Người Sán Dìu ở Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 25 - 28)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Người Sán Dìu ở Thái Nguyên

1.2.2.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Là một tỉnh miền núi, thuộc vùng trung du – miền núi Đông Bắc, với diện tích tự nhiên là 3.562,82 km2, Thái Nguyên nằm ở trung tâm của vùng chiến lược phía Bắc sông Hồng, có ranh giới tự nhiên: Phía Bắc tiếp giáp với Bắc Cạn; Phía Đông tiếp giáp với Lạng Sơn, Bắc Giang; Phía Tây tiếp giáp với Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; Phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội.

Về điều kiện tự nhiên, Thái Nguyên vừa có rừng núi, vừa có các gò đồi nhấp nhô và lại có cả đồng bằng khá mầu mỡ. Về điều kiện thời tiết khí hậu, Thái Nguyên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho các loài động thực vật sinh sống, phát triển canh tác rừng hay trồng lúa nơi đồng bằng. Với những điều kiện ấy, Thái Nguyên trở thành nơi có đông người Sán Dìu sinh sống với số dân đứng thứ tư trong số các dân tộc anh em cùng chung sống nơi đây. Tộc người Sán Dìu chủ yếu sống ở vùng gò đồi, sườn núi, rẻo cao, thuộc các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai…, cũng có nhiều người Sán Dìu sinh sống nơi đồng bằng thuộc thành phố Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Phú Bình…

Có những nơi tập trung đông người Sán Dìu hoặc có nơi lại rất ít nhưng ở địa phương nào, người Sán Dìu cũng sống xen cư với các tộc người khác như: Dao, Tày, Nùng, Kinh… Sự cộng cư ấy giúp tộc người Sán Dìu có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc văn hóa để vừa bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có vừa mở rộng hiểu biết về mọi mặt, đưa đời sống của đồng bào ngày càng đi lên.

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ tiếp giáp với huyện Phú Bình, Phú Lương, Võ Nhai, thành phố Thái Nguyên, huyện Yên Thế (Bắc Giang), huyện Chợ Mới (Bắc Cạn) nên có sự tiếp xúc văn hóa với các nhóm người thuộc khu vực này. Đồng Hỷ có địa hình tương đối phức tạp, chia thành hai vùng rõ rệt: Phía Bắc, Đông Bắc là vùng núi thấp, độ cao trung bình khoảng 500 - 600m; Phía Nam và Tây Nam (Hóa Thượng, Nam Hòa, Tân Lợi, Trại Cau...) là vùng trung du có địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 100m. Địa hình có độ dốc thoai thoải từ Đông Bắc xuống Tây Nam khoảng 15 - 25 độ. Trên địa bàn huyện có những khối núi đá vôi lớn, cao tới 600m (núi Lũng Phương – Văn Lăng, Mỏ Ba - Tân Long). Bên cạnh đó là vùng núi thấp với nhiều quả đồi có hình dạng bát úp với độ cao 50 - 60m thuộc các xã Nam Hòa, Cây Thị, Văn Hán, Hợp Tiến. Lại có vùng tương đối bằng phẳng như ở Hóa Thượng, Trại Cau. Vùng địa hình này tạo điều kiện khá thuận lợi cho đồng bào Sán Dìu sinh sống, di chuyển, lao động sản xuất, phát triển canh tác cây công nghiệp (cây chè) và chăn nuôi gia súc.

1.2.2.2. Kinh tế

Người Sán Dìu lấy lao động sản xuất nông nghiệp là nghề nghiệp chính. Đối với họ, đất đai, đồng ruộng là yếu tố vô cùng quý giá. Họ có câu nói: “Mai tông, mai slay mạo cộ số thén coóc”, nghĩa là: “Buôn đông, bán tây không bằng cày góc ruộng”.

Loài cây nông nghiệp chính của họ là cây lúa, ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn, lạc, củ từ… Ngoài ra, do sinh sống tại các vùng gò đồi gần rừng, đồng bào còn khai thác các loại lâm, thổ sản: gỗ, tre, nứa, vỏ ăn trầu, các loại củ quả rừng: trám, cọ, củ mài…;

trồng chè tại các triền đồi, chân núi. Những đặc điểm này hoàn toàn khác với người Sán Dìu sinh sống ở vùng biển đảo (Quảng Ninh) lấy nghề đánh bắt cá, sống bám vào biển làm chính.

Vì sinh sống chủ yếu ở vùng đất khô cằn, sỏi đá vùng trung du miền núi nên người Sán Dìu đã tích lũy được những kinh nghiệm lao động sản xuất nông nghiệp và đúc kết lại theo từng tháng:

Tháng Giêng: Cày ải, phát nương trồng ngô, sắn, làm soi, bãi trồng lạc, làm ruộng để trồng khoai lang, đỗ tương, các loại rau, tiếp tục chăm sóc các loại cây trồng đã gieo trồng cuối năm trước.

Tháng Hai: Làm cỏ, bón phân, gieo mạ chiêm, chăm sóc cây ăn quả.

Tháng Ba: Làm ruộng mùa, trồng lúa nương, chăm bón hoa màu.

Tháng Tư: Làm cỏ, đắp bờ ruộng, cày bừa chuẩn bị vụ mùa, thu hoạch hoa màu.

Tháng Năm: Cấy lúa sớm, vun sắn, thu hoạch khoai lang, trồng tiếp khoai lang, đỗ tương.

Tháng Sáu: Làm lễ “Loóc thén” (Lễ Hạ điền) vào đầu tháng để cúng tổ tiên và thổ thần.

Tháng Bảy: Làm cỏ, bón phân cho lúa, khoai sắn, thu hoạch lúa nương, ngô, trồng lạc.

Tháng Tám: Chăm bón ngô, khoai, lạc, thu hoạch khoai sọ, chuẩn bị thu hoạch lúa, trồng rau xanh.

Tháng Chín: Trồng khoai sọ, chăm bón hoa màu và thu hoạch vụ mùa.

Tháng Mười: Thu hoạch vụ mùa, cày ải, ủ phân chuẩn bị cho vụ xuân.

Tháng Mười Một: Làm phân hun, chuẩn bị nương, soi, bãi trồng đỗ tương, rau vụ đông, chuẩn bị cấy vụ chiêm xuân, thu hoạch khoai lang trồng từ tháng Tám, tiếp tục trồng khoai lang xuân.

Tháng Mười Hai: trồng khoai lang, ngô, đỗ; Vào rừng lấy củi, mật ong, lá dong, lá chít chuẩn bị gói bánh ngày Tết.

Với lịch thời vụ như trên, người Sán Dìu bên cạnh việc coi trọng đất đai thì họ cũng nhận thấy yếu tố “nước” đóng vai trò quan trọng không kém. Người Sán Dìu đã sớm biết tận dụng các nguồn nước tự nhiên ở khe, suối, làm hệ thống mương máng để dẫn nước về. Họ cũng đào ao vừa để nuôi thủy sản vừa để trữ nước cho mùa khô.

Những nơi ruộng cao thiếu nước, họ cũng thiết kế các gầu sòng để tát nước, đảm bảo cho việc trồng trọt được thuận lợi.

Những đặc điểm trên cho thấy người Sán Dìu ở Thái Nguyên vừa có những nét tương đồng lại vừa có nét riêng khác so với cộng đồng người Sán Dìu trong cả nước.

Nét chung và nét riêng ấy kết hợp hài hòa tạo nên những đặc trưng văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu ở vùng đất gò đồi trung du điển hình – Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)