CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT RỦI RO TÍN DỤNG
2.2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT RỦI RO TÍN DỤNG
2.2.2. Các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng
a. Các biện pháp né tránh rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng
Từ chối cho vay:
Từ chối cho vay là biện pháp né tránh rủi ro được sử dụng nhìu nhất tại các NHTM. Cụ thể của việc thực hiện biện pháp này như sau:
Về công tác thẩm định tín dụng:
Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi trực tiếp ban đầu với khách hàng, CBQHKH sẽ có những cảm nhận quan trọng về khách hàng này, nếu nhận thấy khách hàng không trung thực hay không đáp ứng được những điều kiện vay vốn thì CBQHKH sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ vay vốn.
Trong quá trình thẩm định tín dụng, để loại bỏ các trường hợp RRTD cao, ngoài thông tin và hồ sơ mà khách hàng cung cấp, CBTĐ sẽ phải thu
thập thêm các tài liệu, thông tin từ những nguồn khác, kiểm tra thực tế TSBĐ và thu nhập hàng tháng, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng.
- Thẩm định hồ sơ vay vốn: Hiện nay, các thủ đoạn làm giả hồ sơ, giả mạo chữ ký, con dấu diễn ra rất nhiều và ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, hồ sơ vay vốn cần được thẩm định một cách chặt chẽ để hạn chế rủi ro:
+ Kiểm tra hồ sơ pháp lý của khách hàng: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu là những giấy tờ nhân thân quan trọng trong định danh khách hàng. CBTĐ cần kiểm tra các giấy tờ này có dấu hiệu làm giả không, có đúng chính chủ không. Yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ tùy thân khác để xác minh trong những trường hợp nghi ngờ, không chắc chắn.
+ Kiểm tra hồ sơ TSBĐ: Các loại giấy tờ nhà đất và giấy tờ xe ôtô là bị giả mạo nhiều nhất, do đó, việc kiểm tra các giấy tờ này rất quan trọng. Hầu hết các CBTĐ tại VCB đều đã được đào tạo qua về nhận biết các loại giấy tờ, chữ ký và mẫu dấu giả nên có thể né tránh một phần rủi ro. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, những giấy tờ này được làm giả một cách tinh vi, rất khó phát hiện thì để né tránh rủi ro xảy ra, khi đi công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo, cán bộ phải đi cùng với khách hàng, để chắc chắn là giấy chứng nhận được công chứng viên kiểm tra và tài sản được đăng ký thế chấp tại cơ quan chức năng.
+ Kiểm tra hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập: Đặc thù vay tiêu dùng là số lượng khách hàng lớn và đa dạng, thu nhập của khách hàng cũng đến từ nhiều nguồn, rất dễ làm giả và khó thẩm định tính chân thật của các nguồn thu nhập.
Đối với khách hàng có nguồn thu nhập chính từ lương, các thông tin trong hợp đồng lao động phải nhất quán, cần chú ý đến việc giả mạo chữ ký và con dấu trên hồ sơ. Trường hợp, thu nhập của khách hàng được thanh
toán qua tài khoản ngân hàng thì việc thẩm định đơn giản hơn. Còn những nguồn thu nhập bằng tiền mặt thì cán bộ phải yêu cầu khách hàng bổ sung bảng lương của công ty kèm theo bảo hiểm xã hội (nếu công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên).
Đối với các nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm cá nhân kinh doanh và khách hàng là chủ sở hữu công ty TNHH, hoạt động kinh doanh phải được diễn ra liên tục trong tối thiểu là 12 tháng đối với cá nhân kinh doanh và 24 tháng đối với công ty. Khách hàng là cá nhân kinh doanh phải cung cấp giấy đăng ký hoạt động kinh doanh cùng với biên lai nộp thuế môn bài trong tối thiểu 12 tháng liên tiếp, sổ sách ghi chép quá trình kinh doanh. Khách hàng là chủ sở hữu công ty phải cung cấp giấy đăng ký kinh doanh của công ty, báo cáo tài chính của công ty trong 02 năm gần nhất và tờ khai thuế điện tử trong tối thiểu 12 tháng gần nhất. Nếu cá nhân kinh doanh và công ty có phát sinh giao dịch qua ngân hàng thì khách hàng phải cung cấp sao kê tài khoản trong 24 tháng gần nhất.
Đối với khách hàng có nguồn thu nhập chính từ hoạt động cho thuê đất, thuê nhà, xe ôtô, các hợp đồng thuê này phải được công chứng hoặc số tiền thuê phải được thanh toán qua tài khoản ngân hàng của khách hàng trong tối thiểu 3 tháng trước thời điểm vay, nếu không chỉ được sử dụng 50%
thu nhập từ nguồn này làm nguồn trả nợ vay. Các hợp đồng thuê phải có thời gian thuê ít nhất là 12 tháng và còn hiệu lực. Ngoài ra, cán bộ phải kiểm tra bản gốc giấy tờ nhà đất và giấy chứng nhận đăng ký xe và các giấy tờ liên quan để đảm bảo khách hàng được quyền khai thác giá trị từ các tài sản này.
Ngoài ra, thông thường VCB không chấp nhập hoặc rất hạn chế sử dụng thu nhập từ các nguồn không rõ ràng khác, các nguồn trả nợ của khách hàng đều phải có giấy tờ chứng minh rõ ràng, độ tin cậy cao.
+ Kiểm tra hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn: Một số mục đích
vay vốn tiêu dùng phổ biến nhất tại VCB Đà Nẵng là vay mua nhà, mua đất, xây sửa nhà ở; vay mua ôtô; vay bù đắp tài chính;.... Mỗi mục đích sử dụng vốn sẽ có hồ sơ chứng minh khác nhau. Trường hợp mua nhà ở, mua đất hay mua xe ôtô, khách hàng phải cung cấp hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng mua bán, bản sao giấy tờ nhà đất với thông tin khớp đúng trên hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng mua bán. Trường hợp xây sửa nhà ở, khách hàng phải cung cấp bản sao y của giấy phép xây dựng, hồ sơ dự toán chi phí, hóa đơn mua nguyên vật liệu hay hợp đồng thi công xây dựng. Còn nếu khách hàng vay bù đắp tài chính, khách hàng phải cung cấp bản sao y chứng thực kèm bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận tài sản bù đắp.
- Thẩm định tư cách của khách hàng: Điều kiện cần đầu tiên là khách hàng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, tư cách đạo đức cũng như uy tín trong các mối quan hệ, trong vay mượn tại các tổ chức khác. Một hồ sơ quan trọng mà CBTĐ nhất định phải thu thập đó là CIC, theo quy định hiện hành của VCB, một trong những điều kiện cần đối với khách hàng vay tiêu dùng đó là khách hàng không được có nợ nhóm 2 trong vòng 12 tháng gần nhất và nợ xấu trong vòng 24 tháng gần nhất. Tuy nhiên, những khách hàng có lịch sử nợ xấu ngoài thời gian quy định mặc dù vẫn đáp ứng được điều kiện cần để vay vốn nhưng trong một số trường hợp chi nhánh vẫn từ chối cho vay các khách hàng này để né tránh rủi ro. Bên cạnh đó, để có những đánh giá tổng quan về khách hàng thì CBTĐ cần trao đổi với những người sống bên cạnh khách hàng để tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa khách hàng với những người thân trong gia đình cũng như tính cách, thái độ hay lối sống của khách hàng, từ đó cán bộ sẽ có những đánh giá khách quan hơn về khách hàng vay, chẳng hạn:
khách hàng có lối sống không lành mạnh, hay tụ tập cờ bạc, rượu chè hoặc vợ chồng khách hàng không hòa thuận, hay cãi nhau to tiếng dễ dẫn đến ly hôn thì những khách hàng đó chi nhánh sẽ không hay hạn chế cấp tín dụng….
- Đánh giá thu nhập, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng:
Khách hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập ổn định hàng tháng đủ khả năng để trả nợ vay. Bên cạnh việc thẩm định hồ sơ thu nhập mà khách hàng đã cung cấp ở trên, trong một số trường hợp cán bộ còn phải thu thập thêm thông tin từ nhiều nguồn khác như điện thoại hoặc đến trực tiếp công ty khách hàng, dựa vào các mối quan hệ để tìm hiểu thêm thông tin về thu nhập thực tế của khách hàng vì như đã phân tích ở trên, các hồ sơ về thu nhập rất dễ làm giả.
Đối với các khoản thu nhập chính từ hoạt động kinh doanh, hay từ công ty do khách hàng là chủ sở hữu, thì CBTĐ cùng lãnh đạo phòng phải thẩm định thực tế cơ sở kinh doanh của khách hàng, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra hàng tồn kho, vị trí kinh doanh, kết hợp với số liệu trong báo cáo tài chính và sổ sách ghi chép của khách hàng, đánh giá các chỉ tiêu tài chính quan trọng, tính toán thu nhập bình quân hàng tháng của khách hàng sau khi trừ đi các chi phí ….Đối với những khách hàng có thu nhập chính từ cho thuê nhà, thuê đất và thuê phòng trọ, CBTĐ cũng phải đến kiểm tra trực tiếp thực tế số lượng phòng trọ được thuê…. Bên cạnh đó, để đảm bảo sau khi thanh toán gốc và lãi vay hàng tháng cho các khoản vay tại VCB và TCTD khác, khách hàng vẫn đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt cho bản thân và gia đình thì VCB quy định tỷ lệ thanh toán tiền vay trên thu nhập bình quân hàng tháng của khách hàng là 60% đối với khách hàng có thu nhập từ 60 triệu đồng/ tháng trở xuống và 70% đối với khách hàng có thu nhập trên 60 triệu đồng/tháng.
- Thẩm định tài sản bảo đảm: TSBĐ được xem là nguồn trả nợ thứ hai của khách hàng, do đó việc thẩm định, kiểm tra TSBĐ cũng quan trọng không kém. Các tài sản mà VCB Đà Nẵng chấp nhận trong cho vay tiêu dùng là bất động sản và xe ô tô gia đình từ 7 chỗ trở xuống (xe ôtô không sử dụng cho mục đích kinh doanh). Khi nhận tài sản, công tác kiểm tra thực tế và định giá tài sản là không thể thiếu, CBTĐ cùng lãnh đạo phòng phải đến trực tiếp tài
sản để kiểm tra thực tế và định giá tài sản. Chi nhánh sẽ từ chối nhận những tài sản có tính thanh khoản thấp, giá trị không cao. Đồng thời việc quan trọng khi thẩm định TSBĐ là phải chắc chắn tài sản đó là của chính chủ khách hàng hoặc người thân khách hàng theo đúng giấy chứng nhận, tránh trường hợp khách hàng chỉ sai tài sản.
Như vậy, thẩm định tín dụng là cơ sở chính để chọn lọc khách hàng.
Thời gian vừa qua, công tác thẩm định tại chi nhánh đã được thực hiện khá chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy trình, quy định, góp phần né tránh rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh. Tuy nhiên, theo quy trình tín dụng hiện tại, mặc dù chức năng của CBQHKH và CBTĐ đã được phân công phân nhiệm rõ ràng, theo đó CBQHKH là người đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng, tư vấn và tiếp nhận hồ sơ vay vốn, bán các sản phẩm dịch vụ của VCB, không có nhiệm vụ thẩm định và CBTĐ có chức năng chính là thẩm định hồ sơ, khách hàng và TSBĐ, nhưng thực tế, công việc của hai bộ phận vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng vì mô hình tín dụng này chỉ mới được triển khai trong vòng vài tháng gần đây nên việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều trở ngại. Hơn nữa, vì các cán bộ thuộc hai bộ phận đều đã từng đảm nhiệm công tác tín dụng theo quy trình cũ nên đều có những khách hàng hiện hữu và những mối quan hệ riêng, do đó việc CBTĐ tư vấn vay cho những khách hàng trong các mối quan hệ hiện tại là không thể tránh khỏi. Hơn nữa với số lượng khách hàng khá lớn của VCB thì công việc của một CBTĐ là khá vất vả, họ phải chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, định kỳ thẩm định lại, làm hồ sơ vay vốn, thực hiện các thủ tục thế chấp tài sản, kiểm soát trước, trong và sau cho vay.... nên đôi khi chất lượng đánh giá, thẩm định tín dụng của CBTĐ không được chặt chẽ, tập trung vào đánh giá TSBĐ hơn là nguồn thu nhập của khách hàng. Do vậy, chất lượng thẩm định tín dụng trong giai đoạn đầu để sàng lọc khách hàng trong một số trường hợp
còn hạn chế.
Về hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ:
Nếu như công tác thẩm định tín dụng có yếu tố chủ quan của CBTĐ thì một công cụ khác được chi nhánh sử dụng để khắc phục điều này đó là hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
Từ các thông tin thu thập được trong khâu thẩm định, cán bộ cung cấp thông tin lên hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ của VCB. Các thông tin đầu vào được chia thành hai nhóm: thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Hệ thống sẽ tự động tính toán để cho ra kết quả chấm điểm và xếp hạng tín dụng đối với khách hàng vay vốn. CBTĐ dựa vào kết quả chấm điểm xếp hạng tín dụng để làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay.
Bảng 2.6. Quy định về việc xếp hạng tín dụng của VCB Tổng số điểm Xếp hạng
Từ 94 đến 100 AAA
Từ 88 đến dưới 94 AA+
Từ 83 đến dưới 88 AA
Từ 78 đến dưới 83 A+
Từ 73 đến dưới 78 A
Từ 70 đến dưới 73 BBB
Từ 67 đến dưới 70 BB+
Từ 64 đến dưới 67 BB
Từ 62 đến dưới 64 B+
Từ 60 đến dưới 62 B
Từ 58 đến dưới 60 CCC
Từ 54 đến dưới 58 CC+
Từ 51 đến dưới 54 CC
Từ 48 đến dưới 51 C+
Từ 45 đến dưới 48 C
Dưới 45 D
Theo quy định hiện nay của VCB, chi nhánh chỉ cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với những khách hàng có xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên.
Đối với những khách hàng có xếp hạng tín dụng loại BBB, chi nhánh vẫn có thể cho vay nhưng rất hạn chế, không được ưu đãi lãi suất vay và phải kèm theo rất nhiều điều kiện khác. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, với hơn 6000 khách hàng vay vốn tại VCB Đà Nẵng, phần lớn là xếp hạng tín dụng AA đến AAA, số lượng khách hàng xếp loại BBB chỉ hơn 200 khách hàng với tổng dư nợ khoảng gần 35 tỷ động trong đó không có nợ xấu. Do vậy, đây là một cơ sở rõ ràng để từ chối cho vay.
Nhìn chung, kết quả chấm điểm xếp hạng tín dụng của các khách hàng vay tiêu dùng tại chi nhánh khá tốt, được thể hiện qua số lượng khách hàng có kết quả xếp hạng tín dụng ở mức cao chiếm đa số và chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng tại chi nhánh ở mức tốt. Tuy nhiên, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại VCB còn khá đơn giản, các thông tin đầu vào chưa phản ánh đầy đủ tình trạng của khách hàng: chưa đánh giá thông tin và thu nhập của người đồng trả nợ, chưa đánh giá TSBĐ, giá trị và thời gian khoản vay... Vì vậy, kết quả xếp hạng tín dụng mà hệ thống đưa ra chưa hoàn toàn phản ánh được là chất lượng khách hàng vay vốn.
Như vậy, việc từ chối cho vay đối với những khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện hay có mức độ RRTD cao giúp chi nhánh né tránh được RRTD trong thời gian qua, nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
b. Các biện pháp ngăn ngừa rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng
Phân quyền phê duyệt tín dụng:
Các cấp phê duyệt tín dụng cho vay tiêu dùng tại chi nhánh theo thứ tự bao gồm: trưởng/ phó phòng giao dịch, trưởng/ phó phòng khách hàng bán lẻ, giám đốc/ phó giám đốc chi nhánh và hội đồng tín dụng cơ sở tại chi nhánh.
Những trường hợp vượt quá thẩm quyền tại chi nhánh thì hồ sơ vay phải được trình ra trụ sở chính để các cấp thẩm quyền cao hơn phê duyệt khoản vay.
Hạn mức phê duyệt tín dụng tại từng chi nhánh được căn cứ theo thời gian thành lập, phân nhóm chi nhánh, kết quả kinh doanh, chất lượng tín dụng của chi nhánh; năng lực, kinh nghiệm của lãnh đạo chi nhánh. Mức phê duyệt tín dụng này được rà soát định kỳ và điều chỉnh ngay khi cần thiết tùy vào chính sách của VCB trong từng thời kỳ.
Tại phòng khách hàng bán lẻ và các phòng giao dịch, thẩm quyền phê duyệt của từng lãnh đạo phòng sẽ khác nhau mặc dù có cùng cấp bậc, phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm làm tín dụng của lãnh đạo phòng và của CBTĐ.