CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TRẺ EM Ở HUYỆN TUYÊN HÓA, TỈNH QUẢNG BÌNH
3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em
3.2.2. Kiện toàn tổ chức; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về chủ thể và đối tượng thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em trên địa bàn huyện Tuyên Hóa
3.2.2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền trong công tác PBGDPL về quyền trẻ em.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL về quyền trẻ em ở huyện Tuyên Hóa cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các của cấp ủy Đảng.
Đảng ủy các cấp cần quán triệt tốt hơn nữa các Nghị Quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của các cơ quan cấp trên, tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng phải tiếp tục xây dựng kế hoạch, chương trình hành động PBGDPL về quyền trẻ em của ngành mình, cấp mình; đồng thời kịp thời ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn, đốc thúc thực hiện. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác PBGDPL về quyền trẻ em thường xuyên, đúng thực chất trong tất cả các giai đoạn thực hiện.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của công tác PBGDPL về quyền trẻ HĐND, UBND huyện Tuyên Hóa cũng như các xã, thị trấn cần làm tốt các vấn đề sau:
- HĐND cần nâng cao chất lượng Nghị quyết được ban hành về công tác PBGDPL về quyền trẻ em; phân bổ nguồn kinh phí hợp lý và quan trọng là phải lãnh đạo, chỉ đạo tốt, đưa pháp luật về quyền trẻ em vào đời sống nhân dân. Cần tạo điều kiện cho đại biểu HĐND nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật về quyền trẻ em sẽ là điều kiện cần để các văn bản do HĐND ban hành mang tính khả thi - cơ sở để hoạt động PBGDPLvề quyền trẻ em đạt kết quả tốt.
- UBND các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình PBGDPL về quyền trẻ cụ thể từng quý, từng tháng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, UBND huyện cũng như các xã, thị trấn cần chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời các đối tượng có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL về quyền trẻ em tại địa phương.
105
3.2.2.2. Cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em trên địa bàn Huyện.
Một phần làm cho công tác PBGDPL về quyền trẻ em trên địa bàn huyện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đó là do thiếu đi đội ngũ cán bộ nhân viên có đủ chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện công tác này. Do đó, đòi hỏi cần phải có một cơ quan hoặc một tổ chức chuyên môn để thực hiện riêng biệt về lĩnh vực này.
Các cơ quan chức năng của huyện nên nghiên cứu để thành lập nên một đơn vị để phối hợp thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em, giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, để tạo ra một bộ máy chuyên môn làm việc đồng nhất và hiệu quả trong phạm vi toàn huyện. Đơn vị này có thể có sự phối hợp thực hiện của Đại diện lãnh đạo UBND huyện; đại diện lãnh đạo các ngành như: Tư pháp, Công an, Đài Truyền phát thanh truyền hình huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBMTTQVN huyện, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng. . Đơn vị này có thể được tạm gọi là Hội đồng phối hợp thực hiện công tác PBGDPL (PHTH PBGBPL) về quyền trẻ em. Hội đồng này sẽ tổ chức phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em giữa các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện; đề ra chương trình, kế hoạch PBGDPL về quyền trẻ em hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về quyền trẻ em; tiến hành sơ kết, tổng kết và tổ chức thi đua khen thưởng về công tác PBGDPL về quyền trẻ em trên địa bàn huyện.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên, Hội đồng PHTH PBGBPL về quyền trẻ em trên địa bàn huyện Tuyên Hóa cần phải thường xuyên được củng cố, kiện toàn về tổ chức và nhân sự; xây dựng quy chế hoạt động để phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và chính quyền các cấp, triển khai PBGDPL về quyền trẻ em cho cán bộ và nhân dân. Các thành viên tích cực tham gia góp ý vào các đề án, chương trình, kế hoạch và tham gia các đoàn kiểm tra công tác PBGDPL về quyền trẻ em hàng năm để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, đơn vị; chỉ rõ những ưu,
106
nhược điểm, phổ biến các mô hình, các hình thức tuyên truyền PBGDPL về quyền trẻ em hiệu quả cao để các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm, học tập.
3.2.2.3. Đào tạo đội ngũ chuyên trách thực hiện PBGDPL về quyền trẻ em Công tác PBGDPL về quyền trẻ em là một quá trình chuyển tải nội dung những quy định của pháp luật về quyền trẻ em cho nhiều đối tượng khác nhau, rất đa dạng, hoạt động này diễn ra trên phạm vi rộng lớn, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất là vô cùng cần thiết.
Đội ngũ những người làm công các PBGDPL cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc PBGDPL về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ. Trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
- Cần bồi dưỡng và định hướng nội dung PBGDPL về quyền trẻ em thường xuyên cho đội ngũ những người làm công tác này. Nhìn chung, đội ngũ này ở huyện Tuyên Hóa thường là cán bộ các cấp, các ngành kiêm nhiệm công tác nên việc nắm bắt văn bản pháp luật thường mang tính bao quát, chủ quan, họ không có thời gian đi sâu nghiên cứu nội dung tất cả các văn bản pháp luật chuyên về quyền trẻ em, vẫn còn trường hợp hiểu không đúng hoặc không thống nhất nội dung văn bản pháp luật. Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác, chuyên sâu và sự thống nhất thông tin trong quá trình PBGDPL về quyền trẻ em.
- Đối với UBND huyện và các xã, thị trấn cần phải rà soát lại đội ngũ làm công tác PBGDPL về quyền trẻ em hiện có trên địa bàn; từ đó phân loại trình độ chuyên môn, nghiệp vụ PBGDPL về quyền trẻ em để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.
- Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL về quyền trẻ em, cần chú trọng đào tạo song song cả về nội dung lẫn kỹ năng, sẽ giúp họ không chỉ có kiến thức vững mà còn có khả năng thu hút người nghe và truyền đạt có hiệu quả nội dung pháp luật.
107
- Nhà nước nên có chỉ tiêu biên chế cho những người làm công tác PBGDPL về quyền trẻ em ở chính quyền cơ sở, bổ sung cán bộ là người dân tộc thiểu số để giúp công tác PBGDPL về quyền ở các vùng dân tộc thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.
3.2.2.4. PBGDPL đặc thù cho Gia đình
Công tác PBGDPL về quyền trẻ em cho Gia đình là một hoạt động tất yếu, cần được quan tâm chú trọng hàng đầu, bởi chính tầm quan trọng của nó đối với việc bảo vệ quyền trẻ em.
- Trong quá trình PBGDPL về quyền trẻ em cho Gia đình, thì những người thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em cần:
Nắm bắt được tình hình thực tế của từng gia đình, các yếu tố tác động đến hiệu quả của công tác PBGDPL về quyền trẻ em như: điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa, khả năng nhận thức,... Từ đó, nắm bắt và phân loại theo từng nhóm riêng biệt, để có phương thức phổ biến, giáo dục phù hợp.
Xây dựng một chương trình có nội dung, hình thức phù hợp với từng gia đình, mang tính thực tiễn và cần chú trọng vào những quy định của pháp luật thực sự cần thiết đối với gia đình và chính trẻ em đó.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để tiến hành thường xuyên, mang tính định kỳ hàng tháng, hàng quý giúp mang lại cho họ những kiến thức đầy đủ, bao quát và sâu sắc, hình thành một thói quen và một văn hóa hóa tôn trọng pháp luật và bảo vệ quyền của trẻ em hiệu quả. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn cho họ cách thức, biện pháp để PBGDPL về quyền trẻ em hiệu quả cho chính con em mình.
Các hình thức PBGDPL cần phải được cập nhật thường xuyên, áp dụng khoa học công nghệ. Các hình thức đa dạng, phong phú, xoay vòng tạo nên tính hấp dẫn, tránh nhàm chán như : các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quyền trẻ em; thực hiện thi đua giữa các hộ gia đình với nhau trong làng, xóm, xã phường; kết hợp PBGDPL cho cha mẹ, phụ huynh trẻ em với trẻ em trong chính mỗi một làn tổ chức;...
108
- Đối với các hộ Gia đình, khi PBGDPL về quyền trẻ em cho trẻ em thì cần phải chú ý:
Chú ý, quan tâm đến những hành động và suy nghĩ của con em mình để có thể biết được tâm sinh lý của từng đứa trẻ, từ đó xác định được cách thức, phương pháp để PBGDPL về quyền trẻ em phù hợp nhất.
Nắm bắt đúng, đầy đủ những quy định của pháp luật về quyền trẻ em, vận dụng linh hoạt để áp dụng trong các tình huống nhỏ trong cuộc sống thường ngày, từ đó, giáo dục cho trẻ em về quyền của mình cũng như những cách xử lý khi có hành vi xâm hại đến quyền của mình, giúp các em có thể tự bảo vệ mình trong trường hợp cần thiết.
Quá trình PBGDPL về quyền trẻ em phải được tiến hành xuyên suốt, thường xuyên; tương ứng với mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn để chọn lọc những nội dung cần thiết phù hợp với giai đoạn, hoàn cảnh đó, để mang lại sự hiểu biết đúng đắn, phát huy tối đa được hiểu quả của nó.
Cùng với Gia đình, Nhà nước cũng phải có nghĩa vụ trong hỗ trợ cho Gia đình thực hiện công tác PBGDPL về quyền trẻ em. Quyền của trẻ em chỉ có ý nghĩa trong môi trường gia đình và dưới trách nhiệm của cha mẹ đối với trẻ. Việc tăng cường các quyền cho trẻ em trong gia đình không có nghĩa là tước bỏ các quyền của cha mẹ các em. Ngược lại, sẽ củng cố được gia đình. Một gia đình vững mạnh, với những cơ hội thoả mãn các nhu cầu cơ bản của trẻ, đến lượt mình lại góp phần xây dựng một xã hội vững mạnh. Nghĩa vụ pháp lý của nhà nước là phải thực thi các quyền trẻ em và tạo ra nhiệm vụ tương ứng cho cha mẹ. Nhà nước cũng có trách nhiệm bảo vệ trẻ, thậm chí cả trong khuôn khổ gia đình, nếu cha mẹ không thực hiện được trách nhiệm nuôi dạy con cái, hoặc thiếu quan tâm đến con cái.