Chương 2. Một số kinh nghiệm cụ thể về bồi thường thiệt hại ước tính từ pháp luật và các tranh chấp điển hình ở Vương quốc Anh và Trung Quốc
2.1. Bồi thường thiệt hại ước tính trong một số án lệ điển hình ở Vương quốc Anh
2.1.3. Cách thức Tòa án ở Vương quốc Anh xem xét hiệu lực của một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính
Mức bồi thường thiệt hại ước tính được các bên thỏa thuận có hợp lý hay không, có quá mức so với thiệt hại thực tế hay không trở thành vấn đề mấu chốt trong việc phân biệt hai chế tài “bồi thường thiệt hại ước tính” và “phạt” ở Vương quốc Anh. Một câu hỏi được đặt ra là các Thẩm phán ở Anh đã xem xét “tính hợp lý”, “tính quá mức” của khoản bồi thường thiệt hại ước tính đó như thế nào để đưa ra các phán quyết của mình?
Vào ngày 4 tháng 11 năm 2015, lần đầu tiên sau một thế kỷ, Tòa án Tối cao của Anh, đã xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của luật liên quan đến các điều khoản phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại ước tính. Một đơn kháng cáo liên quan đến việc mua cổ phần và thỏa thuận giữa các cổ đông (Cavendish Square Holding BV v. Talal El Makdessi [2015] UKSC 67) và đơn kháng cáo còn lại liên quan đến một khoản phí đối với một cá nhân vì đã vượt quá thời hạn đỗ xe miễn
92 David Thomas (2016), tlđd 14, p.38.
93 L. Miller (2004), “Penalty clauses in England and France: A comparative study”, International and Comparative Law Quarterly, 53 (1), p.80.
phí (ParkingEye Limited v. Beavis [2015] UKSC 67). Cả hai kháng cáo đều đòi hỏi phải xem xét liệu các điều khoản ước tính thiệt hại đó có phải là điều khoản phạt hay không và do đó, không thể thực thi được; hay liệu quy tắc có nên được điều chỉnh, bãi bỏ hoặc hạn chế hay không. Các nguyên đơn trong hai đơn kháng cáo đều lập luận rằng các điều khoản ước tính thiệt hại trong hợp đồng là áp đặt các hạn chế nặng nề đối với họ, là không nhất thiết và do đó, Tòa án Tối cao cần phải xem xét kỹ lưỡng để đưa ra một phán quyết phù hợp. Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết của mình trong hai kháng cáo này. Trên thực tế, chúng thực sự rất khác nhau, nhưng chúng cùng nhau tạo cơ hội để xem xét lại luật Anh một cách toàn diện nhất về bồi thường thiệt hại ước tính kể từ vụ Dunlop Pneumatic Tyre Co Ltd v. New Garage & Motor Co Ltd (1914).
Án lệ Cavendish Square Holding BV v. Talal El Makdessi [2015] UKSC 67 và án lệ ParkingEye Limited v. Beavis [2015] UKSC 67
Kháng cáo đầu tiên, Cavendish Square Holding BV v. Talal El Makdessi (2015)94 liên quan đến việc bán cổ phần trong công ty của Messrs Makdessi và Ghossoub (những người bán) cho Cavendish Square Holding BV (Cavendish).
Theo các điều khoản của hợp đồng, Cavendish phải mua 60% cổ phần của công ty trong khi những người bán giữ lại 40% còn lại. Trong hợp đồng bán cổ phần này có quy định các nghĩa vụ bổ sung đối với những người bán bao gồm một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với nội dung trong một khoảng thời gian sau khi bán, ông Makdessi không được thực hiện các công việc cạnh tranh với công việc kinh doanh cũ của mình. Trong trường hợp người bán vi phạm các thỏa thuận đó, các khoản thanh toán tạm thời và cuối cùng sẽ không được thanh toán (điều khoản 5.1) và Cavendish sẽ có tùy chọn mua cổ phần còn lại của người bán với mức chiết khấu 20% (điều khoản 5.6). Khoản chiết khấu này thể hiện giá trị của lợi thế thương mại trong công ty. Cavendish tuyên bố rằng ông Makdessi đã vi phạm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tìm cách tuyên bố rằng ông Makdessi không được hưởng các “khoản thanh toán tạm thời” và “khoản thanh toán cuối cùng” và buộc phải bán số cổ phần còn lại của mình cho Cavendish với giá chiết khấu. Kết quả tổng hợp là giảm $44.000.000 (Bốn mươi bốn triệu Đô-la Mỹ) trong số tiền phải trả cho ông Makdessi cho tổng số cổ phần mà ông nắm giữ. Vào thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, có cơ sở để cho rằng ông Makdessi đã vi phạm các thỏa thuận hạn chế
94 Case Cavendish Square Holding BV v. Talal El Makdessi [2015] UKSC 67.
cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Makdessi đã đệ trình rằng các điều khoản 5.1 và 5.6 không thể thi hành được với lý do chúng cấu thành các hình phạt.
Tòa án cấp Sơ thẩm giữ nguyên yêu cầu bồi thường của Cavendish, nhận thấy rằng các điều khoản không dẫn đến các hình phạt quá đáng hoặc áp bức mà đóng vai trò bảo vệ hợp lý cho Cavendish với tư cách là người mua một công ty.
Tòa án cấp Phúc thẩm đã đảo ngược quyết định và thay vào đó cho rằng các điều khoản không tương xứng với tổn thất do vi phạm gây ra và do đó không thể thi hành được.
Tòa án Tối cao chấp nhận yêu cầu bồi thường của Cavendish vì cho rằng Cavendish có cơ sở để quy định vào hợp đồng những điều khoản như vậy để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Kháng cáo thứ hai, Parking Eye vs Beavis (2015)95, đặt ra vấn đề ở cấp độ người tiêu dùng và nó cũng đặt ra một vấn đề riêng theo Điều khoản không công bằng trong Các Điều Khoản Không Công Bằng Trong Quy Định Hợp Đồng Tiêu Dùng 1999 ((The Unfair Terms in Consumer Contracts Regulations (1999) (SI 1999/2083)) (Quy định 1999). ParkingEye Ltd đã đạt được thỏa thuận với các chủ sở hữu của Riverside Retail Park để quản lý bãi đậu xe tại địa điểm này.
ParkingEye đã hiển thị nhiều thông báo trên khắp bãi đậu xe, nói rằng việc không tuân thủ giới hạn thời gian hai giờ sẽ “dẫn đến Phí đỗ xe là £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh)”. Vào ngày 15 tháng 4 năm 2013, ông Beavis đã đỗ xe ở bãi đậu xe, nhưng đã ở quá thời gian được đỗ xe gần một giờ. ParkingEye yêu cầu thanh toán phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh). Ông Beavis lập luận rằng khoản phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) là không thể thi hành theo thông luật như một hình phạt, nó không công bằng và không thể thi hành theo Quy định 1999.
Thẩm phán của Tòa Sơ thẩm thừa nhận rằng cáo buộc trông có vẻ có đặc điểm của một hình phạt vì ParkingEye không phải chịu bất kỳ tổn thất tài chính có thể xác định nào do hành vi vi phạm của ông Beavis; đồng thời, có vẻ như mục đích chính của khoản phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) là để ngăn cản những người lái xe ô tô vi phạm thời gian lưu trú miễn phí tối đa hai giờ, điều này thoạt nhìn sẽ khiến họ trông giống như bị phạt. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, Thẩm phán nhận thấy rằng khoản phí này là hợp lý về mặt thương mại, không phải là
95 Case Parking Eye v. Beavis 2015] UKSC 67.
không phù hợp hoặc quá mức trong các trường hợp và không phải là không công bằng theo Quy định 1999. Theo đó, cáo buộc đã được thi hành.
Sau khi nhận được phán quyết của Tòa Sơ thẩm, Ông Beavis đã kháng cáo.
Tòa Phúc thẩm xem xét hai vấn đề sau:
(i) Liệu khoản phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) có thể thi hành được theo thông luật hay không trên cơ sở nó là một hình phạt; và
(ii) Liệu cáo buộc có không công bằng (và do đó không thể thi hành được) theo Quy định 1999 hay không.
Liên quan đến vấn đề điều khoản phạt và quyết định liệu khoản phí có vượt quá thực tế hay không, Tòa án cấp Phúc thẩm đã tiếp cận theo hướng xem xét khoản phí liên quan đến thiệt hại thực tế phải gánh chịu, tác dụng ngăn chặn của điều khoản và liệu nó có hợp lý về mặt thương mại. Tòa án cho rằng lời cảnh báo nhằm mục đích ngăn chặn người lái xe quá thời hạn cho phép không ngông cuồng hay bất hợp lý; và quan trọng là, hợp lý vì cả lý do thương mại và xã hội. Do đó, khoản phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) đã được giữ nguyên.
Không đồng tình với phán quyết của Tòa án cấp Phúc thẩm, ông Beavis đã tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Tòa án Tối cao cho rằng các điều khoản được đề cập không bị xem là một khoản phạt và chủ sở hữu/người điều hành bãi đỗ xe có lợi ích hợp pháp trong việc sử dụng hiệu quả chỗ đỗ xe vì lợi ích của những người dùng khác của trung tâm mua sắm. Lợi ích đó chỉ có thể được phục vụ bằng cách ngăn chặn mọi người chiếm dụng chỗ đậu xe trong thời gian dài gây bất lợi cho người khác và khoản phí £85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) không lớn hơn mức cần thiết để đạt được kết quả đó, khoản phí đó cũng không phải là không hợp lý khi so sánh với các bãi đậu xe khác trong khu vực. Theo đó, quy định được đề cập không có tính hình phạt và có hiệu lực thi hành.
Qua hai vụ việc trên, có thể thấy rằng, Tòa án ở Vương quốc Anh cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính có phải là một điều khoản phạt hay không. Nếu điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính đó cấu thành một điều khoản phạt thì điều khoản đó không thể thi hành. Đây là một quy tắc quan trọng và lâu đời của luật Anh và do đó vẫn sẽ được áp dụng trong hai vụ việc hiện tại. Một điểm đáng lưu ý là cách thức Tòa án ở Anh xem xét một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính có hợp lý để không bị xem là một điều khoản
phạt hay không. Cụ thể, trong kháng cáo đầu tiên, Cavendish Square Holding BV v. Talal El Makdessi (2015), Tòa án Tối cao cho rằng Cavendish đã mua doanh nghiệp của ông Makdessi với các điều khoản rằng ông sẽ không làm giảm giá trị của nó bằng cách tham gia vào một doanh nghiệp cạnh tranh và những điều khoản đó là nền tảng cho cơ sở thương mại của thỏa thuận. Cavendish có cơ sở để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình bằng thực thi các thỏa thuận, để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Tòa án Tối cao cho biết họ đồng ý rằng nếu ông Makdessi cạnh tranh với doanh nghiệp, cái giá mà Cavendish trả cho ông Makdessi sẽ thấp hơn rất nhiều. Tương tự như vậy, việc mua số cổ phần còn lại của ông Makdessi với mức giá không bao gồm lợi thế thương mại phản ánh thực tế rằng lợi thế thương mại ban đầu được định giá dựa trên giả định rằng ông Makdessi sẽ tuân thủ các điều khoản không cạnh tranh. Tòa án Tối cao cho biết, mặc dù về mặt thương mại, đây có vẻ là những điều khoản khó khăn cho ông Makdessi, tuy nhiên, Cavandish hoàn toàn có đủ cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng việc thi hành chúng.
Trong Đơn kháng cáo Beavis, Tòa án Tối cao cho rằng mặc dù khoản phí
£85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) nhằm ngăn cản người lái xe vi phạm hợp đồng (tức là ở lại quá hạn), nhưng đó không phải là một hình phạt. Sở dĩ như vậy là vì ParkingEye, và cũng là chủ sở hữu bãi đỗ xe, có lợi ích thương mại hợp pháp trong việc ngăn chặn những người lái xe ở lại quá hạn bằng cách tính phí họ. Mối quan tâm của chủ sở hữu bãi đỗ xe là cung cấp và quản lý hiệu quả bãi đậu xe của khách hàng cho các cửa hàng bán lẻ. Tiền lãi của ParkingEye là thu nhập từ khoản phí
£85 (Tám mươi lăm Bảng Anh) đáp ứng chi phí hoạt động của những gì được Tòa án Tối cao coi là một kế hoạch thương mại hợp pháp, cộng với tỷ suất lợi nhuận.
Lý do đằng sau việc áp dụng phí này là hoàn toàn hợp lý và tỷ lệ thuận với lợi ích thương mại của ParkingEye và các chủ sở hữu bãi đỗ xe. Theo đó, nó không bị xem là một khoản phạt. Mở rộng thêm, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh cũng đã củng cố các nguyên tắc rằng: (i) nghĩa vụ thanh toán một số tiền nhất định (như bồi thường thiệt hại ước tính) là thứ yếu; (ii) để xác định liệu một điều khoản có phải là điều khoản phạt hay không, các Tòa án sẽ giải thích chúng một cách khách quan vào thời điểm và hoàn cảnh hình thành hợp đồng - nhưng nếu một số tiền quá cao, tính bất hợp lý hoặc không tương xứng với tổn thất sẽ được coi là hình phạt; và (iii) nếu điều khoản trong hợp đồng là ước tính trước thực sự về tổn thất, thì
nguyên đơn sẽ được hưởng các khoản bồi thường thiệt hại mà không cần phải chứng minh tổn thất thực tế.
Cho đến nay, đường lối xét xử của Tòa án ở Vương quốc Anh về vấn đề bồi thường thiệt hại ước tính vẫn thống nhất. Bên cạnh đó, các phán quyết ngày càng thích ứng với các tranh chấp phức tạp, ví dụ các khoản bồi thường thiệt hại ước tính có được thanh toán đối với công việc chưa được hoàn thành trước khi hợp đồng bị chấm dứt hay không. Câu trả lời được tìm thấy tại Án lệ Triple Point Technology, Inc v. PTT Public Company Ltd (2021)96 sẽ cung cấp thêm cách thức mà Tòa án ở Vương quốc Anh xem xét một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính có hiệu lực.
Án lệ Triple Point Technology, Inc v. PTT Public Company Ltd (2021) Công ty PTT và công ty Triple Point đã ký kết một hợp đồng, theo đó Triple Point sẽ cung cấp phần mềm và các dịch vụ liên quan cho PTT. Các công việc theo hợp đồng được chia thành một số giai đoạn, với mỗi giai đoạn lại được chia thành một số hạng mục nhỏ. PTT sẽ thanh toán cho Triple Point theo các mốc thời gian được quy định trong hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công việc do Triple Point thực hiện tiến triển chậm chạp và cuối cùng rơi vào tình trạng trì hoãn. Cuối cùng, PTT đã từ chối thanh toán trên cơ sở cho rằng Triple Point đã không đạt được các mốc thời gian quan trọng liên quan đến khoản thanh toán đó. Triple Point sau đó đã đình chỉ hợp đồng do không được thanh toán và đến lượt PTT chấm dứt hợp đồng. Trước khi chấm dứt hoạt động, Triple Point đã hoàn thành hạng mục 1 và 2 của giai đoạn 1, nhưng các hạng mục khác vẫn chưa hoàn thành.
Điều khoản bồi thường thiệt hại được xác định có liên quan được cung cấp như sau:
“Nếu Triple Point không thực hiện công việc trong thời gian quy định hoặc trì hoãn thực hiện công việc mà không do lỗi của PTT, Triple Point sẽ chịu trách nhiệm trả tiền phạt theo tỷ lệ 0,1% (không phẩy một phần trăm) công việc cho mỗi ngày chậm trễ tính từ ngày công việc đến hạn cho đến ngày PTT chấp nhận công việc đó…”.
Trong quá trình tố tụng Sơ thẩm, Triple Point đã yêu cầu thanh toán các hóa
96 Case Triple Point Technology, Inc v. PTT Public Company Ltd [2021] UKSC 29.
đơn của mình, phủ nhận rằng việc chấm dứt hợp đồng là hợp pháp và yêu cầu thanh toán giá trị của các dịch vụ đã thực hiện trước khi chấm dứt hợp đồng. PTT phản bác luận điểm về các khoản thanh toán đến hạn và đưa ra yêu cầu phản tố về các khoản bồi thường thiệt hại do chậm trễ và tổn thất và thiệt hại chưa được thanh toán do việc chấm dứt. Nhiều lập luận khác nhau đã được Triple Point đưa ra để phản bác điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính.
Vào tháng 3 năm 2019, Tòa án cấp Phúc thẩm đã xem xét các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ước tính do chậm trễ và cho rằng điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính không được áp dụng khi Triple Point đã chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2020, vụ kiện Triple Point được đưa ra trước Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, nơi các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại ước tính trong hợp đồng này lại một lần nữa được đưa ra xem xét. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng các khoản bồi thường thiệt hại ước tính có được thanh toán đối với công việc chưa được hoàn thành trước khi hợp đồng bị chấm dứt hay không? Và Tòa án Tối cao đã nhất trí với yêu cầu của PTT và buộc Triple Point phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ước tính cho các phần công việc chưa hoàn thành. Phán quyết này được các Thẩm phán quyết định sau khi xem xét kỹ lưỡng nội dung, tính chất của hợp đồng cũng như là các yếu tố về mặt thương mại phát sinh từ hợp đồng giữa các bên.
B. Eggleston sau khi phân tích khái niệm bồi thường thiệt hại quy định tại Vương quốc Anh, tóm tắt các án lệ có liên quan và đi đến kết luận rằng các Tòa án, khi xác định bản chất của điều khoản hợp đồng, sẽ tính đến nhiều trường hợp và khả năng khác nhau. Phần lớn, Tòa án đánh giá các lập luận do các bên đưa ra nhằm mục đích xác định điều khoản bồi thường thiệt hại, xác định tính rõ ràng của điều khoản, xem xét tính không rõ ràng, tính hợp lý của điều khoản đó, căn cứ để tính toán thiệt hại.97 Có thể thấy, các Thẩm phán ở Anh xem xét rất kỹ lưỡng các điều khoản khác trong hợp đồng, ý chí các bên khi thỏa thuận, ngoài ra, các yếu tố thương mại và lợi ích công cộng cũng được xem xét trước khi đi đến kết luận một điều khoản mang bản chất phạt hay bồi thường thiệt hại. Cách thức Tòa án ở Vương quốc Anh xem xét một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính có hiệu lực
97 Brian Eggleston, Liquidated damages and extensions of time: in construction contracts, Blackwell Publishing, Third edition, 2009, p.79.