Chương 1. NHẬN THỨC CHUNG VỀ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VÀ TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ 1.1. Khái niệm giai đoạn điều tra và tranh tụng trong giai đoạn điều tra
1.3. Các điều kiện đảm bảo tranh tụng trong giai đoạn điều tra
TTHS là một lĩnh vực hoạt động nhà nước có tính nhạy cảm liên quan đến quyền con người. Hơn ở đâu hết, quyền con người trong TTHS, nhất là quyền của người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn điều tra dễ bị xâm phạm nhất. Hậu quả của sự xâm phạm đó thường là rất nghiêm trọng cả về vật chất, thể chất lẫn tinh thần, khó khắc phục. Do đó, bảo vệ quyền con người nói chung, của người bị tạm giữ, bị can nói riêng được thể hiện trong pháp luật TTHS bằng các hình thức và biện pháp khác nhau là việc làm cần thiết. Một trong những hình thức cần phải thể hiện đó là tạo ra sự tranh tụng trong giai đoạn điều tra giữa chủ thể buộc tội và chủ thể bào chữa. Tranh tụng chính là yếu tố quan trọng để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm tố tụng dẫn đến vi phạm quyền con người trong TTHS.
Tuy nhiên, như đã phân tích, tranh tụng là một vấn đề dù đã tồn tại từ lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn là vấn đề mới, phức tạp và còn nhiều tranh luận.
Chính vì vậy, để tạo ra tranh tụng thực sự trong quá trình giải quyết vụ án, phải có những điều kiện nhất định. Các điều kiện này sẽ giúp cho quá trình tranh tụng trong giai đoạn điều tra được đảm bảo và vượt lên trên ý nghĩa này chính là giúp cho quá trình đi tìm sự thật của vụ án được khách quan cũng như đạt được mục đích tố tụng.
Theo quan điểm tác giả luận văn, tranh tụng trong giai đoạn điều tra chỉ được đảm bảo khi thỏa mãn ba điều kiện: Pháp luật, con người và phản biện xã hội.
Điều kiện về pháp luật: Lý luận và thực tiễn về tranh tụng cho thấy tranh tụng chính là đòi hỏi sự bình đẳng và đối trọng trong quá trình tố tụng giữa các bên buộc tội và bào chữa. Đây là yếu tố bắt buộc tạo ra sự tranh tụng. Sự bình đẳng này không có nghĩa là sự bình đẳng về địa vị pháp lý mà là sự bình đẳng trong việc thừa nhận quyền của các chủ thể buộc tội và bào chữa trong quá trình tìm kiếm, thu thập và đưa ra chứng cứ trong giai đoạn điều tra, không bên nào có lợi thế hơn bên nào.
Tuy nhiên, ở những giai đoạn trước xét xử, sự bình đẳng này có những hạn chế nên hệ quả là tính tranh tụng cũng không cao. Bên buộc tội là bên đại diện cho Nhà nước, nhân danh Nhà nước trong việc buộc tội một người cụ thể nên có một thực tế
là các cơ quan đại diện cho Nhà nước, CQĐT luôn ở thế chủ động và thuận lợi hơn rất nhiều so với bên bào chữa. Chính vì vậy, để hạn chế những yếu tố gây bất bình đẳng này, góp phần tạo ra sự cân bằng cần thiết giữa bên buộc tội và bên bào chữa, trước hết phải xây dựng hệ thống pháp luật TTHS hoàn chỉnh. Hệ thống pháp luật này phải mở rộng quyền hơn nữa cho người bị tạm giữ, bị can và người bào chữa, đồng thời phải có cơ chế để đảm bảo những quy định pháp luật đi vào thực tiễn, đề cao vai trò của người bào chữa trong giai đoạn điều tra bởi nâng cao vai trò của người bào chữa cũng chính là một cách giúp cho người bị tạm giữ, bị can thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các quyền mà pháp luật đã dành cho họ. Như vậy, điều kiện đảm bảo tranh tụng đầu tiên trong giai đoạn điều tra là điều kiện về mặt pháp luật, nghĩa là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh với đầy đủ các quyền và cơ chế thực hiện quyền cho các bên buộc tội và bào chữa trên cơ sở của sự đối trọng bình đẳng và phải đảm bảo được khả năng thực thi.
Điều kiện về chủ thể (con người): Pháp luật muốn đi vào cuộc sống thì phải được xây dựng từ nền tảng thực tiễn cuộc sống và phải được kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm thông qua quá trình trải nghiệm trong thực tiễn. Tuy nhiên, không phải tự nhiên các quy định pháp luật có thể đi vào cuộc sống. Pháp luật chỉ đi vào cuộc sống thông qua những con người cụ thể, áp dụng vào những trường hợp cụ thể.
Chính vì vậy, bên cạnh điều kiện về pháp luật, điều kiện về con người cũng là một trong những điều kiện quan trọng góp phần vào việc đảm bảo tranh tụng trong giai đoạn điều tra. Điều kiện về con người chính là xác định một lực lượng chủ thể áp dụng pháp luật đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Chất lượng của lực lượng chủ thể này chính là sự hội đủ các điều kiện: Một là phải có trình độ chuyên môn để có thể hiểu thấu đáo và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật; hai là bên cạnh yếu tố chuyên môn, chủ thể phải là người có tâm - tức là đạo đức về nghề nghiệp bởi theo như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người không có đức là người vô dụng”. Điều này có nghĩa, nếu chỉ có tài mà không có đức thì việc có tài đó cũng chỉ là việc làm lợi cho chính bản thân họ. Xét trong TTHS, nếu chủ thể có tài mà không có tâm (dù là chủ thể buộc tội hay bào chữa), họ chỉ hướng vụ án theo ý muốn chủ quan của mình, bất chấp các việc làm không đúng (có thể làm sai hoặc thấy không đúng nhưng vẫn im lặng hoặc hạn chế quyền của phía đối trọng...) mà quên đi lợi ích chung là tìm ra sự thực khách quan của vụ án, mục đích của TTHS cần đạt được. Do đó, theo quan điểm tác giả luận văn, đạo đức nghề nghiệp là một trong hai yếu tố không thể thiếu để tạo nên điều kiện về con người cần phải có để
đảm bảo cho quá trình tranh tụng không chỉ riêng trong giai đoạn điều tra mà cho cả quá trình giải quyết vụ án. Tùy vào tư cách tố tụng của mỗi chủ thể tham gia tranh tụng trong giai đoạn điều tra mà pháp luật có những quy định về tiêu chuẩn và điều kiện riêng.
Điều kiện về sự phản biện xã hội: Phản biện xã hội là phản ánh một hiện tượng tất yếu trong đời sống chính trị - xã hội. Khái niệm này được sử dụng từ lâu ở các nước khác. Tuy nhiên, ở nước ta, “phản biện xã hội” chỉ mới được quan tâm, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu những năm gần đây và sau khi được chính thức ghi trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. Yêu cầu phản biện xuất phát từ sự không hoàn thiện của tư duy, vì không ai, thậm chí một tập thể, nghĩ một lần là hoàn chỉnh, là tiếp cận chân lý ngay, cho nên cần qua tranh luận, phản biện để hoàn chỉnh. Một xã hội không có phản biện và mỗi hành động đều được đương nhiên tiến hành thì đấy là cách thể hiện rõ rệt nhất tính chất phi dân chủ của xã hội. Vì lẽ này mà phản biện có tinh thần xây dựng rất cao. Cho nên, phản biện là một đòi hỏi khách quan của đời sống, một cách tự nhiên trong một xã hội mà ở đó mỗi con người đều tự do bày tỏ các nguyện vọng của mình.Nó rất cần thiết để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách, tránh các sai sót, sơ hở trong đó có vấn đề về tranh tụng và tranh tụng trong giai đoạn điều tra.Do đó, theo tác giả luận văn, giữa phản biện xã hội và vấn đề tranh tụng có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Theo đó, phản biện xã hội có vai trò quan trọng, tích cực đối với tranh tụng. Bởi chính sự phản biện xã hội có thể giúp cho pháp luật được thực thi nhanh chóng hơn nếu CQĐT cố tình trì hoãn hoặc làm sai luật; hoặc nếu pháp luật chưa hoàn chỉnh thì chính phản biện xã hội là kênh để giúp cho các nhà nghiên cứu và lập pháp nhận thấy sự không phù hợp để có sự điều chỉnh. Ngược lại, tranh tụng mang lại kết quả tốt cho quá trình giải quyết vụ án giúp cho phản biện xã hội có cơ sở để đối chiếu lại những vấn đề đã được phản ánh và những quy định pháp luật về tranh tụng chặt chẽ sẽ tạo điều kiện để phản biện xã hội phát huy đúng với ý nghĩa của nó. Chính vì vậy, điều kiện về phản biện xã hội cũng chính là một trong ba điều kiện giúp cho tranh tụng được đảm bảo trong giai đoạn điều tra và trong TTHS.
Tóm lại, để tranh tụng thực sự được ghi nhận và phát huy hiệu quả trong giai đoạn điều tra, trở thành là một trong những phương pháp quan trọng giúp cho quá trình giải quyết vụ án diễn ra nhanh chóng, làm cơ sở cho Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thiết nghĩ cần phải có nhiều điều kiện khác nhau.
Trong đó, điều kiện về pháp luật, con người và phản biện xã hội là những điều kiện
quan trọng không thể thiếu trong việc đảm bảo về tranh tụng trong giai đoạn điều tra. Ba điều kiện này không tách biệt độc lập với nhau mà giữa chúng phải có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Điều kiện này là tiền đề để điều kiện kia phát huy tác dụng của mình góp phần làm cho hoạt động tranh tụng nhất là tranh tụng trong giai đoạn điều tra - vấn đề vẫn có sự tranh luận cần được đảm bảo trên thực tế. Từ đó, chúng không chỉ góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị buộc tội mà còn giúp cho mục đích tố tụng đạt được như mong muốn.