Các phương pháp kiểm tra thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm tra thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi cục thuế thành phố lào cai (Trang 27 - 30)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CÔNG TÁC KIỂM

1.1. Cơ sở lý luận về kiểm tra thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa

1.1.5. Các phương pháp kiểm tra thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa

1.1.5.1 . Phương pháp vận dụng kỹ thuật rủi ro

Theo Giáo trình Quản lý thuế thì rủi ro là “The effect of uncertainty on objectives, whether possitive or negative” nghĩa là “Tác động của một sự kiện không chắc chắn có thể xảy ra mà hệ quả của nó có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực”. Mà cụ thể trong lĩnh vực quản lý thuế thì rủi ro được hiểu là những tổn thất có thể xảy ra phát sinh từ các hoạt động không tuân thủ pháp luật thuế trong một môi trường, hoàn cảnh cụ thể. (Lê Xuân Trường, 2016, Giáo trình quản lý thuế) Quản lý rủi ro có thể được hiểu là quá trình lựa chọn và thực hiện các giải pháp trong bối cảnh nguồn lực có hạn để giảm thiểu nguy cơ xấu đe dọa đến sự thành công của một tổ chức. Cụ thể hơn có thể hiểu, quản lý rủi ro làm một quá trình đo lường hay đánh giá về quy mô hoặc tính chất nghiêm trọng của một sự việc, một hiện tượng, một vấn đề, để trên cơ sở đó lập chiến lược quản lý rủi ro. Và điểm mấu chốt trong quản lý rủi ro là dành ưu tiên mọi nguồn lực vào quản lý rủi ro có thể gây ra tổn thất lớn nhất và những rủi ro có khả năng xảy ra nhất, sau đó mới là những rủi ro có tổn thất thấp hơn và ít có khả năng xảy ra hơn.

Như vậy có thể hiểu quản lý rủi ro trong việc kiểm tra thuế là việc phân loại, đánh giá DN dựa trên hệ thống những tiêu thức rủi ro về thuế nhằm xác định những DN có mức tuân thủ thấp và khả năng gian lận cao về thuế để tập trung nguồn lực kiểm tra theo nguyên tắc ưu tiên nguồn lực để kiểm tra những DN có thể mang lại tổn thất lớn nhất và những sai phạm có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Thông thường để quản lý rủi ro, người ta chia rủi ro thành các loại sau:

- Rủi ro tiềm tàng (IR): là rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong một môi trường nhất định. Trong kiểm tra thuế, rủi ro tiềm tàng là rủi ro có thể xảy ra sai xót trọng yếu trong báo cáo tài chính và các hồ sơ khai thuế; nó tồn tại một cách độc lập với tác động hệ thống kiểm soát nội bộ và việc thực hiện kiểm tra thuế hay không.

Khi nghiên cứu về rủi ro tiềm tàng thì điều quan trọng nhất cần chú ý là rủi ro tiềm tàng nằm ngoài tầm kiểm soát của cán bộ kiểm tra bởi vì nó là một rủi ro không phụ thuộc vào đối tượng đó có bị kiểm tra hay không. Nhiệm vụ của cơ quan

thuế là xác định rõ mức độ rủi ro tiềm tàng của từng cơ sở kinh doanh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra.

Rủi ro kiểm soát (CR): là rủi ro về khả năng kiểm soát tại chỗ không chặt chẽ nên không ngăn ngừa được những sai sót trọng yếu có thể xảy ra.

Rủi ro kiểm soát cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của cán bộ kiểm tra thuế, nó luôn luôn tồn tại dù có tiến hành kiểm tra hay không. Cán bộ kiểm tra không thể kiểm soát hoặc làm thay đổi được rủi ro kiểm soát trong một thời gian ngắn nhưng có thể đánh giá được mức độ tác động của nó.

Rủi ro phát hiện (DR): là rủi ro mà kiểm tra thuế không phát hiện được qua các báo cáo tài chính gian lận. Trong khi rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát bắt nguồn và gắn với hoạt động kinh doanh của DN và cách thức DN kiểm soát môi trường hoạt động của mình thì rủi ro phát hiện lại xuất phát từ chất lượng của hoạt động kiểm tra, tức là xuất phát từ các quy định của pháp luật, chất lượng của quy trình và trình độ cán bộ kiểm tra.

Để kiểm soát rủi ro phát hiện, cán bộ kiểm tra cần đánh giá rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát. Từ đó, lựa chọn phương pháp kiểm tra và lên kế hoạch kiểm tra chi tiết để loại trừ hoặc bù đắp các rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát càng nhiều càng tốt, nhờ đó, giảm rủi ro phát hiện. Để rủi ro phát hiện càng thấp thì cần nhiều thủ tục kiểm tra để nắm bắt và đưa ra các bằng chứng cần thiết.

Rủi ro kiểm toán (AR): là rủi ro mà các báo cáo tài chính gian lận được chấp nhận như những báo cáo tài chính trung thực.

Rủi ro kiểm toán tổng thể chịu sự tác động của 3 cấu phần là rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro phát hiện. Mối quan hệ tổng quát giữa chúng thể hiện qua công thức sau:

AR = IR x CR x DR

Từ công thức trên cho thấy, vì cán bộ kiểm tra không thể kiểm soát được rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát nên trong trường hợp cả rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát đều cao thì cách duy nhất để giảm rủi ro kiểm tra là làm giảm rủi ro phát hiện. Muốn vậy, phải điều chỉnh nội dung và phạm vi của các thủ tục kiểm tra. Về cơ bản, kiểm tra càng chi tiết thì rủi ro phát hiện càng thấp và ngược lại.

1.1.5.2. Phương pháp đối chiếu, so sánh

Phương pháp này được sử dụng trong suốt quá trình tiến hành kiểm tra. Cán bộ kiểm tra thuế tiến hành so sánh, đối chiếu các nội dung kiểm tra để xác định tính hợp lý, khách quan, mức độ trung thực của nội dung kiểm tra: đối chiếu tài liệu, số liệu của đơn vị kiểm tra này với các đơn vị khác; đối chiếu giữa báo cáo kế toán với sổ sách kế toán; giữa sổ tổng hợp với sổ chi tiết; giữa sổ sách kế toán với chứng từ kế toán; đối chiếu giữa nội dung tài liệu, báo cáo quyết toán; đối chiếu nội dung các khoản thu, chi với thực tế,...

1.1.5.3. Phương pháp kiểm tra đi từ tổng hợp đến chi tiết

Phương pháp này được gọi là phương pháp kiểm tra ngược chiều, tức là tiến hành kiểm tra số liệu tổng hợp trước sau đó mới kiểm tra đến chi tiết chứ không theo như trình tự hạch toán kế toán (đi từ chi tiết đến tổng hợp). Phương pháp này giúp cho cán bộ kiểm tra phát hiện được những mâu thuẫn, bất thường để tiến hành kiểm tra những vấn đề trọng tâm, mấu chốt, tránh xa vào những việc vụn vặt.

Việc kiểm tra số liệu tổng hợp được tiến hành với các số liệu được tổng hợp trên các báo cáo: báo cáo đánh giá tài sản, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh….

Từ đó phân tích, đối chiếu để rút ra nhận xét tổng quát về những vấn đề cần nghiên cứu.

Việc kiểm tra số liệu chi tiết được thể hiện qua việc kiểm tra từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh (kiểm tra trên chứng từ gốc hoặc bảng kê chi tiết).

1.1.5.4. Các phương pháp kiểm tra chứng từ gốc

Các phương pháp kiểm tra chứng từ gốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì chúng là những cơ sở pháp lý ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và thực sự được hoàn thành (nó là cơ sở của mọi số liệu kế toán). Có 3 phương pháp để kiểm tra chứng từ gốc:

Kiểm tra chứng từ theo trình tự thời gian. Đây là phương pháp ít được sử dụng bởi mất nhiều thời gian và hiệu quả thấp.

Kiểm tra theo loại nghiệp vụ là phương pháp được sử dụng phổ biến trong kiểm tra thuế bởi nó được áp dụng khi cần kiểm tra để đưa ra kết luận đầy đủ về một loại nghiệp vụ nào đó theo yêu cầu kiểm tra (điều này vừa tiết kiệm được thời gian cũng như mang lại hiệu quả công tác cao).

Kiểm tra điển hình là phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên một số chứng từ của một loại nghiệp vụ nào đó để kiểm tra, xem xét và đưa ra kết luận chung. Đây là phương pháp có thể tiết kiệm được thời gian nhưng trên thực tế thì đây lại là phương pháp cho kết quả kém tin tưởng nhất.

1.1.5.5 .Các phương pháp kiểm tra bổ trợ

Ngoài các phương pháp kiểm tra thuế được sử dụng như trên thì còn có một số phương pháp kiểm tra bổ trợ được sử dụng như:

Phương pháp thẩm tra và xác nhận từng phần là phương pháp phối hợp kiểm tra nhiều nguồn. Theo phương pháp này số liệu được đối chiếu với nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo chính xác. Cán bộ kiểm tra phải có văn bản xác nhận về từng phần việc đã được xác minh, trên cơ sở xác nhận từng phần để đi đến xác nhận toàn bộ.

Phương pháp quan sát: quan sát trực tiếp không gây trở ngại đến những công việc có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Phương pháp toán học: để tính toán, đối chiếu, phân tích và tổng hợp số liệu.

Phương pháp phỏng vấn nhằm thu thập thông tin từ người có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm tra thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi cục thuế thành phố lào cai (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)