Truyền dẫn chính sách tài khóa quốc tế thông qua lãi suất

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tài khóa từ các quốc gia có quan hệ thương mại đến việt nam ứng dụng mô hình gv ar (Trang 22 - 25)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY

2.1 Lý thuyết cơ sở về truyền dẫn chính sách tài khóa quốc tế

2.1.1 Truyền dẫn chính sách tài khóa quốc tế thông qua lãi suất

Fleming-Mundell (1962, 1963) cho thấy rằng việc mở rộng chính sách tài khóa ở nước chủ nhà có thể ảnh hưởng tích cực đến sản lượng nước ngoài. Mở rộng chi tiêu chính phủ ở nước chủ nhà làm tăng thu nhập kết hợp với sự gia tăng việc làm và sản lượng. Điều này dẫn đến nhập khẩu nhiều hơn từ nước ngoài làm cho cán cân thương mại của các nước đối tác thương mại thặng dư dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Cơ chế tác động này sẽ thay đổi dưới chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt. Thu nhập tăng sẽ làm tăng lãi suất, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng vốn. Đây có thể là một lý do làm cho đồng nội tệ tăng giá khiến xuất khẩu giảm trở lại. Các tác giả này quan tâm đến khía cạnh chi tiêu chính phủ hơn khi nghiên cứu về chính sách tài khóa, vì cho rằng, việc cắt giảm thuế sẽ có tác động giống như tăng chi tiêu chính phủ, nhưng lại ít hiệu quả hơn.

Phát triển mô hình lý thuyết của Fleming-Mundell, Frenkel & Razin (1985) cho rằng hiệu ứng “làm giàu hàng xóm” phụ thuộc vào hai yếu tố - vị thế tiết kiệm ròng của quốc gia và hành vi tiêu dùng của quốc gia đó. Giả sử rằng khu vực công và tư nhân chi tiêu chủ yếu vào hàng hóa nước ngoài, và quốc gia đó có vị vị thế dòng vốn vào ròng. Sự gia tăng chính sách tài khóa trong dài hạn ở nước chủ nhà có thể khiến thâm hụt cán cân thương mại và lãi suất hiện hành giảm. Lãi suất giảm có thể kích thích tiêu dùng hiện tại lên hàng hóa nước ngoài và mang lại sự thịnh vượng cho các

quốc gia đối tác thương mại của mình. Kết quả sẽ ngược lại nếu quốc gia đó có vị thế dòng vốn chảy ra ròng, vì nó sẽ làm tăng lãi suất hiện hành và từ đó làm giảm tiêu dùng thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một sự gia tăng tài khóa tạm thời có thể gây ra hiệu ứng “làm nghèo hàng xóm”. Nó làm giảm mức tiêu dùng trong nước và nước ngoài do hiệu ứng lấn át khu vực tư từ việc mở rộng chi tiêu chính phủ.

Liên quan đến chi tiêu chính phủ được tài trợ bằng trái phiếu, Frenkel & Razin (1987) nhận thấy rằng chính sách tài khóa mở rộng sẽ kích thích nhu cầu đối với cả hàng hóa trong và ngoài nước. Với nguồn cung tiền không thay đổi, việc mở rộng sản lượng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất. Khi lãi suất ở thị trường trong nước cao hơn thị trường nước ngoài, đồng nội tệ sẽ tăng giá làm cho nhu cầu đối với hàng hóa nước ngoài có thể sẽ tăng lên. Mặc dù sự gia tăng chi tiêu chính phủ ở nước chủ nhà làm tăng sản lượng trong nước, nhưng sản lượng nước ngoài có thể được tăng hoặc giảm dưới cơ chế tỷ giá hối đoái cố định. Điều này là do, nó phải chịu hai lực trái ngược nhau. Mở rộng chi tiêu của chính phủ trong nước có thể thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, lãi suất thế giới có thể tăng làm giảm nhu cầu hàng hóa ngược trở lại. Do đó, nếu ảnh hưởng của lãi suất đến tổng cầu yếu hơn, thì cả sản lượng trong và ngoài nước đều tăng. Ngoài ra, phụ thuộc vào mức độ tương đối của khuynh hướng tiết kiệm và nhập khẩu trong nước và nước ngoài, và độ nhạy cảm với cầu tiền mà cán cân thanh toán quốc tế có thể thâm hụt hay thăng dự, và đồng tiền có thể tăng giá hoặc giảm giá.

Tuy nhiên, với chi tiêu chính phủ được tài trợ bằng thuế thì không làm thay đổi lãi suất thế giới, nhưng làm tăng sản lượng nội địa và làm giảm giá đồng nội tệ dưới cơ chế tỷ giá linh hoạt. Khi đồng tiền giảm giá, làm giảm cầu hàng hóa nước ngoài của khu vực tư nhân, nhưng nó được bù đắp hoàn toàn bởi sự gia tăng cầu trong chi tiêu chính phủ, do đó sản lượng nước ngoài không bị tác động. Ngược lại, trong cơ chế tỷ giá cố định, gia tăng chi tiêu chính phủ được tài trợ bằng thuế sẽ làm tăng cầu thế giới đối với hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, phụ thuộc vào khuynh hường nhập khẩu của chi tiêu chính phủ mà sản lượng trong nước có thể tăng hoặc giảm. Nếu như

khuynh hướng nhập khẩu của chính phủ không vượt quá khuynh hướng của khu vực tư nhân thì cả sản lượng trong nước và nước ngoài đều tăng.

Các mô hình lý thuyết khảo sát sự lan truyền giữa các quốc gia từ việc gia tăng chi tiêu chính phủ dần được mở rộng các giả định liên quan độ co giãn thương mại, quy mô và độ mở kinh tế, sự không hoàn hảo về tài chính. Không giống như các nghiên cứu trước đây, Corsetti và cộng sự (2010) đã làm sáng tỏ một trường hợp chi tiêu chính phủ được tài trợ bằng nợ tạm thời, dựa trên mô hình chu kỳ kinh doanh hai quốc gia. Họ tin rằng nợ công tạm thời sẽ gây áp lực lên việc tăng thuế cùng với việc giảm chi tiêu của chính phủ trong tương lai. Việc đảo ngược chi tiêu này sẽ tạo ra kỳ vọng giảm lãi suất ngắn hạn trong tương lai. Điều này cũng làm cho lãi suất dài hạn hiện tại giảm ở cả trong và ngoài nước, nếu việc mở rộng chi tiêu của chính phủ xảy ra ở một quốc gia lớn. Từ đó, chi tiêu hộ gia đình và sản lượng có thể được thúc đẩy ở cả trong và ngoài nước. Do đó, chi tiêu hợp lý của chính phủ với các khoản vay trung hạn đáng tin cậy được cho là chính sách kích thích hiệu quả nhất cho nền kinh tế toàn cầu. Một điểm khác trong nghiên cứu này liên quan đến tác động của tỷ giá hối đoái. Theo các lý thuyết truyền thống, nước ngoài có thể đạt được tỷ trọng thương mại quốc tế cao hơn từ sự tăng giá đồng nội tệ do chính sách tài khóa mở rộng ở quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Corsetti et al. (2010) lại cho thấy một chính sách tài khóa kích thích dưới sự đảo ngược chi tiêu này sẽ khiến tiền tệ mất giá, nhưng vẫn mang lại hiệu quả tích cực đối với sản lượng nước ngoài. Như vậy, trong mô hình lý thuyết này, các tác giả đã làm sáng tỏ một trường hợp, đó là việc gia tăng chi tiêu chính phủ được tài trợ bằng nợ tạm thời sẽ làm tăng thuế trong tương lai kết hợp với việc giảm chi tiêu trong suốt thời gian đó. Việc đảo ngược chi tiêu dự kiến không chỉ làm gia tăng tác động kích thích trong nước mà còn tăng cường sự lan tỏa tốt đến các quốc gia khác thông qua tác động của nó lên lãi suất toàn cầu trong dài hạn. Vì vậy kết quả nghiên cứu của họ cho thấy việc kết hợp các chính sách kích thích trong ngắn hạn là hiệu quả nhất khi kết hợp các kế hoạch vay mượn nợ trung hạn đáng tin cậy cùng với một số các giới hạn chi tiêu.

Trường hợp tài trợ hoàn toàn bằng thuế thì làm cho sản lượng tăng và chi tiêu tư nhân giảm. Đồng nội tệ tăng giá làm dịch chuyển tiêu dùng sang nước ngoài. Tác động dương lên hàng hóa nước ngoài này có thể gặp trở ngại vì sự gia tăng lãi suất toàn cầu. Bởi sự gia tăng lãi suất, làm tăng chi phí cơ hội của việc tiêu dùng hiện tại nên nó sẽ làm giảm chi tiêu hộ gia đình ngược trở lại. Trừ phi quốc gia này có quy mô là rất nhỏ thì nó sẽ không tác động lên lãi suất toàn cầu.

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tài khóa từ các quốc gia có quan hệ thương mại đến việt nam ứng dụng mô hình gv ar (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)