Trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần theo pháp luật dân sự việt nam (Trang 46 - 50)

1.5.1. Theo qui định của Bộ luật Dân sự năm 2005 Thứ nhất, gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.

Khái niệm sự kiện bất khả kháng được qui định tại khoản 1 Điều 161 BLDS 2005: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, để được xem là sự kiện bất khả kháng thì sự kiện đó phải thoả mãn các điều kiện sau:

+ Sự kiện này phải xảy ra một cách khách quan. Tức là sự kiện này xảy ra hoàn toàn nằm ngoài ý chí và sự tác động của người gây thiệt hại.

+ Sự kiện xảy ra không thể lường trước được. Tại thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại, người gây thiệt hại không có lí do gì để nghĩ rằng sự kiện đó có thể xảy ra. Sự kiện này xảy ra một cách bất ngờ, nằm ngoài sự suy đoán của người gây thiệt hại.

+ Người gây thiệt hại không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nghĩa là tại thời điểm xảy ra sự kiện này, trong khả năng của mình, người gây thiệt hại đã sử dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thể khắc phục được. Do đó, đã thực hiện hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, và gây nên những TTVTT. Việc đánh giá này phải là “tuyệt đối với tất cả mọi người, tức là phải xem xét không những bị đơn mà bất luận một người nào khác, nếu được đặt vào tình trạng đó có thể tiên liệu được và khắc phục được không”57.

Thứ hai, gây thiệt hại do tình thế cấp thiết.

Tình thế cấp thiết là một trong những tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi được qui định tại Điều 16 Bộ luật hình sự năm 1999 – sửa đổi,

57. Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2013), tlđd (11), tr. 465 – 466.

36

bổ sung năm 2009 (BLHS). Theo đó, hành động trong tình thế cấp thiết mặc dù đã gây ra một thiệt hại nhất định nhưng việc gây thiệt hại đó là để bảo vệ lợi ích lớn hơn nên hành vi đó không được xem là tội phạm. Về trách nhiệm dân sự, cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì khoản 1 Điều 614 BLDS 2005 qui định: “Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Khái niệm tình thế cấp thiết không được ghi nhận tại Điều 614 BLDS 2005, nhưng có thể xem xét khái niệm này tại khoản 1 Điều 262 BLDS 2005. Theo đó thì

“tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”. Để được xem là tình thế cấp thiết thì phải thoả mãn các điều kiện sau:

+ Điều kiện về tính chất của sự nguy hiểm

Ở đây, phải có sự nguy hiểm đáng kể, đe doạ đến lợi ích của người gây thiệt hại hoặc của chủ thể khác. Và “lợi ích bị đe doạ có thể là về tài sản, sức khoẻ, tính mạng hay lợi ích hợp pháp khác”58. Sự nguy hiểm này có thể do các nguồn nguy hiểm khác nhau, không chỉ do con người gây ra mà còn có thể do thiên nhiên như bão lụt, hạn hán, … hoặc súc vật gây ra. Hơn nữa, “sự nguy hiểm này phải sắp xảy ra ngay tức khắc hoặc đang xảy ra”59. Tức là sự nguy hiểm này phải đang tồn tại trên thực tế, nghĩa là đã bắt đầu, đang diễn ra nhưng chưa kết thúc hoặc là sự nguy hiểm chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra ngay tức khắc.

+ Điều kiện về tính chất của hành vi khắc phục

Khi “nguy cơ đang thực tế đe doạ” thoả mãn những điều kiện về tính chất của sự nguy hiểm thì người đang trong tình thế cấp thiết có quyền hành động bằng cách gây ra một thiệt hại nhất định. Tuy nhiên, việc gây thiệt hại phải là biện pháp cuối cùng và duy nhất. Tức là người gây thiệt hại có sự đánh giá, cân nhắc, và lựa chọn các giải pháp để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó thì căn cứ vào những điều kiện khách quan và khả năng chủ quan của họ thì không còn sự lựa chọn nào khác là phải gây ra một thiệt hại để bảo vệ một lợi ích hợp pháp khác lớn hơn. Và lợi ích bị gây thiệt hại phải nhỏ hơn lợi ích cần bảo vệ. Đối với trách nhiệm BTTTVTT, thiệt hại bị hi sinh trong tình thế cấp thiết là TTVTT phát sinh từ thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, thi thể của chủ thể khác.

58. Đỗ Văn Đại (2014), tlđd (16), tr. 163.

59. Hoàng Thế Liên (chủ biên) (2013), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005 (tập I), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 604.

37

Thứ ba, gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng.

Tính chất loại trừ trách nhiệm BTTTVTT được thừa nhận tại khoản 1 Điều 613 BLDS 2005: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Tuy nhiên, BLDS hoàn toàn không có qui định thế nào là phòng vệ chính đáng, mà khái niệm này được qui định tại Điều 15 BLHS. Theo đó thì “phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có các hành vi xâm phạm các lợi ích trên”. Như vậy, một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng, trước hết người thực hiện hành vi phải có quyền phòng vệ và phải phòng vệ trong phạm vi và giới hạn nhất định.

Quyền phòng vệ của người gây thiệt hại phát sinh khi hội đủ các điều kiện sau:

+ Phải có hành vi tấn công trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của bản thân người phòng vệ hoặc lợi ích của người thứ ba.

+ Hành vi tấn công phải đang hiện hữu tức là phải đang xảy ra hoặc đe doạ xảy ra ngay tức khắc và cũng được xem là phòng vệ chính đáng nếu “có hành động ngăn chặn xảy ra sau khi hành vi tấn công đã kết thúc nếu hành động ngăn chặn đi liền ngay sau hành vi tấn công và có khả năng khắc phục thiệt hại. Ví dụ: người bị cướp giật tài sản đuổi đánh người phạm tội để lấy lại tài sản”60.

Khi hành vi tấn công thoả mãn hai điều kiện trên thì người gây thiệt hại phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, và có quyền thực hiện hành vi chống trả. Nhưng để không phải chịu trách nhiệm bồi thường thì hành vi chống trả của người gây thiệt hại phải thoả mãn hai điều kiện sau:

+ Hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công, nhằm gạt bỏ tính chất nguy hiểm của hành vi tấn công.

+ Hành vi phòng vệ phải trong giới hạn phòng vệ chính đáng, tức là hành vi đó phải cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Được xem là “cần thiết” nếu trong hoàn cảnh đó, với những điều kiện khách quan và chủ quan của người gây thiệt hại thì việc thực hiện hành vi chống trả là sự lựa chọn cuối cùng để ngăn chặn thiệt hại xảy ra cho chính mình hoặc cho chủ thể khác. Hơn nữa, sự “cần thiết” không nhất thiết phải có sự tương đồng về mức độ thiệt hại mà hành vi tấn công và hành vi phòng vệ gây ra mà phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, với sự đánh giá, xem xét nhiều yếu tố thì hành vi chống trả đó là cần thiết để ngăn chặn, gạt bỏ sự tấn công.

60. Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2010), Tập bài giảng Luật hình sự Việt Nam (phần chung), tr.

191.

38

Như vậy, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong giới hạn phòng vệ chính đáng, mặc dù có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ… của chủ thể khác (người có hành vi tấn công) nhưng hành vi đó không được xem là hành vi trái pháp luật, nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, về nguyên tắc chung, thì trách nhiệm BTTTVTT cũng không đặt ra.

Thứ tư, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

Theo qui định tại Điều 617 BLDS 2005, nếu người gây thiệt hại chứng minh thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Và nếu có TTVTT thì trách nhiệm BTTTVTT không phát sinh.

Lỗi được hiểu theo tinh thần của Điều 617 BLDS là “lỗi trong việc gây thiệt hại”61. Người gây thiệt hại có thể có hành vi trái pháp luật nhưng không có lỗi đối với thiệt hại xảy ra. Mà lỗi ở đây thuộc về người bị thiệt hại, họ mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng cố ý thực hiện hành vi gây ra thiệt hại cho chính bản thân mình. Và thiệt hại xảy ra có mối quan hệ nhân quả với hành vi của người bị thiệt hại.

Ví dụ: Một người cố ý lao vào một chiếc xe ô tô đang chạy trên đường. Trong trường hợp này, có thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, từ đó có những TTVTT nhưng người điều khiển xe không phải chịu trách nhiệm BTTTVTT, vì thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

1.5.2. Theo qui định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009

Khoản 3 Điều 6 Luật TNBTCNN qui định các trường hợp mà Nhà nước không phải bồi thường thiệt hại nói chung. Trong khi đó, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất và trách nhiệm BTTTVTT.

Cho nên, các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại khoản 3 Điều 6 cũng được áp dụng cho trách nhiệm BTTTVTT của Nhà nước.

Như vậy, theo qui định trên thì các trường hợp không phải BTTTVTT:

Thứ nhất, thiệt hại xảy ra là do lỗi của người bị thiệt hại. Mặc dù căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không cần yếu tố lỗi của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, nếu TTVTT xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường. Chẳng hạn, A bị đưa vào cơ sở giáo dục nhưng không chăm chỉ học tập mà thường xuyên gây sự với B. Vì có mâu thuẫn lâu ngày nên A đã đánh nhau với B. Hậu quả là A bị thương tích 19%, B là 31%.

61. Hoàng Quảng Lực (2008), “Bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại sức khoẻ bị xâm phạm khi người bị thiệt hại có hành vi trái pháp luật”, Tạp chí Kiểm sát, (17), tr. 32.

39

Như vậy, A bị thiệt hại về sức khoẻ, từ đó dẫn đến những TTVTT hoàn toàn do lỗi của A (A chủ động gây sự và đánh nhau với B), mà không phải do lỗi của cán bộ, công chức nhà nước trong khi thi hành công vụ. Nên Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại đã xảy ra.

Thứ hai, thiệt hại xảy ra là do người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc. Chứng cứ hay tài liệu là những căn cứ để giúp người thi hành công vụ dựa vào đó mà có thể đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Hành vi che giấu, cung cấp tài liệu, chứng cứ mà biết rõ là sai sự thật là hành vi cố ý của người bị thiệt hại. Và mặc dù cơ quan nhà nước đã thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, đánh giá đúng theo qui định của pháp luật nhưng vẫn không thể phát hiện tính gian dối của những chứng cứ, tài liệu đó. Do vậy, nếu có thiệt hại xảy ra thì người bị thiệt hại hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đó.

Thứ ba, người thi hành công vụ gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hay tình thế cấp thiết. Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã giải thích cụ thể nội hàm của sự kiện bất khả kháng và tình thế cấp thiết:

+ Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng là thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

+ Thiệt hại xảy ra do tình thế cấp thiết là thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần theo pháp luật dân sự việt nam (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)