quý đầu mang thai cao gấp 2,49 [4].
Sốt ở những bà mẹ trong nghiên cứu của chúng tôi, một số trường hợp do nhiễm trùng, nhiễm virus, một số không rõ nguyên nhân. Gần đây, một số nghiên cứu thuần tập dựa trên dân số đã mô tả mối liên hệ tiềm ẩn giữa nguy cơ tự kỷ ở con và nhiễm trùng của mẹ khi mang thai, nhận thấy tùy thuộc vào loại tác nhân gây nhiễm trùng, cường độ đáp ứng miễn dịch của mẹ và thời gian tiếp xúc với thai mà nguy cơ gây tự kỷ ở con khác nhau, cụ thể như nhiễm virus trong ba tháng đầu - nhiễm vi khuẩn trong ba tháng giữa của thai kỳ - cúm và sốt trong suốt thời kỳ mang thai dường như có liên quan đến nguy cơ tự kỷ.
Một nghiên cứu kiểm soát trường hợp hồi cứu dựa trên báo cáo tự làm của người mẹ cho thấy có mối liên quan giữa sốt khi mang thai của mẹ và tăng nguy cơ tự kỷ ở con [31].
Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy mẹ sốt trong quý đầu mang thai có liên quan đến yếu tố nguy cơ gây tự kỷ ở con, do đó việc nâng cao sức đề kháng cho bà mẹ, theo dõi thân nhiệt và điều trị các triệu chứng của nhiễm trùng ở mẹ trong toàn bộ thai kỳ là rất quan trọng.
* Đau bụng, dọa sảy trong quá trình mang thai
Trong nghiên cứu của chúng tôi, nguy cơ dọa sảy trong quá trình mang thai của mẹ cho tỉ lệ tự kỷ ở con là 3,22 lần, không có sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê (p>0,05). Nghiên cứu của Magdalena và cs(2020) cho kết quả không có mối tương quan nào được tìm thấy giữa tiền sử sảy thai và sự phát triển của tự kỷ ở đứa trẻ tiếp theo [42]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, bà mẹ tiếp xúc với độc tố và các chất gây ô nhiễm môi trường như tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu, hóa chất, tiếp xúc thường xuyên khói thuốc lá chiếm tỉ lệ tương đối nhiều, phải chăng điều này có tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến bất thường về sức khỏe của mẹ trong qua trình mang thai, từ đó ảnh hưởng đến con? Bên cạnh đó còn có những bà mẹ biểu hiện stress, giảm nội tiết tố, đây là một trong những lý do khá phổ biến dẫn tới đau bụng dọa sảy.
Một thai kỳ có nhiều vấn đề như thế sẽ tiềm ẩn những rủi ro cho trẻ trong và sau khi sinh. Do đó, trong quá trình thai kỳ, người mẹ nên thực hiện khám thai theo định kỳ và khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời những vấn đề sức khỏe mà mẹ gặp phải.
* Tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai
Chúng tôi cũng cho rằng tự kỷ ở trẻ có thể do mẹ tiếp xúc với những yếu tố độc hại từ môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất. Nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai cao gấp 3,54 lần so với các bà mẹ không có tiền sử này (p<0,05). Khi phân tích đơn biến các yếu tố nguy cơ thuộc về mẹ tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai của mẹ gây tự kỷ ở con. Nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai cao gấp 3,54 lần so với các bà mẹ không có tiền sử này (p<0,05). Phân tích hồi quy logistic đa biến, OR hiệu chỉnh=1,79 (95%CI: 0,43-7,48) (trình bày ở bảng 3.18). Theo Sagiv S.K và cs (2018) về phơi nhiễm thuốc trừ sâu và các đặc điểm liên quan đến tự kỷ, nhận thấy phơi nhiễm với thuốc trừ sâu làm gia tăng tỉ lệ tự kỷ [52]. Theo Lê Thị Kim Dung (2021), nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai cao gấp 2,92 lần so với các bà mẹ không có
tiền sử này, phân tích hồi quy đa biến logistic OR hiệu chỉnh=2,32, (95%CI: 1,03 - 5,26) [4].
Hầu hết các loại thuốc trừ sâu sử dụng hiện nay là chất độc thần kinh, có thể nhắm vào tổ chức não đang phát triển và dễ gây ra stress oxy hóa có liên quan đến tự kỷ và chậm phát triển tinh thần. Trong một số nghiên cứu nhận thấy việc người mẹ mang thai tiếp xúc với hóa chất môi trường, chất độc, thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ ở con. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác lại không nhận thấy rõ mối liên hệ này [31]. Có rất nhiều hóa chất được giải phóng ra môi trường bên ngoài dưới các hình thái khác nhau như mỹ phẩm, nội thất trong nhà, các khu công nghiệp, phương tiện giao thông, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.
Các tác nhân này có thể hoạt động thông qua các con đường sinh lý bệnh lý khác nhau trong hệ thống miễn dịch, não và ruột, sự tương tác với các yếu tố di truyền, do đó làm thay đổi sự phát triển và kết nối giữa các tế bào thần kinh và dẫn đến nguy cơ tự kỷ [25].
Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mẹ tiếp xúc thường xuyên thuốc trừ sâu, hóa chất khi mang thai có liên quan đến yếu tố nguy cơ gây tự kỷ ở con.
Vì vậy, trong quá trình mang thai và nuôi con bú, bà mẹ cần tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại như các hóa chất môi trường gây ô nhiễm không khí, các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ, thuốc trừ sâu, gây độc với hệ thần kinh.
Nguyên do các tác nhân này có thể hoạt động thông qua các con đường sinh lý bệnh lý khác nhau trong hệ thống miễn dịch, não và ruột, tương tác với các yếu tố di truyền làm thay đổi sự phát triển và kết nối giữa các tế bào thần kinh và dẫn đến nguy cơ tự kỷ. Vì vậy khi bắt buộc phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại này, bà mẹ cần thiết phải thực hiện việc bảo hộ cho mình thật cẩn thận.
* Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá trong quá trình mang thai
Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi phân tích đơn biến cho thấy có mối liên quan giữa tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá trong quá trình mang thai
và tự kỷ ở con. Nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá trong quá trình mang thai cao gấp 2,25 lần so với các bà mẹ không có tiền sử này, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Theo Lê Thị Kim Dung (2021), nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá trong quá trình mang thai cao gấp 2,19 lần so với các bà mẹ không có tiền sử này [4]. Theo Nguyễn Tấn Đức và cs (2022), nguy cơ có con mắc tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá trong quá trình mang thai cao gấp 3,8 lần, tỉ lệ trẻ tự kỷ ở nhóm mẹ hút và tiếp xúc với khói thuốc lá( 1,41%) cao ở nhóm mẹ không hút và tiếp xúc với khói thuốc lá (0,37%), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) [15].
Từ lâu, người ta đã nhận thức rằng lối sống và cách sử dụng chất gây nghiện của mẹ (và gia đình) ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh, trong đó việc hút thuốc là một trong số những nghiên cứu rộng rãi và phổ biến nhất. Trong khói thuốc có chứa một số hóa chất có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như Nicotine, Carbon monoxide, hắc ín, hydrocarbon thơm đa vòng và các chất độc hại khác sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy và ảnh hưởng đến sự phát triển của não của thai nhi. Nghiên cứu tổng hợp của Bolte S. và cs (2019) cho thấy, có mối liên quan giữa tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá ở mẹ và tăng nguy cơ mắc tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở con, bởi hút thuốc lá trong thai kỳ làm cho thai nhi đang phát triển gặp nhiều rủi ro do trong thuốc lá có hàng ngàn hóa chất có khả năng gây hại và thiếu oxy, dẫn tới những thay đổi trong hoạt động dẫn truyền thần kinh trong não đang phát triển của thai nhi ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, dẫn đến các bệnh lý tâm thần kinh như tăng động giảm chú ý và tự kỷ [25]. Bên cạnh đó, nghiên cứu phân tích gộp của 15 nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau lại không tìm thấy bằng chứng bà mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai liên quan tới tự kỷ ở con [37]. Kết quả nghiên cứu của chúng
tôi cũng tương tự khi phân tích trên mô hình hồi quy logistic đa biến không nhận thấy mối liên quan giữa mẹ hút thuốc lá và tự kỷ ở con. Mặc dù mối quan hệ giữa hút thuốc lá và tự kỷ vẫn còn gây tranh cãi nên cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, việc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá trong quá trình trước và trong quá trình mang thai của bà mẹ cũng như trong quá trình phát triển của trẻ khi được sinh ra cần được quan tâm.
* Trình độ học vấn và nghề nghiệp của cha/mẹ
Tìm hiểu mối liên quan giữa trình độ học vấn của bố/mẹ và tỉ lệ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy nguy cơ có con mắc tự kỷ ở nhóm cha mẹ có trình độ học vấn là đại học cao gấp 0,3 đến 0,33 nhóm cha mẹ có trình độ học vấn phổ thông, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p=0,001). Tuy nhiên phân tích theo mô hình hồi qui Logstic thì trình độ văn hóa của cha/mẹ không được xem là yếu tố nguy cơ của tự kỷ (p>0,05). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác cho thấy không có mối liên quan giữa tự kỷ và trình độ học vấn của cha/mẹ [4].
Nghiên cứu về mối liên quan nghề nghiệp của bố/mẹ và tự kỷ cho kết quả:
nguy cơ có con mắc tự kỷ ở nhóm mẹ có nghề nghiệp cán bộ và các nghề khác là 0,27 đến 0,3 lần, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Tuy nhiên phân tích theo mô hình hồi qui Logstic thì nghề nghiệp của bố/mẹ không được xem là yếu tố nguy cơ của tự kỷ (bảng 3.18). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Gayle C. Windham và cộng sự năm 2019 (OR=1,3 đến 2,5) [22]. Như vậy, nguy cơ mắc tự kỷ không liên quan đến trình độ học vấn và nghề nghiệp của bố/mẹ.