Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.3. Vài nét về văn hóa và văn học dân gian của người Sán Dìu
Cũng như tộc người Sán Dìu ở các địa phương khác, người Sán Dìu ở Thái Nguyên cũng có không gian văn hóa làng. Thường trong một làng, các thành viên đều có họ hàng với nhau, hoặc ít ra là có quan hệ hôn nhân. Vì vậy, chỉ cần hỏi tên, tên đệm là có thể biết được thứ bậc, thân sơ trong dòng họ. Người Sán Dìu quan niệm: chỉ cần đồng tộc cũng đủ để quý mến nhau và thết đãi nhau bằng cả tấm lòng. Họ thường cho rằng người Sán Dìu ít ỏi nên phải thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Những cuộc đi hát giao lưu giữa các làng, các địa phương cũng chính là một phương thức để người Sán Dìu được gặp gỡ, làm quen hay thăm lại bà con đồng tộc của mình.
Người Sán Dìu cũng có tục ăn trầu như người Kinh và một số dân tộc khác. Họ ăn trầu chủ yếu để nhuộm và bảo vệ răng. Trong các ngày lễ Tết, trầu cau cũng là món vật bày lễ và mời khách không thể thiếu.
Về trang phục, người Sán Dìu có lối vận trang phục riêng. Đàn ông thường mặc áo cổ tròn (cao 3 phân), không có ve áo, dùng vải làm cúc ngang. Áo được may theo kiểu năm thân, dài quá đầu gối một chút, có một túi ngực, hai túi ở vạt áo. Ống tay áo may hẹp và dài quá hông một chút. Quần thường đồng màu với áo ngoài, may kiểu chân què, cạp quần hình lá tọa, nếu phía sau bị sờn có thể xoay ra đằng trước. Ống quần rộng, có thể xắn cao tới vế đùi, thuận tiện trong việc lội suối hay lội ruộng lầy.
Nữ giới Sán Dìu mặc áo trong, áo ngoài và có khăn đội đầu, yếm, dây lưng, váy và xà cạp. Người nữ thường vấn tóc và đội khăn hình vuông, mặc áo ngoài màu chàm.
Áo được may theo kiểu áo tứ thân, cổ cao nẹp trơn, không có khuy. Nẹp áo có thêm
miếng vải trắng, khi mặc sẽ được lộ ra ngoài. Yếm có hình thoi, khoảng 35 - 45 cm mỗi cạnh, được trang trí họa tiết hoa văn. Thường con gái mặc yếm trắng, phụ nữ có chồng mặc yếm vàng, người già mặc yếm đỏ. Người trẻ tuổi thường mặc áo vạt bên phải vắt phủ lên trái, sau khi mặc chiếc nẹp bên trong sẽ được lộn ra ngoài tạo thành đường chéo từ cổ xuống. Người lớn tuổi mặc ngược lại và dùng thắt lưng hoa lý màu tím, đỏ hoặc xanh để thắt lại. Váy thường gồm 4 - 8 mảnh vải trườn lên nhau từ 10 - 15 cm, được đính trên một cái xà cạp màu đen hoặc chàm mà không khâu lại nên còn gọi là “váy lá”, “váy xẻ”. Ngoài ra, phụ nữ Sán Dìu còn có chiếc “túi trầu” hình múi bưởi, được thêu công phu với nhiều họa tiết sặc sỡ, đầu dây có tết nút, có tua dài đính thêm một chuỗi đồng xu.
Về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, người Sán Dìu có các nghi lễ vòng đời hết sức quan trọng: sinh nở - cưới hỏi - mừng thọ - tang ma. Trong đó, cưới hỏi là một sự kiện mang ý nghĩa trọng đại đối với đôi bên nam nữ, đôi bên gia đình, và là sợi dây bền chặt nhất gắn kết đôi bên hai họ. Bởi vậy, để tổ chức một đám cưới phải trải qua rất nhiều nghi lễ: Lễ xin lá số, lễ xem mặt, lễ xin cưới, lễ ăn hỏi, lễ sang bạc, lễ chọn và báo ngày cưới, lễ gánh gà, lễ nộp cheo, lễ cưới chính thức, lễ lại mặt. Điều đáng nói là các nghi lễ cưới xin đều gắn liền với hát Soọng cô. Từ lúc đôi lứa tìm hiểu cho đến lúc diễn ra các nghi lễ đều không thể thiếu tiếng hát Soọng cô, thậm chí, nhà trai, nhà gái đều phải cử người thuộc nhiều bài hát làm người đại diện, chịu trách nhiệm hát đối đáp trong các nghi lễ ấy. Có lẽ vì thế mà kho tàng Soọng cô của người Sán Dìu còn lưu giữ rất nhiều bài “Sênh ca chíu cô” (bài hát về đám cưới) mà ở đó, mỗi nghi lễ trong tục cưới xin đều có những bài hát riêng độc đáo, đặc sắc.
Người Sán Dìu ở Thái Nguyên luôn ý thức về việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người. Tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức những đợt tập huấn công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cho các hạt nhân tuyến xã. Tại các xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, Phú Bình đều đã thành lập các câu lạc bộ Hát Soọng cô, mở một số lớp dạy chữ Sán Dìu cho thanh thiếu niên. Bà Miêu Thị Nguyệt (81 tuổi), xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) từng mở nhiều lớp dạy tiếng nói, dạy các điệu múa hát truyền thống của dân tộc Sán Dìu; Ông Hoàng Phúc, xóm Chí Son, Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã mở lớp dạy chữ Sán Dìu vào các dịp hè. Điều đáng mừng là các lớp học trên đã thu hút khá đông các cháu trong độ tuổi thanh thiếu niên tham gia. Gần đây nhất, từ ngày 09/10/2023 đến 16/10/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tổ chức chương trình “Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng
Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”. Tại đây, các lớp học hát Soọng cô dành cho người cao tuổi và các cháu thanh, thiếu niên đã được tổ chức, thu hút đông đảo bà con tham gia. Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần bảo tồn và nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa tộc người trong cộng đồng, nhất là với những người trẻ tuổi. Tìm hiểu dân ca của người Sán Dìu dưới góc nhìn văn hóa là việc làm thiết thực giúp bà con Sán Dìu thêm hiểu, thêm trân trọng di sản dân ca quý báu, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính cộng đồng người Sán Dìu trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu cũng giúp cho tất cả mọi người đều có thể khám phá những đặc sắc của các bài dân ca Soọng cô dưới góc nhìn văn hóa.
1.2.3.2. Văn học dân gian của người Sán Dìu Khái quát về văn học dân gian của người Sán Dìu
Theo lời kể của những người cao niên, dân tộc Sán Dìu có một kho tàng văn học dân gian đa dạng về thể loại, phong phú và quý giá cả về nội dung lẫn nghệ thuật.
Hiện nay, số lượng các tác phẩm ở các thể loại còn lại không nhiều. Số lượng các truyện cổ đến nay có lẽ là ít ỏi hơn cả. Các tác phẩm thuộc thể loại tục ngữ, ca dao, câu đố, dân ca có phần phong phú, đa dạng hơn.
Về nội dung, văn học dân gian của người Sán Dìu phản ánh đời sống lao động sản xuất, các mối quan hệ, cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên, với cộng đồng xã hội cũng như đời sống tâm hồn của con người.
Nói đến văn học dân gian Sán Dìu không thể không nhắc đến truyện cổ Sán Dìu. Hiện số lượng truyện cổ còn lại không nhiều song đây vẫn là những trang truyện phản ánh chân thực về thế giới quan của người Sán Dìu cổ xưa. Các câu chuyện cổ tích chủ yếu mang nội dung lý giải về nguồn gốc, sự ra đời của các sự vật, con vật…
trong thế giới tự nhiên: Vì sao con khỉ lại sống trên núi (Tại sao khỉ lên núi), vì sao lại có tiếng kêu của chim ca ca và vọt chót (Sự tích tiếng kêu chim ca ca và vọt chót…).
Bên cạnh đó, truyện cổ tích Sán Dìu cũng thể hiện những ước mơ, khát vọng đẹp đẽ của người xưa: ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, ấm no; khát vọng về sự trường sinh;
khát vọng có được sức mạnh kỳ diệu để chiến thắng kẻ thù …
Kho tàng tục ngữ, ca dao, câu đố, dân ca của người Sán Dìu đến nay vẫn được lưu giữ và mang sức sống lâu bền trong cộng đồng, đặc biệt là dân ca Soọng cô. Các thể loại này có hình thức ngắn gọn, dể nhớ, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đặc biệt, tục ngữ, câu đố, ca dao cũng đã phần nào in dấu trong các bài hát dân ca Soọng cô. Có lẽ bởi vậy mà những tác phẩm ở thể loại này được đồng bào nhớ và thuộc nhiều hơn cả.
Về nghệ thuật, nếu tục ngữ, ca dao, câu đố, dân ca là những lời thơ giản dị, giàu hình ảnh, gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào thì truyện cổ Sán Dìu lại hấp dẫn người nghe bởi cốt truyện ngắn gọn mà hàm súc. Không những vậy, các câu chuyện còn có thế giới nhân vật khá phong phú, đồng thời, chứa đựng không ít yếu tố hoang đường, kỳ ảo, phản ánh trí tưởng tượng phong phú, sinh động của người Sán Dìu xưa: tướng quân bị chặt đầu nhưng vẫn liên tục biến hóa (Truyện Tướng quân cụt đầu), chàng trai cày ruộng nhận được sự giúp đỡ của các nàng tiên (Truyện Hai người con của nàng tiên)…
Văn học dân gian dân tộc Sán Dìu đến nay vẫn mang trong mình sức sống bền bỉ, là mạch nguồn trong lành nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ. Đến nay, văn học dân gian của người Sán Dìu chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ của lớp người cao tuổi.
Một số tác phẩm được ghi lại trong các sách cổ của người Sán Dìu song số cuốn sách cũng như số người có thể đọc được những cuốn sách ấy còn lại không nhiều. Vì vậy, việc sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn văn học dân gian của đồng bào mang ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ với tộc người Sán Dìu. Việc tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của các tác phẩm văn học dân gian của người Sán Dìu dưới góc nhìn văn hóa, trong đó có Soọng cô, chính là việc làm thiết thực góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của người Sán Dìu nói riêng, các di sản văn hóa nói chung.
Dân ca Soọng cô của người Sán Dìu
“Soọng cô” theo tiếng Sán Dìu nghĩa là “xướng ca”, “ca hát”. Đây là một dạng hát ví gắn liền với đời sống tinh thần của người Sán Dìu. Không rõ Soọng cô ra đời từ bao giờ, tuy nhiên, trong cộng đồng người Sán Dìu đến nay còn lưu giữ hai truyền thuyết: “Quả bầu tiên” và “Lưu Tam Muội” có liên quan đến nguồn gốc ra đời của Soọng cô. Truyện “Quả bầu tiên” kể rằng: Thuở hồng hoang, khi trời đất đã phân định rõ, một trận đại hồng thủy đã xảy ra làm chết hết con người và muôn loài. May thay, có hai anh em thoát nạn nhờ kịp chui vào quả bầu khô. Khi nước rút, hai người chui ra thấy cảnh tượng hoang tàn, xung quanh không còn một ai. Đến tuổi trưởng thành, không có người nào khác nên họ phải lấy nhau rồi sinh được con đàn cháu đống. Thấy tất cả đều là anh em cùng dòng máu nên họ quyết không lấy nhau mà đi đến làng khác để tìm bạn đời. Họ dùng lời ca của mình để nói lên nỗi lòng, bày tỏ tình cảm. Từ đó, lối hát giao duyên giữa hai bên nam nữ, giữa làng này với làng khác ra đời được gọi là
“Soọng cô” lưu truyền cho đến ngày nay. (Lược kể theo Trần Quốc Hùng, [26, tr. 153 – 157]. Như vậy, “Soọng cô” chính là tiếng hát cất lên từ nỗi lòng của các chàng trai, cô gái, là tiếng hát giao duyên, bày tỏ tâm tình.
Điệu hát Soọng cô thường được cất lên trong lao động sản xuất (trụ soọng cô), trong lễ cưới hỏi (sênh ca chíu cô), trong các dịp lễ tết (tạo nén cô), trong lúc đi chơi làng (hị son cô), trong lúc ru con ngủ (ếnh slảy cô)…
Những bài “trụ soọng cô” có nội dung ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, phê phán thói lười biếng, mải chơi, khuyên con người cần biết chăm chỉ làm việc để có cuộc sống ấm no, tốt đẹp. Các bài “sênh ca chíu cô” trong đám cưới lại mang đến những lời chúc tốt lành dành cho nhà trai, nhà gái, chúc mừng hai bên gia đình, cô dâu chú rể sống hạnh phúc, hòa thuận, con cháu đuề huề. Các bài hát “tạo nén cô”, “hị son cô” lại có nội dung ca ngợi cảnh quan thiên nhiên quê hương, làng xóm,…
Dù hát trong hoàn cảnh, không gian nào, các bài Soọng cô đều chuyên chở những nội dung tốt đẹp: thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa giữa người với người, ca ngợi ước mơ về một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc, lên án cái xấu, cái ác… Vào những dịp Tết đến xuân về, tổ chức cưới hỏi, mừng vào nhà mới hay những lúc nông nhàn, người Sán Dìu đều mượn tiếng hát Soọng cô để ký thác lòng mình. Trong quá trình sưu tầm, dịch thuật, nghệ nhân ưu tú Diệp Minh Tài (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: mỗi chủ đề hát thường gồm 12 bài, các bài hát này có nội dung gần giống nhau, chỉ thay một số từ ngữ để tránh trùng lặp, đồng thời thể hiện sự nhanh trí trong ứng khẩu, đối đáp của hai nhóm hát với nhau.
Từ những tài liệu tìm hiểu được trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy dân ca Soọng cô của người Sán Dìu mang nội dung phong phú mà theo cách tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa, ta sẽ phát hiện ra những giá trị nội dung lấp lánh khác nữa:
Dân ca Sán Dìu phản ánh đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của người Sán Dìu trong các mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội, tạo nên những giá trị nhân văn đáng trân trọng. Từ nghiên cứu này, chúng ta càng thêm trân quý, cảm phục sức sáng tạo của người Sán Dìu xưa ẩn chứa trong những lời ca mộc mạc, bình dị mà không kém phần hàm súc.
Hình thức xướng ca của Soọng cô thường là hát đôi hoặc hát nhóm. Mỗi bài hát Soọng cô thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Cũng có những bài hát mà câu đầu chỉ có 3 chữ. Giai điệu của Soọng cô thường có hai lối hát:
hát ngân hay hát du (Ếnh cô) - cách hát luyến láy với trường độ được kéo dài và cũng là cách hát sử dụng trường hơi cao nhất; hát cộc hay hát nói (Coóng cô) – cách hát đi thẳng vào lời ca với sự luyến láy và trường độ vừa phải. Nhịp hát Soọng cô có trường độ ổn định, thường ngắt theo nhịp 2/4, có khi nhịp khá tự do. Trong khi hát, để lời ca
được mềm mại, ngân nga, người hát thường đệm thêm những hư từ đưa đẩy câu hát như “ơ, ớ, ờ…” và thường được đặt theo những cao độ khác nhau. Âm vực khi hát cũng không quá lớn, nhịp điệu đều đều, độ trầm bổng không cao. Cũng theo chia sẻ của nghệ nhân ưu tú Diệp Minh Tài (Tam Thái, Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có lẽ xuất phát từ nỗi lòng những người con từng phải li tán, chạy loạn khắp nơi nên âm hưởng chung của các bài hát dân ca Sán Dìu thường đượm buồn. Cũng do quá trình di cư xa xưa mà người Sán Dìu không thể mang theo hay sáng tạo những nhạc cụ đệm cho điệu hát này, vì vậy, Soọng cô không có nhạc cụ đệm. Tuy nhiên, sự trầm bổng của lời hát, sự luyến láy của giọng hát đã làm nên nét độc đáo riêng có của loại hình xướng ca này.
Các bài Soọng cô cũng chứa đựng nhiều hình ảnh mang giá trị nghệ thuật đặc sắc. Từ những hình ảnh quen thuộc, Soọng cô trở nên hàm súc, giàu sức gợi nhờ các biện pháp tu từ. Đó có thể là nghệ thuật so sánh:
Kẹn nhòng dzênh háo tô nhìn ọi Cóng dzang mù léo dzẹo dzang lòi Ngạn sị sô dzam ngồ mì nhot Hói sị hù hòi va chệnh hoi.
Dịch nghĩa:
Nghe giọng nàng hay nhiều người muốn Giọng nói, giọng cười văng vẳng bên tai Mắt nàng trông tựa trăng mồng ba
Miệng nàng xinh tựa những bông hoa.[12, tr.33]
Đó có thể là nghệ thuật đối lập cùng cách nói ẩn dụ:
Ngọi kẹn sềnh nhòng cụi cộ kim Sềnh nhòng kẹn ngọi diu hàn nhìn Kẹn ngọi hàn nhìn lu ben sáo Lu ben sáo chấy dzọng này sìm Dịch nghĩa:
Ta thấy nàng đây quý hơn là vàng Nàng thấy ta như thấy người dưng Thấy ta người dưng hay cỏ dại
Cỏ dại ven đường lấm bụi hồng.[12. Tr.35]
Biện pháp so sánh: “Mắt nàng trông tựa trăng mồng ba, Miệng nàng xinh tựa những bông hoa” không chỉ nói lên vẻ đẹp của cô gái mà còn cho thấy cảm xúc tình yêu dạt dào dâng lên trong đôi mắt của chàng trai. Cùng với đó, nghệ thuật đối lập:
“Ta thấy nàng đây quý hơn vàng / Nàng thấy ta như thấy người dưng” cùng cách nói