Chủ thể thực hiện bào chữa (gỡ tội)

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại việt nam (Trang 28 - 33)

Chương 1. NHẬN THỨC CHUNG VỀ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VÀ TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ 1.1. Khái niệm giai đoạn điều tra và tranh tụng trong giai đoạn điều tra

1.2. Chủ thể tham gia tranh tụng trong giai đoạn điều tra

1.2.2 Chủ thể thực hiện bào chữa (gỡ tội)

Để tạo ra sự tranh tụng giữa chức năng buộc tội và chức năng bào chữa trong giai đoạn điều tra, không thể không đề cập đến một phần quan trọng tạo ra sự tranh tụng, đó chính là chủ thể đối trọng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội, chủ thể thực hiện chức năng bào chữa. Như đã khẳng định, ở đâu có buộc tội, ở đó có bào chữa. Do đó, trong giai đoạn điều tra, chủ thể thực hiện chức năng bào chữa cũng phải tương ứng với chủ thể buộc tội, bao gồm: người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của họ (nếu có). Họ có quyền sử dụng tất cả các biện pháp mà pháp luật không cấm để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như các tình tiết có lợi khác cho mình.

- Người bị tạm giữ, bị can: Do thời điểm tham gia tố tụng khác nhau nên tư cách tố tụng của hai chủ thể này có sự khác nhau.

Theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt theo lệnh truy nã hoặc bắt người phạm tội ra đầu thú, tự thú trước cơ quan có thẩm quyền và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự. Dù chưa bị coi là người có tội nhưng sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, một con người cụ thể đã chính thức bị buộc. Kể từ đây, cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật nhằm củng cố chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của người bị tạm giữ, bị can. Điều này cũng có nghĩa, kể từ sau các quyết định quan trọng này, một số quyền công dân của người bị tạm giữ, bị can sẽ bị hạn chế nên khả năng họ bị xâm phạm về quyền từ phía chủ thể buộc tội là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, một trong những quyền mà pháp luật dành cho họ để chống lại sự buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là quyền bào chữa (bao gồm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa). Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể thực hiện được quyền tự bào chữa. Người bị tạm giữ, bị can đang ở vào tình trạng bị hạn chế về quyền công dân của mình, nhất là trong trường hợp họ bị tạm giữ hoặc tạm giam. Họ không có điều kiện, không am hiểu các quy định pháp luật để có thể chống lại chủ thể buộc tội - những chủ thể chuyên nghiệp trong việc buộc tội vốn nắm trong tay quyền lực với đầy đủ công cụ dễ dàng thực hiện việc buộc tội. Do đó, dù quan hệ pháp luật TTHS luôn xoay quanh hậu quả từ hành vi do người bị tạm giữ, bị can thực hiện; họ là những chủ thể của quyền bào chữa được pháp luật thừa nhận nhưng lại không phải là chủ thể chủ yếu của hoạt động tranh tụng mà thường phải thông qua một chủ thể khác.

- Người bào chữa: Như đã đề cập, trong giai đoạn điều tra, người bị tạm giữ, bị can là hai chủ thể của quyền bào chữa được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của hoạt động tố tụng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ nên không phải đối tượng bị buộc tội nào cũng có đủ khả năng và điều kiện để tự bảo vệ mình có hiệu quả do vị trí pháp lý của bên bào chữa so với chủ thể buộc tội là không tương xứng. Chính vì vậy, để quyền bào chữa được đảm bảo thực hiện, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể bị buộc tội tốt hơn, cần có một cơ chế khác đó là nhờ người khác bào chữa. Những người có kiến thức vững vàng về pháp luật và có kinh nghiệm trong việc chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chủ thể bị buộc tội, đó chính là người bào chữa. Mặc dù vai trò của người bào chữa trong tố tụng chỉ là người tham gia hỗ trợ nhưng người bào chữa thường là người hiểu biết về pháp luật hơn người bị tạm giữ, bị can; “họ lại

không bị ức chế, bị đè nặng về tâm lý”17 nên chắc chắn họ sẽ thực hiện tốt hơn quyền bào chữa so với người bị tạm giữ, bị can. Người bào chữa tham gia vào quá trình TTHS theo một trong hai hình thức: Một là do người bị buộc tội hoặc gia đình người buộc tội yêu cầu trong trường hợp họ có đủ khả năng về tài chính hoặc không tin tưởng vào sự hỗ trợ từ phía CQTHTT; hai là tham gia với tư cách bào chữa chỉ định đối với một số trường hợp BLTTHS bắt buộc phải có người bào chữa nhưng chủ thể có quyền bào chữa lại không thể tự bào chữa và cũng không có khả năng nhờ người khác bào chữa. Như vậy, người bào chữa trong giai đoạn điều tra là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can và giúp đỡ họ về mặt pháp lý. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLTTHS, người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can; bào chữa viên nhân dân. Trong đó:

+ Luật sư: Là người bào chữa chuyên nghiệp vì luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

+ Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can: Trong BLTTHS, chủ thể này được xem là một trong những chủ thể thực hiện chức năng bào chữa. Tuy nhiên, chính xác như thế nào là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can thì chưa có văn bản trực tiếp nào giải thích. Do đó, hiện nay chúng ta vẫn hiểu khái niệm này dựa trên giải thích tại Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, người đại diện hợp pháp gồm cha, mẹ đại diện cho con chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần; người giám hộ đối với người được giám hộ;

người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Với cách hiểu này, người đại diện hợp pháp có thể sẽ không chuyên nghiệp bằng luật sư trong việc am hiểu về pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp, trong khi để có thể đối trọng lại với chủ thể buộc tội, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, đòi hỏi bên bào chữa cũng phải là người am hiểu pháp luật, có tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đây cũng không phải là chủ thể chủ yếu tham gia bào chữa.

+ Bào chữa viên nhân dân: khoản 3 Điều 57 BLTTHS quy định: “Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can là thành viên của tổ chức mình”. Như vậy, bào chữa viên nhân dân được hiểu là thành viên của Mặt trận tổ

       

17 Nguyễn Bá Ngừng (2010), Bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 121.

quốc hoặc thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề pháp lý liên quan đến chủ thể này chưa được quy định rõ ràng nên trong thực tế bào chữa viên nhân dân chưa phát huy được hiệu quả.

Như vậy, theo quy định hiện hành có nhiều chủ thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can. Tuy nhiên, để thực hiện tốt quyền bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể bị buộc tội thì chỉ có luật sư là chủ thể có đủ khả năng và điều kiện nhất để tham gia vào quá trình tranh tụng với các chủ thể buộc tội chuyên nghiệp.

- Bị đơn dân sự hay người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ: Đây là chủ thể không xuất hiện trong tất cả các vụ án hình sự. Những người này chỉ tham gia tố tụng với tư cách là chủ thể tham gia bào chữa khi chính họ đồng thời là bị can. Trong trường hợp họ không đồng thời là bị can thì việc tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự của chủ thể này chỉ là do yêu cầu và vì mục đích dân sự (thực hiện và khiếu nại về hành vi đòi bồi thường...). Mặc dù vấn đề dân sự này liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nhưng về bản chất, nó vẫn là vấn đề dân sự và trên nguyên tắc không có hành vi phạm tội sẽ không có buộc tội nên tất yếu sẽ không có bào chữa. Vì vậy, phạm vi tham gia bào chữa của chủ thể này rất hẹp.

- Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 BLTTHS thì CQĐT, VKS ngoàiviệc thu thập chứng cứ buộc tội, còn có nghĩa vụ thu thập chứng cứ gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, có ý kiến cho rằng “bên cạnh các chủ thể đã nêu trên, chủ thể tham gia bào chữa còn có thể là chủ thể buộc tội, đó là CQĐT và VKS”18. Theo các tác giả này, nghĩa vụ chứng minh của các CQTHTT là nghĩa vụ làm rõ những tình tiết thuộc về đối tượng chứng minh nên gồm hai mặt buộc tội và gỡ tội thông qua việc thu thập cả chứng cứ gỡ tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội. Do đó, nếu không thừa nhận các CQTHTT cũng là một chủ thể tham gia bào chữa thì sẽ dẫn đến hoạt động của các cơ quan này mang tính phiến diện, một chiều. Tác giả luận văn không đồng ý với cách lập luận trên bởi các lý do sau:

Thứ nhất, dựa trên cơ sở lý luận, “buộc tội phải được hiểu là sự buộc tội đúng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, tức buộc tội đúng với mức độ trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật hình

       

18 Cao Thảo Minh Trâm (2010), Tranh tụng và vấn đề đảm bảo tranh tụng trong giai đoạn điều tra vụ án, Luận văn cử nhân, tr. 38.

sự”19. Toàn bộ hoạt động buộc tội trong giai đoạn điều tra thực chất là nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội ra trước Tòa án. Để làm được điều này, CQTHTT phải có sự đánh giá một cách toàn diện tất cả các chứng cứ bao gồm cả chứng cứ gỡ tội, bởi nếu không đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì có thể dẫn đến làm oan người vô tội, mục đích tố tụng không đạt được. Trong khi đó, việc thu thập chứng cứ của bên bào chữa chỉ nhằm vào những chứng cứ có ý nghĩa gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, việc thu thập các chứng cứ, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của CQĐT cũng là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động để thực hiện chức năng buộc tội của CQTHTT tại giai đoạn điều tra nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và toàn diện, làm cơ sở cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ngoài ra, nếu xem mọi chủ thể thu thập chứng cứ gỡ tội đều là chủ thể tham gia bào chữa thì việc Tòa án ra bản án tuyên bị cáo vô tội cũng có nghĩa Tòa án là chủ thể tham gia bào chữa. Do đó, nếu cứ dựa vào cách giải thích như một số ý kiến nêu trên, quá trình giải quyết vụ án các CQTHTT sẽ chỉ toàn là chủ thể gỡ tội mà không có buộc tội. Điều này đi ngược lại nguyên tắc chỉ ở đâu có buộc tội ở đó mới có bào chữa và xét xử.

Thứ hai, dựa trên cơ sở pháp lý, Điều 42 BLTTHS quy định một trong những căn cứ phải thay đổi người tiến hành tố tụng là khi họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa. Điều này có nghĩa trong vụ án hình sự, một người không thể tham gia với hai tư cách tố tụng trái ngược nhau (buộc tội và bào chữa). Quy định này cũng xuất phát từ nguyên lý một người không thể làm tốt công việc với hai nhiệm vụ hoàn toàn đối lập nhau. Do đó, có thể khẳng định, khi CQĐT đã là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội, chủ thể chính trong việc tạo ra sự tranh tụng trong giai đoạn điều tra, thì không thể là chủ thể tham gia bào chữa với chính kiến ngược lại.

Như vậy, chủ thể thực hiện chức năng bào chữa bao gồm: Người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị đơn dân sự hay người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ. Trong đó, người bào chữa (luật sư) được đánh giá là chủ thể có đủ khả năng và điều kiện thực hiện tốt hơn quyền bào chữa và tham gia vào quá trình tranh tụng hiệu quả hơn so với các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa khác.

Tóm lại, tranh tụng là sự đối trọng lẫn nhau giữa chủ thể buộc tội và chủ thể bào chữa trong quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, tùy thuộc

       

19 Nguyễn Phạm Duy Trang (2007), Sự tham gia của Người bào chữa trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự trong pháp luật TTHS Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ luật học, tr. 12.

vào điều kiện và khả năng của từng chủ thể mà phạm vi và mức độ tham gia của các chủ thể sẽ khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, mức độ thể hiện sự tranh tụng giữa các chủ thể đối trọng trong giai đoạn điều tra sẽ khác nhau. Trong đó, sự đối trọng giữa CQĐT - chủ thể đại diện cho chức năng buộc tội với người bào chữa (luật sư) - chủ thể đại diện cho chức năng bào chữa có thể xem là sự biểu hiện rõ nét nhất so với các cặp chủ thể đối trọng khác trong giai đoạn điều tra.

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại việt nam (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)