1.4. Trường hợp được bồi thường tổn thất về tinh thần
1.4.3. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
1.4.3.2. Trong hoạt động tố tụng hình sự
Nhà nước thông qua hoạt động tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thông qua hoạt động này, cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết vụ án hình sự mà ở đó số phận pháp lí của một con người sẽ được định đoạt hoặc là tước bỏ ở họ một số quyền hoặc bảo vệ quyền của họ. Mục đích của tố tụng hình sự là xét xử đúng người, đúng tội nhưng cũng không được làm oan người vô tội. Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng đúng qui định của pháp luật thì cũng không tránh khỏi một số trường hợp xâm phạm quyền của công dân mà điển hình là trường hợp làm oan người vô tội. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 6 Luật TNBTCNN qui định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự không có căn cứ về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà chỉ cần có “bản án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo Điều 26 của Luật này và có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra”.
Theo qui định của pháp luật, thì các trường hợp được BTTTVTT:
Thứ nhất, trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù:
Theo khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN và được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC- BNN&PTNT ngày 02/11/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự (Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT), người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp TTVTT do bị xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
31
Mức bồi thường được tính là cứ một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù bằng ba ngày lương tối thiểu áp dụng cho công chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Về cách tính một ngày lương tối thiểu thì tương tự như cách tính ngày lương tối thiểu đối với trường hợp BTTTVTT trong hoạt động quản lí hành chính.
Về thời gian để tính bồi thường thiệt hại, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC- BNNPTNT thì thời gian được tính liên tục, kể từ ngày người bị thiệt hại bị tạm giữ cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp được bồi thường theo qui định của Điều 26 Luật TNBTCNN và hướng dẫn tại Điều 2 của Thông tư này. Trong đó, phải xác định cụ thể số ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, và số ngày được tại ngoại.
Việc xác định thêm số ngày tại ngoại (tạm tha) là phù với thực tiễn vì có trường hợp cá nhân bị tạm giam một thời gian rồi mới được tạm tha, và sau một khoản thời gian tạm tha mới có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định thuộc trường hợp được bồi thường. Và theo Thông tư trên thì thời gian tại ngoại được tính là cứ một ngày tại ngoại bằng một ngày lương tối thiểu. Hơn nữa, thực tế còn xảy ra trường hợp có quyết định giải oan cho người bị thiệt hại nhưng người này mới được trả tự do sau đó một khoản thời gian. Nếu theo qui định trên thì bất lợi cho người bị thiệt hại vì khi có quyết định giải oan một thời gian người này mới thực sự không bị giam. Trong trường hợp này thì trước đây, Toà án tối cao theo hướng tính số lượng ngày được BTTTVTT từ ngày giam giữ đến ngày thực tế được trả tự do54.
Sau khi xác định được số ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, số ngày tại ngoại, và một ngày lương tối thiểu thì số tiền được BTTTVTT trong trường hợp này là:
Số tiền được bồi thường = (số ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù x 3 + số ngày tại ngoại) x một ngày lương tối thiểu.
Hơn nữa, nếu trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù mà người bị thiệt hại bị tổn hại về sức khoẻ thì ngoài khoản tiền trên, người này còn được bồi thường một khoản tiền bù đắp TTVTT do sức khoẻ bị xâm phạm (theo khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-
54. Đỗ Văn Đại, Nguyễn Trương Tín (2014), Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 181.
32
BTP-BQP-BTC-BNNPTNT). Mức bồi thường sẽ “căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá 30 tháng lương tối thiểu” (theo khoản 4 Điều 47 Luật TNBTCNN).
Nhưng nếu người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì tuỳ từng trường hợp mà quyết định mức bồi thường.
+ Theo khoản 3 Điều 47 Luật TNBTCNN, thì mức bồi thường là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước qui định tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu họ chết không phải do lỗi của chính họ hoặc không do sự kiện bất khả kháng. Như vậy, trường hợp này thì thân nhân của họ được bồi thường một khoản tiền chung và duy nhất là 360 tháng lương tối thiểu do Nhà nước qui định tại thời điểm giải quyết bồi thường55. Có thể thấy, mức bồi thường không phụ thuộc vào mức độ TTVTT của thân nhân người bị thiệt hại và thời gian mà người bị thiệt hại bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
+ Nếu trong thời gian này, họ chết do lỗi của chính họ hoặc do sự kiện bất khả kháng thì mức bồi thường được tính theo qui định tại khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN56. Tức là trong trường hợp này, cái chết của người bị thiệt hại là do lỗi của họ hoặc do sự kiện bất khả kháng nên đã miễn trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với TTVTT phát sinh khi tính mạng bị xâm phạm (theo khoản 3 Điều 6 Luật TNBTCNN). Tuy nhiên, do danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ đã bị xâm phạm trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Cho nên, mức BTTTVTT trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như đã phân tích ở phần trên.
+ Người được bồi thường trong trường hợp này chính là thân nhân của người bị thiệt hại. Những người được xem là thân nhân và điều kiện được bồi thường được qui định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT. Có thể thấy, qui định này cũng giống với qui định về người được BTTTVTT trong hoạt động quản lí hành chính khi người bị thiệt hại chết.
Thứ hai, trường hợp người bị thiệt hại không bị xâm phạm quyền tự do, tức là bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam thì họ được bồi thường một khoản tiền được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo theo qui định tại khoản 5 Điều 47 Luật TNBTCNN. Thời gian để tính
55. Xem điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BQP-BTC-BNNPTNT.
56. Xem điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-
BQP-BTC-BNNPTNT.
33
bồi thường kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường theo qui định tại khoản 3 Điều 26 Luật TNBTCNN (tức là có bản án, quyết định xác định họ không thực hiện hành vi phạm tội).