1.2. Phân định nội dung nghiên cứu về quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại
1.2.3. Nội dung quản lý huy động vốn của ngân hàng thương mại
Lập kế hoạch HĐV của NHTM là việc các NHTM xây dựng các mục tiêu cho hoạt động HĐV, đề ra chỉ tiêu HĐV cho các đơn vị, phòng ban và nhân viên, đồng thời đề ra các phương pháp, công cụ và cách thức để thực hiện mục tiêu đó.
Dựa trên định hướng phát triển và các mục tiêu kinh doanh, NHTM xây dựng kế hoạch HĐV để đảm bảo thực hiện nhanh, có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra. Kế hoạch HĐV là một hoạt động mang tính quá trình và cũng là công cụ mà các nhà quản trị NHTM sử dụng trong quản lý HĐV. Nếu trong dài hạn, NHTM tiến hành xây dựng chiến lược HĐV thì trong ngắn hạn, NHTM sẽ xây dựng các kế hoạch và chính sách HĐV phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng thời kỳ.
Chiến lược HĐV
Khách hàng là đối tượng quan trọng mà chiến lược HĐV của NHTM hướng tới. Kết quả hoạt động HĐV có hiệu quả hay không là phụ thuộc rất lớn vào đối tượng khách hàng của ngân hàng. Bởi thế, chiến lược HĐV của NHTM phải gắn chặt với đối tượng khách hàng mà ngân hàng hướng tới.
Với vai trò định hướng, vai trò là kim chỉ nam cho hoạt động HĐV của NHTM, chiến lược HĐV sẽ quyết định hiệu quả quản lý vốn, hiệu quả của nguồn vốn đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chiến lược HĐV cũng là một trong những công cụ mà quản lý HĐV rất cần đến.
Chiến lược HĐV của NHTM bao gồm các mục tiêu chiến lược và phương thức cơ bản để thực hiện mục tiêu HĐV cho NHTM trong thời gian dài. Thông thường, các NHTM xây dựng chiến lược HĐV trong thời gian từ 03 đến 05 năm.
Thêm vào đó, NHTM sẽ chọn chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng vốn huy động là mục tiêu chiến lược; chọn các phương thức cạnh tranh đa dạng để hình thành nên phương thức chiến lược chung cho NHTM trong cả giai đoạn.
Kế hoạch HĐV
Về bản chất, kế hoạch HĐV và chiến lược HĐV đều hướng tới việc đặt mục tiêu và xác định phương pháp chung trong hoạt động HĐV. Tuy nhiên, nếu như chiến lược HĐV là xác định mục tiêu và phương pháp trong thời gian dài, các
phương pháp, cách thức mang tính tổng quát, thì kế hoạch HĐV là xác định mục tiêu và phương pháp, cách thức trong thời gian ngắn (thường là 01 năm), các biện pháp và hành động đưa ra rất cụ thể và chi tiết. Theo đó, các chi nhánh sẽ được phân bổ chi tiết kế hoạch theo kế hoạch chung của Hội Sở đối với các giai đoạn ngắn hơn, có thể là theo quý hoặc theo tháng.
Các chỉ tiêu đưa ra trong kế hoạch HĐV hàng năm bao gồm chỉ tiêu về quy mô vốn. Chỉ tiêu này có thể được phân nhỏ ra theo quý hoặc theo tháng, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc dễ dàng trong triển khai và kiểm soát.
Chính sách HĐV
Khác với chiến lược HĐV, chính sách HĐV tác động đến HĐV theo một cách khác, ngắn hạn và cụ thể hơn. Chính sách HĐV là cách thức xử lý một vấn đề nào đó trong quá trình hoạt động HĐV. Có thể là giá, chất lượng hay quy mô.
Hệ thống chính sách tác động trực tiếp đến HĐV bao gồm:
- HĐV với quy mô, cơ cấu, kỳ hạn, lãi suất ra sao, việc huy động và sử dụng vốn phù hợp như thế nào. Các phương thức HĐV có thể là tiền gửi. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của NHTM.
- Chính sách sản phẩm, dịch vụ: Đây là nhóm các chính sách có liên quan đến chất lượng, quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHTM. Đó cũng có thể là các chính sách đối với sản phẩm, dịch vụ truyền thống, cũng có thể là chính sách đối với sản phẩm, dịch vụ mới.
- Chính sách giá cả của sản phẩm, dịch vụ: Chính sách này bao gồm các chính sách như chính sách lãi suất, chính sách chi phí dịch vụ, chính sách chiết khấu. NHTM sử dụng hệ thống các chính sách này, có thể đơn lẻ, có thể kết hợp để tác động vào hoạt động HĐV, giúp cho NHTM gia tăng thu hút vốn và gây dựng nguồn vốn dồi dào, ổn định.
Với mỗi nguồn huy động khác nhau thì các NHTM lại có các chính sách khác nhau, dùng để thu hút vốn. Chẳng hạn như tập trung vào quảng bá, truyền thông, lãi suất, danh mục dịch vụ và chính sách khsc liên quan đến mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng.
1.2.3.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch huy động vốn
Tổ chức thực hiện kế hoạch HĐV là các hoạt động, các chương trình hành động mà NHTM tổ chức để nhằm đạt được mục tiêu HĐV đã đề ra trong kế hoạch HĐV hàng năm.
Căn cứ vào các nguồn lực được phân bổ trong chiến lược và kế hoạch HĐV, giai đoạn tổ chức thực hiện HĐV sẽ là các hoạt động cụ thể và thực tế nhất để triển khai kế hoạch HĐV.
Các hoạt động bao gồm sắp xếp bộ máy, mô hình tổ chức; triển khai HĐV đối với các đối tượng khách hàng đã xác định; theo dõi và thực hiện chăm sóc khách hàng gửi vốn.
Một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tổ chức thực hiện HĐV đó là phân bổ chỉ tiêu về các phòng ban, bộ phận trong NHTM. Đảm bảo mọi cán bộ nhân viên của NHTM đều được giao chỉ tiêu, đều nhận thức rõ về vai trò của nguồn vốn huy động với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Trong các hoạt động tổ chức thực hiện HĐV, các nhà quản trị NHTM sử dụng các công cụ là văn bản hành chính, cụ thể là các quyết định, thông báo, văn bản hướng dẫn thực thi với những nội dung chi tiết để toàn bộ nhân viên ngân hàng nắm được nhiệm vụ, chức trách, đồng thời nhà quản trị NHTM cũng căn cứ vào đó để tiến hành kiểm tra và giám sát.
Đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng, hoạt động HĐV luôn hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sử dụng vốn và ngược lại. Khi NHTM cân đối được hai hoạt động chủ đạo này thì hoạt động kinh doanh sẽ vô cùng thuận lợi.
Chính vì vậy, theo dõi tình hình, đánh giá kết quả, điều chỉnh hoạt động phù hợp thực tiễn chính là những nhiệm vụ quan trọng của các nhà quản lý NHTM cần hoàn thành tốt để chiến lược và kế hoạch HĐV đạt được hiệu quả cao nhất.
1.2.3.3. Kiểm soát huy động vốn
Kiểm soát HĐV là giai đoạn cuối của chu trình quản lý HĐV. Đây là hoạt động của các cán bộ quản lý có chức năng kiểm soát và đánh giá, theo đó, các cán bộ quản lý sẽ thường xuyên rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ HĐV và tiến hành xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, các cán bộ nhân viên.
Công tác kiểm soát là hoạt động cần được diễn ra thường xuyên và thực hiện xuyên suốt trong hoạt động HĐV. Tuỳ vào đặc điểm tình hình và đặc trưng của các chi nhánh mà NHTM áp chỉ tiêu HĐV cho các đơn vị trực thuộc. Kèm theo đó, các đơn vị trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động HĐV của đơn vị mình để Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc nắm được, đồng thời đề ra các chính sách phù hợp.
Thật vậy, kiểm soát HĐV là quá trình nổi bật với các hoạt động như theo dõi, giám sát quá trình thực hiện HĐV NHTM. Việc theo dõi cần đi kèm với việc xây dựng báo cáo, giải trình về nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đó. Qua những trình bày và phân tích trong báo cáo, bộ phận phụ trách kiểm soát và đánh giá tiến hành so sánh kết quả đạt được với chỉ tiêu được giao, phân tích nguyên nhân của thành công/hạn chế để hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc xem
xét, phê chuẩn. Nội dung báo cáo kiểm soát, đánh giá chính là căn cứ để NHTM đưa ra những đối sách phù hợp, kịp thời ứng biến và điều chỉnh hoạt động HĐV, đảm bảo thực hiện mục tiêu đã đề ra.