Chương 1: Cơ sở lý luận về chất lượng tín dụng của Ngân hàng thương mại
1.2 Một số vấn đề cơ bản về chất lượng hoạt động tín dụng của NHTM
1.2.4 Các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngân hàng
1.2.4.1. Môi trường kinh tế vĩ mô.
Hoạt động của NHTM chủ yếu là dựa vào việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi của các thành phần kinh tế trong xã hội để tiến hành cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Mọi sự biến động của kinh tế vĩ mô trong điều hành chính sách tiền tệ đều có các tác động đến quy mô và chất lượng của huy động cũng như cho vay.
Vì vậy, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các công cụ như: dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái chiết khấu phát huy tích cực chất lượng giúp cho NHTW có thể kiểm soát khối lượng tín dụng tăng trưởng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng chảy vào những ngành nghề then chốt, trọng điểm để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện tiền đề để hoạt động tín dụng
của NHTM đi vào quỹ đạo ổn định, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.
1.2.4.2. Môi trường pháp lý.
Một hệ thống pháp lý ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho NHTM hoạt động hiệu quả đi vào quỹ đạo ổn định, ngăn chặn kịp thời những rủi ro, những tiêu cực xảy ra, góp phần nâng cao được chất lượng tín dụng đồng thời NHNN có thể kiểm soát và ổn định tiền tệ quốc gia. Bởi vì, nếu hoạt động tín dụng kém hiệu quả, cho vay không thu hồi được nợ và lãi đúng hạn hoặc sự gia tăng tín dụng thiếu lành mạnh, mở rộng quá mức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sự sống còn của NHTM mà còn phá vỡ tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
1.2.4.3. Chiến lược phát triển của ngân hàng.
Chiến lược phát triển của ngân hàng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chính bản thân ngân hàng. Một chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp sẽ bảo đảm ngân hàng phát triển. Ngược lại, một chiến lược không phù hợp sẽ làm chậm quá trình phát triển của ngân hàng, thậm chí dẫn đến khó khăn trong hoạt động hoặc thua lỗ, phá sản.
Một chiến lược phát triển phù hợp là một chiến lược phát huy tối đa được các điểm mạnh, khai thác được các cơ hội đồng thời phải hạn chế đến mức thấp nhất các điểm yếu và vượt qua được các thách thức.
1.2.4.4. Chính sách tín dụng của NHTM.
Chính sách tín dụng đóng vai trò then chốt điều tiết các mặt hoạt động như:
huy động vốn và cho vay, lãi suất, sản phẩm tín dụng, kỹ thuật quản lý rủi ro tín dụng và thu hút KH… nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra trong kinh doanh. Vì vậy, trong từng thời kỳ nhất định, các NHTM phải định hướng xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể để định hướng tích cực đến việc điều chỉnh mọi hoạt động NHTM. Một chính sách tín dụng hợp lý sẽ tạo điều kiện cho NHTM sử dụng tối ưu hoá nguồn vốn của mình khi cho vay, đảm bảo an toàn trong kinh doanh là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng tín dụng của NHTM.
1.2.4.5. Lãi suất và quản lý rủi ro lãi suất.
Lãi suất là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chất lượng tín dụng, là hạt nhân quan trọng của chính sách tín dụng của NHTM, lãi suất đầu vào và đầu ra quyết định đến chi phí và thu nhập của NHTM. Mọi sự thay đổi về lãi suất, cũng như sự điều chỉnh chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn đều đặt NHTM vào tình trạng khó khăn trước sức ép cần phải thay đổi toàn bộ cấu trúc về tài sản cũng như nguồn vốn của NHTM nhạy cảm với lãi suất nhằm đạt được sự tối ưu hoá lợi nhuận và hạn chế những tác động tiêu cực của lãi suất đến đời sống kinh doanh của NHTM có thể làm tăng chi phí nguồn vốn và giảm lợi nhuận của NHTM.
Hầu hết các NHTM trên thế giới chú trọng đến việc nâng cao kỹ thuật quản lý rủi ro lãi suất nhằm hạn chế đến mức tối đa mọi ảnh hưởng xấu của biến động lãi suất đến chất lượng tín dụng. Bản thân lãi suất là giá cả của vốn tín dụng, là một phạm trù kinh tế tổng hợp mang tính “nhạy cảm rất cao” được hình thành một cách khách quan do cung cầu vốn trên thị trường, vì lẽ đó kỹ thuật quản lý rủi ro lãi suất cần phải được tập trung khai thác trên nhiều khía cạnh khác nhau có liên quan đến lãi suất nhằm xây dựng một chính sách lãi suất hợp lý.
1.2.4.6. Năng lực kinh doanh của KH.
KH là người trực tiếp sử dụng vốn của NHTM vào quá trình kinh doanh. Cùng với vốn tự có, vốn tín dụng của NHTM được sử dụng cho những mục tiêu kinh doanh do các nhà quản lý doanh nghiệp quyết định, tạo khối lượng tài sản mà KH đang trực tiếp nắm giữ và khai thác trong kinh doanh. Nếu năng lực kinh doanh yếu kém, công nghệ lạc hậu, hoặc thậm chí KH cố tình lừa đảo và sử dụng vốn sai mục đích… dẫn đến kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính mất cân đối, nguy cơ phá sản nên không trả được nợ, gây hậu quả nghiêm trọng đến NHTM.
1.2.4.7. Cán bộ tín dụng.
Đây là một nhân tố hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng, sự thành công trong hoạt động tín dụng của NHTM phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của CBTD.
CBTD là cầu nối giữa ngân hàng và bên vay, là người trực tiếp tiến hành công tác khai thác KH, hướng dẫn KH, thẩm định KH và phương án, dự án vay vốn, theo
dõi kiểm soát sau khi cho vay và thu nợ. Nếu CBTD không đủ năng lực, phẩm chất thì không đánh giá chính xác hoặc cố tình cho vay những KH yếu kém; những phương án, dự án kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu, thậm chí mất vốn. Từ đó, làm cho chất lượng tín dụng giảm sút. Ngược lại, CBTD có năng lực, phẩm chất tốt sẽ làm thoả mãn nhu cầu KH, kể cả việc tư vấn, đồng thời sẽ đánh giá đúng, lựa chọn được KH, phương án, dự án tốt để cho vay, bảo lãnh. Từ đó góp phần mở rộng đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng.