CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TRẺ EM Ở HUYỆN TUYÊN HÓA, TỈNH QUẢNG BÌNH
2.1. Thực tiễn phổ biến, giáo dục quyền trẻ em ở Việt Nam
2.1.1. Phổ biến, giáo dục quyền trẻ em trên Thế giới
Trong nhiều thế kỷ, cùng với quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu đã dẫn dến tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em một cách phổ biến, hàng triệu trẻ em vào hoàn cảnh cùng khổ. Phải đến năm 1924, vấn đề bảo vệ “quyền trẻ em” mới chính thức được pháp luật bảo vệ thông qua Tuyên bố Giơnevơ về quyền trẻ em. Tiếp đó, năm 1948, Liên Hợp quốc thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong đó trẻ em được thừa nhận là chủ thể được thừa hưởng đầy đủ các quyền con người, được bình đẳng như các thành viên trong xã hội khác. Năm 1959, Liên Hợp quốc ra Tuyên bố thứ hai về quyền trẻ em, khẳng định: trẻ em, do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ về pháp lý thích hợp, trước cũng như sau khi sinh. Loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất. Đồng thời kêu gọi các bậc cha mẹ, đàn ông và phụ nữ với tư cách là những cá nhân, kêu gọi các tổ chức tình nguyện, giới cầm quyền địa phương và chính phủ các nước công nhận những quyền của trẻ em và phấn đấu để thực hiện bằng luật pháp và những biện pháp khác theo 10 nguyên tắc và những nguyên tắc này như là 10 nhóm quyền cơ bản của trẻ em.
Chính nhờ những văn bản pháp luật đầu tiên, mang tính chất quyết định, mà thế giới đã bắt đầu nhận thức được vị trí và vai trò của trẻ em trong xã hội, để quan tâm, chăm sóc và bảo vệ quyền của trẻ em. Có nhiều cách để thực hiện điều đó, nhưng cách tốt nhất vẫn là hợp thức hóa quyền trẻ em thông qua các văn bản pháp luật, theo đó quy định rõ ràng quyền của trẻ em; cách thức bảo vệ quyền trẻ em; và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để kêu gọi mọi người chung tay và cùng lan tỏa pháp luật bảo vệ quyền trẻ em rộng ra toàn thế giới.
44
Năm 1989, Liên Hợp quốc đã thông qua Công ước về quyền trẻ em (CRC).
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một văn bản quốc tế đề cập toàn diện về quyền trẻ em theo hướng tiến bộ, bình đẳng, toàn diện và mang tính pháp lý cao, làm cơ sở cho việc thúc đẩy chăm sóc và bảo vệ các quyền trẻ em trên thực tế. Một tập hợp các quyền trẻ em trên tất cả các lĩnh vực đã được ghi nhận, bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc một cách có hiệu quả; được phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức và xã hội. Không chỉ đề cập đến trẻ em nói chung, CRC còn đề cập đến việc bảo vệ quyền của những nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (gồm: trẻ em tàn tật, lang thang cơ nhỡ, bị ảnh hưởng của xung đột vũ trang...).
Đồng thời, xác định những biện pháp nhằm xóa bỏ những nguy cơ đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều trẻ em. CRC được coi là văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em trong thời điểm hiện nay. Để bổ sung cho CRC, Liên Hợp quốc còn thông qua hai Nghị định thư bổ sung, đề cập đến việc cấm sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang và cấm buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (Việt Nam đã phê chuẩn 2 Nghị định thư này). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 196 quốc gia, trong đó có Việt Nam, phê chuẩn Công ước này.
Đồng thời, đến nay đã có trên 80 văn kiện quốc tế liên quan đến quyền trẻ em được ban hành để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em như: Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (Hướng dẫn Riát 1990);
Quy tắc của Liên Hợp quốc về Bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (1990); Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em (1990).
Tuyên bố về chống bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại (1996); Chương trình hành động chống việc bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại (1996);
Công ước 182 về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Khuyến nghị 190 về loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999); Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nhận con nuôi quốc tế (1993).
45
Để đạt được thành công đó, không thể phủ nhận rằng công tác tuyên truyền, PBGDPL về quyền trẻ em đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.
Không những thế, hoạt động PBGDPL về quyền trẻ em còn phát huy được hiệu quả thông qua sức lan tỏa của nó đến với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và được chứng minh bằng các chương trình, các hành động cụ thể, mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia. Cụ thể:
Các quốc gia như Thụy Điển, Na Uy, Nga, Úc, Anh, Đức đặc biệt quan tâm đến xây dựng khuôn khổ pháp lý thân thiện với trẻ em và xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, mạng lưới công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp. Việc bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện chủ yếu bởi các trung tâm công tác xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và một phần công việc sẽ được ủy quyền cho các tổ chức phi chính phủ.
Các quốc gia châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Philippin) tùy theo hoàn cảnh kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia mà việc bảo vệ trẻ em được thực hiện theo những mô hình khác nhau. Ngày nay, hầu hết các quốc gia này đều hướng tới việc xây dựng “hệ thống bảo vệ trẻ em”; hình thành đội ngũ cán bộ xã hội và các cơ sở bảo trợ trẻ em, xây dựng mô hình gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Malaixia và Hồng Kông (Trung Quốc) đặc biệt quan tâm tới mô hình gia đình chăm sóc thay thế, trung tâm công tác xã hội với trẻ em; trung tâm trẻ em đường phố, trung tâm phục hồi trẻ em nghiện ma túy. Thái Lan và Philippin lại chú trọng nhiều hơn vào các mô hình trợ giúp trẻ em và hỗ trợ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Luật Trẻ em và người trẻ tuổi của Singapo năm 1993 có nội dung chủ yếu đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em quy định trẻ em là người dưới 14 tuổi, với 9 nhóm đối tượng cần sự bảo vệ đặc biệt, gồm: Trẻ không có bố mẹ hoặc người bảo hộ; Trẻ em bị bỏ rơi; cha, mẹ, người bảo hộ không phù hợp, không có khả năng chăm sóc, sao nhãng làm cho trẻ em rơi vào tình trạng có những mối quan hệ xấu, đe doạ đến đạo đức hoặc không thể chế ngự được; Trẻ đã bị hoặc có nguy cơ cao bị đối xử tồi tệ;
Trẻ em cần được khám, điều trị để bảo đảm sức khoẻ hoặc sự phát triển nhưng cha,
46
mẹ hoặc người bảo hộ sao nhãng hoặc từ chối làm những công việc đó; Trẻ có hành vi và nhân cách gây nguy hiểm cho bản thân người khác mà cha, mẹ, người bảo hộ không thể hoặc không muốn hoặc thất bại trong việc hỗ trợ trẻ; Trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những mâu thuẫn dai dẳng giữa trẻ và cha, mẹ, người bảo hộ hoặc giữa cha, mẹ hoặc người bảo hộ hoặc những mâu thuẫn, đổ vỡ trong gia đình dẫn đến thương tổn về tình cảm; Trẻ sống trong môi trường hoặc có liên quan, bị ảnh hưởng bởi người phạm tội hoặc những hành vi phạm tội; Trẻ sống lang thang không nơi ở, không nguồn sống, trẻ xin ăn, hát rong, bán xổ số, bán hàng rong, đánh bạc, sử dụng các thuốc kích thích.
Luật Trẻ em của Malaixia không định nghĩa trẻ em nhưng lại quy định cụ thể độ tuổi của trẻ em khi gửi đến các dịch vụ, trung tâm, trường học. Chẳng hạn như trẻ em dưới 10 tuổi thì không được đưa vào các trường giáo dưỡng; trẻ em dưới 14 tuổi thì không được đưa vào trường cách ly hoặc giam giữ trẻ em vi phạm pháp luật.
Luật của Malaixia phân loại các nhóm trẻ em cần được bảo vệ theo các nhóm mức độ gây tổn hại cho trẻ, gồm: Nhóm có nguy cơ cần được chăm sóc bảo vệ ;Nhóm trẻ cần được bảo vệ và phục hồi; Nhóm trẻ vượt quá tầm khống chế ; Nhóm trẻ em bị buôn bán, bắt cóc.
Như vậy, có thể thấy rằng, thế giới đã rất quan tâm và đặc biệt chú trọng đến bảo vệ quyền của trẻ em. Điều đó được thể hiện thông qua hệ thống quy phạm pháp luật của thế giới, của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, về vấn đề quyền trẻ em không những tăng nhanh về số lượng, mà nội dung bên trong còn rất đa dạng, cụ thể hóa, bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ toàn diện các quyền mà mình đáng được hưởng. Sức lan tỏa, sự ảnh hưởng của nó đến thực tiễn đời sống xã hội, chính là kết quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL của các tổ chức quốc tế, của mỗi quốc gia và toàn nhân loại.
47