Chương 2 DÂN CA SÁN DÌU VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT 31 2.1. Đặc điểm cư trú và sinh kế của người Sán Dìu
2.2. Dấu ấn văn hóa qua không gian cư trú và sinh kế của người Sán Dìu
2.2.1. Tâm lý tôn sùng thế giới tự nhiên
Sinh sống chủ yếu ở vùng đất trung du vừa có rừng núi, vừa có các gò đồi nhấp nhô và đồng bằng khá mầu mỡ, người Sán Dìu đã gắn bó và phát triển sản xuất trên vùng địa hình ấy. Không những thế, những cảnh quan không gian như “đồi”, “rừng”,
“ruộng” còn trở thành hình ảnh đầy ý tình, xuất hiện trong các lời hát hẹn hò, giao duyên của những người có lòng với nhau:
- Hôm nay cùng ngồi với nàng vui chơi Chơi đến sáng mai trăng lặn sau đồi.
- Mưa nhỏ mưa phùn qua đồi bên Hát bài gọi nàng sang bên này - Một bông hoa hồng nở rừng bên Sáng nhìn mặt trời, tối nhìn sương - Rừng sâu cây lớn ve kêu,
Đường xa em đến nghe nhiều lời ca.
Trong những lời hát này, hình ảnh “đồi”, “rừng” mang ý nghĩa chỉ không gian xung quanh. Những hình ảnh ấy gợi lên vùng không gian gò đồi, rừng núi đặc trưng nơi người Sán Dìu sinh sống, lao động và sản xuất. Cách nói “sau đồi”, “đồi bên”,
“rừng bên” nghe thật tha thiết, gần gũi biết bao!
Trong một số bài hát, hình ảnh “rừng sâu”, “rừng rậm” còn thể hiện một cảm quan tinh tế về không gian:
- Muốn đi tìm chàng không quản xa Mười hai rừng rậm xa trùng trùng Rừng cao vực thẳm quạ bay qua
Các từ ngữ: “rừng rậm xa trùng trùng”, “rừng cao vực thẳm” đã diễn tả một không gian thật rộng lớn, hùng vĩ. Không gian xa rộng của những cánh rừng ấy còn được tái hiện trong những câu hát chứa chan nhung nhớ của các chàng trai, cô gái:
- Rừng sâu cổ thụ có chín lá Lá xanh mọc được cũng như vàng Thôn trên xóm dưới đã tìm hết Thế mà gặp được thiếu cô nương.
- Rừng sâu cổ thụ mọc chín lá Lá xanh mọc nhiều che bóng râm Thôn trên xóm dưới đã đi tìm Thế mà lại gặp thiếu niên nàng.
Xuất phát từ nghĩa thực chỉ không gian thâm u, rộng lớn, hình ảnh “rừng sâu”
trong các bài hát trên đã dần mang nghĩa biểu tượng chỉ những khó khăn, thử thách, gian nan trên đường đời và cả những gian nan, thử thách trong tình yêu. Bài thứ nhất là nỗi lòng của cô gái khi đi tìm chàng trai của đời mình, người đã từng hứa hẹn mà không thấy. Các cụm từ “mười hai rừng rậm”, “rừng cao vực thẳm” cùng hình ảnh
“quạ” đều nhằm diễn tả không gian rừng sâu xa xôi với những vất vả, gian truân trên bước đường cô gái đi tìm chàng trai. Phải chăng, không gian “rừng xanh núi thẳm” đã in sâu trong tâm tư, hiện lên trong trí nhớ và cảm xúc của mỗi chàng trai, cô gái Sán Dìu. Cái nhìn của họ về không gian ấy thật bình thản. Bài hát không nhấn mạnh vào sự xa xôi cách trở của không gian mà hát lên nỗi xao xuyến, nhớ nhung, hát lên khát khao gặp lại. Cũng mang tâm nguyện gặp gỡ ấy, bài hát thứ 2, thứ 3 lại là tâm sự của chàng trai khi đi tìm một nửa của đời mình. Cả hai bài hát đều được mở đầu bằng hình ảnh
“Rừng sâu cổ thụ có chín lá”. Phải chăng đây là loài cây cổ thụ lâu năm chỉ rừng sâu mới có? Cô gái cũng tựa như loài cây quý hiếm ấy! Chàng trai đi xa, đi gần cuối cùng
mới tìm được cô nương của mình. Hình ảnh “núi cao”,“rừng sâu” ngoài nghĩa tả thực còn là ẩn dụ chỉ những khó khăn, thử thách mà con người phải đối mặt trong cuộc sống cũng như trong việc kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi. Sự trở đi trở lại của các hình ảnh “núi cao”, “rừng sâu”, “ruộng thấp” trong các bài hát cho thấy người Sán Dìu rất gắn bó và yêu mảnh đất nơi mình sinh sống và canh tác. Ánh mắt nhìn lên và nhìn ra xa phải chăng còn phảng phất tâm tư của những người từng phải lưu tán khắp nơi mong tìm chỗ dung thân yên ổn?
Gắn bó với không gian núi rừng, người Sán Dìu yêu quý và tự hào về màu xanh tre trúc nơi núi rừng. Dưới bóng mát tre trúc ấy còn là nơi hò hẹn, nơi ghi dấu bao kỉ niệm của lứa đôi:
- Cạnh đường trồng trúc, trúc khom xuống Đến tại xứ chàng gần rạng sáng
- Trời sáng rồi
Gió đưa lá trúc bay khắp nơi Bao lời hay đã nói hết với nàng
Hình ảnh “cây trúc khom xuống” chỉ sự đón chào, đón tiếp nhiệt tình. Câu hát vừa có bóng dáng thôn làng quen thuộc với màu xanh tre trúc vừa chuyên chở bao tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương xứ sở, với người thương trong lòng! Dưới bóng tre trúc ấy, bao lứa đôi đã trao gởi tâm tình! “Tre trúc” cũng nhắc nhớ cho ta về đặc điểm sinh kế của người Sán Dìu nơi rừng núi đã thưa thớt cây lớn mà chủ yếu được bao phủ bởi tre trúc.
Sống gần rừng, người Sán Dìu đã sớm biết khai thác các nguồn lợi từ rừng để phục vụ cho cuộc sống của mình. Trong tâm thức của họ, rừng trở thành một tài nguyên hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sự sinh tồn của chính tộc người. Bởi vậy, có không ít các bài dân ca Soọng cô nói lên tâm lý tôn sùng, coi trọng rừng. Tìm hiểu các bài hát Soọng cô, chúng tôi nhận thấy hình ảnh “rừng”, “rừng sâu”
xuất hiện với tần số tương đối nhiều. Sự lặp đi lặp lại của hình ảnh ấy cho thấy một tình cảm đặc biệt của người Sán Dìu dành cho nơi cho họ nguồn sống hàng ngày:
- Sim san thai suy tố sém kẹo, Nhóng lòi lu dọn thệnh sém sang.
(Dịch nghĩa:
Rừng sâu, cây lớn, ve kêu,
Đường xa em đến nghe nhiều lời ca) (Diệp Minh Tài)
- Dip san ben mong vím cha nhot Sút san ben mong chốc cha im (Dịch nghĩa:
Vào rừng mong sau mây che nguyệt Ra rừng mong sau tre trúc râm)
Với người Sán Dìu, họ được hưởng rất nhiều nguồn lợi từ rừng: từ thức ăn, cái uống, đến nguyên vật liệu phục vụ các nhu cầu ở, mặc… họ đều có thể khai thác từ rừng:
- Sim tá vòng thành chếch lồng khoi
(Dịch nghĩa: Phải tìm hoàng đằng làm nón đội) - Chu mốc sang loi soác sẹn cút
(Dịch nghĩa: Chu mộc sinh ra làm nan quạt)
Các lời hát trên đều nhắc đến những loài cây rừng quý hiếm: hoàng đằng, một loại dây rừng, từ xưa thường được dùng để bện thành cái lọng che đầu cho những người cao quý (vua, quan); tô mộc là loại cây rừng thường được dùng làm thuốc. Tô mộc có phần lõi màu đỏ nên người ta cũng thường đun lên lấy nước màu để nhuộm gỗ, nhuộm quạt dùng trong những nhà quyền quý.
Không gian rừng núi trong các bài hát Soọng cô còn được biết đến với cây chàm vốn được dùng để nhuộm vải:
Lống long cô hói áo hống lam Áo táo hống lam cui tá nẹm
Long nem bao thoi nhong nẹm sam.
(Dịch nghĩa:
Cùng chàng qua đồi hái lá chàm Lá chàm hái về để nhuộm áo
Chàng nhuộm túi vải, nàng nhuộm áo).
Người Sán Dìu hiểu rõ hơn ai hết vai trò của rừng, của thiên nhiên đối với cuộc sống của họ. Vốn sinh sống trong cái nôi của núi rừng nên nguồn thảo dược từ núi rừng sớm được người Sán Dìu tìm kiếm:
- Mang búa lên rừng chặt cây quế - Muốn tìm trầm hương lại khó tìm
Bài hát không chỉ nói lên sự cần cù, chịu khó của con người trong lao động sản xuất mà còn ẩn chứa sự gắn bó, lòng biết ơn của người Sán Dìu đối với sự hào phóng của thiên nhiên. Với họ, rừng không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm, thảo dược mà hơn thế, từ rừng, họ còn khai thác được nguồn gỗ, tre nứa để phục vụ cho hoạt động cất nhà dựng cửa, đóng các đồ đạc dùng trong sinh hoạt và sản xuất:
- Lao chốc tá tát ca tanh coi
(Dịch nghĩa: Tre trúc làm giát, giát cũng xinh) - Lao chốc tá tát ca tanh sin
(Dịch nghĩa: Tre nứa làm giát, giát thì kín) - Su mộc táp khéo nhóng háng cộ (Dịch nghĩa: Cây gỗ bắc cầu em đi qua)
- Sọng san chám chốc mong phái lán Tao chám chốc thống song ha chét (Dịch nghĩa:
Lên rừng chặt trúc mong làm bè Dao chặt ống trúc thượng hạ đốt)
Trong khi đó, những cây, cành nhỏ sẽ được tận dụng làm củi đốt:
Dzọng dzan chám chốc kệnh thộng môc (Dịch nghĩa: Lên rừng chặt củi động rừng cây) Rừng cho cây gỗ và rừng cho bóng mát:
- Bước đi dưới bóng cây tùng,
Đường xa em tới, nắng hồng hết soi.
- Bóng tùng rợp mát con đường
Do sinh sống, canh tác trên vùng đất trung du, đất đai cằn cỗi, người Sán Dìu đặc biệt coi trọng nguồn nước. Có lẽ vì thế mà với họ, những con sông, con suối mang ý nghĩa thật đặc biệt. Dân ca Sán Dìu có không ít lời ca thể hiện sự tôn sùng, niềm coi trọng đặc biệt đối với nguồn nước tự nhiên đã nuôi sống họ:
- Cảm ơn sông lớn nước đầy,
Cảm ơn người nấu nước này mời em!
Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi nhận thấy dân ca Soọng cô có cả một chùm bài hát được người dân gọi nôm na là “hát ví tình người”. Trong những câu hát ví ấy,
tình nghĩa giữa người với người được so sánh với “nước con sông”, “nước suối”, những nguồn nước tự nhiên trong lành không bao giờ cạn:
- Tình người như thể nước con sông Ngày đêm nước chảy không giờ cạn
Không bao giờ cạn được nước dòng sông Không biết bao giờ ta mình gặp nhau.
- Tình người như thể nước dòng sông Nước sông chảy mãi không ngày cạn
Nước sông chảy mãi không ngày dứt Tình ta với mình khó chia ly.
- Tình người dài như dòng sông sâu Nước sông chảy mãi không ngày cạn Tình người đâu phải một sớm một chiều…
Ngày trước, khi chưa có giếng, sông, suối là nguồn nước uống tự nhiên của tộc người. Bởi vậy, đối với họ, chúng thật kỳ diệu bởi đó là nguồn nước mát lành mà không bao giờ cạn. Con sông, con suối ấy mang trong mình sức sống mãnh liệt, sự bao dung, lòng vị tha, sông suối tựa như một người mẹ hào phóng. Bởi vậy, những tình cảm tha thiết nhất đều được tộc người ví với sức sống kỳ diệu của dòng sông.
Như vậy, sống trong vùng địa hình khí hậu gò đồi trung du, người Sán Dìu đã sớm biết khai thác các nguồn lợi từ thiên nhiên. Bởi vậy, họ nhận ra sự hào phóng, sự đa dạng, phong phú, sự kỳ diệu của mẹ thiên nhiên. Tâm lý tôn sùng tự nhiên thể hiện ở sự chung sống hài hòa, ở niềm tin vào những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại.
Tình cảm tốt đẹp này giúp đem đến nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng nói chung.