Sinh kế của người Sán Dìu

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 39 - 51)

Chương 2 DÂN CA SÁN DÌU VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT 31 2.1. Đặc điểm cư trú và sinh kế của người Sán Dìu

2.1.2. Sinh kế của người Sán Dìu

Theo tác giả Dương Thùy Linh, luận án tiến sĩ “Sinh kế vùng gò đồi của người Sán Dìu ở tỉnh Thái Nguyên”, năm 2019, “Sinh kế là các hoạt động sản xuất trong lao động để đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người” [35, tr.30]. Cũng theo tác giả, “sinh kế hay tập quán mưu sinh của các tộc người là sự biểu hiện rõ nét cách thức ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội trong quá trình thích nghi, tồn tại và phát triển” [35, tr.36]. Như vậy, sinh kế chính là một thành tố của văn hoá tộc người, có mối quan hệ hữu cơ với văn hoá đảm bảo đời sống (văn hoá vật chất), văn hoá xã hội (cấu trúc, thiết chế và các quan hệ xã hội), văn hoá tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, tri thức, văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian...). Mặt khác, sinh kế có quan hệ mật thiết với các yếu tố môi sinh (tự nhiên và xã hội), có sự giao lưu, tiếp nhận, trao đổi đối với các cộng đồng khác. Bởi vậy, sinh kế cũng có những sự vận động liên tục trong quá trình phát triển do các nguyên nhân chủ quan từ chủ thể văn hóa hay do những nguyên nhân khách quan của hoàn cảnh lịch sử, xã hội.

Tìm hiểu dân ca của dân tộc Sán Dìu về dấu ấn văn hóa sinh kế nông nghiệp vùng trung du miền núi sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những phong tục, tập quán lao động, sản xuất, những phương tiện, cách thức lao động mà tộc người Sán Dìu đã sử dụng trong quá trình chinh phục, cải tạo tự nhiên để dần dần thích nghi, gắn bó lâu dài với vùng đất đai, thổ nhưỡng nơi họ sống và lao động, sản xuất.

2.1.2.1. Nghề nông trồng lúa và cây lương thực

Từ đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng nêu trên, sinh kế của người Sán Dìu trước tiên tập trung vào nghề làm ruộng trồng lúa. Trong kho tàng Soọng cô phong phú có cả một mảng đề tài lớn: Soọng cô về làm ruộng. Có thể những bài hát còn lại đến nay chưa tương xứng với bề dày truyền thống sản xuất nông nghiệp của người Sán Dìu, song qua một số bài, ta có thể thấy được những dấu ấn khá đậm nét của nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa.

Có thể nói, người Sán Dìu đã rất linh hoạt trong canh tác, trồng trọt thể hiện ở sự đa dạng của các loại cây trồng mà trước tiên là cây lúa. Ở những vùng đất ruộng, nguồn nước dồi dào, bà con trồng lúa nước:

- Như là dẫn nước sang cánh đồng Dẫn nước vào đồng ắt có gạo trắng - Thai hang dịu dzúi phac mòng mòng Lìu loc ha thèn ịn vồ dong

Ịn táo vồ dong xút phac máy (Dịch nghĩa:

Nước từ khe lớn trắng mang mang Chảy xuống ruộng dưới nuôi lúa non Nuôi từ cây lúa ra hạt gạo)

Nơi rừng sâu, người dân trồng lúa nương:

Dọn mong sênh san sênh oi oi Sếnh san coác hạ háo vô toi Sênh san coác hạ vô toi háo

Kẹn long ton chệnh nhong chang loi.

(Dịch nghĩa:

Xa nhìn rừng xanh, xanh thăm thẳm Rừng xanh sâu thẳm dễ trồng lúa Rừng sâu trồng lúa thêm xanh tốt Thấy chàng có tâm nàng mới sang).

Bài ca đã vẽ ra một không gian rừng xanh sâu thẳm nơi người dân trồng lúa.

Đây phải chăng là những nương lúa của người Sán Dìu? Từ xưa, người Sán Dìu đã biết khai hoang đất rừng, cải tạo để trồng nên những vạt lúa xanh tốt. Tập quán sản

xuất lúa nương đã in sâu trong tâm trí mỗi người, cất lên thành câu hát mở đầu cho khúc giao duyên của lứa đôi: rừng sâu dù có xa xôi nếu có đất tốt, có sức người, có lòng kiên trì sẽ có được mùa lúa bội thu; nếu chàng có tâm, có tấm lòng, có ý tình thì xa mấy nàng cũng sẽ tìm sang.

Cây lúa là cây lương thực chính của đồng bào Sán Dìu. Bởi vậy, bà con cùng nhau chăm chỉ cày cấy, làm nên mùa màng bội thu:

Tam dong hị si chộng nhin thèn Thèn chộng vô vong chộng nhin cót Son chông háo ngai chộng nhin thèn.

(Dịch nghĩa

Mang mạ đi cấy ruộng người ta Ruộng lúa đã vàng chung cùng gặt Trong thôn đã bảo ruộng lúa chung).

Những từ “cấy”, “gặt” được nhắc đến trong câu hát đã tái hiện sinh động các công đoạn của nghề trồng lúa. Từ những cây mạ xanh non mơn mởn cho đến khi ruộng lúa chín vàng là cả một quá trình lao động đầy vất vả. Những giọt mồ hôi rơi nơi cánh đồng đã đem về mùa vàng bội thu. Hình ảnh “lúa vàng” hiện lên thật đẹp trong bao câu hát:

Kin súi than thói mong léo mong Ca chông mạo máy mong vố vóng (Dịch nghĩa:

Nước suối chảy xiết, em càng mong Trong nhà không gạo mong lúa vàng)

Mặc dù câu hát mở đầu chỉ là lời ví von đầy hình ảnh trong một bài hát giao duyên về tình yêu đôi lứa song khát vọng về bông “lúa vàng” ấy được xuất phát từ chính cuộc sống sản xuất thực tế, từ chính niềm mong mỏi của những người nông dân quanh năm vất vả.

Không chỉ canh tác cấy cày nơi đồng ruộng, người Sán Dìu còn canh tác trên các nương đồi, soi bãi, một không gian canh tác đặc thù của cư dân vùng giữa: canh tác trên cả đất ruộng và đất đồi. Soọng cô còn lưu lại bài hát rằng:

Ca ngọi háo

Lóng kim diu hay chám sé lóng Chám sé chám lọc tay hông vố

Chộng táo lu thói nạch thót ngá.

(Dịch nghĩa:

Lấy anh tốt

Anh nay là người làm nương bãi Làm được bãi ở nơi đất thấp Trồng được khoai sọ bở tuyệt vời.)

Bài hát không chỉ nhắc đến không gian canh tác trên “nương bãi”, nơi “đất thấp” mà còn nhắc đến “cây khoai sọ”, một loại cây lương thực phù hợp với vùng đất canh tác nơi nương bãi. Bức tranh về nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa và cây lương thực vì thế mà được điểm tô phong phú thêm!

Từ xa xưa, người Sán Dìu đã gắn bó và thành thục với nghề sản xuất nông nghiệp. Việc trồng trọt của họ thường được thực hiện trên các sườn đồi, gò đồi, các ruộng bậc thang quanh chân đồi. Đây là vùng đất tương đối khô cằn nên việc cày cấy, làm đất, bón phân là việc hết sức quan trọng:

Trang nhot trang Dóng lẹng suy thòi sun sáu song Dòng lẹng suy thòi sun sáu hí Síu phù lày tếch hát ngòi song.

Mạ en vi cao tánh sun lói.

Dịch nghĩa: Tháng Giêng Trên đồi cây cỏ lại đâm chồi Trên đồi cây cỏ lại nở hoa Tay cầm cái cày, đuổi trâu đi Con én bay đến đón xuân về.

Bài ca xác định rõ không gian diễn ra công việc là “trên đồi” (dóng lẹng). Thời gian không ngừng trôi chảy với hình ảnh: cây cỏ lại đâm chồi, cây cỏ lại nở hoa. Việc nhà nông bận rộn quanh năm. Hình ảnh người nông dân hiện lên thật bình dị mà đẹp đẽ: Tay cầm cái cày, đuổi trâu đi”. Từ lâu, con trâu đóng vai trò và chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống của người Sán Dìu. Đồng bào có câu: “Trâu cày, ngựa cưỡi” cho thấy trâu chính là nguồn sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, nhất là với vùng đất tương đối khô cằn và nghèo dinh dưỡng của các tỉnh trung du. Câu hát còn trở nên đăng đối, uyển chuyển nhờ nghệ thuật đối xứng giữa hai câu cuối bài:

Tay cầm cái cày, đuổi trâu đi Con én bay đến đón xuân về.

Bài hát thật giàu hình ảnh và ý nghĩa: con người chăm chỉ cấy cày thì mùa xuân hạnh phúc sẽ về. Con trâu mở ra những luống cày cũng là mở ra mùa xuân, mở ra cuộc sống ấm no. Hình ảnh con trâu còn xuất hiện đầy gần gũi trong những lời ca khác:

- Dắt trâu đi trên đá chẳng thấy vết chân

- Mắt trâu mọc lên giống hai đèn Sừng trâu mọc lên giống một đôi Tai trâu mọc lên giống hai quạt Chân trâu mọc lên giống hai đôi.

Ngoài ra, Soọng cô còn có nhiều câu hát khác viết về việc cày bừa:

- Phá then ben ọi súi lói soi

(Dịch nghĩa: Đi bừa bừa ruộng nước lên bùn) - Phá then ben ọi súi lói lím

(Dịch nghĩa: Bừa ruộng lại muốn nước lên đủ)

Dù câu hát chỉ nhắc đến việc cày bừa như một cái cớ, một sự dẫn dắt, đưa đẩy cho bài hát giao duyên thì hình ảnh người nông dân với công việc cày bừa vẫn trở nên vô cùng gần gụi và giàu sức gợi. Hình ảnh “dắt trâu đi trên đá” không chỉ gợi công việc quen thuộc hàng ngày mà còn gợi không gian địa hình đặc trưng của vùng đất trung du. Đây cũng là những dấu ấn rõ nét cho nền sản xuất nông nghiệp của người Sán Dìu từ xa xưa.

Cùng với các yếu tố về sức người, sức kéo của gia súc, sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước rất coi trọng yếu tố tiên quyết: “Nước”. Việc tìm nguồn nước, dẫn nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng là việc làm quan trọng hàng đầu.

Viết về việc dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng, nhiều bài hát nhắc đến việc đắp đập, đan gầu sòng tát nước, gánh nước. Sự xuất hiện chiếc “gàu sòng” trong quá trình lao động là một sự sáng tạo của đồng bào. Họ dùng gầu tát nước để đưa nước vào ruộng gồm: gầu đôi - tẹo tán và gầu đơn - dùi tói. Những chiếc gàu sòng ấy do chính đôi bàn tay khéo léo của các chàng trai, cô gái Sán Dìu làm nên (Nàng đan gầu sòng chàng tra cán). Điều đó cho thấy việc dùng gàu sòng tát nước đã trở thành một kinh nghiệm về thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào nhằm đưa nước lên ruộng cao, soi bãi:

Sin chếch hụ tói sóng on bẹng Chẹ lói hụ súi sọng cao thẻn

Dịch nghĩa:

Thân đan gàu sòng làm cán dài Đi mượn tát nước lên ruộng cao

Sin chếch hụ tói sóng on bẹng Chẹ lói hụ súi sọng cao phô

Dịch nghĩa:

Thân đan gàu sòng làm cán dài Đi mượn tát nước lên bãi cao

Cùng với chiếc gàu sòng đơn sơ mà vô cùng cần thiết, đồng bào Sán Dìu cũng đã sớm biết đào mương, đắp đập để đưa dòng nước về với ruộng đồng:

- Ở trên đồi cao mở con mương Con mương nào cũng đổ xuống hồ - Như là dẫn nước sang cánh đồng Dẫn nước vào đồng ắt có gạo trắng

- Cao san cao lẹng cao sống bác Ái san ái lẹng súi nán lói

Ọi súi cui thèn ben theo chụn Mạo mong then công lọc súi lòi.

Dịch nghĩa:

Rừng cao thì núi cũng cao

Ruộng khô đồng cạn làm sao nước về Muốn cho cày cấy đề huề

Cùng nhau đắp đập nước về đồng quê.

Bài hát tựa như lời cổ vũ, khích lệ mọi người hãy biết khắc phục khó khăn để có được vụ mùa bội thu. Trong một số lời hát giao duyên, hình ảnh “con mương” hay việc

“dẫn nước sang canh đồng” được xuất hiện ngay ở những câu mở đầu với ý nghĩa dẫn dắt câu chuyện là chính song hình ảnh ấy vẫn có thể coi là đã chịu ảnh hưởng đậm nét bởi dấu ấn sản xuất nông nghiệp lúa nước lâu đời của đồng bào. Cùng với các hoạt động “đào mương dẫn nước”, các bài hát Soọng cô còn đề cập đến công việc “gánh nước”:

- Tam dzúi phu thòi nhòng kị dzang Tam dzúi phu thòi nhòng kị dzịn.

Dịch nghĩa:

Nàng đi gánh nước nhắn lời sang

Gánh nước ngoài bến nàng đưa tin nhắn

- Tam súi phù thói nhín kỵ loi Tam súiphù thói nhín kỵ sịn

Dịch nghĩa:

Gánh nước bến đầu người gửi lời Gánh nước bến đầu người nhắn tin

“Gánh nước” là công việc dùng sức người với chiếc đòn gánh để gánh những thùng nước, xô nước tưới cho cây trồng hoặc đem nguồn nước về nhà phục vụ cho sinh hoạt. Hoạt động “gánh nước” cũng cho thấy dấu ấn sinh kế vùng trung du rõ nét, phù hợp với việc di chuyển trên địa hình nơi chân đồi hay vùng đồng bằng ven núi.

Cũng bởi địa hình và đất đai có phần bất lợi, đồng bào Sán Dìu ngoài trồng lúa đã dần đa dạng hóa các loại cây trồng để tạo nguồn thực phẩm đa dạng, dồi dào. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thống kê được một số loại cây lương thực và rau xanh như: cây mướp, mướp đắng, cây hành, cây chuối, cây vừng, khoai sọ… Sự đa dạng của các loại cây trồng cho thấy người Sán Dìu đã sớm biết xen canh, tăng vụ để khai thác triệt để diện tích đất trồng đồng thời giúp cải thiện và nâng cao đời sống:

- Sáng nay ra cửa gặp được anh

Như là cây mướp gặp rào thưa Như là cây mướp ra ngọn non

- Cây khoai lá nó mọc chỉ lên trời Lá khoai mọc lên như cái ô

Khoai đầu mọc lên ngồi ở giữa Khoai con mọc lên ngồi tứ phía.

- Song súi liu loi ết toi soi Thai súi liu loi ết toi sồng

Dịch nghĩa:

Nước ít mang đến để tưới rau Nước nhiều mang đến để tưới hành

Như vậy, qua Soọng cô, chúng ta có thể hình dung cụ thể về đời sống lao động của người Sán Dìu. Có lẽ, xuất phát từ chính cuộc sống nhiều vất vả của cư dân nông nghiệp vùng gò đồi trung du mà những bài Soọng cô của người Sán Dìu từ khi ra đời đã chứa chan bảo cảm xúc, thể hiện rõ tình cảm trân trọng đối với nghề nông trồng lúa - nghề nghiệp mang lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dù là hát giao duyên, hát trong đám cưới, hát đối đáp, các lời hát đều mang bóng dáng của những con người lao động gắn bó với nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống. Dân ca Soọng cô vì thế càng trở nên gần gũi, tha thiết hơn bao giờ hết!

2.1.2.2. Nghề trồng chè và trồng rừng

Một đặc điểm sinh kế không thể không nhắc đến của người Sán Dìu chính là nghề trồng chè. Vùng đất gò đồi trung du là nơi lý tưởng để cây chè phát triển. Với đặc tính chịu rét, chịu hạn tốt, cây chè được bà con trồng rộng rãi vừa giúp đem lại nguồn thức uống giải nhiệt, chăm sóc sức khỏe, vừa giúp che phủ những vùng đồi khô cằn:

Sá sọi cao tun mếnh hoi nhọn, Vố sọi tay thén mếnh long pha.

Kim mạn nhóng lói tạo nỵ sụy, Mạo hém thạm sủi sệch boi sà.

Dịch nghĩa:

Đồi cao chưa có chè non,

Ruộng thấp hoa lúa vẫn còn trắng tinh.

Đêm nay nàng tới xứ anh,

Đừng chê khi uống chè xanh quê chàng.

Mở đầu bài hát là hình ảnh “đồi cao” gợi cho ta liên tưởng đến không gian vùng trồng chè của người Sán Dìu chủ yếu là đồi núi. Đây là vùng địa hình có các điều kiện thổ nhưỡng, ánh sáng phù hợp với sự phát triển của cây chè. Bên cạnh đó, trong nhiều bài hát, chúng ta lại gặp hình ảnh “vườn chè” (sá dón):

- Chang nhọt sói sá mênh dịu sá

Hỵ tao sá dón mếnh dịu ngá (Dịch nghĩa:

Tháng Giêng hái chè chưa có chè Đi đến vườn chè chưa có nụ) - Lộc nhọt sói sá sá diu tô Hỵ tạo sá dón diu háo nghí (Dịch nghĩa:

Tháng Sáu hái chè chè lại nhiều Đi đến vườn chè lại lắm lộc)

Hình ảnh này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm cư trú của người Sán Dìu; họ làm nhà ven chân đồi nên những khu đất trống còn lại xung quanh sẽ trở thành những

“vườn chè”. Việc canh tác tại các “vườn chè” như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc trồng, chăm sóc và thu hoạch chè. Cây chè vì thế càng trở nên gần gũi và gắn bó với người Sán Dìu. Ngoài ra, để đảm bảo giữ được độ tươi ngon của chè, phương pháp thu hoạch hái chè thủ công truyền thống vẫn luôn được bà con duy trì từ xưa tới nay. Dù diện tích đồi chè, vườn chè có lớn, có nhiều đến đâu thì việc hái chè bằng tay vẫn là phương pháp thu hoạch chè tốt nhất. Hình ảnh các chàng trai, cô gái hái chè, chàng trai vin cành chè cho cô gái hái xuất hiện trở đi trở lại trong cả chùm bài ca hái chè (sói sá) thật đẹp:

- Síu phù sá suy siu sá nghỉ Siu tảo thón dón leo ết sì.

(Dịch nghĩa:

Một tay đỡ khóm chè xanh

Một tay hái búp trên cành chè non!)

(Bài hát do ông Diệp Minh Tài, thị trấn Hóa Thượng, Đồng Hỷ cung cấp) - Nghi nhọt sói sá sá háo nhọn

Siu phu sa suy chác sá nghí Lóng kim siu lói lống nhóng chác (Dịch nghĩa:

Tháng Hai hái chè chè nhiều búp Anh vin cành xuống, em cùng hái Anh vin cây chè hái cùng em)

(Bài hát do bà Miêu Thị Nguyệt, Na Quán, Nam Hòa cung cấp)

Một phần của tài liệu Dân ca của người sán dìu ở thái nguyên từ góc nhìn văn hóa (Trang 39 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)