Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về bồi thường thiệt hại ước tính trong hợp đồng thương mại
1.1. Khái niệm bồi thường thiệt hại ước tính và lịch sử hình thành của việc điều chỉnh pháp luật đối với bồi thường thiệt hại ước tính
1.1.2. Lịch sử hình thành của việc điều chỉnh pháp luật đối với bồi thường thiệt hại ước tính
Các bên có thể ước tính và ấn định trước một khoản tiền nhất định hoặc một tỷ lệ phần trăm so với giá trị hợp đồng, hoặc một phương pháp tính toán thiệt hại bất kỳ.
Đây cũng là một biện pháp cần sự ghi nhận vào hợp đồng để biểu thị sự thống nhất ý chí của các bên khi lựa chọn và áp dụng biện pháp này.
1.1.2. Lịch sử hình thành của việc điều chỉnh pháp luật đối với bồi thường thiệt hại ước tính
Có thể nói rằng, bồi thường thiệt hại ra đời từ chức năng muôn thuở của pháp luật, đó là điều chỉnh con người phải tuân thủ nghĩa vụ của mình và tôn trọng quyền lợi chính đáng của người khác, khi có hành vi vi phạm thỏa thuận thì pháp luật buộc bên vi phạm đền bù để khôi phục quyền lợi bị xâm phạm (Corrective justice). Vì lẽ đó, bồi thường thiệt hại là chế tài rất cổ xưa, mang tính truyền thống, phổ biến trong mọi hệ thống pháp luật và phù hợp với nhu cầu của con người về lẽ công bằng. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, các quan hệ xã hội trở nên đa dạng và phức tạp hơn thì quy tắc bồi thường thiệt hại thông thường dường như đang “chưa đủ” để điều chỉnh chúng, chẳng hạn thiệt hại gián tiếp xác định như thế nào, thiệt hại vô hình được bồi thường bao nhiêu, tại sao có khoản thiệt hại được bồi thường, lại có khoản thiệt hại không được bồi thường. Vì lẽ đó, pháp luật mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ sẽ có các giải pháp khác nhau về phương thức bồi thường, có thể do Thẩm phán/quan toà quyết định tùy tranh chấp, do luật thành văn quy định, hay do các bên thoả thuận.
Ngay từ thời La Mã cổ đại, những nhà lập pháp đã nhận thức được việc tôn trọng thoả thuận của các bên nói chung và về mức bồi thường thiệt hại nói riêng sẽ có những lợi ích nhất định. Điều này thể hiện ở việc ngay từ thời Justinian Digests (thế kỷ VI trước Công nguyên), nhà lập pháp hoàng gia đã khuyên thần dân của mình, trong việc ký kết hợp đồng để làm bất cứ điều gì, để khắc phục thiệt hại, nên
ấn định một số tiền bồi thường thiệt hại vào hợp đồng.24 Những quy định của pháp luật thời La Mã cổ đại này về bản chất tương tự như khái niệm về bồi thường thiệt hại ước tính ngày nay, cụ thể:
Trong pháp luật La Mã cổ đại thời kỳ đầu, stipulatio poenae (tạm dịch,
“phạt ấn định trước”) là một dạng nghĩa vụ có điều kiện một bên, hoàn toàn mang tính chất ép buộc. Các chủ thể trong giao dịch dân sự khi quy định về nghĩa vụ này sẽ biểu đạt như sau: “Si Pamphilum non dederis, centum dare spondes?” – “Nếu anh không chuyển nhượng cho tôi tài sản ở Pamphilus, anh hứa sẽ trả tôi 100 đồng chứ?” Theo cách thức biểu đạt này, trái chủ đã trực tiếp đưa ra một nghĩa vụ phụ đối với thụ trái khi thụ trái không thực thi nghĩa vụ chính đã thỏa thuận. Cách thức phạt này dần trở nên phổ biến trong pháp luật La Mã cổ đại, đặc biệt là phạt đối với những nghĩa vụ không thể thực thi về mặt pháp lý.25 Bởi tính chất ép buộc hoàn toàn, thụ trái phải thực hiện nghĩa vụ phụ (nghĩa vụ theo điều khoản phạt) với trái chủ trong bất kể trường hợp nào nghĩa vụ chính không được thực hiện với trái chủ. Hệ quả là, kể cả trong trường hợp thụ trái đã thực hiện một phần nghĩa vụ chính hay đối tượng của nghĩa vụ chính bị tiêu hủy bởi lý do ngoài tầm kiểm soát của thụ trái, thụ trái vẫn phải thi hành đầy đủ khoản phạt như đã hứa với trái chủ.26 Do đó, khoản phạt vẫn được thực thi đầy đủ kể cả trong trường hợp nghĩa vụ đã được thực hiện một phần, hay đối tượng của nghĩa vụ đã bị tiêu hủy bởi nguyên nhân nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên có nghĩa vụ. Hơn nữa, việc đã quy định một điều khoản phạt không ngăn cản trái chủ yêu cầu thụ trái trả thêm một khoản bồi thường thiệt hại, dù khoản phạt ít hay nhiều hơn thiệt hại thực tế xảy ra do vi phạm nghĩa vụ của thụ trái.27
Cách thức phạt trên đã mở đường cho cách thức phạt thứ hai mang tính chất hỗn hợp, vừa có tính dự đoán thiệt hại, vừa có tính buộc thực hiện hợp đồng, theo đó, trái chủ biểu đạt rằng: “Pamphlium dari spondes? Si non dederis centum dare spondes? – “Anh có hứa sẽ chuyển nhượng cho tôi tài sản ở Pamphilus không?
Nếu anh không chuyển nhượng cho tài sản cho tôi, anh hứa sẽ trả tôi 100 đồng
24 Lorenzo D. Licup (1918), “A Comparative study of penalty under the civil law and liquidated damages and penalty under the common law”, Phillipine law journal, Volume 5, No. 4, p.111.
25 Peter Benjamin (1960), “Penalties, Liquidated Damages and Penal Clauses in Commercial Contracts: A Comparative Study of English and Continental Law”, The International and Comparative Law Quarterly, 9(4), p.607.
26 Peter Benjamin (1960), tlđd 25, p.607.
27 Peter Benjamin (1960), tlđd 25, p.607.
chứ?”.28 Theo cách thức này, khi xảy ra vi phạm, trái chủ chỉ có thể chọn một trong hai biện pháp, thu hồi khoản phạt hoặc đòi tiền bồi thường thiệt hại. Khi trái chủ lựa chọn thu hồi khoản phạt, nghĩa vụ chính sẽ tiêu biến, thụ trái không phải thực hiện nghĩa vụ này nữa, do đó, trái chủ không thể đòi bồi thường thêm. Nếu trái chủ cùng lúc đòi thực hiện khoản phạt và đòi trả tiền bồi thường, thụ trái có thể viện dẫn đến exceptio doli (tạm dịch, “ngoại lệ về lừa dối”) để chống lại trái chủ.
Ngoài ra, trong bộ Digest có ghi nhận quyền kiện đòi bồi thường của trái chủ trong trường hợp khoản phạt hai bên thỏa thuận ít hơn thiệt hại thực tế29.
Một điểm đáng lưu ý khác trong quy định về phạt ấn định trước trong pháp luật La Mã cổ đại, đó là nghĩa vụ chứng minh của trái chủ khi thực hiện quyền yêu cầu theo điều khoản phạt ấn định trước. Justinian ghi nhận rằng trái chủ không cần thực hiện nghĩa vụ chứng minh tổn thất khi yêu cầu thụ trái trả khoản phạt, trừ khi có nghi ngờ về giá trị nghĩa vụ.30 Vì thế, cũng như ngày nay, phạt ấn định trước được sử dụng như một cách thức để thoát khỏi nghĩa vụ chứng minh tổn thất.
Việc thỏa thuận một điều khoản phạt trở nên phổ biển vào thời kỳ đầu của hệ thống thông luật (khoảng thế kỷ X), cụ thể là tại Vương quốc Anh.31 Nếu trái chủ muốn đảm bảo thụ trái thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay, chuyển nhượng đất hay thực hiện một số nghĩa vụ khác, theo luật tập quán, hai bên sẽ giao kết một thỏa thuận bằng văn bản. Theo văn bản đó, thụ trái đồng ý sẽ trả cho trái chủ một khoản tiền, thường sẽ lớn hơn rất nhiều so với giá trị khoản vay, mảnh đất hay đối tượng của nghĩa vụ khác.32 Văn bản đó được gọi là “văn tự phạt” (Penal bond) và được thực hiện dưới dạng “điều kiện chấm dứt nghĩa vụ” (Condition subsequent), tức là nếu thụ trái thực hiện nghĩa vụ chính là trả nợ, chuyển nhượng đất hay những nghĩa vụ khác như đã thỏa thuận vào ngày được quy định trong văn tự, thì nghĩa vụ trả tiền sẽ chấm dứt. Nói cách khác, nếu thụ trái không thể thực hiện nghĩa vụ chính, thì trái chủ có quyền kiện thụ trái để đòi khoản tiền ghi trong văn tự phạt33. Hệ quả là, thụ trái không thể tránh khỏi một phán quyết buộc anh ta phải trả khoản tiền ghi trong văn tự phạt, trừ khi anh ta có thể chứng minh là anh ta
28 Peter Benjamin (1960), tlđd 25, p.607.
29 Peter Benjamin (1960), tlđd 25, p.608.
30 Justinian, Institutes, Quyển III, Tiết XV, Điểm 7.
31 Charles T. McCormick (1930), “Liquidated Damages”, Virginia Law Review, 17(2), p.104.
32 Charles T. McCormick (1930), tlđd 31, p.104-105.
33 Charles T. McCormick (1930), tlđd 31, p.105.
đã thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.34
Trong nhiều trường hợp, thụ trái là bên yếu thế hơn về mặt kinh tế so với trái chủ, hoặc đôi khi việc giao kết hợp đồng với trái chủ thực sự mang lại một ý nghĩa to lớn với thụ trái. Vì thế, họ thường có khuynh hướng chấp nhận một vài thỏa thuận phi lý với trái chủ. Chẳng hạn như việc họ sẵn sàng giao kết hợp đồng với khoản tiền không tương xứng với nghĩa vụ trong văn tự phạt. Vào thế kỷ XV, Tòa Công bằng (Equity Court) quyết định ngăn cản không cho trái chủ có được số tiền lớn hơn giá trị khoản cho vay, mảnh đất hay những gì mà trái chủ có quyền đối với quan hệ nghĩa vụ với thụ trái trong trường hợp (i) xuất hiện sự lừa dối, (ii) vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã được khắc phục và (iii) bên vi phạm đề nghị thực hiện nghĩa vụ thanh toán kèm với lãi.35 Đường lối xét xử trên của Tòa Công bằng đã có ảnh hưởng nhất định đến các Tòa Thông luật (Common Law Courts).
Vào thế kỷ XVII, Tòa Thông luật chấp nhận một phần nào đó cách giải quyết của Tòa Công bằng và bắt đầu xây dựng các thủ tục tố tụng liên quan đến vụ việc về văn tự phạt trong đó khoản phạt dùng để đảm bảo một khoản vay. Đạo luật Hành Chính Tư Pháp năm 1696 (Administration of Justice Acts (1696)) đã quy định hạn chế những thỏa thuận trên. Đạo luật Hành chính Tư Pháp năm 1705 (Administration of Justice Acts (1705)) đã yêu cầu bên nguyên đơn trong vụ kiện về văn tự phạt phải nêu rõ những vi phạm mà anh ta có thể chỉ thu lại được khoản thiệt hại thực tế mà anh ta chứng minh được. Đạo luật Hành chính Tư Pháp năm 1705 quy định bên nợ trong văn tự phạt có thể được Tòa án giải thoát khỏi nghĩa vụ trả khoản phạt trong hai trường hợp: (i) cho đến thời điểm của vụ kiện, anh ta đã trả nợ và lãi cho chủ nợ; và (ii) tại phiên tòa xét xử vụ kiện, anh ta mang tiền đến và trả đầy đủ các khoản nợ, lãi và chi phí phát sinh từ bất kỳ vụ kiện liên quan đến văn tự nợ tại Tòa Công bằng hay Tòa Thông luật36.
Những đạo luật tương tự cũng được tìm thấy tại Mỹ, ví dụ tại đoạn 12783, Tổng bộ luật bang Michigan 1915 (Michigan Compiled Laws (1915)); đoạn 166, Tổng bộ luật bang New Jersey (New Jersey Compiled Statutes) hay tại đoạn 447, Bộ Chú giải luật bang North Carolina 1927 (North Carolina Code Annotated (1927))37. Cho dù là đạo luật hay phán quyết của Tòa, quy tắc chung được áp dụng
34 Charles T. McCormick (1930), tlđd 31, p.105.
35 Peter Benjamin (1960), tlđd 25, p.605.
36 Charles T. McCormick (1930), tlđd 31, p.106.
37 Charles T. McCormick (1930), tlđd 31, p.106.
đó là khoản tiền mà bên nguyên đơn có thể nhận được trên một văn tự phạt là thiệt hại thực tế do vi phạm điều kiện của văn tự gây ra. Nguyên đơn không thể thu hồi khoản tiền như đã ghi nhận trong văn tự, trừ trường hợp chứng minh được khoản tiền đó thực sự được hai bên thỏa thuận nhằm ước tính thiệt hại có thể xảy ra. Dù vậy, điều khoản phạt trong văn tự phạt vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ấn định giới hạn bồi thường.38
Cùng thời gian đó, thỏa thuận trả một khoản tiền để bồi thường cho những vi phạm trong tương lai mà khó có thể xác định chính xác giá trị dần được công nhận là hợp pháp và được phép thi hành, giúp Tòa án tránh được sự không chắc chắn trong phán quyết của mình. Dần dần, sự phân biệt giữa “phạt” và “bồi thường thiệt hại ước tính” như ngày nay được hình thành.
Trên cơ sở lịch sử hình thành nêu trên, thêm vào đó là việc các thiệt hại trong lĩnh vực thương mại ngày càng khó xác định và khó khắc phục hơn so với trước đây, bồi thường thiệt hại ước tính ngày nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và đang được áp dụng rộng rãi ở cả hệ thống thông luật và dân luật. Bồi thường thiệt hại ước tính ngày nay vừa đảm bảo nhiệm vụ cốt lõi của pháp luật là buộc bên vi phạm đền bù để khôi phục quyền lợi bị xâm phạm vừa đáp ứng nhịp độ hiện đại, làm đơn giản hóa thủ tục chứng minh. Do đó, cho đến nay bồi thường thiệt hại ước tính vẫn là chế tài được các bên trong hợp đồng thương mại sử dụng bên cạnh các chế tài có tính truyền thống khác như là bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.