Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ quản trị rủi ro
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Khái quát về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp
Có nhiều cách hiểu khác nhau về quản trị nhưng nhìn chung có thể hiểu: Quản trị là sự tác động của chủ thể quản trị lên đối tượng quản trị nhằm đạt được những mục tiêu nhất định trong điều kiện biến động của môi trường (Đoàn Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Hồng Huyền, 2008).
1.1.2.2. Khái niệm rủi ro
Có nhiều định nghĩa về rủi ro, tùy các cách tiếp cận khác nhau, các tác giả khác nhau đưa ra những định nghĩa rủi ro khác nhau. Những định nghĩa này rất phong phú
và đa dạng, nhưng tập trung lại có thể chia thành hai trường phái lớn: Trường phái truyền thống và Trường phái hiện đại.
Theo trường phái truyền thống
Theo từ điển tiếng Việt do Trung tâm từ điển học Hà Nội xuất bản năm 1995, rủi ro là điều không lành, điều không tốt, bất ngờ xảy đến.
Trong lĩnh vực kinh doanh, rủi ro được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Đó là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến.
Như vậy, theo trường phái này thì rủi ro là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người.
Theo trường phái hiện đại
Theo trường phái hiện đại, có nhiều định nghĩa về rủi ro như sau:
“Rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được” (Frank Knight, 1921).
“Rủi ro là tổng hợp những sự ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất”
(Irving Preffer, 1956).
Như vậy, trường phái hiện đại quan niệm rằng rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.
1.1.2.3. Phân loại rủi ro
Căn cứ vào bản chất của các loại rủi ro, rủi ro được phân loại thành 4 nhóm như sau:
- Rủi ro tài chính: Bao gồm các rủi ro về lãi suất, tỷ giá hối đoái, nguồn tín dụng, dòng tiền và khả năng thanh toán...
- Rủi ro chiến lược: Bao gồm các rủi ro về sự cạnh tranh, thay đổi của khách hàng, thay đổi của ngành, rủi ro đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ...
- Rủi ro hoạt động: Bao gồm rủi ro liên quan đến bộ máy lãnh đạo, rủi ro về văn hóa doanh nghiệp, vi phạm quy chế quản lý, kiểm soát tài chính, hệ thống thông tin.;
- Rủi ro nguy hiểm: Bao gồm các rủi ro về môi trường, nhà cung cấp, thiên tai, rủi ro đối với tài sản, các hợp đồng, sản phẩm và dịch vụ.
Căn cứ vào các cấp độ quản lý, rủi ro trong doanh nghiệp được phân chia thành:
- Rủi ro chiến lược: là rủi ro hiện tại và tương lai có ảnh hưởng tới lợi nhuận, tới hoạt động của doanh nghiệp do quyết định kinh doanh mang tính chiến lược sai lầm dẫn đến không đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
- Rủi ro hoạt động: là nguy cơ xảy ra tổn thất do các chính sách, các quy định, các thủ tục kiểm soát đối với các chu trình hoạt động của doanh nghiệp là không phù hợp, không hiệu quả, ảnh hưởng tới việc đạt được mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
- Rủi ro tuân thủ: là nguy cơ xảy ra tổn thất do không tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan.
- Rủi ro báo cáo: là nguy cơ xảy ra tổn thất do các sai phạm không được báo cáo một cách kịp thời.
Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của rủi ro tới doanh nghiệp, rủi ro được phân chia thành:
- Rủi ro tác động đến toàn doanh nghiệp: là những rủi ro phát sinh từ nhân tố bên ngoài hoặc chính những nhân tố bên trong doanh nghiệp có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các quyết định có liên quan đến tài chính hoặc đầu tư của doanh nghiệp.
- Rủi ro ảnh hưởng đến từng hoạt động cụ thể: là khả năng xảy ra tổn thất ở mức độ từng hoạt động, từng bộ phận hay từng chức năng kinh doanh chính trong đơn vị ví dụ như rủi ro trong hoạt động kế toán ảnh hưởng đến sự tin cậy của thông tin trên
báo cáo tài chính, rủi ro ở bộ phận bán hàng có ảnh hưởng đến doanh thu và công nợ...
1.1.2.4. Khái niệm quản trị rủi ro
“Bất cứ loại hình tổ chức nào, cho dù to hay bé, luôn phải đối diện với các nhân tố có tác động cả bên trong lẫn bên ngoài mà tổ chức ấy không biết liệu tổ chức ấy có thực hiện đúng mục đích hay không và như nào. Tác động của việc không rõ ràng này lên các mục đích của tổ chức được coi là “rủi ro”.”
“Theo quan niệm của trường phái hiện đại, quản trị rủi ro là quản trị toàn bộ mọi loại hình rủi ro một cách tổng thể và hoàn chỉnh, hơn là quản trị một vài rủi ro đơn thuần. “Quản trị rủi ro là việc tiếp cận rủi ro một cách đúng đắn và có hệ thống để nhận diện, phát hiện, ngăn ngừa và hạn chế những thiệt hại, tổn thất, và tác động tiêu cực của rủi ro đồng thời có biện pháp chuyển hoá rủi ro thành thời cơ thành công”
(Đoàn Thị Hồng Vân, 2013). Nói một cách đơn giản, quản trị rủi ro đề cập đến tất cả những mặt tích cực và bất lợi của rủi ro.
“Trong nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Quang Thu (2008) định nghĩa quản trị rủi ro “là sự nhận dạng, đo lường và kiểm soát các loại rủi ro có thể đe dọa các loại tài sản và thu nhập từ các dịch vụ chính hay từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của một ngành kinh doanh hay của một doanh nghiệp sản xuất”. Theo cách hiểu này thì quản trị rủi ro bao gồm các nội dung chính như nhận dạng rủi ro, đo lường rủi ro và kiểm soát rủi ro.”
“Theo Olaf Passenheim (2010), quản trị rủi ro bao gồm các hoạt động: Nhận dạng rủi ro, Phân tích rủi ro, Phản ứng đối với rủi ro và Kiểm soát rủi ro (Risk Identification, Risk Analysis, Risk Response, Risk Controlling).
“Từ các quan điểm về quản trị rủi ro như trên, có thể thấy rang, quản trị rủi ro bao gồm các hoạt động chủ yếu, đó là:
Một là, nhận dạng, phân tích đo lường và phân loại những rủi ro đã và sẽ đến với tổ chức.
Hai là, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm soát rủi ro, với những điều kiện phù hợp với tổ chức đó.
Ba là, xây dựng và thực hiện tốt các chương trình tài trợ rủi ro như: Thu xếp và thực hiện nhanh chóng các hợp đồng bảo hiểm; Xây dựng và quản lý hiệu quả các quỹ dự phòng; Vận động sự ủng hộ của các chủ thể có liên quan; Phân tích và lựa chọn các hình thức tài trợ thích hợp khác.”
Qua đây có thể thấy định nghĩa về quản trị rủi ro được hiểu như sau: “Quản trị rủi ro là quá trình nhận dạng, phân tích (bao gồm cả đo lường và đánh giá) những rủi ro, xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm soát, tài trợ để khắc phục các hậu quả của rủi ro nhằm sử dụng tối ưu nguồn lực trong tổ chức”.
“Quản trị rủi ro không chỉ đơn thuần là hoạt động thụ động, né tránh hay phòng tránh, mà còn là những hoạt động chủ động, tích cực của nhà quản trị trong việc dự kiến những thiệt hại, tổn thất có thể xảy ra và tìm cách làm giảm nhẹ hậu quả của chúng.”
1.1.2.3. Nguyên tắc quản trị rủi ro
“Quản trị rủi ro có các nguyên tắc sau:”
Lợi nhuận đi kèm rủi ro: Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được lợi nhuận và rủi ro là hai mặt tất yếu của hoạt động kinh doanh, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Nhưng không phải rủi ro nào cũng có thể được chấp nhận và chấp nhận rủi ro phải dựa vào dữ liệu có cơ sở cũng như sự phân tích hợp lý. Quản trị rủi ro luôn là sự cân đối giữa rủi ro chấp nhận và cái lợi thu lại. Nếu lợi ích mà rủi ro đem lại nhiều hơn chi phí thì doanh nghiệp có thể chấp nhận rủi ro đó.
Kết hợp quản trị rủi ro vào vận hành và hoạch định ở mọi cấp: Quản trị rủi ro không phải là một hoạt động độc lập, tách biệt với các hoạt động và quá trình chính của tổ chức. Quản trị rủi ro cần được đưa vào tất cả các quá trình và thực tiễn của tổ chức theo cách thức thích hợp, hiệu quả và hiệu lực. Quá trình quản lý rủi ro cần trở thành một phần không tách rời các quá trình của tổ chức. Cụ thể, quản lý rủi ro cần được lồng ghép vào các quá trình xây dựng chính sách, hoạch định, xem xét hoạt động chiến lược và quản lý thay đổi.
Quản trị rủi ro dựa trên những thông tin tốt nhất sẵn có: Đầu vào cho quá trình quản trị rủi ro dựa trên các nguồn thông tin như dữ liệu quá khứ, kinh nghiệm,
phản hồi của các bên liên quan, quan trắc, dự báo và phán đoán của chuyên gia. Tuy nhiên, những người đứng đầu tổ chức nên tự tìm hiểu, xem xét bất kỳ hạn chế nào về dữ liệu hay mô hình được sử dụng hoặc khả năng bất đồng giữa các chuyên gia.
Quản trị rủi ro cần minh bạch và có sự tham gia của các bên: Việc tham gia thích hợp và kịp thời của các bên liên quan, đặc biệt là những người ra quyết định ở các cấp của tổ chức, đảm bảo rằng việc quản trị rủi ro do duy trì sự phù hợp và cập nhật. Việc tham gia này cũng cho phép các bên liên quan có được sự đại diện thích hợp và quan điểm của họ được xem xét khi xác định tiêu chí rủi ro.
Quản trị rủi ro cần năng động, lặp lại và đáp ứng với sự thay đổi: Việc quản trị rủi ro cần đáp ứng liên tục với thay đổi. Vì môi trường nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp, bối cảnh và kiến thức thay đổi, nên cần thường xuyên theo dõi và xem xét rủi ro diễn ra, những rủi ro mới xuất hiện, một số rủi ro thay đổi và những rủi ro khác biến mất.