Các loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng (Trang 25 - 31)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.2 Khái quát về dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại

2.2.4 Các loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ngân hàng thương mại

Trên cơ sở nghiên cứu của các tác giả Phan Thị Cúc và cộng sự (2008); Đào Lê Kiều Oanh (2012); Nguyễn Quốc Hận (2015); Hồ Phạm Đoan Trang (2017); Vũ Hồng Thanh (2018) về phát triển dịch vụ NHBL, tác giả giới thiệu sơ lược một số loại hình dịch vụ NHBL sau đây:

2.2.4.1 Hoạt động huy động vốn

Theo nhóm nghiên cứu Phan Thị Cúc và cộng sự (2008), nghiệp vụ huy động nguồn vốn là hoạt động tiền đề có ý nghĩa đối với bản thân ngân hàng cũng như đối với xã hội. Trong nghiệp vụ này, NHTM được phép huy động các nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội làm nguồn vốn tín dụng để cho vay đối với nền kinh tế. Vốn huy động là nguồn vốn chủ yếu của các ngân hàng thương mại, thực chất là tài sản bằng tiền của các chủ sở hữu chủ mà ngân hàng tạm thời quản lý và sử dụng nhưng phải có nghĩa vụ hoàn trả kịp thời, đầy đủ khi khách hàng yêu cầu. Nguồn vốn huy động là nguồn tài nguyên to lớn nhất, bao gồm (Phan Thị Cúc và cộng sự, 2008):

- Tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức, cá nhân.

- Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

- Tiền phát hành kỳ phiếu, trái phiếu.

- Các khoản tiền gửi khác.

2.2.4.2 Hoạt động tín dụng

Theo Luật các TCTD năm 2010, NHTM là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) - Luật số: 47/2010/QH12, nhằm mục tiêu lợi nhuận (Quốc hội, 2010). Các ngân hàng thương mại được phân biệt với các tổ chức tài chính khác chủ yếu bằng cách chấp nhận tiền gửi không kỳ hạn. Tiền gửi cung cấp cho họ tiền nhưng trách nhiệm của họ đối với tính thanh khoản và an toàn của tiền gửi làm hạn chế việc sử dụng các khoản tiền này. Đồng thời trong Luật các TCTD, “cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác” (Quốc hội, 2010).

Tín dụng là một giao dịch về tài sản (tiền hoặc hàng hóa) giữa bên cho vay (ngân hàng và các định chế tài chính khác) và bên đi vay (cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác), trong đó bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện vốn gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán (Hồ Diệu, 2001).

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngân hàng thương mại đang chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận từ tín dụng sang dịch vụ nhưng đến thời điểm này vẫn không thể phủ nhận lợi nhuận từ hoạt động tín dụng mà trong đó chủ yếu là tín dụng bán lẻ đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng.

Theo nghiên cứu của tác giả Triều Mạnh Đức (2010), tín dụng bán lẻ và tín dụng bán buôn là hai bộ phận cấu thành nên hoạt động của NHTM. Hoạt động tín dụng bán lẻ là loại hình tín dụng gồm các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, bảo lãnh và các nghiệp vụ khác áp dụng cho đối tượng KH là cá nhân, hộ gia đình và các DNNVV nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và tiêu dùng đời sống…

Tín dụng bán lẻ là các khoản cho vay nhằm tài trợ cho nhu cầu vốn của cá nhân, hộ gia đình (chủ yếu là về nhu cầu mua sắm, sửa chữa, mua sắm nhà cửa; nhu cầu mua sắm tiện nghi: ô tô, xe máy...; nhu cầu chi tiêu hàng ngày, nhu cầu đào tạo, y tế, giáo dục; nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình) (Hà Minh Tuấn, 2016).

Đồng thời, theo Thông tư Số: 41/2016/TT-NHNN về Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài “Danh mục cấp tín dụng bán lẻ là danh mục các khoản cấp tín dụng cho khách hàng là cá nhân” (Ngân hàng nhà nước, 2020).

2.2.4.3 Hoạt động thanh toán

Hoạt động thanh toán bao gồm: thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt là tổng hợp tất cả các khoản thanh toán tiền tệ giữa các đơn vị, cá nhân được thực hiện bằng cách tính chuyển tiền

trên tài khoản, hoặc bù trừ lẫn nhau thông qua ngân hàng mà không trực tiếp sử dụng tiền mặt trong khoản thanh toán đó (Phan Thị Cúc và cộng sự, 2008).

Theo Khoản 2, 3, 4 – Điều 3 của Thông tư Số: 46/2014/TT-NHNN, dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử là việc lập, gửi, xử lý lệnh thanh toán thông qua phương tiện điện tử. Dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi (dịch vụ thanh toán ủy nhiệm chi) là việc ngân hàng thực hiện yêu cầu của bên trả tiền trích một số tiền nhất định trên tài khoản thanh toán của bên trả tiền để trả hoặc chuyển tiền cho bên thụ hưởng. Bên thụ hưởng có thể là bên trả tiền. Dịch vụ thanh toán nhờ thu, ủy nhiệm thu (dịch vụ thanh toán ủy nhiệm thu) là việc ngân hàng thực hiện theo đề nghị của bên thụ hưởng thu hộ một số tiền nhất định trên tài khoản thanh toán của bên trả tiền để chuyển cho bên thụ hưởng trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản về việc ủy nhiệm thu giữa bên trả tiền và bên thụ hưởng (Ngân hàng nhà nước, 2014).

2.2.4.4 Dịch vụ ngân hàng điện tử

Ngân hàng điện tử là một dịch vụ cho phép khách hàng (người dùng dịch vụ) thực hiện các giao dịch với tài khoản của ngân hàng hoặc kiểm tra các thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng mà không cần đến máy rút tiền (ATM), quầy giao dịch của ngân hàng (Phạm Anh Thủy, 2013). Đặc biệt để sử dụng được dịch vụ ngân hàng điện tử, khách hàng phải kết nối với internet hoặc mạng viễn thông. Đây được xem là sự kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với những tiện ích trong lĩnh vực công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của các công cụ mạng viễn thông và các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính…) Khách hàng có thể thực hiện giao dịch bất cứ lúc nào không cần đến các chi nhánh/ phòng giao dịch/ quầy giao dịch của ngân hàng. Để có thể thực hiện giao dịch và các tiện ích của dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng phải cung cấp cho khách hàng một mã số truy cập và mật khẩu, khách hàng có trách nhiệm lưu giữ và bảo mật của mật khẩu và mã truy cập của KH (Phạm Anh Thủy, 2013).

Trong dịch vụ ngân hàng điện tử, KH có thể thực hiện các giao dịch khác như thanh toán tiền điện nước, nạp tiền điện thoại, mua sắm, chuyển khoản... một cách

đơn giản và nhanh chóng, ngay cả ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ. Các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện nay bao gồm:

• Thanh toán điện tử tại điểm bán hàng (EFTPOS): dịch vụ cung cấp tiện ích cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trực tiếp để thực hiện các giao dịch thương mại.

• Mobile Banking: Là dịch vụ truy vấn ngân hàng, thông tin tài khoản, thực hiện các giao dịch thông qua một ứng dụng mà khách hàng có thể tải về và cài đặt trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

• Internet Banking: Là dịch vụ truy vấn ngân hàng, thông tin tài khoản, thực hiện các giao dịch khác qua mang viễn thông. Mã truy cập do ngân hàng cung cấp, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch với ngân hàng với tính an toàn và độ bảo mật cao. Để sử dụng được dịch vụ này, KH phải kết nối với mạng viễn thông và bảo mật mật khẩu sau khi đã thay đổi mật khẩu do NH cung cấp lần đầu tiên khi đăng ký dịch vụ.

• SMS Banking: Là dịch vụ thông báo biến động số dư, truy vấn thông tin tài khoản, thực hiện chuyển khoản, thanh toán và thực hiện các giao dịch khác bằng cách sử dụng điện thoại di động để nhắn tin theo cú pháp quy định gửi đến số tổng đài của ngân hàng.

• Phone Banking: Là dịch vụ ngân hàng qua điện thoại giúp khách hàng thực hiện các giao dịch với ngân hàng thông qua số tổng đài của Trung tâm dịch vụ khách hàng của NH. Khách hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch tại nhà hoặc văn phòng làm việc của mình thông qua qua hệ thống máy tính kết nối với hệ thống máy tính của ngân hàng. Các giao dịch thông thường bao gồm chuyển tiền, truy vấn số dư, tỷ giá…

2.2.4.5 Dịch vụ thẻ

Dịch vụ thẻ là một dịch vụ ngân hàng hiện đại hướng đến khách hàng cá nhân.

Các ngân hàng không ngừng bổ sung tính năng mới cho các thẻ như lúc đầu chỉ là

thẻ rút tiền mặt tại các máy ATM, các dịch vụ thẻ đã ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, ví dụ thẻ ghi nợ quốc tế, kết nối trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của khách hàng và khách hàng cũng có thể rút vượt số dư trên tài khoản sau khi đã thực hiện việc ký kết hợp đồng cấp hạn mức thấu chi với ngân hàng và thực hiện thanh toán với các đối tác quốc tế.

Thẻ thanh toán là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà chủ thẻ có thể sử dụng để rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin số dư… tại các máy rút tiền tự động (ATM) hoặc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại các tổ chức chấp nhận thẻ.

Đối với NHTM việc phát hành và thanh toán thẻ là hoạt động bao gồm các nghiệp vụ cho vay, huy động vốn, thanh toán trong và ngoài nước (Đào Lê Kiều Oanh, 2012).

Ngoài ra, KH có thể dùng thẻ này để thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, Internet và đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng thậm chí sử dụng thanh toán các dịch vụ, hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định không phải trả lãi và các ngân hàng đang thực hiện việc kết nối với nhau để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng còn thực hiện phát hành, đại lý thanh toán thẻ quốc tế như Visa, Mastercard… (Phạm Anh Thủy, 2013).

2.2.4.6 Một số dịch vụ ngân hàng bán lẻ khác - Tư vấn tài chính.

- Nhận bảo quản các tài sản quí giá, các giấy tờ chứng thư quan trọng của công chúng.

- Thu hộ, chi hộ là dịch vụ mà ngân hàng được các chủ tài khoản ủy nhiệm thực hiện các dịch vụ thu hộ tiền nộp vào tài khoản, chi tiền phục vụ các nhu cầu hoạt động kinh doanh của chủ tài khoản.

- Bảo quản, mua bán hộ chứng khoán theo uỷ nhiệm của khách hàng.

- Dịch vụ kinh doanh ngoại hối.

- Dịch vụ ngân quỹ…

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)