Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Định hướng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian tới
3.5.3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện
Từ thực trạng sản xuất trên địa bàn huyện Nông Cống, cũng như các địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng và trong cả nước nói chung thì sản xuất nông nghiệp đã đạt được những thành tựu nhất định, hệ thống cây trồng vật nuôi ngày được nâng cao cả về số lượng, năng suất và chất lượng nông sản góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn còn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ và chưa áp dụng nhiều các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất do đó năng suất lao động chưa cao, thu nhập của người dân còn thấp.
Hay nói một cách khác là hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất đai còn thấp, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có.
Qua quá trình thực hiện chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới như sau:
3.5.3.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách trong nông nghiệp
- Trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (lần 2), trong thời gian tới cần tập trung quy hoạch xây dựng mô hình cánh đồng cao sản, cánh đồng mẫu lớn để việc sử dụng đất có hiệu quả hơn.
- Hướng dẫn, tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện tốt các quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
- Thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh, huyện cho phát triển nông nghiệp và nông thôn như vay vốn, cung cấp giống cây trồng vật nuôi cho nhân dân…
3.5.3.2. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Có thể nói rằng, khó khăn lớn nhất đặt ra đối với nông dân nói chung và nông dân Nông Cống nói riêng chính là đầu ra của nông sản? Đây là vấn đề có tính chất quyết định tới việc đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân. Để xây dựng được hệ thống thị trường tiêu thụ ổn định, theo chúng tôi cần phải:
- Quy hoạch, xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản phẩm rộng khắp, đa dạng về loại hình và quy mô. Hình thành các trung tâm thương mại ở các trung tâm, thị trấn, thị tứ, tạo ra môi trường giao lưu hàng hóa thuận lợi tập trung.
- Có biện pháp khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm là giải pháp cơ bản để đưa sản xuất nông nghiệp hàng hóa đi đúng theo quỹ đạo của nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo được lợi ích của nông dân, vừa hạn chế được rủi ro và người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
3.5.3.3. Giải pháp về nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật
- Có chế độ đãi ngộ đối với những người làm công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích cán bộ có trình độ về địa phương công tác.
- Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ nông nghiệp, nhất là các dịch vụ về vật tư, giống, thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, công tác thú
y, mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm,... đến cơ sở, nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đáp ứng tốt các điều kiện sản xuất của nông hộ.
- Tiếp tục thực hiện chương trình khuyến nông, đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, tổ chức nhân giống cây trồng, vật nuôi và kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và cung cấp các nguồn giống đó.
- Tăng cường liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về công nghệ và kỹ thuật đối với các ngành chủ đạo, ưu tiên các lĩnh vực chế biến nông sản, nghiên cứu các mô hình kinh tế trang trại sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng.
3.5.3.4. Giải pháp về vốn đầu tư
Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nông Cống. Do vậy, để giúp cho nông dân có vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cần:
- Đa dạng hóa các hình thức cho vay, huy động vốn nhàn rỗi trong dân, ưu tiên người vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ vốn đối với các dự án sản xuất quy mô lớn. Cải tiến thủ tục cho vay, nhanh chóng giải quyết việc vay vốn cho nông dân để họ kịp thời vụ sản xuất.
- Các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có thể ứng trước vốn, kỹ thuật cho nông dân thông qua việc cung vật tư, giống tạo điều kiện cho nhân dân gieo trồng chăm sóc đúng thời vụ.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Nông Cống có tổng diện tích đất tự nhiên là 28.653,3ha, diện tích đất canh tác là 13,088,4ha, hệ thống sử dụng đất canh tác của huyện khá đa dạng với nhiều loại hình sử dụng đất khác nhau. Trên địa bàn huyện có 7 kiểu sử dụng đất chính: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa - CVĐ, 1 màu - 1 lúa, 1 vụ lúa, chuyên màu và cây CNNN, chuyên cói và chuyên mía; với 18 loại hình sử dụng đất. Dựa trên các điều kiện địa hình, đất đai và tình hình phát triển kinh tế xã hội, huyện Nông Cống được chia thành 3 tiểu vùng:
- Tiểu vùng I: tổng diện tích đất tự nhiên là 9.081,89ha, đất nông nhiệp là 4.860,2ha, đất canh tác là 3.984,47ha. Có 3 loại hình sử dụng đất: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa – CVĐ, chuyên màu và cây CNNN, với 10 kiểu sử dụng đất chủ yếu. Thời gian tới cần quan tâm mở rộng diện tích cây trồng vụ đông trên chân đất 2 lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại tiểu vùng này.
- Tiểu vùng II: tổng diện tích đất tự nhiên là 11.342,88ha, đất nông nhiệp là 7.241,81ha, đất canh tác là 5.077,22ha. Có 6 loại hình sử dụng đất: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa - CVĐ, 1 màu - 1 lúa, 1 vụ lúa, chuyên màu và cây CNNN và chuyên mía; với 13 loại hình sử dụng đất chủ yếu. Thời gian tới cần quan tâm tới diện tích đất hiện nay đang canh tác LUT 1 lúa để có thể đưa vào trồng 2 vụ/năm, bên cạnh đó cũng cần định hướng mở rộng diện tích đất trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa với các cây trồng xuất khẩu.
- Tiểu vùng III: tổng diện tích đất tự nhiên là 8.228,53ha, đất nông nhiệp là 5.394,18ha, đất canh tác là 4.026,71ha. Có 5 loại hình sử dụng đất: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa - CVĐ, 1 vụ lúa, chuyên màu và cây CNNN và chuyên mía; với 12 loại hình sử dụng đất chủ yếu. Thời gian tới cần quan tâm tới diện tích đất hiện nay đang canh tác LUT 1 lúa để có thể đưa vào trồng 2 vụ/năm.
Nhìn chung, trong hệ thống các LUT hiện nay trên dịa bàn huyện thì LUT chuyên màu và cây CNNN mang lại hiệu quả cao nhất, tiếp theo đó là LUT 2 lúa – CVĐ và hiệu quả thu được thấp nhất là LUT 1 lúa.
Hiện tại khả năng thích nghi của hệ thống cây trồng trên địa bàn huyện hiện nay là rất cao. Vấn đề sử dụng phân bón cho cây trồng đều nằm trong khung tiêu chuẩn, việc sử dụng thuốc BVTV cho các LUT chuyên màu khá nhiều, tuy nhiên
chưa có ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Trên cơ sở hiệu quả của các loại hình sử dụng đất đã được xem xét, cùng với thế mạnh về phát triển nông nghiệp của địa phương và các mục tiêu phát triển, chúng tôi đã đề xuất định hướng sử dụng đất canh tác trên địa bàn huyện thời gian tới như sau:
- Đối với LUT 2 vụ lúa : cần quan tâm đưa vào gieo cấy các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh.
- Mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, đưa các cây trồng có giá trị xuất khẩu.
- Ở những diện tích đất thấp trũng đang canh tác 1 vụ lúa cần đầu tư cơ sở hạ tầng, kênh mương nội đồng đảm bảo tưới, tiêu nước để sau vụ Lúa Xuân có thể chuyển sang mô hình lúa - cá, hoặc canh tác thêm 1 vụ Lúa hè thu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Cần duy trì và nâng cao hiệu quả của LUT chuyên màu và cây CNNN. Bên cạnh đó cần hỗ trợ nông dân về vốn và kỹ thuật để có thể đi vào sản xuất hàng hóa tập tung.
* Kiến nghị:
- Huyện cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông, thủy lợi...) để phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông nhằm nâng cao hiểu biết về kỹ thuật sản xuất cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật, trình diễn các mô hình thí nghiệm tại địa phương. Để đáp ứng nhu cầu về vốn cho nông dân cần tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn với lãi suất thấp để họ phát triển sản xuất.
- Tăng cường hỗ trợ, đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện sinh thái của huyện, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, ngành nghề nông thôn,...
- Vì thời gian nghiên cứu không cho phép nên đề tài cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để bổ sung thêm các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường./.