CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁP LÝ NHẰM GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT LỢI ÍCH TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CTCK
2.1 Thực trạng các biện pháp pháp lý nhằm giải quyết xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK theo pháp luật Việt Nam hiện hành
2.1.2 Nghĩa vụ công bố và bảo mật thông tin trong hoạt động của CTCK
Các quy định chung về nghĩa vụ công bố thông tin trên TTCK được quy định tại Chương VIII Luật Chứng khoán và được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK. Nhìn chung, các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin trong hoạt động của CTCK được quy định trong pháp luật Việt Nam khá tiến bộ và phù hợp với xu hướng phát triển của quy định này trong pháp luật thế giới khi có sự mở rộng nghĩa vụ của CTCK so với các công ty đại chúng thông thường khác. Sự mở rộng nghĩa vụ công bố thông tin của CTCK theo pháp luật Việt Nam được thể hiện ở hai khía cạnh sau:
Thứ nhất, với việc bổ sung khoản 3 Điều 104 Luật Chứng khoán năm 2006 về nghĩa vụ công bố thông tin về các nội dung liên quan đến phương thức giao dịch, đặt lệnh, ký quỹ, thời gian thanh toán, phí giao dịch, các dịch vụ cung cấp và danh sách những người hành nghề của CTCK tại trụ sở chính, chi nhánh của CTCK theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 60/2010/QH12, Pháp Luật về Chứng khoán và TTCK không những buộc CTCK phải công khai một quy trình nghiệp vụ tiêu chuẩn thống nhất nhằm giúp cho nhà đầu tư nắm bắt và phần nào tự kiểm soát được hoạt động của CTCK khi CTCK thực hiện các nghiệp vụ nhân danh nhà đầu tư mà còn tạo ra cơ sở để UBCKNN thực hiện việc giám sát quy trình thực hiện các nghiệp vụ này.
Thứ hai, với quy định về nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK, người hành nghề chứng khoán với khách hàng và các xung đột lợi ích giữa khách hàng với nhau trước khi CTCK cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Thông tư 210/2012/TT-BTC, Pháp luật Việt Nam thể hiện sự tiếp thu kinh nghiệm pháp luật của các nước trên thế giới liên quan đến biện pháp giải quyết xung đột lợi ích trong chế định công bố thông tin bắt buộc, góp phần vào quá trình hài hòa hóa giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật thế giới trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến xung đột lợi ích trong pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế và chưa thể hiện được sự đồng
35
bộ trong các quy phạm liên quan nhằm đảm bảo khả năng thực thi của điều luật: Một là, mặc dù bổ sung quy định về công bố thông tin liên quan đến xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK tại Điều 45 Thông tư 210/2012/TT- BTC nhưng khi liệt kê các thông tin cụ thể mà CTCK phải công bố tại Điều 104 Thông tư này thì Pháp luật lại không bổ sung thêm bất kỳ một nội dung nào liên quan đến vấn đề trên. Điều này làm cho điều luật trở nên hình thức và không có giá trị ràng buộc do không tạo ra được cơ sở để triển khai và xử lý vi phạm. Hai là, việc đưa ra nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến các lợi ích xung đột mà không đi kèm với bất kỳ một hướng dẫn nào về quy trình công bố cũng như không giới hạn các xung đột lợi ích cần công bố vô tình tạo ra sự mâu thuẩn với nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng được quy định tại khoản 2, Điều 73 Luật Chứng khoán năm 2006 hay khoản 6, Điều 45 Thông tư 210/2012/TT-BTC và từ đó tạo cơ hội để CTCK có thể lợi dụng nghĩa vụ này nhằm thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng như đã phân tích ở Phần 1.2.3.2 (Các biện pháp giải quyết xung đột lợi ích liên quan đến nghĩa vụ công bố và bảo mật thông tin của khách hàng). Để các quy định liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin về xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK trở nên có giá trị thực tiễn và tránh bị CTCK lạm dụng, tác giả kiến nghị Bộ Tài chính cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể nhằm giới hạn những trường hợp cần phải công bố thông tin liên quan đến xung đột lợi ích trước khi CTCK cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đồng thời đưa ra quy trình để xác định, ngăn chặn, quản lý và công bố các xung đột lợi ích này (có thể dựa theo quy định trong pháp luật về các công cụ tài chính của các quốc gia là thành viên thuộc Liên minh Châu Âu) chứ không nên quy định theo hướng chung chung như hiện nay.
Đối với các quy định về bảo mật thông tin của khách hàng trong quá trình hoạt động của CTCK, theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Chứng khoán năm 2006;
khoản 6, Điều 45 Thông tư 210/2012/TT-BTC “CTCK có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về khách hàng, trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Đối với riêng nghiệp vụ môi giới chứng khoán, điểm đ, khoản 4 Điều 47 Thông tư 210/2012/TT-BTC cũng quy định: “Khi thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán, CTCK không được tiết lộ nội dung đặt lệnh giao dịch của khách hàng hoặc thông tin bí mật khác có được khi thực hiện giao dịch cho khách hàng mà không phải để công bố thông tin hoặc theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, vì các quy định về bảo mật thông tin khách hàng chỉ dừng lại ở nghĩa vụ “không được tiết lộ thông tin về khách hàng” nên chỉ mới giải quyết được các xung đột lợi ích giữa khách hàng với nhau mà bỏ qua xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK với khách hàng. Với những thông tin mà CTCK có thể thu thập được từ giao dịch với khách hàng, CTCK còn có thể sử dụng nó để phục vụ cho hoạt động đầu tư của mình, việc này cũng xâm phạm đến lợi ích của khách hàng. Do đó,
36
Pháp luật cũng nên mở rộng phạm vi điều luật thành “CTCK có nghĩa vụ không được tiết lộ và sử dụng thông tin về khách hàng” nhằm hạn chế một cách triệt để tất cả các tình huống xung đột lợi ích tồn tại trong trường hợp này. Trên thực tế, pháp luật của một số nước như Nhật Bản57, Hàn Quốc58 đều quy định đồng thời nghĩa vụ không được tiết lộ và nghĩa vụ không được sử dụng thông tin về khách hàng nhằm phục vụ cho việc đầu tư của CTCK chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa vụ “không được tiết lộ thông tin”. Đây là một điểm thiếu sót cần phải bổ sung trong Luật chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ pháp luật về chứng khoán theo quy định của pháp luật, liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin đối với khách hàng, theo Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2006, trong hoạt động của mình, CTCK cũng không được sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ trong hoạt động của CTCK.
Nhìn chung, so với các quy định trước đây thì các quy định về nghĩa vụ công bố, bảo mật thông tin của khách hàng cùng với các quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động của CTCK (như trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng; công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục mua, bán chứng khoán hoặc công bố thông tin không kịp thời, đầy đủ về các sự việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán trên thị trường,…) trong Luật Chứng khoán Việt Nam ngày càng được tăng cường và đạt được hiệu quả nhất định. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì chỉ số mở rộng công bố thông tin trong các quy định của pháp luật Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2013 luôn đạt từ sáu đến bảy (trên tổng số mười điểm) 59. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà lập pháp đối với cơ chế giải quyết xung đột lợi ích bằng biện pháp tăng cường tính minh bạch và công khai của thông tin trên TTCK. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ những hạn chế đã phân tích ở Chương I, việc thực thi các quy định pháp luật này chưa thật sự hiệu quả. Việc chấp hành các quy định về công bố thông tin trong hoạt động của CTCK nhìn chung chỉ dừng lại ở mức độ công bố thông tin như một công ty đại chúng bình thường và pháp luật cũng chưa có cơ chế nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc công bố và bảo mật thông tin khách hàng khi nó xảy ra. Theo báo cáo của Thanh tra UBCKNN, các vi phạm về công bố thông tin của CTCK là một trong những nội dung chủ yếu trong các đơn thư gửi đến UBCKNN phản ánh vi phạm, tranh chấp liên quan đến CTCK năm 2013. Tuy nhiên, các vi phạm về công bố
57 Xem Mục II, Điều 41-2, Mục III, Điều 42-2 Luật Chứng khoán Nhật Bản (Sửa đổi, bổ sung năm 2007).
58 Xem Điều 54, Luật về các dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn Hàn Quốc (Sửa đổi, bổ sung năm 2011).
59 Chỉ số mở rộng việc công bố thông tin của Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2012 luôn đạt 6/10 điểm, năm 2013 tăng lên 7/10 điểm. Xem tại: http://data.worldbank.org/indicator/IC.BUS.DISC.XQ
37
thông tin chủ yếu mà UBCKNN có thể kiểm soát và xử lý được chủ yếu chỉ là vi phạm về thời gian, cụ thể là chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm đã kiểm toán, báo cáo tài chính quý, báo cáo thường niên;... với các nguyên nhân chủ quan do CTCK gặp khó khăn trong hoạt động, thu hẹp nhân sự và khách quan do khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình tài chính dẫn đến chậm trễ trong hoàn thành, ký gửi báo cáo, thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin60. Các vi phạm liên quan đến nội dung công bố thông tin - đặc biệt là công bố các thông tin liên quan đến xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK, cũng như các vi phạm về bảo mật thông tin khách hàng diễn ra khá phổ biến trên thực tế nhưng gần như chưa có trường hợp nào bị xử lý chứng minh cho quan điểm đã trình bày trên đây.