Những bài học kinh nghiệm đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng Ngân hàng thương mại của một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu Tài liệu Nâng Cao Chất Lượng Tín Dụng Tại Chi Nhánh Ngân Hàng (Trang 27 - 33)

Chương 1: Cơ sở lý luận về chất lượng tín dụng của Ngân hàng thương mại

1.3 Những bài học kinh nghiệm đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng Ngân hàng thương mại của một số nước trên thế giới

1.3.1 Kinh nghiệm của Trung Quốc:

Trung Quốc là một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội,…Sau gần 30 năm thực hiện cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Để đạt được những kết quả như trên, Trung Quốc đã sử dụng nhiều giải pháp tích cực, có hiệu quả, trong đó hoạt động tín dụng của NHTM có vai trò quan trọng trong việc huy động như:

- Sử dụng lãi suất huy động một cách linh hoạt và mềm dẻo

- Phát triển đa dạng các tổ chức – tiền tệ, cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM: Trung Quốc đã không ngừng mở rộng và hoàn thiện mạng lưới hệ thống NHTM, khu vực tài chính ngân hàng của Trung Quốc chủ yếu do 4 ngân hàng: NH Trung Quốc, NH xây dựng Trung Quốc, NH công thương Trung Quốc và NH nông nghiệp Trung Quốc điều hành với các chi nhánh trải rộng khắp trên lãnh thổ Trung Quốc. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM quốc doanh, Trung Quốc tiến hành cải cách hệ thống NHTM quốc doanh thông qua việc bơm thêm tiền cho 4 ngân hàng trên, đồng thời thành lập các công ty tài chính quản lý và thanh toán tài sản (AMC) để mua lại các khoản nợ xấu. Khuyến khích ngân hàng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng trong nước để tận dụng việc chuyển giao kiến thức và công nghệ, cho phép ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài, ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và ngân hàng

liên doanh, từ đó đã nâng cao được chất lượng phục vụ và đáp ứng các nguồn vốn cho CNH-HĐH đất nước.

- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: hoàn thiện các hình thức huy động truyền thống, Trung Quốc còn áp dụng những hình thức huy động mới, hiện đại nhằm tăng cường khả năng huy động vốn của các NHTM. Bên cạnh đó, các NHTM ở Trung Quốc cũng đã mở rộng huy động nguồn vốn trung dài hạn, tăng cường vay nợ, vay thế chấp và phát hành kỳ phiếu ngân hàng ra nước ngoài.

1.3.2 Kinh nghiệm của Hàn Quốc:

Chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp vào hoạt động ngân hàng thông qua các chính sách và biện pháp cụ thể như:

- Phát triển và đa dạng hóa hệ thống tài chính – ngân hàng nhằm thúc đẩy quá trình tạo vốn cho CNH. Ngoài các ngân hàng, thành lập các tổ chức tài chính phi ngân hàng như công ty bảo hiểm, tổ chức ủy thác, các công ty tài chính ngắn hạn và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các nguồn vốn nước ngoài chảy vào trong nước, các ngân hàng đã đứng ra bảo lãnh. Từ những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các ngân hàng chuyên ngành trong các lĩnh vực mà các NHTM tư nhân chưa đảm nhiệm được tham gia vào hoạt động tín dụng như: NH công nghiệp (MIB) và NH quốc gia Citizens, NH nhân dân, NH ngoại hối Hàn Quốc (KEB) và NH nhà ở Hàn Quốc. Chính phủ định hướng phân bổ tín dụng thông qua việc định hướng cho các NHTM đầu tư tín dụng vào các công ty, tập đoàn, ngành công nghiệp và hoạt động ưu tiên cho xuất khẩu. NH Hàn Quốc với tư cách là ngân hàng trung tâm, chịu trách nhiệm chi phối hoạt động phân bổ và hỗ trợ vốn cho công nghiệp và xuất khẩu. Chính phủ và Ngân hàng Hàn Quốc cho các ngân hàng chuyên doanh như: Ngân hàng công nghiệp, Ngân hàng nhân dân, Ngân hàng xây dựng nhà ở,… vay và đây là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động của các ngân hàng này.

Bước sang giai đoạn 1982-1995, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định mục tiêu của CNH-HĐH là tiến tới các ngành công nghiệp cao cấp để đa dạng hóa hơn nữa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn này, Chính phủ Hàn Quốc để cho

nhu cầu thị trường quyết định sự hình thành cơ cấu công nghiệp mới, xóa bỏ các khoản cho vay theo chính sách trợ cấp để tránh đầu tư quá mức ở một số ngành kém và không hiệu quả tạo ra sự mất cân đối trong đầu tư.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, để nâng cao năng lực tập trung tài chính và đảm bảo hiệu quả tín dụng, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính. Trong giai đoạn từ tháng 6/1999, Hàn Quốc đã đóng cửa 17 ngân hàng thương nhân, 5 NHTM và hơn 100 tổ chức tài chính phi ngân hàng khác; Chính phủ can thiệp 4 NHTM, sáp nhập 2 NHTM, 2 ngân hàng thương nhân để tạo ra 4 NHTM mới. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn cho tiến hành tư nhân hóa những ngân hàng gặp khó khăn trong thanh toán, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước được phép mua lại các tổ chức này. Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tư nhân hóa một số NHTM đã tạo ra một sân chơi thông thoáng và thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

1.3.3 Kinh nghiệm của Singapore:

Singapore là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong quá trình CNH-HĐH.

Có thể nói đây là quốc gia thành công nhất trong quá trình CNH-HĐH và hiện nay Singapore là một nước thuộc nền công nghiệp mới (NIEs) của Châu Á. Để đạt được những thành công đó, Chính phủ Singapore đã rất coi trọng phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng nhằm huy động và cung cấp vốn cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế.

Hệ thống ngân hàng Singapore bao gồm Ủy ban tiền tệ Singapore, NHTM, NHTM-dịch vụ, ngân hàng tiết kiệm, công ty tài chính, các loại quỹ. Trong đó, Ủy ban tiền tệ Singapore do Bộ tài chính thành lập năm 1971 để giám sát các tổ chức tài chính và thực thi các chính sách tiền tệ. Các định chế tài chính còn lại có vai trò quan trọng trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho CNH-HĐH:

- Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) có vai trò ổn định đồng tiền, thúc đẩy, quản lý và đưa ra những điều kiện về kinh doanh tiền tệ. Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng giám sát hoạt động của các định chế tài chính khác, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các điều kiện về hoạt động đã quy định;

- Ngân hàng tiết kiệm: có chức năng huy động các nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước, đề xuất các giải pháp khuyến khích người dân gia tăng tiết kiệm;

- Quỹ phát triển Trung ương: có nhiệm vụ quản lý và trả lương cho người lao động khi về hưu; sử dụng các nguồn tiền gửi để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đầu tư vào bất động sản…;

- NHTM và ngân hàng dịch vụ thương mại: hệ thống NHTM có chức năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế.

- Ngân hàng phát triển Singapore: có chức năng phát triển hạ tầng kỹ thuật cho khu vực tài chính, hỗ trợ vốn để phát triển những ngành công nghiệp mới và hiện đại hóa những ngành hiện có; hỗ trợ cho các dự án phát triển bất động sản, các khu đô thị mới, dự án phát triển ngành du lịch…

1.3.4 Kinh nghiệm của Vương Quốc Thái Lan:

Ngay từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Thái Lan đã quan tâm đến phát triển thị trường tín dụng, nhằm đảm bảo cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để huy động vốn tín dụng phục vụ cho chiến lược CNH-HĐH đất nước, Thái Lan đã xây dựng hệ thống ngân hàng rộng khắp, đặc biệt là khu vực nông thôn, với hệ thống đồng bộ và chất lượng. Hệ thống ngân hàng Thái Lan phát triển mạnh theo xu hướng xây dựng mô hình tập đoàn ngân hàng, nhiều ngân hàng trong nước đã được mở chi nhánh ở nước ngoài hoặc liên doanh với ngân hàng ở nước ngoài.

Hệ thống ngân hàng Thái Lan bao gồm: Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT), NHTM, ngân hàng chuyên doanh nhà nước, các công ty tài chính, các loại quỹ. Trong đó các NHTM như: Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC), Ngân hàng Băng Cốc, Ngân hàng Nông dân Thái Lan, Ngân hàng Nhà nước Thái Lan, Ngân hàng Ayudhya… có vai trò rất quan trọng trong việc huy động, cho vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn.

Giống như các nước Châu Á khác, Thái Lan là một nước nông nghiệp, dân số và lao động tập trung ở khu vực nông thôn. Cho nên trong giai đoạn đầu của CNH- HĐH, Chính phủ Thái Lan đã chú trọng và đảm bảo cung ứng vốn cho chuyển dịch

cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua hàng loạt các chính sách điều tiết vĩ mô, Chính phủ vừa gián tiếp, vừa trực tiếp tạo vốn cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, như:

- Trực tiếp cấp vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo 100% vốn điều lệ ban đầu cho BAAC;

- Chỉ đạo Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho BAAC vay vốn nước ngoài với các khoản vay ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức tài chính quốc tế;

- Bắt buộc các NHTM dành một tỷ lệ nhất định số tiền gửi để cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn;

- Thực hiện cho vay tín dụng theo các chương trình dự án phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt các chương trình dự án hướng về xuất khẩu;

- Hỗ trợ bằng tiền, hiện vật đối với những hàng nông sản xuất khẩu có lợi thế so sánh trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, Thái Lan đã thực hiện đa dạng hóa lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể trong nền kinh tế tiếp cận với tín dụng ngân hàng.

1.3.5 Một số bài học kinh nghiệm ở một số nước Việt Nam có thể noi theo:

Một là, hoàn thiện và cải cách hệ thống tài chính trong đó chủ yếu là Ngân hàng Trung ương, các NHTM và các định chế tài chính khác. Thực tế ở các nước cho thấy, để thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình CNH, Chính phủ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore đều xây dựng và định hướng hoạt động tín dụng thông qua việc thành lập các ngân hàng chuyên doanh theo từng lĩnh vực. Sau đó chuyển dần các ngân hàng này sang hoạt động kinh doanh đa năng nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro tín dụng. Hơn nữa, Chính phủ cần phải xây dựng hệ thống ngân hàng có tiềm lực vững mạnh và hiện đại, đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính nhằm khai thông vốn trong nước, thu hút vốn nước ngoài nhằm để đáp ứng vốn kỹ thuật cho quá trình CNH-HĐH.

Hai là, Chính phủ và NHNN cần định hướng đầu tư tín dụng, cơ cấu tín dụng của các NHTM vào các ngành mũi nhọn, đặc biệt là các ngành xuất khẩu có thế

mạnh, các chương trình, dự án, các vùng và khu vực kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, cần phải minh bạch hóa trong tín dụng ưu tiên. Giảm sự can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính, thay thế dần bằng một hệ thống điều hành gián tiếp phù hợp với hoạt động tín dụng của NHTM trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO. Do vậy, để nâng cao vai trò kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động tín dụng của các NHTM thì cần phải tạo ra một hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho các hoạt động tín dụng.

Ba là, khi các NHTM chưa đủ khả năng phân phối một cách hữu hiệu, việc kiểm soát luồng vốn vào ra khỏi quốc gia là cần thiết, tránh sự di chuyển một cách ào ạt ra khỏi quốc gia, tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Bốn là, hiện đại hóa các hoạt động của NHTM nhằm thực hiện chiến lược huy động vốn, tạo vốn trong nước và ngoài nước để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh hoạt động tín dụng của NHTM nhằm cung ứng vốn tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Năm là, sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và đơn giản hóa các thủ tục cho vay. Lãi suất phải được sử dụng một cách linh hoạt mềm dẻo, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô trong từng thời điểm cụ thể.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1, luận văn đã khái quát những lý luận cơ bản về tín dụng ngân hàng, chất lượng tín dụng cũng như các sản phẩm tín dụng của NHTM. Luận văn cũng đưa ra các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng tín dụng tại các NHTM và một số bài học kinh nghiệm của các nước về việc xây dựng hệ thống ngân hàng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Cơ sở lý luận trình bày trong chương 1 là nền tảng cho việc đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng của các NHTM trong nền kinh tế nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng phát triển an toàn.

Một phần của tài liệu Tài liệu Nâng Cao Chất Lượng Tín Dụng Tại Chi Nhánh Ngân Hàng (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)