CHƯƠNG 3. KHUYẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT RỦI RO TÍN DỤNG TRONG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
3.2. KHUYẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT RỦI RO TÍN DỤNG TRONG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
3.2.2. Tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn tự có của khách hàng trước vốn vay
Theo chính sách vay vốn hiện hành của VCB, khách hàng vay phục vụ mục đích tiêu dùng tại VCB có thể được tài trợ 100% nhu cầu vốn nếu khách hàng thế chấp tài sản hiện có của khách hàng, không phải là tài sản bù đắp trong trường hợp vay bù đắp tài chính; trường hợp khách hàng sử dụng tài sản liên quan đến mục đích vay vốn làm tài sản thế chấp thì ngân hàng chỉ tài trợ tối đa 70% nhu cầu, số tiền còn lại khách hàng phải sử dụng vốn tự có. Tuy
nhiên, việc tài trợ lên đến 100% nhu cầu vốn của khách hàng như vậy là khá rủi ro, vì như đã phân tích trong chương 2, sử dụng vốn tự có là cách để ngân hàng kiểm tra mục đích sử dụng vốn trước cho vay và là yếu tố quan trọng để ràng buộc trách nhiệm khách hàng với phương án sử dụng vốn. Vì vậy, ngân hàng cần phải quy định một tỷ lệ vốn tự có tối thiểu tham gia vào phương án của khách hàng kể cả trong trường hợp khách hàng không sử dụng tài sản thế chấp là tài sản liên quan đến mục đích vay, khách hàng phải sử dụng vốn tự có trước sau đó mới đến vốn vay và CBTĐ phải kiểm tra việc sử dụng vốn tự có của khách hàng một cách chặt chẽ để hạn chế việc khách hàng sử dụng vốn vay để phục vụ cho các mục đích khác:
- Đối với khách hàng vay vốn để xây nhà: khách hàng phải sử dụng vốn tự có của mình để xây dựng một phần căn nhà, ngân hàng sẽ không giải ngân vốn vay khi khách hàng chưa khởi công xây dựng. Trường hợp thanh toán tiền thi công theo tiến độ, vốn vay sẽ không được sử dụng để thanh toán tiền thi công các đợt đầu; mỗi lần giải ngân thêm vốn vay, cán bộ khách hàng phải đến tài sản để chụp hình tiến độ hoàn thành của công trình trước khi giải ngân.
- Đối với khách hàng vay vốn để mua đất ở, nhà ở: ngay tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng phải cung cấp hợp đồng đặt cọc và sổ đỏ mua, CBTĐ dựa vào giá tài sản thỏa thuận trên hợp đồng đặt cọc và giá các tài sản tương tự đang được rao bán trên các trang web mua bán bất động sản để xác định tương đối mức giá của tài sản mua, từ đó làm căn cứ để đưa ra mức cho vay tối đa. Trường hợp tài sản dùng để bảo đảm cho khoản vay chính là tài sản mua thì cán bộ khách hàng căn cứ số tiền vay tối đa dựa trên giá định giá của công ty thẩm định và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản theo quy định về TSBĐ của VCB.
- Đối với khách hàng vay vốn để bù đắp tài chính: Vì hồ sơ giải ngân
trong trường hợp khách hàng vay vốn để bù đắp tài chính khá đơn giản, khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ thể hiện số tiền khách hàng đã thanh toán cho bên bán và giấy mượn tiền làm cơ sở giải ngân nên để hạn chế trường hợp khách hàng sử dụng tài sản này để cùng một lúc vay bù đắp tại nhiều ngân hàng hoặc khách hàng bán tài sản trong lúc đang vay bù đắp tài chính tại VCB và sử dụng vốn vào các mục đích khác với mục đích vay vốn ban đầu thì ngân hàng nên quy định sử dụng chính tài sản bù đắp làm tài sản thế chấp. Như vậy, ngân hàng vừa hạn chế được các trường hợp chiếm dụng vốn ngân hàng sử dụng sai mục đích vừa có cơ sở xác định mức cho vay phù hợp với nhu cầu vốn thật sự của khách hàng, kiểm soát việc sử dụng vốn tự có của khách hàng.
3.2.3. Phân chia tỷ lệ cho vay tối đa trên giá trị tài sản bảo đảm cho từng khu vực
Căn cứ theo giới hạn cấp tín dụng hiện hành của VCB, tỷ lệ cho vay tiêu dùng tối đa trên TSBĐ tại địa bàn thành phố Đà Nẵng là 70% đối với những mục đích đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo sản phẩm chuẩn, còn với những mục đích vay vốn thông thường không được các ưu đãi theo sản phẩm chuẩn với các điều kiện vay vốn đơn giản hơn thì tỷ lệ này là 50%. Tuy nhiên, việc xác định giới hạn tín dụng như vậy là chưa hợp lý. Giá đất trên thành phố Đà Nẵng hiện nay đang khá bất ổn, có những khu vực như các khu đô thị Hòa Xuân, khu dân cư ven biển, các khu đô thị mới trên quận Liên Chiểu... các khu vực gần các dự án lớn, giá đất được thổi phồng lên cao hơn nhiều lần so với giá trị thực. Nếu khách hàng thế chấp các tài sản trong khu vực này để vay vốn tiêu dùng với các mục đích được ưu đãi lãi suất theo sản phẩm chuẩn thì tỷ lệ cho vay tối đa trên TSBĐ là 70%, mức cho vay này là khá nguy hiểm trong thời gian hiện nay, vì thực tế đã có nhiều trường hợp giá đất một số khu vực tại Đà Nẵng bị giảm xuống hơn 30% so với giá giao dịch lúc đỉnh điểm.
Trong khi đó, những tài sản tại trung tâm thành phố như khu vực quận Hải
Châu, Thanh Khê..., giá đất có biến động nhưng không nhiều, giá trị tài sản có tính ổn định hơn nhiều, thì tỷ lê cho vay có thể ở mức tối đa 70% nhưng nếu mục đích vay của khách hàng không nằm trong các mục đích được ưu đãi lãi suất thì tỷ lệ cho vay tối đa chỉ 50% dù khách hàng có khả năng trả nợ, hạn mức như vậy là khá thấp trong một số trường hợp nên sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của chi nhánh, làm hạn chế nhiều cơ hội. Chính vì vậy, thay vì phân chia hạn mức cho vay tối đa trên TSBĐ theo mục đích vay vốn thì chi nhánh nên thay bằng cách phân chia theo khu vực: các khu đô thị Hòa Xuân, Liên Chiểu, ven biển thì tỷ lệ cho vay không nên vượt quá 50% giá trị tài sản thế chấp, còn các tài sản ở các khu vực quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà...thì có thể cấp tín dụng với tỷ lệ tối đa là 70% giá trị tài sản.