Tổng số đối tượng nghiên cứu: n= 152, trong đó có 86 bệnh nhân hen phế quản chiếm 56,6% và 66 bệnh nhân ACO chiếm 43,4%.
4.1.1. Đặc điểm chung về giới tính
Trong mẫu nghiên cứu có: Số bệnh nhân nam giới chiếm ưu thế ở cả hai nhóm bệnh. Cụ thể: Có 100 bệnh nhân nam, trong đó 66 bệnh nhân mắc hen phế quản và 44 bệnh nhân mắc ACO. Có 52 bệnh nhân nữ trong đó 22 bệnh nhân ACO và 30 bệnh nhân hen phế quản. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa giới tính của hai nhóm bệnh ACO và hen phế quản (p >
0,05). Tỷ lệ nam giới và nữ giới trong hai bệnh là gần tương đương nhau với nam:nữ ≈ 2:1. Khác so với nghiên cứu của Daniel Maranatha và CS năm 2020: tỷ lệ nam giới được tìm thấy mắc ACO cao hơn so với bệnh hen phế quản (85,7% so với 21,7%, p = 0,004) [61].
Trong nhóm bệnh nhân ACO, vấn đề giới tính vẫn có nhiều mâu thuẫn:
tỉ lệ giới nam > nữ tương đồng với một số nghiên cứu trong nước: Cao Văn Minh (2017) có tỉ lệ nam giới chiếm 73,6% nữ giới chiếm 26,4% [11], Trương Thị Tuyết: nam giới chiếm 84,4% nữ giới chiếm 15,6%. Nghiên cứu không tương đồng với một nghiên cứu trên thế giới như De Marco (2013) cho rằng phụ nữ có tỉ lệ mắc ACO cao hơn so với nam giới
Trong nhóm bệnh nhân hen thì tỉ lệ giới tính nam > nữ ~ 2:1 không tương đồng với tỉ lệ giới tính trong bài báo “Sex and gender in asthma” được đăng trong tạp chí hô hấp Châu Âu năm 2021 của Nowrin U. Chowdhury và
cộng sự [19]. Tuy nhiên một số nghiên cứu vẫn ghi nhận nữ giới gặp nhiều hơn nam [30], [34], [67], [70].
4.1.2. Đặc điểm chung về tuổi
Về nhóm tuổi: Bệnh nhân hen phế quản có: nhóm tuổi từ 40-65 chiếm ưu thế (69,8%), nhóm tuổi trên 65 chiếm 24,4%. Bệnh nhân ACO có: nhóm tuổi 40-65 chiếm 51,5%, nhóm tuổi trên 65 chiếm 48,5%.
Độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân mắc hen phế quản là 57,45 ± 10,588 với tuổi thấp nhất là 34 cao nhất là 79, tuổi trung bình của bệnh nhân hen phế quản nhỏ hơn so với nhóm bệnh nhân ACO 65,79 ± 9,279, với tuổi thấp nhất là 43 và cao nhất là 88. Tỉ lệ mắc bệnh hen phế quản và ACO theo lứa tuổi có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05. Tuổi trung bình của bệnh nhân hen và ACO trong nghiên cứu lớn hơn so với nghiên cứu của Dương Quý Sĩ và cộng sự năm 2018 (Bệnh nhân là 41 ± 22 tuổi, và bệnh nhân ACO: 52 ± 14 tuổi) [22].
Kết quả của nghiên cứu tương đương với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, cụ thể: Nghiên cứu của Daniel Maranatha và cộng sự cũng cho thấy bệnh nhân ACO có tuổi trung bình cao hơn so với bệnh nhân hen (63,4 ± 4,7 vs. 53,7 ± 7,7, p = 0,004), nghiên cứu của Cao Văn Minh (2017) cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân ACO là 66,94 ± 9,39, khuyến cáo của GINA cũng thấy là bệnh nhân ACO thường có tuổi cao hơn so với hen phế quản [49]. Nghiên cứu của Yoshiaki Kitaguchi và cộng sự cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân ACO là 69,1±1,2, của bệnh nhân hen có giới hạn luồng khí cố định là 70,3± 2,2 [23], [52], [56], [58].
Điều này cũng dễ lý giải vì một trong những tiêu chí chẩn đoán ACO là những bệnh nhân có tắc nghẽn luồng khí không hồi phục có tiền sử hen phế quản.
4.1.3. Đặc điểm chung về thể trạng
Về thể trạng: Bệnh nhân hen phế quản có thể trạng trung bình chiếm ưu thế (60,5%), bệnh nhân thừa cân và béo phì chiếm tỉ lệ 24,4%. Bệnh nhân ACO có thể trạng trung bình 68,2%, và gầy 25,8%. BMI trung bình của bệnh nhân ACO là 20,1392 ± 2,23061, BMI trung bình của bệnh nhân hen phế quản là 21,404 ± 2,76084 với sự khác nhau có ý nghĩa thống kê với P < 0,05.
Như vậy có thể thấy được nhóm bệnh nhân ACO có thể trạng thấp hơn so với nhóm bệnh nhân hen phế quản đơn thuần. Kết quả của nghiên cứu tương đồng với nghiên cứu của Dương Quý Sĩ và cộng sự trong một nghiên cứu đa trung tâm tại Việt Nam so sánh bệnh nhân hen phế quản, COPD đơn thuần và ACO năm 2018 [22], Cụ thể BMI trung bình của bệnh nhân hen phế quản là 22,4 ± 4.1 lớn hơn so với bệnh nhân ACO là 21,7 ± 2,8, nhưng một số nghiên cứu lại chỉ ra thể trạng bệnh nhân ACO thường cao hơn bệnh nhân hen phế quản [65], [66].
4.1.4. Đặc điểm chung về bệnh đồng mắc
Trong nhóm ACO, số bệnh nhân có bệnh đồng mắc là viêm mũi dị ứng chiếm tỉ lệ cao nhất 50%, tăng huyết áp chiếm 48,5%, ĐTĐ chiếm 15,2%, viêm trào ngược dạ dày- thực quản 13,6% rối loạn lo âu, trầm cảm chiếm 9,1%. Trong nhóm hen phế quản, số bệnh nhân có bệnh đồng mắc là viêm mũi dị ứng chiếm tỉ lệ cao nhất 41,9%, tăng huyết áp chiếm 33,7%, ĐTĐ chiếm 11,6%, và GERD chiếm 10,5%. Nhóm bệnh nhân ACO có ≥ 2 bệnh đồng mắc là 39,4%, nhóm bệnh nhân hen phế quản ≥ 2 bệnh đồng mắc là 19,8%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.
Có một đồng thuận rộng rãi là những bệnh nhân ACO sẽ có nhiều bệnh lý đồng mắc hơn hen phế quản đơn thuần, và những bệnh thường gặp là THA, viêm mũi dị ứng, ĐTĐ, GERD, bệnh tim thiếu máu cục bộ,… Như trong khuyến cáo của GINA, Nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ và CS năm 2023 với các bệnh đồng mắc là tăng huyết áp, viêm mũi dị ứng, GERD,… Tỉ lệ bệnh nhân mắc từng nhóm bệnh là khác nhau đối với từng nghiên cứu. Nghiên cứu
của Dương Quý Sĩ và cộng sự năm 2018 cũng cho thấy tỉ lê bệnh nhân có các bệnh trong hai nhóm hen phế quản và ACO lần lượt là: tiền sử dị ứng ( 82,8 và 77,9%), bệnh tim mạch (17,0 và 28,1%), bệnh chuyển hóa (22,2 và 22,8%) [22].
4.1.5. Đặc điểm về tiền sử hút thuốc lá
Trong nhóm bệnh nhân ACO số bệnh nhân hút thuốc lá ≥ 20 bao năm là 33,3%, < 20 bao năm là 25,8%. Ở nhóm bệnh nhân hen phế quản số bệnh nhân hút thuốc lá ≥ 20 bao năm là 16,3%, < 20 bao năm là 20,9%. Khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.