Truyền dẫn tài khóa từ các quốc gia phát triển đến những quốc gia đang phát triển

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tài khóa từ các quốc gia có quan hệ thương mại đến việt nam ứng dụng mô hình gv ar (Trang 40 - 45)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY

2.2 Các nghiên cứu thực nghiệm

2.2.2 Truyền dẫn tài khóa từ các quốc gia phát triển đến những quốc gia đang phát triển

2.2.2 Truyền dẫn tài khóa từ các quốc gia phát triển đến những quốc gia đang phát triển

Tiếp theo đó, Dias và McDermott (2004) đã sử dụng phương pháp hiệu chỉnh vector sai số (VEC) để thực hiện hồi quy theo mô hình lý thuyết của Corsetti và Pesenti (2001) cho trường hợp của Brazil và Mỹ. Kết quả của bài nghiên cứu này đã khẳng định là phù hợp với mô hình lý thuyết của Corsetti và Pesenti (2001) khi xem xét đến sản lượng, tiêu dùng hộ gia đình và số dư tiền thực. Mối quan hệ dài hạn giữa vị thế tài khóa thế giới và tỷ giá thực đa phương (REER) đã cho thấy rằng sự tăng giá thực là kết quả từ cú sốc chính sách tài khóa mở rộng.

Dias và Punzo (2012) cũng đi theo cách tiếp cận lý thuyết và thực nghiệm được phát triển ở nghiên cứu trước đây. Nhóm tác giả đã ứng dụng phương pháp SVAR để đánh giá sự phụ thuộc quốc tế lẫn nhau đối với hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là nghiên cứu giữa Argentina và cộng đồng Châu Âu (EU) và trường hợp thứ hai là nghiên cứu giữa Brazil và EU. Phân tích này đã nhấn mạnh tác động của cú sốc chính sách tài khóa dài hạn từ sự gia tăng chi tiêu chính phủ thế giới lên tiêu dùng và sản lượng trong nước của Brazil và Argentina. Đồng tình với Corsetti và Pesenti (2001),

trường hợp của Argentina và cộng đồng châu Âu đã khẳng định tác động âm của chính sách tài khóa thế giới lên sản lượng và tiêu dùng của Argentina, gây ra sự chệch hướng khỏi trung bình dài hạn, khi xem xét các cú sốc tài khóa tích lũy. Đối với nền kinh tế Brazil, các kết quả lại không khẳng định tác động “làm nghèo hàng xóm” từ sự mở rộng chính sách tài khóa của EU lên tiêu dùng và sản lượng của Brazil. Cả sản lượng và tiêu dùng của Brazil đều tăng lên trong ngắn hạn và dài hạn.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy đặc điểm tác động lan tỏa tài khóa ở nước phát triển và đang phát triển là tương đồng nhau. Đó là nghiên cứu của Patrick Blagrave, Giang Ho, Ksenia Koloskova, Esteban Vesperoni (2018). Họ đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm xem xét tác động của cú sốc tài khóa của năm nền kinh tế Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Anh lên sản lượng và các thành phần trong tổng cầu của tập hợp các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới, trong các điều kiện chính sách tiền tệ khác nhau. Nhóm tác giả muốn kiểm chứng sự tiên đoán của mô hình Keynes chuẩn kiểu mới cho rằng sự lan truyền cú sốc tài khóa sẽ mạnh hơn khi chính sách tiền tệ bị hạn chế ở quốc gia nhận. Mô hình này cho rằng thương mại là kênh truyền dẫn chính trong giai đoạn bình thường, với sự gia tăng từ cú sốc cầu bên ngoài làm gia tăng xuất khẩu trong nước, dẫn đến làm tăng lạm phát, tăng lãi suất và tăng chi phí tiêu dùng và đầu tư hiện tại. Việc giảm tiêu dùng trong nước có thể làm giảm phản ứng của sản lượng. Tuy nhiên, khi quốc gia đang có mức lãi suất thấp, thì tác động của lạm phát làm giảm lãi suất thực sẽ dẫn đến kích thích tiêu dùng và đầu tư mạnh hơn. Kết quả phân tích mô phỏng mô hình cấu trúc DSGE đối chiếu so sánh với mô hình thực nghiệm SVAR của nhóm tác giả đã ủng hộ sự tiên đoán này và khẳng định rằng sự truyền dẫn tài khóa giữa các quốc gia sẽ được khuếch đại khi chính sách tiền tệ đang hoạt động ở mức lãi suất thấp hiệu quả. Kết quả này cũng được Makrelov và cộng sự (2018) ủng hộ khi nghiên cứu ở các quốc gia Nam Phi.

Tóm lại, thông qua các nghiên cứu khảo sát sự lan tỏa từ việc mở rộng chính sách tài khóa nước ngoài đến các quốc gia đang phát triển, ta nhận thấy rằng sự truyền dẫn này được thể hiện thông qua kênh thương mại là chủ yếu. Bởi vì nó bắt nguồn từ sự gia tăng cầu ở nước ngoài làm tăng xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, điều này

cũng có thể làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước, chi tiêu hộ gia đình và sản lượng của nền kinh tế. Đôi khi, nó có thể gây ra hiệu ứng “làm nghèo hàng xóm”.

Hiệu ứng này có thể bị thay đổi bởi đặc điểm kinh tế của quốc gia đón nhận cú sốc tài khóa từ nước ngoài này, ví dụ như chính sách tiền tệ và tính chất hàng hóa mậu dịch giữa các quốc gia này.

Trong số các nghiên cứu được tìm thấy, các nghiên cứu liên quan đến tác động tài khóa từ các quốc gia phát triển và đang phát triển đến các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam vẫn còn giới hạn. Hiện nay tại Việt Nam, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào chủ đề kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chủ yếu tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hoặc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu thâm hụt cán cân thanh toán. Trong khi đó, hiệu ứng lan tỏa từ chính sách tài khóa nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia là đối tác thương mại vẫn chưa đa dạng. Trên cở sở đó, đề tài nghiên cứu truyền dẫn chính sách tài khóa từ các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam được kì vọng sẽ đóng góp lớn về mặt lý thuyết cơ sở về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, làm rõ các kênh truyền dẫn quốc tế thông qua chính sách tài khóa và hàm ý chính sách vĩ mô quan trọng liên quan đến thương mại.

TỔNG KẾT CHƯƠNG 2

Lý thuyết về truyền dẫn chính sách tài khóa quốc tế đã được các học giả trên thế giới phát triển và bổ sung các nhân tố ngoại tác vào trong mô hình lý thuyết và tìm thấy nhiều kết luận khác nhau. Lý thuyết này được khởi xướng từ phân tích của Mundel – Fleming (1962, 1963) khi cho rằng một sự gia tăng chi tiêu chính phủ có thể làm tăng nhập khẩu nước ngoài và một phần thu nhập quốc gia có thể chảy ra nước ngoài, mang lại tác động dương lên sản lượng nước ngoài. Trong khi đó, Frenkel và Razin (1885) cho rằng sự gia tăng trong chi tiêu chính phủ tạm thời gây ra hiệu ứng lan tỏa âm đối với nước ngoài, nhưng sự gia tăng chi tiêu chính phủ trong dài hạn sẽ làm tăng sự giàu có nước ngoài. Svensson (1987) lại cho rằng sự mở rộng tài khóa được tài trợ bằng thuế thì không gây tác động đến sản lượng nước ngoài, nhưng nếu được tài trợ bằng cung tiền thì việc tiêu dùng hàng hóa nước ngoài sẽ phụ thuộc vào hàng hóa đó là bổ sung hay thay thế. Tuy nhiên, Reinhart (1988), nổi tiếng với các tranh luận về ‘cơ chế tăng trưởng’ thì cho rằng việc mở rộng kinh tế thông qua mở rộng tài khóa ở những nước lớn có thể làm gia tăng tăng trưởng của các quốc gia bạn hàng. Điều này phụ thuộc vào sở thích tiêu dùng ở các quốc gia đối tác thương mại này.

Các mô hình lý thuyết nghiên cứu về truyền dẫn tài khóa quốc tế dần dần được mở rộng để xét đến các nhân tố khác như sự bóp méo thương mại, độ mở nền kinh tế, sự thất bại của thị trường tài chính và cho ra các kết quả truyền dẫn khác nhau, có thể mang lại hiệu ứng “làm giàu” hoặc “làm nghèo” quốc gia là đối tác thương mại của mình. Điển hình là một số các nghiên cứu Corsetti, Meier, Muller (2010), Obstfeld và Rogoff (1995), Corsetti và Pesenti (2001), hay Giorgio và Guido (2018), Giorgio, Salvatore Nisticò và Traficante (2017).

Ngày nay, vấn đề về truyền dẫn tài khóa quốc tế cũng được các học giả trên thế giới tiến hành thực nghiệm ở những quốc gia phát triển và đang phát triển nhằm xác định hiệu ứng truyền dẫn và định lượng tác động cụ thể lên sản lượng và tiêu dùng lên nền kinh tế láng giềng. Điển hình như, Tristin Beckman (2018) tập trung vào tác

động quốc tế của chính sách tài khóa, dựa trên bộ dữ liệu các quốc gia OECD từ 1998 đến 2015. Hay Corsetti và Müller (2013) tập trung vào Mỹ là nước cơ sở và khu vực Châu Âu và Anh là các đối tác thương mại. Arin và Koray (2006), Ong (1018) cũng xem xét đến tác động của những đổi mới trong thuế thu nhập và chi tiêu chính phủ Mỹ lên nền kinh tế Mỹ, và lan truyền đến nền kinh tế Canada. Bên cạnh các nước phát triển, các tác giả cũng mở rộng để xem xét vấn đề này ở những quốc gia đang phát triển như giữa Brazil, Argentina và cộng động châu Âu trong nghiên cứu của Dias và cộng sự (2012). Các tác giả này đã xác định tác động lan tỏa tài khóa quốc tế là rất lớn và đáng quan tâm và tìm thấy những tác động khác nhau.

Thông qua đó, ta có thể nhận thấy rằng, dù mức độ lan tỏa tài khóa giữa các quốc gia phát triển với nhau là khác biệt, nhưng ta thấy rằng chúng thường mang lại lợi ích cho các đối tác thương mại của mình. Điều này là do mẫu hình thương mại ở những quốc gia này tương đồng với nhau, đều có thế mạnh về các ngành công nghiệp có giá trị cao, các hàng hóa giao dịch thường mang tính thay thế lẫn nhau, nên có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Trong trường hợp lan tỏa từ quốc gia phát triển đến các quốc đang phát triển, ta nhận thấy có các tác động tiêu cực đến các quốc gia đang phát triển. Điều này có thể là do các quốc gia đang phát triển thường vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ cao với giá trị lớn từ những quốc gia phát triển, và hàng hóa thương mại giữa các quốc gia này thường mang tính bổ trợ, vì vậy mà thường mang lại tác động làm tăng giá cả hàng hóa ở các quốc gia đang phát triển và làm giảm chi tiêu hộ gia đình, từ đó ảnh hưởng xấu lên sản lượng của những nền kinh tế mới nổi này.

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tài khóa từ các quốc gia có quan hệ thương mại đến việt nam ứng dụng mô hình gv ar (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)