CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM SOÁT RỦI RO TÍN DỤNG TRONG CHO VAY TIÊU DÙNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. RỦI RO TÍN DỤNG TRONG CHO VAY TIÊU DÙNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1.2. Đặc điểm rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại
a. Cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại
Khái niệm:
Cho vay tiêu dùng đã được xuất hiện từ lâu và ngày nay hoạt động cho vay tiêu dùng đã trở thành xu hướng tất yếu và ngày càng quan trọng trong của hoạt động ngân hàng và trong nền kinh tế thị trường.
Cho vay tiêu dùng là hình thức cho vay mà qua đó ngân hàng sẽ chuyển cho khách hàng (cá nhân hoặc hộ gia đình) quyền sử dụng một khoản tiền trong một khoản thời gian xác định với những thỏa thuận cụ thể về giá trị khoản tiền, thời gian cấp tiền, lãi suất, phương thức trả nợ… để khách hàng sử dụng vào mục đích phục vụ cho các nhu cầu đời sống như xây sửa, mua nhà, mua phương tiện đi lại hay vật dụng gia đình, học tập, du lịch, chữa bệnh…với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi trong một thời gian nhất định.
Khác với cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng yêu cầu khách hàng vay vốn chứng minh nguồn trả nợ từ thu nhập ổn định hàng tháng và mục đích rõ ràng, chính đáng. Hình thức cho vay tiêu dùng gồm có cho vay bảo đảm bằng tài sản và cho vay bảo đảm không bằng tài sản (trong giới hạn của bài nghiên cứu không bao gồm cho vay tiêu dùng qua thẻ).
Đặc điểm cho vay tiêu dùng tại NHTM:
- Khách hàng vay là KHCN và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu chính đáng của bản thân và gia đình.
- Quy mô khoản vay nhỏ cùng với số lượng các khoản vay lớn. Với mục đích vay tiêu dùng thì khách hàng thường có nhu cầu vốn không lớn, tuy nhiên số lượng các khoản vay rất lớn do đối tượng cho vay tiêu dùng của NHTM là mọi cá nhân, hộ gia đình trong xã hội có nhu cầu về vốn.
- Các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất “cứng nhắc”. Khác với các sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh là các sản phẩm “may đo”, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của NHTM thường là các sản phẩm “may sẵn”, tức là các ngân hàng thường đưa ra những sản phẩm chuẩn với các điều kiện chặt chẽ về khách hàng vay, quy định về thời gian vay, lãi suất…cố định và chỉ cho vay các khách hàng nào đáp ứng được những điều kiện đó. Lãi suất cho vay tiêu dùng cũng thường cao hơn so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh.
- Cho vay tiêu dùng có chi phí khá lớn. Số lượng khách hàng và các món vay tiêu dùng tại NHTM lớn nên việc thẩm định khách hàng tốn nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó ngân hàng còn phải chịu một số chi phí như chi phí thẩm định khách hàng, chi phí quản lý khoản vay, thu hồi nợ vay…
Phân loại cho vay tiêu dùng:
Cho vay tiêu dùng cũng được phân loại theo các tiêu chí như cho vay nói chung đã trình bày ở điểm a mục 1.1.1. Bên cạnh đó, theo đặc thù của sản phẩm, cho vay tiêu dùng còn được phân loại theo một số tiêu chí khác:
- Theo mục đích vay vốn:
- Cho vay tiêu dùng cư trú: Là các khoản cho vay nhằm tài trợ cho nhu cầu mua sắm, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở.
- Cho vay tiêu dùng phi cư trú: Là các khoản cho vay nhằm tài trợ cho việc trang trải các chi phí như chi phí mua sắm xe cộ, đồ dùng gia đình, chi phí cho học hành, giải trí, du lịch…
- Theo nguồn gốc của khoản nợ:
- Cho vay tiêu dùng gián tiếp: Là hình thức cho vay trong đó ngân hàng mua các khoản nợ phát sinh do những công ty bán lẻ đã bán chịu hàng hoá hay dịch vụ cho người tiêu dùng, hình thức này ngân hàng cho vay thông qua các doanh nghiệp bán hàng hoặc làm các dịch vụ mà không trực tiếp tiếp xúc
với khách hàng
- Cho vay tiêu dùng trực tiếp: Là các khoản cho vay tiêu dùng trong đó ngân hàng trực tiếp tiếp xúc và cho khách hàng vay cũng như trực tiếp thu nợ từ những người này.
b. Đặc điểm rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại
RRTD trong cho vay tiêu dùng là rủi ro phát sinh khi khách hàng vay tiêu dùng không trả được đầy đủ hoặc thanh toán không đúng hạn gốc và/hoặc lãi của khoản vay khi đến hạn thanh toán. Rủi ro trong cho vay tiêu dùng ngày càng được các NHTM quan tâm.
Rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại NHTM có những đặc điểm sau:
- Các khoản vay tiêu dùng có quy mô nhỏ nên RRTD trong cho vay tiêu dùng cũng rất nhỏ lẻ, thông thường một khoản vay tiêu dùng đơn lẻ xảy ra tổn thất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Khác với cho vay doanh nghiệp, vốn thường tập trung vào một số ít các khách hàng lớn, do đó khi một doanh nghiệp gặp rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tài chính của TCTD cho vay, còn đối với cho vay tiêu dùng, vốn cho vay được phân bổ cho một số lượng rất lớn các khách hàng do đó rủi ro của một vài khách hàng cá thể hầu như không có tác động đáng kể đối với tình tài chính của TCTD.
- RRTD trong cho vay tiêu dùng rất đa dạng và phức tạp. Một trong những đặc điểm của cho vay tiêu dùng là đối tượng khách hàng cũng như mục đích vay rất đa dạng, nhiều trường hợp. Do đó, rủi ro trong cho vay tiêu dùng cũng rất đa dạng với hậu quả khi rủi ro xảy ra cũng rất phức tạp, mỗi đối tượng khách hàng sẽ tồn tại những rủi ro riêng, nguyên nhân xảy ra rủi ro cũng rất nhiều, buộc CBTĐ phải có sự nhạy bén và kỹ năng để phát hiện
những sai sót trong quá trình thẩm định, hạn chế rủi ro.
c. Hậu quả của rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại
Đối với ngân hàng:
Việc không thu hồi được hoặc thu hồi không đủ nợ (bao gồm cả nợ gốc, nợ lãi và các khoản phí) làm cho thu nhập của NHTM bị giảm sút hay thậm chí bị thất thoát vốn, trong khi đó, các NHTM này vẫn phải chi trả chi phí hoạt động và chi phí huy động vốn, dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, khi tổn thất do RRTD gây ra quá lớn, lợi nhuận của ngân hàng không đủ để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay, ngân hàng phải dùng nguồn vốn tự có để trích lập dự phòng và chi trả các chi phí phát sinh, giá trị tài sản của ngân hàng bị sụt giảm, làm ảnh hưởng quy mô hoạt động và gây ra rủi ro thanh khoản và rủi ro vỡ nợ đối với ngân hàng.
Mặt khác, khi một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì điểm tín nhiệm và xếp hạng của ngân hàng trên thị trường bị suy giảm, khả năng huy động vốn bị ảnh hưởng, hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng sẽ bị ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ, thậm chí bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, tác động mạnh đến tình hình hoạt động của ngân hàng.
Đối với khách hàng:
Với điều kiện vay vốn của các ngân hàng hiện nay, thì những khách hàng bị phân vào nợ nhóm 2 trở lên sẽ không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào về thời gian vay vốn hay lãi suất vay, thậm chí gần như không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và cả những nguồn vốn khác trong nền kinh tế do lịch sử tín dụng không tốt.
Nếu các RRTD xảy ra nhiều, ngân hàng phải đối mặt với nhiều tổn thất và nguy cơ buộc các ngân hàng phải thắt chặt, nâng cao điều kiện vay vốn,
hạn chế đối tượng vay vốn và chọn lọc khách hàng kỹ càng hơn, nghiêm trọng hơn, ngân hàng phải thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các chủ thể khác cũng bị hạn chế.
Đối với nền kinh tế:
Hiện nay, hệ thống ngân hàng được xem như là huyết mạch, là kênh trung gian điều hòa nguồn vốn của nền kinh tế, phân phối dòng tiền từ nơi thừa vốn đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nền kinh tế. Do đó, rủi ro tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của nền kinh tế.
Thứ nhất, rủi ro tín dụng làm cơ hội tiếp cận vốn của KHCN và tổ chức bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ hai, khi RRTD xảy ra, tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ khó khăn do thiếu vốn, dẫn đến sản xuất kinh doanh bị trì trệ, sức khỏe doanh nghiệp bị giảm sút, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số kinh tế
Thứ ba, ngân hàng hoạt động theo hệ thống, không có ngân hàng nào là độc lập và tách biệt với các ngân hàng khác. Do đó, khi có một ngân hàng rơi vào khó khăn dẫn đến phá sản, thì hệ thống ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng, xảy ra hiệu ứng dây chuyền, gây nên khủng hoảng kinh tế.