Đặc điểm cư trú

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 36 - 39)

Chương 2 DÂN CA SÁN DÌU VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT 31 2.1. Đặc điểm cư trú và sinh kế của người Sán Dìu

2.1.1. Đặc điểm cư trú

Có thể thấy, ngay từ tên gọi tộc danh – “Sơn Dao Nhân”, và thực tế cư trú, địa bàn sinh sống chủ yếu của người Sán Dìu chủ yếu là vùng đất bán sơn địa. Thái Nguyên có dạng địa hình chuyển tiếp rõ nét giữa đồng bằng và vùng núi, điển hình cho

“vùng cảnh quan gò đồi”, với địa hình đặc trưng là đồi núi xen kẽ với ruộng thấp, chủ yếu là núi đá vôi và đồi dạng bát úp. Đó là vùng trung du có mặt bằng tương đối bằng phẳng, ổn định, nơi vừa có đồi núi thấp, vừa có rừng, lại có cả ruộng. Bao quanh gò đồi là các thung lũng. Đất đai nơi đây nhiều sỏi đá lại dễ bị xói mòn. Rừng hầu như không còn rậm rạp, không nhiều cây lớn, thay vào đó là tre nứa cùng các loài cây thấp nhỏ như sim, mua, guột…, có nơi chỉ còn một lớp cỏ cằn cỗi, thậm chí là đồi trọc.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy dấu ấn cảnh quan vùng gò đồi khá đậm nét trong các bài dân ca của dân tộc Sán Dìu. Trong số 174 bài dân ca có chứa các yếu tố về cảnh quan được khảo sát có tới 98 bài có chứa các từ ngữ trực tiếp chỉ hình ảnh thiên nhiên gợi nhắc về địa hình đặc trưng của vùng trung du, trong đó:

Hình ảnh thiên nhiên Số bài Tỷ lệ

Đồi 25/174 14,37%

Núi 9/174 5,17%

Rừng 56/174 32,18%

Cũng có không ít bài dân ca chứa các yếu tố từ ngữ, hình ảnh gián tiếp gợi liên tưởng đến vùng cảnh quan nêu trên: Các loài chim rừng: Chim cú, chim nhạn, chim khướu, quạ, chim vàng anh, chim cu, khổng tước, chim ưng,… (trong đó có chùm 21 bài hát về chim khướu, 05 bài hát về chim vàng anh); các loài cây rừng: Cây quế, cây gắm, cây hoàng đằng, tô mộc, dương mài, cây đào, cây tùng, cây bách, mẫu đơn, xạ mộc, xạ hương, sa nhân…, các loài vật hoang dã: Nai, hổ, báo gấm, gà lôi,…

Nói đến vùng cảnh quan trung du nơi người Sán Dìu sinh sống và canh tác trước tiên không thể không nhắc đến không gian của “đồi”. Có thể nói, không gian

“đồi” xuất hiện trong nhiều bài dân ca Soọng cô:

- Trên đồi có hồ nước lại trong Cá chép nổi lên nhìn như vàng bạc

- Cây thông trồng ở trên đồi cao

- Sa nhân trồng ở trên đồi

Trong các lời ca trên, hình ảnh “đồi” hiện lên đầy thân thuộc, gần gũi. Chàng trai, cô gái đã thuộc lòng về những quả đồi ấy nên biết thật rõ trên đồi có “hồ nước trong”, có “cây thông”, có “sa nhân” (một loại cây thuốc). Hồ nước trong trên đồi cho nguồn nước trồng cây, nuôi cá; cây trên đồi là những loài cây cho gỗ, cho củi, cho nguồn thực phẩm…

Cùng với không gian của “đồi” là không gian “núi”, “rừng”, “ruộng”. Chúng tôi nhận thấy có không ít bài hát mang hình ảnh này, “núi cao”, “rừng sâu”, “ruộng sâu/

ruộng thấp”. Chúng tôi xin nêu ra một số lời hát tiêu biểu như:

- Con chim vàng anh ở trong rừng sâu - Con chim ô thước ở trong rừng sâu - Con chim khướu

Bay đi bay lại ở trong rừng…

Bóng dáng của vàng anh, “con chim ô thước” (quạ), chim khướu… xuất hiện trong các bài hát gợi nên không gian thiên nhiên núi rừng nhiều hoang vu, nơi các loài chim hoang dã sinh sống.

Trong các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu còn có không ít những hình ảnh mà khi xuất hiện, chúng khiến người đọc, người nghe liên tưởng đến không gian núi rừng như: “con ong”, “nai con”, “chim ưng”, “chim nhạn”, “chim khướu”, “chim cú”, chim cu, là “cây lau”, “trầm hương”, “cây quế”, “sa nhân”,… Cả một không gian thiên nhiên rừng núi được tái hiện thật chân thực, sinh động mà đầy gần gũi, thân quen.

- Nai con tìm cỏ bờ sông

- Khướu bay qua núi một mình, Ong bay tìm kiếm bạn tình cùng hoa.

- Ở trên núi cao có một cây lau Gió thổi ngọn lau lá lao xao

- Rừng cao vách đá khó tìm hoa

Muốn tìm trầm hương chẳng biết đường

- Ước gì hóa thành con chim ưng

Những bài hát trên cho thấy tập quán dựng nhà của người Sán Dìu: họ thường dựng nhà ở chân đồi hay ven rừng, cho nên, nhìn lên sẽ thấy núi cao, nhìn ra xa gặp rừng sâu, nhìn xuống là cánh đồng. Bởi vậy mà có “ruộng thấp”:

- Sá sọi cao tun mếnh hoi nhọn, Vố sọi tay thén mếnh long pha.

(Dịch nghĩa:

Đồi cao chưa có chè non,

Ruộng thấp hoa lúa vẫn còn trắng tinh.)

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện với tần số khá lớn của hình ảnh “tre trúc” trong các bài hát Soọng cô. Đây cũng là hình ảnh đặc trưng của vùng cảnh quan trung du. Đó có thể là “rừng tre, trúc”, có thể

“tre ven đường”, là lũy tre đầu thôn, là bóng trúc trong thôn… Hình ảnh “tre trúc” trở nên quen thuộc và gần gũi với người Sán Dìu. Tre trúc thường mọc thành bụi lớn trong rừng, trên vùng đồi núi. Những rừng tre trúc không chỉ đem lại nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (vật liệu làm nhà, làm chuồng trại, làm hàng rào, đan lát…) mà còn giúp đem lại bóng mát, kiến tạo cảnh quan xanh tươi cho thôn xóm. Ngoài ra, rừng tre trúc còn cung cấp một lượng măng lớn, làm nguồn thức ăn tuyệt vời cho con người. Với tán lá dày, rễ cây thường phân bố ở tầng đất mặt nên tre trúc còn giúp chống xói mòn, làm tơi xốp đất, bám giữ đất tốt, điều tiết dòng chảy của sông suối nơi miền núi. Sự hiện diện của “tre trúc”, nhất là “trúc” cho thấy rõ dấu ấn sinh kế vùng trung du.

Ngoài hình ảnh “tre trúc”, trong các bài Soọng cô còn nhắc đến hình ảnh “hoa sen”, “hoa đào”. Cây sen sống nơi ao hồ, bùn lầy, vùng đất đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Ở khắp các làng quê của người Kinh hay các dân tộc anh em khác sống nơi đồng bằng ta đều dễ dàng bắt gặp không gian thanh tao, dịu dàng với hương thơm dịu nhẹ của đồng sen, ao sen… Trong các bài dân ca Soọng cô ta cũng bắt gặp không gian ấy:

- Sen hỵ hạm nhòng sút náy sộ Lống nhòng sáy sộ họn pha sen (Dịch nghĩa:

Gọi mời cô nương ra đây ngồi Mời nàng cùng ngồi ngắm hoa sen).

- Nhong kim suy sọi nị son thòi Hon kẹn len va tế tế hoi

(Dịch nghĩa:

Cô nương ở tại cạnh đầu thôn Nhìn thấy hoa sen bông bông nở).

Trong khi đó, “đào” lại là loài cây ưa với địa hình vùng trung du miền núi phía Bắc. Những “vườn đào”, “rừng đào” xuất hiện trong các bài hát Soọng cô đã nói lên đặc trưng địa hình sinh sống của đồng bào Sán Dìu. Sự có mặt của “hồ sen”, “ruộng lúa”, “đồi chè” xen lẫn với “vườn đào”, “rừng đào” là minh chứng cho nét đặc sắc về địa hình, không gian sinh sống, lao động sản xuất mang đậm dấu ấn sinh kế sản xuất nông nghiệp vùng trung du miền núi của người Sán Dìu.

Như vậy, không gian sinh sống của người Sán Dìu đã in bóng trong các bài hát Soọng cô. Không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh về không gian rừng núi, không gian gò đồi, không gian đồng ruộng lại được xuất hiện với số lượng lớn trong các bài hát Soọng cô. Mỗi bài ca với những câu từ giản dị, mộc mạc đã trở thành nơi để người Sán Dìu gửi gắm bao tâm tư tình cảm, trong đó có cả tình cảm gắn bó, yêu quý đối với vùng đất mình sinh sống. Vùng đất ấy, không gian ấy cũng chính là nơi người Sán Dìu lao động, sản xuất và canh tác. Những phát hiện về không gian sinh sống sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sinh kế của người Sán Dìu, lý giải được những thói quen, sự lựa chọn của họ trong từng hoạt động sản xuất cụ thể.

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)