Chương 1. NHẬN THỨC CHUNG VỀ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VÀ TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ 1.1. Khái niệm giai đoạn điều tra và tranh tụng trong giai đoạn điều tra
1.5. Tranh tụng trong giai đoạn điều tra ở một số nước trên thế giới
Hiện nay trên thế giới dù vẫn còn có ý kiến khác nhau về cách phân loại các truyền thống pháp luật nhưng phần lớn đều thừa nhận sự tồn tại của bốn hệ thống pháp luật khác nhau: “Án lệ, Luật châu Âu lục địa, Luật Xã hội chủ nghĩa và Luật
20 Phạm Hồng Hải (2003), “Tiến tới xây dựng TTHS ở Việt Nam theo kiểu tranh tụng”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (7), tr, 45.
Tôn giáo”21. Các hệ thống pháp luật này cơ bản không khác nhau nhiều về luật nội dung, mà sự khác biệt thực sự giữa chúng là ở luật hình thức (luật TTHS). Đó là do mỗi hệ thống pháp luật đều được xây dựng dựa trên mô hình tố tụng và hình thức tố tụng khác nhau từ đó sẽ thiết kế các trình tự, thủ tục tố tụng phù hợp với mô hình tố tụng đó. Theo đó, hệ thống pháp luật Án lệ thường sử dụng mô hình tố tụng công bằng; hệ thống pháp luật châu Âu lục địa lại chọn mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm với hình thức thể hiện là pha trộn để áp dụng. Do có nguồn gốc từ hệ thống pháp luật châu Âu lục địa nên hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa cũng sử dụng mô hình tố tụng như châu Âu lục địa. Riêng hệ thống pháp luật tôn giáo lại chọn sự kết hợp giữa buộc tội tư và quá trình xét xử kiểu thẩm vấn để tạo ra mô hình tố tụng đặc thù.
Như vậy, trên thế giới hiện nay dựa vào hai mô hình tố tụng (kiểm soát tội phạm và công bằng) để đánh giá sự khác nhau giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia với nhau. Trong phạm vi luận văn này, tác giả luận văn muốn tìm hiểu những điểm chính của pháp luật TTHS liên quan đến yếu tố tranh tụng trong giai đoạn điều tra của một số quốc gia đại diện cho từng mô hình tố tụng chứ không đi sâu nghiên cứu về sự khác nhau giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới. Tác giả luận văn xin trích dẫn câu nói của Giáo sư James Clauuse tại Hội thảo khoa học về pháp luật do Bộ Tư pháp và Trường Đại học luật Hà Nội tổ chức năm 1993 để thay cho mục đích của mình khi nghiên cứu về tranh tụng trong giai đoạn điều tra của một số nước trên thế giới: “Sẽ là không đúng nếu áp đặt hệ thống pháp luật nước này vào một nước khác, bởi lẽ một hệ thống pháp luật là phải bản thân tự có”22. Điều này có nghĩa là, khi xây dựng pháp luật cho quốc gia mình trong đó có vấn đề tranh tụng trong giai đoạn điều tra, các nhà làm luật phải dựa vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng quốc gia để có sự vận dụng linh hoạt chứ không thể áp dụng rập khuôn, máy móc theo khuôn mẫu nhất định.
Các quốc gia theo truyền thống án lệ: khi đề cập đến hệ thống pháp luật Án lệ, các nhà nghiên cứu và áp dụng pháp luật đều có sự liên tưởng ngay đến quốc gia Anh, Mỹ. Bởi những quốc gia được xem là cái nôi của hệ thống pháp luật Án lệ.
Đối với phần này, tác giả luận văn sẽ đề cập một số nét đặc trưng trong pháp luật Mỹ. Đây là quốc gia đại diện cho hệ thống pháp luật được xây dựng dựa trên mô
21 Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (1999), Tư pháp hình sự so sánh, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, tr. 89.
22 James Clauuse (1993), “Phân tích so sánh hai hệ thống pháp luật Pháp - Mỹ”, Thông tin khoa học pháp lý, tr, 3.
hình tố tụng công bằng. Theo Giáo sư James Clauuse tại Hội thảo khoa học về pháp luật do Bộ Tư pháp và Trường Đại học luật Hà Nội tổ chức năm 1993: “ở Mỹ khó mà có thể làm một việc gì mà không tham khảo ý kiến luật sư. Nếu như ai đó bị xét xử về hình sự thì Nhà nước sẽ cung cấp luật sư và trả tiền cho họ. Ở Mỹ, trong khi chưa có chế độ miễn phí thuốc men, thì công dân lại không phải trả tiền luật sư cho các vụ án xét xử về hình sự”23. Ngoài ra, trong thủ tục xét xử tại phiên tòa các vị Thẩm phán chỉ biết tên của hồ sơ vụ án mà không được biết những nội dung bên trong thể hiện điều gì. Bởi Thẩm phán không có hồ sơ vụ án, mà hồ sơ vụ án do công tố viên và luật sư bào chữa nắm giữ. Chính vì vậy, việc duy nhất mà Thẩm phán tại phiên tòa phải làm là điều hành trật tự phiên tòa. Họ đóng vai trò như một vị “trọng tài” trong trận bóng đá.
Qua một vài nét khái quát như trên cho thấy trong pháp luật của Mỹ, vị trí của luật sư - một bên chủ thể tạo ra sự tranh tụng so với chủ thể buộc tội đã được bình đẳng. Vai trò của luật sư được coi trọng và được phát huy trong việc tạo ra sự tranh tụng không chỉ trong giai đoạn xét xử mà cả những giai đoạn trước xét xử. Bởi nếu không có những quyền và khả năng ngang bằng trong việc thu thập chứng cứ như công tố viên tại giai đoạn điều tra, chủ thể bào chữa sẽ không thể tranh luận một cách có hiệu quả tại phiên tòa và như vậy việc làm “trọng tài” của Thẩm phán cũng trở nên khó khăn hơn. Như vậy, Mỹ là một trong những quốc gia áp dụng mô hình tố tụng công bằng trong TTHS. Do đó, tại Mỹ, tranh tụng được thừa nhận như một yếu tố bắt buộc cần phải có trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Các quốc gia theo truyền thống châu Âu lục địa: Trong phần này, tác giả luận văn sẽ nghiên cứu về ba quốc gia có những đặc trưng cơ bản của hệ thống pháp luật này là Cộng hòa Pháp, Đức và Cộng hòa liên bang Nga. Cụ thể:
Cộng hòa Pháp: Là quốc gia xây dựng mô hình TTHS điển hình có nguồn gốc từ các quốc gia theo hệ thống Dân luật. Tác giả Nguyễn Văn Hiển cho rằng trong BLTTHS Pháp đã ghi nhận nhiều quy định thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng như:
“Quyền được giữ im lặng, quyền được tự bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa, quyền được tranh tụng bình đẳng trước tòa của người bị tình nghi phạm tội”24. Tuy nhiên, theo tác giả Lương Thị Mỹ Quỳnh, trong TTHS Pháp thể hiện giai đoạn điều tra của quá trình tố tụng được xem trọng và phương pháp thẩm tra là phương pháp
23 James Clauuse, tlđd 22, tr. 10 - 11.
24 Nguyễn Văn Hiển (2010), “Tranh tụng cần được ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong TTHS ở nước ta”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4), tr, 47.
tối ưu. Kết luận điều tra được mong chờ trước khi hồ sơ được chuyển sang cho VKS và xét xử của Thẩm phán. “Việc điều tra ở giai đoạn điều tra là không công khai và không có sự tham gia của người bào chữa. Vai trò của luật sư và người bị buộc tội trong việc thực hiện quyền bào chữa mờ nhạt, không được coi trọng so với công tố viên. Do đó, bên bào chữa hiếm khi tham gia đầy đủ trong suốt quá trình tố tụng, thậm chí sự tham gia của luật sư bào chữa thường bị công tố viên phớt lờ”25. Đồng thời, cũng theo Giáo sư James Clauuse, Pháp là quốc gia đại diện có hệ thống pháp luật được xây dựng dựa trên mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm nhưng có hình thức pha trộn với yếu tố thẩm vấn chiếm ưu thế. Do vậy, khi các vị Thẩm phán xuất hiện bao giờ cũng có trong tay toàn bộ tài liệu về quá trình điều tra. Họ biết rất rõ nhân chứng đã nói gì với cảnh sát. Họ đã nghiên cứu hồ sơ và đóng vai trò quan trọng, quyết định toàn bộ quá trình xét xử.
Qua tìm hiểu một số tài liệu nêu trên, tác giả luận văn rút ra nhận xét là dù hiện nay Pháp đã có nhiều quy định thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng nhưng xuất phát từ mô hình tố tụng mà Pháp lựa chọn là mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm, nên dù hình thức thể hiện pha trộn nhưng yếu tố xét hỏi và thẩm vấn vẫn chiếm ưu thế. Do đó, các quy định về tranh tụng tại giai đoạn điều tra, cụ thể là việc thu thập chứng cứ của chủ thể bào chữa chưa được thể hiện một cách mạnh mẽ và đầy đủ như trong pháp luật Mỹ. Trong pháp luật TTHS Pháp, tranh tụng mới chỉ được thể hiện thông qua một số quy định chứ chưa được thừa nhận như là một nguyên tắc.
Theo pháp luật Đức: Đức là quốc gia chịu ảnh hưởng và tiếp thu mô hình TTHS điển hình có nguồn gốc từ những quốc gia theo hệ thống Dân luật. Tuy nhiên, ngày nay, TTHS Đức đã thể hiện sự phối hợp giữa hai hình thức TTHS thẩm vấn và tranh tụng (dù vẫn còn nghiêng nhiều về thẩm vấn) thông qua đặc trưng về “mặc cả nhận tội”26 - một điểm rất đặc thù của mô hình tố tụng tranh tụng. Điều này cho thấy cũng giống như Pháp, pháp luật TTHS Đức dù đã có sự ghi nhận những quy định về tranh tụng nhưng trong giai đoạn điều tra, công tố viên vẫn được ví như một
“Thẩm phán” có quyền quyết định độc lập, có quyền giải tán vụ việc nếu xét thấy thiếu những chứng cứ quan trọng trong việc buộc tội. Do đó, vai trò của người bào chữa vẫn bị mờ nhạt hơn so với công tố viên. Điều này có nghĩa tại Đức, hoạt động tranh tụng thực sự trong giai đoạn điều tra vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.
25 Lương Thị Mỹ Quỳnh (2010), “Tìm hiểu mô hình tố tụng thẩm vấn và những kiến nghị hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam”, Đảm bảo quyền con người trong tư pháp hình sự Việt Nam, tr, 205 - 207.
26 Lương Thị Mỹ Quỳnh, tlđd 25, tr. 214.
Theo pháp luật liên bang Nga: tại khoản 3 Điều 49 BLTTHS liên bang Nga năm 2001 đã quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ thời điểm khởi tố bị can và trong những trường hợp khác thì từ khi có quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác đụng chạm đến quyền tự do thân thể hoặc khi quyết định áp dụng biện pháp giám định pháp y”27. Đồng thời theo Điều 15 BLTTHS Liên bang Nga năm 2001 cũng đã quy định “tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS28. Điều này có nghĩa, dù Nga cũng là quốc gia nằm trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa nhưng ngày nay cùng với sự hội nhập, tiếp thu những ưu điểm nhằm phát huy tối đa mục đích TTHS, Nga đã có những quy định ghi nhận tranh tụng không chỉ tồn tại ở giai đoạn xét xử mà cả những giai đoạn trước xét xử.
Qua việc tìm hiểu về tranh tụng trong giai đoạn điều tra ở một số nước trên thế giới, tác giả luận văn chỉ có mong muốn là tìm hiểu thêm cách thức xây dựng pháp luật của các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này chứ không nhằm ý định so sánh pháp luật của quốc gia này hay hơn quốc gia khác hoặc là hay hơn Việt Nam.
Bởi theo tác giả luận văn, việc đánh giá hiệu quả pháp luật của một quốc gia phải dựa trên nền tảng sự phù hợp của các quy định pháp luật với điều kiện kinh tế, xã hội của quốc gia đó và dựa trên lợi ích thiết thực mà người dân được hưởng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tranh tụng trong giai đoạn điều tra trong pháp luật TTHS ở một số nước trên thế giới cho thấy dù theo mô hình tố tụng nào nhưng với xu hướng các quốc gia đang tiến dần đến sự hội nhập, trong đó có hội nhập pháp luật, thì việc các quốc gia đang có sự giao thoa, học hỏi những ưu điểm giữa các mô hình tố tụng khác nhau là xu hướng hoàn toàn phù hợp với tiến trình hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp của từng nước. Từ đó, những khiếm khuyết, không hiệu quả sẽ dần bị đẩy lùi và loại bỏ để bổ sung, thay thế vào đó những ưu điểm có khả năng phát huy tối đa mục đích của TTHS, đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội. Đây có thể là một trong những cách lựa chọn cho Việt Nam trong quá trình cải cách tư pháp hiện nay.
Tóm lại, tranh tụng trong TTHS và tranh tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là vấn đề mới, được xem là khó và phức tạp tại Việt Nam. Bởi tranh tụng được xem như là quá trình của nhận thức và do là kết quả của quá trình nhận thức
27 Nguyễn Duy Hưng (2004), “Sự tham gia của Người bào chữa vào quá trình TTHS”, Tạp chí khoa học pháp lý, (3), tr, 3.
28 Nguyễn Văn Hiển, tlđd 24, tr. 47.
nên “kết quả nhận thức của chúng ta về quy luật khách quan đó đến đâu, nhanh hay chậm và đầy đủ hay chưa29” phụ thuộc nhiều vào khả năng nhận thức của nhà làm luật và phải dựa trên mô hình tố tụng cũng như điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, mặc dù quan điểm của tác giả luận văn khẳng định trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại Việt Nam có tranh tụng và sự tồn tại của nó có thể xem là sự tất yếu khách quan không thể thiếu trong quá trình cải cách tư pháp hiện nay của đất nước ta nhưng hiện nay tranh tụng trong giai đoạn điều tra chưa được thừa nhận một cách chính thống nên thể hiện của nó mờ nhạt hơn so với tranh tụng trong giai đoạn xét xử. Do đó, để tranh tụng chính thức được ghi nhận và thừa nhận với mức độ như thế nào là phù hợp với đặc thù của nước ta thì cần phải có quá trình nghiên cứu và lộ trình thực hiện thích hợp.
29 Nguyễn Trương Tín (2008), “Một số vấn đề về mối quan hệ giữa tranh tụng trong TTHS với chức năng xét xử của Tòa án trong bối cảnh cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (10), tr, 76.
Chương 2