CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp thu thập thông tin 2.2.1.1. Thu thập thông tin thứ cấp
Số liệu và các dữ liệu liên quan đến hoạt động kế toán quản trị được lấy trong khoảng thời gian từ năm 2018-2021 của Trung tâm y tế huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Các bài luận văn, giáo trình về kế toán quản trị chi phí tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Các số liệu tổng quan được thu thập từ các sách báo, mạng Internet, tạp chí chuyên ngành liên quan.
2.1.1.2. Thu thập thông tin sơ cấp - Mục đích khảo sát:
Thu thập dữ liệu để đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự vận dụng kế toán quản trị chi phí tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia.
Để thu thập được số liệu sơ cấp phục vụ quá trình tính toán, nghiên
cứu, đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí của Trung tâm y tế huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn, tác giả đã tiến hành xây dựng phiếu điều tra, tiến hành phỏng vấn trực tiếp hoặc phát phiếu cho đối tượng điều tra. Thông qua phỏng vấn và điều tra trực tiếp các ý kiến sẽ được tổng hợp vào trong các bảng biểu nhằm phân tích và đưa ra các kết luận về các vấn đề cần điều tra.
- Đối tượng và qui mô khảo sát
Đối tượng điều tra: Tính đến 31/12/2020, Trung tâm y tế huyện Bình Gia có 247 cán bộ, viên chức, người lao động. Đề tài sẽ tiến hành điều tra, khảo sát chuyên sâu đối tượng là Ban Giám đốc, Trưởng phó các khoa phòng bộ phận, các kế toán viên thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Gia.
Quy mô mẫu:
+ Ban Giám đốc: Gồm có 03 đồng chí đưa ra các quyết định tại đơn vị, với đối tượng này tác giả tiến hành khảo sát 100% số cán bộ.
+ Phòng Tài chính- Kế toán tham gia trực tiếp vào công tác kế toán tài chính tại đơn vị gồm có 06 cán bộ. Với đối tượng này tác giả tiến hành khảo sát 100% số cán bộ.
+ Trưởng phó các khoa phòng và Trạm y tế xã (tính đến 31/12/2020) có 36 cán bộ. Với đối tượng này tác giả tiến hành khảo sát 100% số cán bộ.
- Phương pháp điều tra: Tác giả dùng một hệ thống các câu hỏi theo những nội dung xác định nhằm thu thập thông tin khách quan liên quan đến các thực trạng kế toán quản trị chi phí và các nhân tố ảnh hưởng đến sự vận dụng kế toán quản trị chi phí của đơn vị.
- Nội dung phiếu điều tra:
Phiếu khảo sát: Bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế sẵn, được thiết kế làm hai phần
Phần đầu nhằm thu thập thông tin chung của đối tượng khảo sát, phục vụ cho công tác thống kê mô tả.
Phần thứ hai được thiết kế nhằm thu thập ý kiến của các đối tượng khảo
sát. Phần này bao gồm các phát biểu và hướng dẫn người trả lời lựa chọn các mức độ của thang đo Likert 5 mức độ trong đó 1- Hoàn toàn không đồng ý và 5 - Hoàn toàn đồng ý.
Sử dụng thang đo Likert cho thấy ý nghĩa của từng giá trị trung bình đối với thang đo khoảng cách trong phân tích thống kê mô tả được tính như sau:
Giá trị khoảng cách = (Maximum - Minimum)/n
= (5-1)/5 = 0,8
Do đó ý nghĩa các mức được xác định như sau:
Bảng 2.1 Ý nghĩa giá trị trung bình thang đo khoảng
STT Thang đo Ý nghĩa
1 1,0 đến 1,80 Hoàn toàn không đồng ý
2 1,81 đến 2,60 Không đồng ý
3 2,61 đến 3,40 Bình thường
4 3,41 đến 4,20 Đồng ý
5 4,21 đến 5,0 Hoàn toàn đồng ý
- Thu thập dữ liệu: Để đảm bảo tỷ lệ phản hồi cao, quá trình điều tra khảo sát sẽ được tiến hành bằng cách gửi và nhận phiếu trực tiếp tới các đối tượng khảo sát.
2.2.2. Phương pháp tổng hợp số liệu
Sau khi thu thập được các thông tin tiến hành phân loại, sắp xếp thông tin theo thứ tự ưu tiên về độ quan trọng của thông tin. Đối với các thông tin là số liệu lịch sử và số liệu khảo sát thực tế thì tiến hành lập lên các bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ...
Toàn bộ số liệu thu thập được xử lý bởi chương trình Excel trên máy tính. Đối với những thông tin là số liệu định lượng thì tiến hành tính toán các chỉ tiêu cần thiết như số tuyệt đối, số tương đối, số trung bình và lập thành các bảng biểu, đồ thị.
2.2.3. Phương pháp phân tích thông tin 2.2.3.1. Phương pháp thống kê mô tả
Đây là phương pháp hữu hiệu giúp tác giả thu thập đầy đủ nguồn số liệu cũng như các thông tin liên quan. Hệ thống chứng từ kế toán, sổ sách kế toán chi tiết, tổng hợp trong các năm từ 2018-2021, các Báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị chi phí từ năm 2018-2021 của Trung tâm y tế huyện Bình Gia cũng như các chính sách mà đơn vị đang áp dụng tại giai đoạn nghiên cứu là nguồn dữ liệu chính, quan trọng, có độ tin cậy cao trong luận văn. Ngoài ra, các văn bản pháp luật có hiệu lực hiện hành như Chế độ kế toán Việt Nam, chuẩn mực kế toán; các công trình nghiên cứu, các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành và các nguồn tài liệu khác có ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị nói chung cũng như kế toán quản trị chi phí tại đơn vị nói riêng cũng được tác giả tập hợp nhằm bổ sung nguồn thông tin chính xác, đầy đủ.
2.2.3.1. Phương pháp so sánh
Sau khi tính toán số liệu ta tiến hành so sánh số liệu giữa các năm đến hoạt động kế toán quản trị. Từ đó đưa ra được những nhận xét, đánh giá thông qua kết quả tổng hợp và tính toán số liệu về việc nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng kế toán quản trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia. Những thuận lợi, khó khăn, những ưu điểm, nhược điểm còn tồn tại.
2.2.3.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
Phương pháp phân tích là thao tác tách một chỉnh thể thành các yếu tố, các thành phần để xác định vị trí và vai trò của từng yếu tố trong chỉnh thể đó.
Tác giả tiến hành phân tích từng nội dung nhỏ và tổng hợp lại để rút ra những mặt đạt được và hạn chế trong công tác kế toán quản trị chi phí tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Phương pháp tổng hợp là phương pháp liên kết các thành phần, các yếu tố thông tin thu thập được thành một chỉnh thể có tính chất lớn hơn tổng các tính chất của các yếu tố ban đầu. Mục tiêu tổng hợp thông tin và liệt kê tất cả
các dữ liệu có liên quan đến miền khảo sát và sàng lọc để thu được những dữ liệu đầy đủ, chính xác và gắn kết cho tên gọi thích hợp.