Chương 3 DÂN CA SÁN DÌU VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA ỨNG XỬ
3.2. Dân ca Sán Dìu và dấu ấn văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
3.2.2. Văn hóa ứng xử trong phạm vi cộng đồng
3.2.2.1. Mối quan hệ bạn bè, làng xóm láng giềng
Là những cư dân gắn bó với nghề nông trồng lúa, người Sán Dìu từ xưa đã rất coi trọng tính cố kết cộng đồng. Theo tác giả Phan Ngọc, “nghề trồng lúa nước bắt người nông dân phải tát nước khi thiếu và tháo nước khi thừa nước. Trong hoàn cảnh này, một gia đình riêng rẽ không tài nào tự mình trồng lúa nước được. Trước khi nước vào hay ra khỏi ruộng tôi, nó sẽ chảy qua ruộng anh, và nhiều lúc anh bị thiệt hại. Do đó, phải có tổ chức đoàn kết gắn bó mọi người dân vào một thể cộng đồng chung, tức làng xã để điều hòa quyền lợi. Làng xã ra đời trong cái môi trường sinh thái học này,do đó nó rất vững chắc”. [41, tr. 60, 61]. Người Sán Dìu thường tập trung sinh sống theo các thôn, làng. Mỗi thôn làng ấy thường có mối quan hệ họ hàng hoặc quan hệ hôn nhân với nhau. Hơn nữa, với quan niệm “San Déo loóng si” (người Sán Dìu ít ỏi), cộng đồng người Sán Dìu luôn yêu thương, đùm bọc, che chở, giúp đỡ lẫn nhau.
Trong bất kể công việc lớn nhỏ, các gia đình người Sán Dìu luôn nhận được sự giúp đỡ của bà con trong thôn làng.
Trước tiên là việc cưới hỏi. Việc cưới hỏi không chỉ là “hỷ sự” của gia chủ mà còn là niềm vui chung của cả thôn, làng. Những bài Soọng cô mừng đám cưới thật phong phú về nội dung. Các cuộc hát Soọng cô đám cưới trước đây thường tổ chức về đêm. Có lẽ đó là thời gian phù hợp nhất khi ban ngày mải lo toan công việc của gia chủ, của chính gia đình mình, đến tối họ sẽ toàn tâm toàn ý cho cuộc hát. Người hát là đại diện của nhà trai, nhà gái, gồm người nhà, họ hàng và bạn bè trong xóm ngoài làng của cô dâu, chú rể, cùng hát đối đáp chúc mừng cô dâu, chú rể, chúc mừng gia chủ.
Những người đến xem đám cưới, ăn cưới (sệch sênh ca chíu) cũng có thể tham gia vào cuộc hát. Lời ca Soọng cô đám cưới của người Sán Dìu là sự vận dụng linh hoạt vốn văn nghệ cổ truyền phong phú vốn có. Đây cũng là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu trong thôn xóm cổ truyền của người Sán Dìu. Những người chủ xướng trong đám cưới phần lớn là những người chủ của nhà trai, nhà gái mà đại diện là quan lang, ông mối, thay mặt hai họ nói lên tiếng nói tâm tư, tình cảm của bô lão hai họ, bố mẹ hai nhà, đặc biệt là cô dâu chú rể.
Những bài hát mở đầu cho cuộc hát này thường là những bài tỏ thịnh tình đón tiếp của đôi bên:
Đón tiếp lời ca trong đám cưới
Có duyên đêm nay mừng đám cưới Cùng chàng cất lời ca cho vui
Bài hát nhắc đến việc nên duyên của cô dâu chú rể, đồng thời cũng khẳng định đây cũng là cơ duyên để nam nữ đôi bên gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau. Cuộc gặp gỡ này là “có duyên” (hữu duyên) với không khí vui vẻ, đoàn kết “cất lời ca cho vui”
để “mừng đám cưới”. Cũng từ những đêm hát Soọng cô này mà bao đôi trai gái nên duyên, những bài ca về tình yêu đôi lứa vì thế còn ngân vang mãi.
Ngày vui của gia chủ đã trở thành ngày vui của cả xóm làng, của già trẻ, gái trai trong thôn:
Hát một bài ca chúc bô lão Các cụ đã có mặt đủ đông Hôm nay ngày tốt có đám cưới Chúng cháu hát ca tặng mọi người.
Lời hát thể hiện rõ thái độ tôn kính đối với những người cao tuổi, những người thuộc bề trên, người gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của người Sán Dìu.
Ngày vui càng trở nên trọn vẹn khi có sự tham dự của những bậc cao niên trong gia đình, dòng họ và thôn xóm. Mỗi người trong thôn trong làng đều đến chúc phúc cho cô dâu chú rể bằng những lời hát tốt đẹp:
Hát một bài ca chúc xóm làng
Đầu làng cuối xóm đẹp phong quang Hôm nay ngày đẹp có đám cưới Hát bài ca chúc hai họ hàng.
Ngày tổ chức đám cưới không chỉ là ngày đẹp với riêng đôi bên gia đình mà đã trở thành ngày vui chung, “ngày tốt”. Gia chủ có thêm người mới cũng đồng nghĩa với việc xóm làng có thêm thành viên mới. Mỗi người, mỗi nhà trong xóm trong làng cùng hộ một tay một chân dọn dẹp đường làng ngõ xóm, tạo nên cảnh tượng “Đầu làng cuối xóm đẹp phong quang”. Chắc chắn, những người trong đoàn đón dâu hay những người bên nhà gái sẽ cảm thấy thật ấm lòng trước sự quan tâm đặc biệt của những người cùng làng cùng xóm. Đó chính là tình đoàn kết vốn có trong cộng đồng người Sán Dìu từ xưa cho đến nay vẫn luôn được kế thừa và phát huy.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục đưa dâu về nhà trai, nam nữ thanh niên có cơi trầu xin phép các cụ ông, cụ bà, đại diện nhà gái được hát Soọng cô đám cưới. Cuộc hát có nhiều lời ca chúc mừng gia chủ, mừng cho cô dâu, chú rể thành đôi:
- Đám cưới lễ nghĩa đại đường đường Lục thân uống rượu ngồi hàng hàng Chúc mừng chủ nhân đại phú quý Chủ nhân đại phú được thiên ân.
- Đám cưới lễ nghĩa đại lâm lâm Sáu họ uống rượu ngồi hàng hàng Chúc mừng chủ nhân đại phú quý Chủ nhân thiên phú có thiên kim.
Hai bài hát nhắc đến “lục thân” hay “sáu họ” với ý nghĩa chỉ tất cả mọi người có mặt tại đám cưới, gồm đôi bên hai họ và bà con xóm làng hợp thành “sáu họ”. Như vậy, đám cưới dù to hay nhỏ, nếu có đông đủ mọi người trong nhà ngoài xóm đến dự và chúc mừng thì đều là đám cưới linh đình, vui vẻ. Những bài hát Soọng cô đã giúp ta hình dung về nét đặc sắc trong văn hóa cưới hỏi của người Sán Dìu: Đám cưới được tất cả mọi người quan tâm và chúc phúc.
Soọng cô về đám cưới còn có những bài hát chúc mừng cô dâu, chú rể rất hay và ý nghĩa:
Hát một bài ca chúc dâu mới Người người ai nấy vui phấn khởi Hôm nay ngày tốt có đám cưới Hạnh phúc trăm năm dưỡng mẹ cha.
Giọng điệu chung của các bài hát là giọng điệu vui tươi, phấn khởi, chúc tụng.
Niềm vui ấy là niềm vui của bà con dân làng, của những người cùng thôn xóm đến giúp việc cho đám cưới: “Người người ai nấy vui phấn khởi”, “Những người giúp việc lo cơm nước”. Bài hát đã tái hiện một không khí vui vẻ, nhộn nhịp và đầy ấm áp của một đám cưới với sự có mặt tham dự của đông đủ mọi người:
- Xin hát bài ca mừng cô dâu Cô dâu trang điểm vừa đẹp lại xinh Mười tám xâu tiền đưa sang nạp Vợ chồng nhập tổ nuôi mẹ cha.
- Hát một bài hát mừng người mới Thân mặc thiên y, trang sức mới Có duyên hôm nay thành phu thê
Thành đôi tiếp tổ Dương gian nhân.
Những bài hát trên trước hết là lời chúc phúc tốt đẹp đến cô dâu chú rể, chúc đôi vợ chồng mới cưới trăm năm hạnh phúc, sớm sinh quý tử nối dõi cho dòng họ.
Hình ảnh cô dâu hiện lên thật đẹp với “thiên y”, “trang sức mới”. Câu hát gợi ta nghĩ đến phong tục của người Sán Dìu: trước khi đón dâu, mẹ chồng sẽ là người may sắm, chuẩn bị nón cô dâu, váy đón dâu, ô đón dâu. Tất cả đều sặc sỡ, đẹp mắt, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mẹ chồng đến nàng dâu mới. Ngoài ra, bài hát còn nhắc đến bổn phận của nàng dâu mới: “nhập tổ nuôi mẹ cha”. Theo quan niệm của người Sán Dìu, con gái đi lấy chồng là “con người ta”, chết cũng sẽ là “ma nhà người ta”. Đồng bào từ xưa vẫn có câu: “Bán người bán cả ma” (mai nhìn mai cả cúi). Từ đây, cô gái sẽ trở thành dâu con trong gia đình nhà chồng, chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.
Ngày vui của gia chủ đã trở thành ngày vui của cả xóm làng, của già trẻ, gái trai trong thôn:
- Hát một bài ca chúc bô lão Các cụ đã có mặt đủ đông Hôm nay ngày tốt có đám cưới Chúng cháu hát ca tặng mọi người.
- Hát một bài ca chúc xóm làng Đầu làng cuối xóm đẹp phong quang Hôm nay ngày đẹp có đám cưới Hát bài ca chúc hai họ hàng.
Một sự kiện nữa cũng được cả cộng đồng quan tâm, chúc mừng, đó là lễ vào nhà mới. Cũng như các dân tộc khác, người Sán Dìu rất coi trọng việc làm nhà. Trong quá trình xây dựng, bà con hàng xóm ai cũng sẵn sàng giúp đỡ. Đến khi ngôi nhà hoàn thành, bà con họ hàng trong thôn ngoài xóm lại vui mừng chúc tụng:
- Một bài hát ra mừng chủ nhà Chủ nhà nhà đẹp như chim nga Một năm làm nhà trăm năm ở Nghìn năm vạn tuổi bảo Bình gia - Một bài hát ra mừng chủ nhà Nhà của chủ nhà như vẩy rồng Một năm làm nhà nghìn năm ở
Nghìn năm vạn tuổi bảo Bình gia
Ngày vui vào nhà mới của gia chủ được bà con trong thôn xóm đến chúc mừng hân hoan. Niềm vui ấy cũng là mong ước về một cộng đồng phát triển thịnh vượng của tộc người.
Cùng với lễ mừng tân gia, người Sán Dìu còn tổ chức các ngày mừng sinh nhật cho các cụ ông, cụ bà, chúc mừng các cụ được trường thọ. Đây cũng là sự kiện được đông đảo bà con đến chung vui:
- Hát ra bài hát mừng bạn bè Tứ bề bạn bè đã ngồi cả Tứ bề bạn bè cùng đã ngồi Để cho thiếu niên xem hoa khai.
- Hát ra bài hát mừng lão đại Tứ bề lão đại ngồi hàng hàng Tứ bề lão đại hàng hàng ngồi Để cho thiếu niên tạ lễ nghĩa.
- Kính chúc các cụ tuổi cao niên Ngồi quanh tứ phía các cụ vui Hai bên các cụ cùng nhau ngồi Xin phép các cụ chúng cháu vui.
Những “hỷ sự” của mỗi gia đình đều được bà con chúc mừng:
- Hỷ mừng chủ nhân đại phú quý Bên tả buộc ngựa bên hữu rồng.
- Cùng nhau đi đến chúc chủ nhân Chúc mừng chủ nhân đại phú quý Bên tả buộc ngựa, bên hữu xà
Lời chúc thật tốt đẹp và thành tâm. Đây là những lời chúc về sự phát triển thịnh vượng cho mỗi gia đình. Bạn bè đến chúc tụng đông đủ với “Bên tả buộc ngựa, bên hữu rồng”, “Bên tả buộc ngựa, bên hữu xà”.
Không chỉ các ngày lễ tết hay khi có các công việc trọng đại mà ngay cả các hoạt động lao động sản xuất thường ngày, người Sán Dìu cũng luôn thể hiện rõ tính đoàn kết cộng đồng tập thể. Những công việc nặng nhọc như cấy lúa, gặt lúa hay hái chè… bà con vẫn thường nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Họ có thể đổi công cho
nhau hoặc vui vẻ làm giúp mà không cần chủ nhà phải trả công. Đây là một truyền thống tốt đẹp, thể hiện tình nghĩa gắn kết bền chặt của cộng đồng người Sán Dìu. Sự góp mặt của bà con trong họ ngoài làng ở nhiều lứa tuổi: từ các cụ phụ lão, các thanh niên nam nữ đến các thiếu niên cho thấy tính cố kết cộng đồng chặt chẽ của tộc người.
Những sự kiện quan trọng trong đời người như cưới hỏi, vào nhà mới, mừng sinh nhật… đều được bà con ủng hộ, giúp đỡ và chúc mừng. Chính điều này đã giúp tộc người Sán Dìu ngày càng đoàn kết và phát triển, người già làm gương cho con cháu, con cháu noi gương theo người đi trước… Tất cả tạo nên sự tiếp nối giữa các thế hệ, là nguồn mạch cho sức sống lâu đời của các giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào người Sán Dìu.
3.2.2.2. Mối quan hệ tình yêu lứa đôi
Có thể nói, Soọng cô chủ yếu là những bài hát giao duyên để nam nữ mượn lời ca mà ngỏ ý tình. Cho nên, tình yêu lứa đôi cũng là đề tài lớn và đặc sắc hơn cả trong kho tàng Soọng cô. Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy để ngỏ lời trao gửi tình cảm, ước nguyện, các chàng trai, cô gái thường dùng cách nói ý tứ, ý nhị.
Trong đời sống tự nhiên, ong vốn là loài vật mang đặc tính cần cù, chịu khó, có thể rong ruổi trọn đời tìm hoa. Nếu hình ảnh “hoa” lâu nay thường mang ý nghĩa ẩn dụ chỉ người con gái đẹp thì “ong” được ẩn dụ cho chàng trai kiếm tìm cô gái của đời mình cũng là điều dễ hiểu:
- Con ong thấy hoa muốn đi tìm Hoa nhiều con ong tìm không hết.
- Con ong bay vào tuyền sơn trúc Không ai tiếp đón đi tìm đôi
Cũng có khi chàng trai tự nói về hành trình đi tìm “bông hoa” của đời mình:
- Chỗ chàng ở tại gốc cây quế Ở chỗ cây quế không hoa tìm Chàng đến thôn em tìm hoa nở.
- Chỗ chàng ở tại cây quế xưa Chỗ ở của chàng không có hoa Chàng đến thôn nàng tìm hoa hái.
Bài hát nêu ra “cái cớ” rằng “ở chỗ chàng không có hoa”, không có cô nương nào hay không tìm được cô nương nào nên “Chàng đến thôn nàng tìm hoa hái”. Cách diễn đạt thật thành thực mà tha thiết, dễ gợi ý tứ để đôi bên có thể chuyện trò, trao gửi
tâm tư. Thực tế, trong tình yêu, không phải chỉ có phía các chàng trai mới đi tìm cô gái của đời mình mà các cô gái cũng có sự chủ động trong việc bày tỏ tình cảm. Đó có thể là sự chờ đợi đầy hữu ý khi đã gặp được người mình ưng bụng:
Cô nương nhà ở cạnh đầu thôn Nhìn thấy trăm hoa ngày ngày nở Ngày ngày hoa nở ra ba bông Còn để một bông đợi chàng hái.
Đó có thể là sự chủ động hỏi chuyện của cô gái, cách hỏi rất thẳng thắn:
- Chàng có tâm ý với nàng không Để nàng còn kịp sáng thượng lộ
- Vượt cầu em muốn sang chơi, Qua cầu mong ước có người dắt tay.
Bài hát khiến ta liên tưởng đến câu ca dao:
Gặp đây anh nắm cổ tay Anh hỏi câu này có lấy anh không?
Một cách tỏ tình thật táo bạo! Bài dân ca Soọng cô có lẽ còn là lời hỏi có phần táo bạo hơn khi đó lại tâm tư của người con gái ướm hỏi chàng trai! Cách nói “vượt cầu” đầy mạnh mẽ, thể hiện khát vọng cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc. Niềm mong mỏi “có người dắt tay” thật tha thiết, chân thành. Cô gái thật tâm mong muốn chàng mà mình thương cũng sẽ yêu thương và “dắt tay” mình đi hết cuộc đời!
Cũng có thể, cô gái tự tìm đến nhà chàng trai khi nhận ra chàng là người thật tâm với mình:
- Rừng xanh xa thẳm có hình chàng Thấy chàng thành tâm nàng sang chơi.
- Em đến xứ sở bạn trai thuở nào.
Đường nhiều đá sỏi giẫm vào,
Gan bàn chân thủng đớn đau vì chàng.
Từ xưa, việc trồng lúa đã rất vất vả, trồng lúa trong rừng lại càng vất vả, khó khăn gấp bội nhưng chàng trai vẫn kiên trì, chịu khó và khiến “lúa thêm xanh tốt”. Sự kiên trì, chịu khó ấy phải chăng cũng là sự kiên trì, “thành tâm” mà chàng trai dành cho cô gái khiến cô gái cảm mến mà hẹn sẽ cùng chàng nên đôi? Khoảng cách đôi nơi dẫu có xa xôi cách trở, đường đi dẫu chông gai khiến “gan bàn chân thủng đớn đau vì chàng” thì cũng sẽ không thể nào ngăn được tấm lòng của cô gái:
- Tìm chàng không quản đường dài xa Qua nước không sợ nước sông sâu Tìm chàng đường xa vạn dặm cách Cách xa vạn dặm vẫn đi tìm.
- Tìm nhau chẳng quản đường xa, Mười hai dãy núi vượt qua ngại gì.
Núi cao, sông rộng sá chi,
Nước sâu đã có thuyền kia đưa đò!
Những hình ảnh “mười hai rừng rậm”, “rừng cao, vực thẳm”, “sông sâu biển rộng”, “nước sông sâu”, và sự lặp vòng “vạn dặm cách”, “cách xa vạn dặm” là những hình ảnh vừa tả thực vừa nói quá về sự xa cách nhằm khẳng định tấm lòng hướng về người mình thương của cô gái. Có lẽ những câu hát đã trở thành phương tiện chuyên chở tâm tư mà cô gái nếu để nói thẳng có lẽ thật khó cất lời! Những bài Soọng cô vì thế là nơi để các cô gái, những người từ xưa vốn chịu nhiều sự bất công, thiệt thòi do chế độ hôn nhân có nhiều quy định hà khắc, gửi gắm và tỏ rõ nỗi lòng cùng chàng trai.
Khi đã ngỏ được ý tình của mình, chàng trai, cô gái sẽ không thôi thương nhớ:
- Hàng ngày nhớ chàng ra đường trông Vì nàng tâm tư để trong lòng
Ra đường thấy người không thấy chàng Trước mặt giọt lệ chảy hàng hàng.
- Hàng ngày nhớ chàng ra đường ngồi Nhớ chàng nàng nhịn không ăn vậy Ra đường thấy người không thấy chàng Giọt lệ chảy xuống như sông hồ.
Ca dao Việt Nam có câu:
- Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than - Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?
Nỗi nhớ của những người yêu nhau thật nhiều cung bậc! Cũng diễn tả nỗi nhớ ấy, các bài dân ca Soọng cô quả đã có cách chuyển tải riêng không kém phần ý nhị, tha thiết! Cô gái vì nhớ chàng trai mà ra đường ngóng đợi. Sự mong ngóng khắc khoải đến